Sau khi khai thác cạn kiệt chuyện hài ở người lớn, các gameshow và chương trình truyền hình thực tế (THTT) đang chuyển hướng sang trẻ em. ..
Bắt đầu từ một vài gameshow hài không giới hạn tuổi, cho phép cả các bé bốn-năm tuổi tranh tài chung với người lớn, đến nay đã có nhiều gameshow dành cho thiếu nhi nở rộ trên sóng truyền hình: Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài, Thử tài siêu nhí, Siêu hài nhí...
Tuy hiện chưa có chương trình chính thức tìm kiếm các gương mặt hài nhỏ tuổi, nhưng đang có nhiều chương trình khai thác yếu tố hài dành cho các bé từ 4-15 tuổi, cùng với khả năng ca hát, nhảy múa, biểu diễn xiếc... Sau khi xuất hiện trong chương trình Thách thức danh hài, tên tuổi của hai cậu bé chỉ mới năm tuổi là An Khang và Ku Tin đã “hot” không kém những danh hài nổi tiếng.
Với khả năng bắt chước một số danh hài, thuộc lòng lời thoại để một mình líu lo độc diễn đến vài phút, cộng thêm sự hồn nhiên, ngây thơ trong trò chuyện… các video clip của An Khang và Ku Tin trên YouTube và các trang mạng xã hội có lúc đạt đến vài triệu, thậm chí trên dưới mười triệu lượt truy cập. Nắm được sức hút này, An Khang và Ku Tin (Minh Hoàng) đã trở thành hai thí sinh có mặt ở hầu hết các chương trình THTT, gameshow hài hoặc có yếu tố hài của cả người lớn lẫn thiếu nhi: Bạn có thực tài, Người hùng tí hon, Thử tài siêu nhí, Siêu nhí tranh tài, Siêu hài nhí…
Sẽ không có gì phải chê trách việc tìm kiếm những tài năng hài nhỏ tuổi, bởi đó cũng là một khả năng thiên bẩm như ca hát, nhảy múa… cần được hỗ trợ để các bé thực sự trở thành những tài năng trong tương lai. Điều đáng lo ngại ở đây là cách những người làm chương trình xây dựng tiết mục cho thí sinh nhí. Năng khiếu của những cô bé, cậu bé hồn nhiên, trong sáng ấy đã bị nhào nặn để trở nên già nua, xấu xí.
Cụ thể, những người làm chương trình đã biến Tấm thành dị dạng, chua ngoa, cong cớn để bé Như Ý thể hiện tài năng trong chương trình Siêu nhí tranh tài. Liệu có cần phải cho cậu bé A Pù giả gái và uốn éo trong Người hùng tí hon mùa 2? Thay vì hướng bé đến những tiết mục phù hợp với độ tuổi, giới tính và hỗ trợ về chuyên môn để bé có thể phát huy tối đa khả năng, thì ở vòng thi chính thức, những người thực hiện lại tiếp tục "sáng tạo" cho A Pù giả gái để diễn chung với một thí sinh khác. Bé Ngọc Ý, Thanh Hà trong chương trình Người hùng tí hon mùa 2 cũng sẽ đáng yêu biết chừng nào nếu không bị biến thành những người lớn thu nhỏ với lời thoại đưa đẩy, điệu bộ ngúng ngoẩy, nói luyên thuyên những câu của người lớn từ chuyện bắt xe taxi đến bàn nhau hùn vốn mở đoàn lô tô…
Nghe các bé liến thoắng những chuyện của người lớn trên sân khấu, không ít người tự hỏi, liệu các bé ở lứa tuổi mẫu giáo hoặc mới bập bẹ tập đọc có hiểu được những gì mình đang nói? Sao không để trẻ thơ được hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình mà nhào nặn các bé thành người khác chỉ để mua vui cho khán giả? Sự cố An Khang bị khán giả chê trách khi cover ca khúc Vợ người ta lỗi một phần thuộc về người lớn trong gia đình An Khang, nhưng những nhà sản xuất các chương trình hài đang khai thác tài năng của cậu bé cũng không thể không có trách nhiệm.
Mới nhất, ở chương trình Siêu hài nhí - Chín con của Mười Khó, nhiều khán giả đã bày tỏ thắc mắc khi các bé từ 4 đến 12 tuổi, đa phần đều chưa được học về diễn xuất nhưng phải thể hiện những vai diễn không đơn giản trong vở Bên cầu dệt lụa. Vì sao phải là Bên cầu dệt lụa mà không phải là một tiểu phẩm nào đó của thiếu nhi?
Ngay với trường hợp bé An Khang và Ku Tin, sau vài tiết mục thể hiện năng khiếu ban đầu, các tiết mục khác của hai bé đã được hướng vào việc khai thác tối đa khả năng thuộc lời thoại rất dài và kiểu thoại lời bằng những giọng vùng miền, âm vực khác nhau… trong những màn độc diễn. Vì thế, giám khảo NSƯT Hoài Linh dù rất thích thú với khả năng đặc biệt của Ku Tin nhưng vẫn nhận xét là cậu bé mới chỉ giỏi học thuộc lòng lời thoại, còn thiếu sự sinh động khi thể hiện nhân vật. Tệ hơn, không ít lần khán giả “chạnh lòng” khi nghe những lời bài hát kiểu như “Vì em là ai mà bao chàng trai nhìn em ngây dại”, hay “Ố ố la la… ngọc ngà sexy lady”...
Khả năng và duyên hài của những thí sinh nhỏ tuổi ở những cuộc thi là không thể phủ nhận. Cái tài, cái tâm của người lớn là phải biết phát huy những khả năng thiên bẩm ấy, tạo được điều kiện để các tài năng tỏa sáng. Không thể nhào nặn những đứa trẻ hồn nhiên ấy trở thành “bản sao” của một vài nghệ sĩ tên tuổi nào đó chỉ để đáp ứng những mục tiêu trước mắt của nhà sản xuất. Mới đây, thông tin gia đình Ku Tin bất ngờ xin cho bé rút khỏi cuộc thi Thử tài siêu nhí đã để lại nhiều luyến tiếc cho khán giả, nhưng lại là cái kết không bất ngờ khi một đứa trẻ chỉ mới năm tuổi bị khai thác tài năng với một quá trình luyện tập và xuất hiện dày đặc ở nhiều gameshow truyền hình.
Với cách làm hiện nay, các bé đang bị khai thác tối đa sự duyên dáng và sẽ hết duyên một ngày không xa.
Phương Minh
Xem thêm: Gameshow truyền hình dành cho trẻ đang… ‘đầu độc’ trẻ?; Đừng để gameshow thiếu nhi “mua vui” cho người lớn; "Nghệ sỹ không phải để mua vui cho thiên hạ"; Nghệ sĩ Việt ‘bán’ hình ảnh cho game show giá bao nhiêu?; Trào lưu giả gái trên truyền hình thực tế: Đừng biến nghệ sĩ thành trò mua vui
Xem thêm: Gameshow truyền hình dành cho trẻ đang… ‘đầu độc’ trẻ?; Đừng để gameshow thiếu nhi “mua vui” cho người lớn; "Nghệ sỹ không phải để mua vui cho thiên hạ"; Nghệ sĩ Việt ‘bán’ hình ảnh cho game show giá bao nhiêu?; Trào lưu giả gái trên truyền hình thực tế: Đừng biến nghệ sĩ thành trò mua vui