Vô tình trên đường về nhà, tôi nghe một đứa nhỏ hỏi mẹ “Sao không có năm nào mình đón giao thừa ở ngoại hết vậy mẹ?”. Người mẹ kia không nói gì, chỉ sững sờ ra vài giây. Không hiểu sao cả tôi cũng đột nhiên thấy sững sờ. Ừ nhỉ, sao chẳng có năm nào mình đón giao thừa ở ngoại, cũng chẳng có năm nào tôi hỏi mẹ câu hỏi giống như đứa nhỏ ấy, hình như tôi còn chẳng nghĩ đến bao giờ, bởi lẽ từ lúc bắt đầu có kí ức, cái gọi là “Tết nhà ngoại” nghe sao mà xa lạ quá.
Về đến nhà tôi cũng hỏi mẹ “Mẹ ơi sao không có năm nào mình đón giao thừa ở ngoại?”, mẹ thoáng kinh ngạc rồi nhìn tôi, tôi dường như thấy được bối rối trong mắt của mẹ, như ánh mắt của người mẹ kia, mẹ nói “Đón giao thừa ở đâu chẳng vậy, mùng 2 cũng về ngoại mà”. Cũng lại không hiểu sao, lòng tôi chùng xuống. Thì ra không phải chỉ riêng tôi, mà đến mẹ cũng chưa từng trãi nghiệm “Tết nhà ngoại” bao giờ.
Gia đình nội tôi trước nay không hề khó khăn hay độc đoán, không bắt ép dâu con hay gì cả. Mà có lẽ, vấn đề nằm ở tư tưởng của phần lớn mọi người trong xã hội này “nữ sinh ngoại tộc”, nó dần trở thành một cái “luật” bất thành văn mà cho dù xã hội có phát triển đến đâu thì cũng chẳng ai mảy may đặt tâm tình vào nó. Đặt tâm tình vào những người phụ nữ lấy chồng xa quê, đem trọn tuổi xuân mình cho gia đình mà lờ đi cái khắc khoải vang lên từ trái tim đã sớm in sâu dáng vẻ của quê hương và cái mong muốn được trở về bên cha mẹ ở khoảng khắc gần như là vui vẻ nhất trong một năm dài.
Con người ai cũng muốn xây dựng nên một cái xã hội bình đẳng, bình quyền, một xã hội mà ai cũng được đối xử như nhau và làm những điều mình muốn, nhưng tận sâu trong máu thịt của một dân tộc trãi qua mấy nghìn năm lịch sử đã phần nào đó ngấm vào tư tưởng của phần lớn mọi người, đễn nỗi cả phụ nữ cũng vậy, họ vẫn luôn nghĩ rằng, ừ thì lấy chồng rồi là phải theo chồng, ừ thì dĩ nhiên phải ăn Tết ở nhà nội, ừ thì hôm sau về ngoại cũng được,…. muôn vạn cái ừ thì và áp đặt sẵn của xã hội giành cho người phụ nữ, của họ dành cho chính bản thân.
Tối đó mẹ nói với tôi “Ông bà ngoại mất cả rồi, hồi ấy mẹ nghĩ về sau cũng được, nhưng giờ muốn đón giao thừa cùng ông bà ngoại cũng không còn cơ hội nữa”.
Tôi chẳng nhìn thấy gì trong mắt mẹ nữa, chỉ cảm thấy mũi mình cay cay. Tôi chợt nhớ ra mình từng đọc ở đâu đó rằng, đời người rất hữu hạn. Ừ, đời người ngắn ngủi lắm, lại vô thường, hôm nay thế này nhưng không biết mai ra sao, nếu trôi theo nhịp chảy của thời gian thì cũng sẽ già đi rồi dừng lại cuộc đời ở cái ngưỡng mấy mươi tuổi. Mấy mươi năm tưởng dài lại hóa ra chỉ bằng một cái mùa hoa chóng nở lại chóng tàn.
Thời gian chưa từng chờ đợi ai cả, cứ mỗi giây ta lại già đi một chút, nhất là những người đã hi sinh cả đời người cho con cái, qua mỗi mùa xuân, tóc họ lại bạc thêm, dấu vết của thời gian lại càng hằn sâu trên mặt họ, sức khỏe cũng sẽ không như trước, nếu không trân trọng từng thời khắc được báo hiếu cho cha mẹ, ở bên họ ở cái tuổi xế chiều khiến họ có nửa đời còn lại vui vẻ sum vầy, thì cuối cùng cái nhận được chính là tiếc nuối. Giống như mẹ tôi vậy, hi sinh quá nhiều cho cha con tôi, rồi chần chừ do dự, rồi vô tình cũng bị khắc sâu suy nghĩ của xã hội về cái “Tết nhà ngoại” mà đánh mất mãi cơ hội được đón giao thừa bên ông bà.
Tôi tự hỏi, rồi có một ngày mình cũng sẽ thế sao? Rồi có khi cứ tuần hoàn lặp đi lặp lại như vậy khi tôi có con gái?
Ước gì những trái tim phụ nữ đang khắc khoải lưu lạc ngoài kia có thể trở về kịp bên giao thừa với cái Tết nhà ngoại.