Chưa năm nào mà Việt Nam “được mùa” hoa hậu (HH) như năm 2017. Vừa hết HH Hòa bình thế giới thì đến chung kết HH Đại dương Việt Nam, tiếp là HH Hoàn vũ Việt Nam. Chưa kể trên đấu trường HH quốc tế hiện có một “em” đang thi, và vài “em” khác chuẩn bị lên đường tham dự…
Tưởng chừng như đã có một sự nâng tầm văn hóa Việt trên đấu trường sắc đẹp, nhưng nhìn lại, đang diễn ra cảnh “lọt sàng xuống nia”, HH Việt giờ nhiều đến nỗi vàng thau lẫn lộn, nhiều giá trị ảo lên ngôi. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, khi Việt Nam (VN) thi HH (hay người đẹp, hoa khôi) chỉ vài cuộc trong năm hay 2 năm mới “đến hẹn lại lên” thì gần như các HH đều được chọn lọc kỹ, tương đối hoàn hảo về sắc – tài – trí – đức…, ít scandal.
Nhưng mấy năm gần đây thì những cuộc thi HH và người đẹp, hoa khôi…, quy chuẩn ngày càng thấp dần. Gần như các tân HH kém sắc, kém tài dần, đôi khi kiến thức văn hóa, ứng xử xã hội cũng khập khiễng, hổng hụt, thậm chí “rỗng”.
Nhiều HH để làm gì, nếu như không phục vụ cộng đồng như việc thiện nguyện, là sứ giả ngoại giao văn hóa quốc gia, mà ngược lại, chỉ như những show kiếm ảo vọng danh tiếng, tiền bạc của một bộ phận các cô gái trẻ và giới chủ showbiz Việt, các công ty giải trí…?
“Ma trận” hoa hậu và scandal
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, VN đã có tới gần 20 HH, người đẹp, hoa khôi đoạt các thể loại danh hiệu tại các cuộc thi trong và ngoài nước: Khánh Ngân đăng quang Hoa khôi Du lịch VN 2017; Phạm Anh Thư đăng quang HH tại Miss Beauty Woman – Thái Lan; Lưu Hoàng Trâm đăng quang HH tại Mrs Universe – Nam Phi; Lâm Hải Vi giành danh hiệu HH Ms Universe Business 2017 tại Nhật Bản; Hoàng Thủy đăng quang HH Ms Vietnam World Business 2017; Nguyễn Dương Tiểu Vy đoạt danh hiệu “Người đẹp xứ Trà”; Hoàng Thu Thảo đăng quang Miss Global Beauty Queen 2017 tại Hàn Quốc; Lê Âu Ngân Anh vừa đăng quang HH Đại Dương 2017, và đêm 4/1 sẽ có thêm một tân HH Hoàn vũ VN vào danh sách HH ở VN…
Chưa kể, còn có 7 người đẹp Việt được cấp phép là đại diện duy nhất của VN tại các cuộc thi nhan sắc danh giá của thế giới. Có nhiều ứng viên HH, gần như không làm gì ngoài việc “săn” các cuộc thi HH, người đẹp, hoa khôi… để đi thi và quyết đoạt giải.
Mấy năm gần đây, gần như cuộc thi HH, hoa khôi, người đẹp… nào cũng dính scandal hay sự cố gây lùm xùm. Nhỏ thì chỉ là vài sự vụ lặt vặt như chuyện kiện tụng nhau về học vấn (HH chưa tốt nghiệp phổ thông trung học), hay khai gian vài chi tiết (đã kết hôn, bị đánh ghen…), hoặc phạm quy do vô tình (đã từng thi HH chui…), lớn hơn và thường gây lùm xùm là những chuyện hậu trường thiếu minh bạch của ban giám khảo như chuyện biết trước kết quả, hay có những ưu tiên cho vài thí sinh “ruột”, hoặc tham lam quá nên trao giải như “mặt trận”…
Ví dụ như chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân VN” diễn ra vào năm 2016, 50 thí sinh, có tới 33 doanh nhân đoạt 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi. Hay năm 2014, khi vừa đoạt danh hiệu “Người đẹp hình thể” của “Nữ hoàng sắc đẹp VN”, người đoạt giải đã ngay lập tức vứt dải băng danh hiệu mình có được vào xe rác vì không phục cách chấm của giám khảo, bởi đã có sự mua bán giải diễn ra (sau truyền thông đã khui ra vụ việc và các người đẹp đăng quang tại cuộc thi này cũng lẳng lặng im hơi).
Gần nhất là cuộc thi “HH Đại dương VN” vừa diễn ra, đã gây “bão” trong công chúng và cư dân mạng bởi nhan sắc của tân HH rất khó chấp nhận là “nhan sắc HH”, chưa kể đang dấy lên nghi ngờ phạm quy chế – vẻ đẹp tự nhiên, rồi biết trước giải, tài chính cũng bất minh, đối xử thiếu công bằng với các thí sinh miền xa…
Ngoài sự cố, scandal, thì HH VN xem ra vẫn chưa tròn vai sứ mạng phục vụ cộng đồng của mình, như mục đích hướng tới của các cuộc thi HH. Phần lớn sau khi đội vương miện đăng quang, các HH nếu không tiến vào giới showbiz, thì cũng chỉ như một “vật” trang trí cho các sự kiện của các nhãn hàng hóa, tệ hơn, nhiều HH trở thành “người thứ ba” của một đại gia giàu có, hoặc “sống” tầm gửi vào một thiếu gia con nhà…, thậm chí làm gái bán “vốn tự có” của mình cho những kẻ lắm tiền mua vui.
Kiến thức văn hóa, xã hội của hoa hậu Việt ngày càng thấp
Như một công thức kiểu “văn mẫu”, các cuộc thi HH (người đẹp, hoa khôi) đều có một tập “bảo bối” gồm các câu hỏi – trả lời ứng xử để các thí sinh HH học thuộc lòng, đã có cuộc thi mà màn ứng xử cuối cùng trở nên một scene hí kịch khi cả 5 ứng viên trả lời 1 câu hỏi với nội dung y hệt nhau vì cùng thuộc lòng một đáp án. Vậy nhưng ngay cả thuộc lòng thì bây giờ cũng khó, khá nhiều ứng viên HH ở vòng ứng xử cuối cùng đã có những câu trả lời ngô nghê, ngốc nghếch, cười ra nước mắt vì kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội gần như chẳng có hiểu biết gì, hoặc “đầu Ngô mình Sở”…, dù trình độ học vấn đại đa số là sinh viên đại học.
Chưa kể, các ứng viên HH đa phần tham dự đều mong một sự “đổi đời” cho bản thân, gần như không có ai nghĩ rằng lấy “danh phận” HH để phục vụ cộng đồng, để làm một đại sứ ngoại giao văn hóa VN. Ngay cả với các HH được cử đi tham dự các cuộc thi HH quốc tế, cho dù luôn gắn với một sứ mạng mang văn hóa truyền thống dân tộc Việt giao lưu với bạn bè, thì đó cũng rất mờ nhạt, ngoài bộ trang phục dân tộc (mà luôn bị đàm tiếu vì chất dân tộc không rõ ràng), một điệu múa Việt (mà rất nhiều lần không biểu diễn được vì trục trặc sao đó ở Ban tổ chức), một vài vật phẩm văn hóa thủ công mỹ nghệ như món đồ chơi cho trẻ không giá trị nghệ thuật cao… Thực chất, các HH lấy đây là một dịp để nâng tầm giá trị bản thân (nếu tham gia sự kiện mà gắn “mác” HH quốc tế thì cát sê cao hơn HH trong nước hay những người đẹp không “danh phận”), vì thế nhiều HH chấp nhận nộp phạt, để thi chui các cuộc thi sắc đẹp thế giới.
Có nên thắt chặt số lượng và chất lượng hoa hậu?
Ở VN, hay có kiểu “xây nhà từ nóc”. Y như khi “mở cửa”, trước đây, một vài năm mới có một cuộc thi sắc đẹp quốc gia, khi ấy cho dù các tiêu chuẩn chưa gắt gao, chưa “chuẩn” theo quốc tế, thì các nhan sắc Việt mang danh hiệu HH đều khá tinh lọc, đều khá toàn vẹn công – dung – ngôn – hạnh. Nhưng rồi, càng “mở cửa” thì càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp, đến không thể nhớ là có bao nhiêu cuộc thi trong năm, thi HH, người đẹp, hoa khôi dần trở nên một showbiz mang tính giải trí nhiều hơn. Cũng vì quá nhiều cuộc thi mà các ứng viên chất lượng cứ dần giảm, không những thế còn phải “vơ vét” vì ứng viên “không kịp lớn” đủ tuổi để đi thi. Các cuộc thi HH, hoa khôi ở ta chủ yếu chọn những nhan sắc “non”. Công việc chủ yếu sau khi đăng quang HH chỉ là đi dự sự kiện, làm từ thiện để đăng báo, và đi mua sắm những món hàng đắt tiền.
Có lẽ các nhà quản lý văn hóa, cụ thể là Cục Nghệ thuật biểu diễn nên xem xét lại các quy chế mở cuộc thi sắc đẹp quốc gia, để thanh lọc những cuộc thi trá hình… Không thể thả nổi như hiện tại, để bất kỳ tổ chức nào cũng có thể mở một cuộc thi sắc đẹp, để chất lượng ngày càng kém. Chưa kể các HH đó lại đại diện sắc đẹp Việt “mang chuông đi đánh xứ người”, một “sứ giả” ngoại giao văn hóa đầy khiếm khuyết.
Hiện tại, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp của VN chưa chuyên nghiệp, manh mún, mục đích chưa rõ ràng. Mục đích tổ chức các cuộc thi HH ở nước ngoài rất cụ thể: Trao học bổng; Tìm kiếm đại diện thi quốc tế; Làm đại diện kêu gọi cho một dự án từ thiện hay cộng đồng nào đó…Vậy cũng nên có những cam kết của các nhà tổ chức thi HH ở VN như nghĩa vụ với cộng đồng. Cũng như cần phải có một hợp đồng ràng buộc về quyền lợi, nghĩa vụ của HH để sau khi đăng quang là chuỗi ngày làm các công tác từ thiện phục vụ công ích.
Một quốc gia có nhiều HH không phải là điều tốt, không nâng tầm văn hóa của quốc gia và càng không thể xem là một “công nghệ đúc sắc đẹp”. Rất cần một sự quản lý, tinh lọc chất lượng, để mỗi HH phải thật sự là đại diện sắc đẹp Việt, làm sứ giả ngoại giao văn hóa đặc biệt của VN.
Thế giới có nhiều cuộc thi sắc đẹp, và phân chia một số nhóm:
Cao giá nhất và thuộc hàng danh giá, uy tín là các cuộc thi trong nhóm Grandslam: Miss World, Miss Universe, Miss International, Miss Supranational, Miss Grand International, Miss Grand Slam.
Không thuộc Grandslam: Miss Earth, Miss Intercontinental, Miss Global Beauty Queen, Miss Globe, Miss Global, Miss All Nations, Miss Supertalent of the World, Miss Heritage Global, Miss Heritage International, Miss Pancontinental, Miss Princess of the World.
Cuộc thi Quốc tế về Du lịch: Miss Tourism International, Miss Tourism Universe, Miss Eco International, Miss Tourism Queen International, Miss Tourism Queen of The Year International, Miss Tourism Metropolitan International, Miss City Tourism, Miss Oriental Tourism.
Cuộc thi Quốc tế về Thể thao: Miss World Sport.
Cuộc thi thuộc khu vực châu Á: Miss Asia Pacific International, Miss Southeast Asian, Miss ASEAN, Miss ASEAN Friendship.