Nói chuyện "trạng" mua vui hay cầu mưu lợi?

Truyện cười dân gian Trạng Quỳnh: 
Văn hóa tiểu nông hay tư duy trạng không biết cái nào ra đời trước cái nào ra đời sau, nhưng có lẽ, nó sẽ còn mãi song hành cùng với đời sống.

Cuộc sống vốn là một sự vận động và chuyển hóa không ngừng, nhưng đều có quy luật riêng, nếu bất tuân hoặc biến đổi quá đà, mọi sự vật hiện tượng đều không còn là chính nó nữa. Văn hóa tiểu nông và tư duy trạng cũng vậy!

Mùa xuân đã về, hãy bắt đầu mùa xuân từ niềm vui và nụ cười sảng khoái. Người Việt da vàng bao đời nay… rất thích cười, rất thích đọc về trạng, kể về trạng để được cười, để được thêm yêu đời, để lạc quan mà trường tồn.

Xưa, truyện về Trạng thường có mô tip sau:

Một là, con nhà nghèo thông minh hơn con nhà giàu,

Hai là, học trò nghèo thông minh hơn thầy đồ, quan lại, vua chúa,

Ba là, sứ giả nước ta bao giờ cũng thông minh hơn sứ giả phương Bắc.

Vì sao vậy? Đây là những biểu hiện tư tưởng đặc thù của nền văn minh lúa nước, của bản sắc văn hóa tiểu nông. Nó đại diện cho sự khát khao thay đổi, khát khao công bằng của ông cha ta trước những bất công, áp bức, đè nén thường nhật từ các thế lực cai trị và ngoại bang tồn tại dai dẳng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Văn hóa tiểu nông, tư duy trạng đến giờ vẫn sống mãi trong con người Việt Nam như là sự tất yếu. Bởi, ngày xưa cho đến bây giờ đa phần dân số nước ta vẫn là nông dân, đa phần vẫn ở nông thôn, đa phần vẫn con trâu là đầu cơ nghiệp.

Ngay cả ở các đô thành sầm uất, văn hóa tiểu nông và tư duy trạng vẫn còn phảng phất hiện diện khắp nơi, khắp mọi mặt trong cuộc sống, từ góc nhà, xó chợ cho tới đại lộ, công viên, công sở, sân khấu, truyền hình. Từ người già em bé cho đến đàn bà đàn ông.., từ thương trường khốc liệt cho đến chính trường khắc nghiệt.

Có rất nhiều nhà nhận định cho rằng chính văn hóa tiểu nông làm kìm hãm sự phát triển, là nguyên nhân chính gây ra sự lạc hậu của đất nước. Thật ra, như mọi chuyện trên đời, bản chất văn hóa tiểu nông không có lỗi, nhưng sự phá vỡ nền tảng cơ bản của nó khiến nó suy sụp, tan vỡ và bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Và tư duy "nói trạng" cũng vậy, nếu chỉ dừng ở mức độ “nước mắt nụ cười” đem lại sự giải trí, giải tỏa căng thẳng, giúp người thưởng thức có được giấc ngủ ngon lành thì tốt quá. Nhưng nếu “nói trạng” để mà mưu lợi… thì nó trở thành công cụ để cản trở, triệt tiêu các tiêu chí tiến bộ, công bằng, văn minh.

Người dân chắc vẫn chưa quên được một số "ông trạng hiện đại" được phong danh hiệu hẳn hoi, nhưng thực chất là... lấy công người khác làm công mình.

Người dân chắc vẫn chưa quên được các ông trạng quý tử tuổi nhỏ tài cao với “hàng chục sổ đỏ, sổ hồng trong tay”, dám tự ý “lấn chiếm đất công, đất rừng để xây biệt thự, biệt phủ”… mà người cha chức cao vọng trọng không hề hay biết?

Người dân chắc vẫn chưa quên được một chương trình truyền hình thực tế nhân danh sự cao đẹp của đạo đức con người để rồi mua “giọt nước mắt khán giả” bằng chính sự… dối trá và thiếu chuyên nghiệp của những người tổ chức, sáng tạo ra nó.

Người dân chắc vẫn chưa quên được ông trạng Phó Giáo sư, Tiến sĩ đề xuất “luật chạy chức, chạy quyền” để rồi vạ miệng và từ đó, dư luận có quyền nghi vấn về thực học của chính ông ta. Không biết ông ta làm quan vì mục đích gì: Thực tài, thực tốt hay thực tiền?

Ngẫm nghĩ những điều trên, không thể không buồn cười, nhưng cười… không nổi. Đó mới chính là biểu hiện của tư duy “nói trạng”, của “văn hóa tiểu nông” nhưng bị biến hình, bị rạn nứt, lại tiêm nhiễm vào những nhân vật được mang tiếng là có ăn có học khiến cho tấn trò trở nên lố lăng, bi kịch.

Văn hóa tiểu nông hay tư duy trạng không biết cái nào ra đời trước cái nào ra đời sau, nhưng có lẽ, nó sẽ còn mãi song hành cùng với đời sống.

Tết cổ truyền sắp đến, chính văn hóa tiểu nông làm cho không khí tết thêm sum vầy ấm cúng, chính cái tư duy trạng khiến nhà nhà người người nghe được những lời chúc ngọt ngào êm tai mát ruột, hứa hẹn những điều thịnh vượng an lành trong năm mới.

Mùa xuân bao giờ cũng tuyệt, khí tiết thật trong lành, vạn vật đua nhau đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc thắm.., nhưng nếu phá vỡ nền tảng văn hóa và tư duy ấy đi thì chỉ còn lại nắng oi bức, lá rụng rơi đầy, lạnh thấu xương buốt thịt… và đó chưa bao giờ là biểu hiện của mùa xuân!

Ngày xuân cứ nên nói trạng, nói trạng là để làm vui thôi mà!

Previous Post
Next Post