Chứng “lên đồng tập thể” bày tỏ
lòng tiếc thương
với nhà lãnh đạo quá cố
|
Đôi khi, rất có thể một bầy người cùng nhau hóa thành rồ dại.
Hình ảnh hàng trăm ngàn người dân Bắc Hàn đau khổ gào khóc trước cái chết của lãnh tụ Kim Chính Nhật khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Nhưng thực chất là gì? Một phép lừa hàng loạt hay một nghi thức khổ dâm tinh thần (masochism)?
Kim, một kẻ độc tài cục súc, kẻ đã vỗ béo bản thân bằng cao lương mỹ vị nhập khẩu từ nước ngoài (rượu Brandy của Pháp – ước chừng 500.000 USD mỗi năm, sushi tươi từ Tokyo, và thuê những đầu bếp giỏi vào hàng bậc nhất) trong khi hàng triệu thần dân của ông ta đang chết đói. Nhưng bây giờ, chính những người chịu áp bức, bóc lột lại đang “khóc như cha chết” cho ông cha Kim Chính Nhật này.
Nếu cho rằng, những người khóc cho ông Kim ở Bình Nhưỡng phần lớn thuộc tầng lớp được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi nhất, và khóc than là cách thể hiện sự đau khổ theo truyền thống của người dân Triều Tiên, thì ở đây, hiện tượng gào khóc ở Bắc Hàn coi có vẻ vẫn khá bất thường. Cách giải thích này liệu có hợp lý?
Thực ra Bắc Hàn không phải là quốc gia duy nhất có màn khóc thương lãnh tụ này. Ở một số quốc gia từng chịu sự thống trị của Joseph Stalin như Ba Lan, người dân từng ra đường khóc sau cái chết của ông ta. Tất nhiên, họ có thể bị bắt buộc, một hình thức tệ hại bắt buộc con người phải tự hạ thấp nhân phẩm của mình. Không những phải chịu đựng và ngậm bồ hòn làm ngọt; họ còn phải cảm ơn kẻ đã gây ra đau khổ cho mình và thương xót cho cái chết của hắn ta.
Rõ ràng, nếu người dân Bắc Hàn không thể hiện “nỗi buồn sâu sắc” trong những buổi lễ “khóc tập thể” thì sẽ đồng nghĩa với việc tự mang họa vào thân. Học sinh bị đuổi học, viên chức bị thôi việc, đôi khi còn bị đẩy vào trại lao động cải tạo. Tin vào sự tuyên truyền của nhà nước là cách để yên thân. Càng vì nghi ngờ mà không thể hiện “nỗi buồn sâu sắc” thì càng dễ chuốc họa.
Tại sao một con người thông minh có thể tự bắt anh ta phải tin vào những thứ vô lý đến vậy là một câu hỏi thú vị. Liệu thái độ hoài nghi của con người có thể bị kiềm chế được hay không? Không còn nghi ngờ gì nữa, bằng cách này hay cách khác thì sự hoài nghi này đã bị dập tắt. Nhưng sự ép buộc, dù đúng là một nhân tố trong cảnh tượng ở Bình Nhưỡng, dường như chưa đủ sức thuyết phục để giải thích hiện tượng này. Chứng cuồng tập thể (mass hysteria) có thể mang nhiều hình thức. Có thể nói rằng những hành vi có phần nhục nhã này không hoàn toàn mang tính chất diễn kịch.
Hãy xem xét một ví dụ ít bi đát hơn về chứng cuồng tập thể, những xúc cảm đặc biệt mà người dân Anh dành cho cái chết của công nương Diana. Tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà những người chỉ biết đến bà qua tạp chí và TV, họ cho biết cái chết của công nương tác động đến họ sâu sắc hơn là sự qua đời của song thân họ. Có thể họ không nói dối, nghe hơi lố bịch nhưng cảm xúc họ thể hiện có vẻ chân thành.
Chúng ta thường dồn nén những nỗi đau thật sự (nỗi đau lớn ko thể diễn tả bằng lời), như khi người thân chúng ta qua đời, chúng ta chết lặng đi hơn là rối loạn gào thét. Những xúc cảm bị dồn nén bằng cách nào đó tìm con đường để giải thoát, và khi những người nổi tiếng (có liên hệ với chúng ta) chết đi là lúc cảm xúc có cơ hội trào lên.
Tất cả những nỗi đau dồn nén sau cái chết của những người ruột thịt được dịp để trào ra. Mọi người nhầm tưởng rằng họ đang khóc cho công nương Diana nhưng thực ra họ đang khóc cho những người thân yêu của họ. Ở đây, cảm xúc bị đổi chỗ, đúng hơn là đặt không đúng chỗ. Khóc theo kiểu này là một cách biểu thị tình cảm, tuy nhiên, nó vẫn có vẻ thành tâm.
Đôi khi, cái chết của một biểu tượng đám đông như một công nương, một ca sĩ nổi tiếng, một tên độc tài làm chúng ta khóc. Chúng ta lớn lên cùng với họ, họ là một phần của chúng ta, vì vậy khi họ chết đi, một phần nhỏ của chúng ta cũng chết theo họ.
Chứng cuồng tập thể có hiệu ứng lây lan rất cao. Tôi đến Bắc Hàn thời điểm Lãnh tụ Vĩ đại Kim Nhật Thành – thân phụ của ông Kim Chính Nhật – qua đời. Một nửa lịch trình du lịch bắt buộc của chúng tôi là dành để thể hiện niềm tôn kính trước tượng đài của ông ta - một bức tượng lớn ở trung tâm Bình Nhưỡng. Chúng tôi đứng dưới chân tượng, xung quanh là hoa tươi và vòng hoa tang lễ, khi những tiếng nức nở của người phụ nữ được phát ra từ loa phát thanh.
Tôi nhìn từng hàng học sinh được giáo viên dẫn đến tượng đài, trông chúng có vẻ bình thản, với khuôn mặt như chiến sĩ chờ quân lệnh. Sau đó, những giáo viên bắt đầu tạo nên những âm thanh phù hợp để biểu thị sự đau khổ. Những tiếng khóc đủ cung bậc và trường độ từ chậm rãi đến than khóc thống thiết ỉ ôi. “Cha ơi , cha ơi, sao người nỡ rời xa chúng con?!”. Những cô bé cậu bé lần lượt theo hướng dẫn của giáo viên, chúng khóc như từ sâu thẳm trái tim, theo tín hiệu từ cách khóc của giáo viên hướng dẫn.
Liệu đó có thật là một biểu hiện của khổ đau? Có trời mới biết, những giọt nước mắt trông rất thật, giáo viên và học sinh có thể cảm thấy điều gì đó, có thể là nỗi buồn sâu thẳm. Có thể một trong số họ qua tuyên truyền đã tin rằng lãnh tụ là người mang lại cho họ tất cả.
Một số khác có thể đã “đổi chỗ cảm xúc” hay “đặt cảm xúc không đúng chỗ” như phân tích tâm lý ở trên. Những gì họ đã phải chịu đựng từ nỗi buồn chung và riêng. Đằng sau tất cả, cuộc sống dưới một chế độ độc tài là khổ đau thường nhật. Và họ đang khóc cho con người có phần lớn trách nhiệm trong việc gây ra cho họ những khổ đau ấy.
Chuyển ngữ: Linh Phạm - Hiệu đính: Mai Quỳnh Anh
Xem thêm: Đắng nghét với trào lưu "lên đồng" tập thể; Sức mạnh kỳ diệu và 'cơn lên đồng tập thể' mang tên bóng đá; Đinh La Thăng, U23 Việt Nam và bi kịch dân tộc; Khóc vì thần tượng và hội chứng cuồng si; Sùng bái thần tượng, lệch lạc nhân cách?