Tin tức về những con voi rừng bị giết, bị đầu độc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động và cảnh tỉnh chúng ta. Voi là giống vật lớn, sống sót sau quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra hàng triệu triệu năm. Nhưng đến giờ, có thể chỉ trong một tích tắc nữa của lịch sử Trái đất, giống loài này sẽ tuyệt diệt cùng với nhiều giống loài khác.
Do con người. Những ai thích văn thơ hẳn còn nhớ hình ảnh đẹp về voi trong thơ Nguyên Hồng “Ngẫm nghĩ voi đi/ Thác Khôn cười trắng xóa”, hay trong thơ Tố Hữu “Voi đi lững thững bình yên/ Bỗng ngơ ngác đứng bom rền xa xa”. Những cảnh tượng này giờ đây đã hiếm hoi lắm rồi, nếu không nói là đã bị mất hẳn. Thay vào đó là cảnh những con voi độc, những bầy voi bất thần kéo về phá nát ruộng nương, quần xéo con người. Voi nổi giận. Và thiên nhiên báo thù.
Con người hiện đại đang sống trong một môi trường mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Chúng ta ngày càng quên đi một điều cơ bản đơn giản: con người thuộc về giới tự nhiên, là một bộ phận của giới tự nhiên. Trước khi là một sinh vật xã hội, con người là một sinh vật tự nhiên. Tách khỏi tự nhiên, chúng ta không tồn tại được. Bầu khí quyển đang bị ô nhiễm. Nguồn nước đang bị ô nhiễm và cạn kiệt. Các loài cây, các giống vật đang bị triệt tiêu, diệt chủng. Thiên nhiên mất cân bằng thì con người cũng bị mất cân bằng. Chúng ta đang chứng kiến hằng ngày, hằng giờ hậu quả tàn khốc từ việc con người tự diệt mình thông qua tiêu diệt thiên nhiên.
Những kẻ tàn sát thiên nhiên như vậy dù sống trong xã hội văn minh nhưng đích thực là những kẻ man rợ. Không thể dùng một từ nào khác hơn. Man rợ, những kẻ người dùng các loại vũ khí hiện đại để giết các con vật hoang dã. Man rợ, những kẻ người lăm lăm dao búa lùng tìm chặt những thứ cây quý. Nhưng còn đáng sợ hơn là sự vô cảm của cộng đồng trước những hành động man rợ đó. Ở Hà Nội, khu Bách thảo, những xâu chim vặt lông được bày bán, những con chim nhỏ đỏ hỏn được người bán giơ lên chào mời. Sẽ thấy ra vì sao thành phố vắng bóng chim, thiếu tiếng chim. Xa hơn nữa, từ đó mới hiểu vì sao có những con voi bị hạ, những con bò tót bị bắn. Mà người ta cứ dửng dưng, cứ cho là của trời đất, mất rồi lại có.
Phải làm gì đây? Câu hỏi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhiều biện pháp, giải pháp đã được đưa ra và thực hiện, nhưng sự man rợ của con người đối với thiên nhiên chừng như vẫn không hề suy giảm. Phải chăng trong khi vẫn quyết liệt và mạnh mẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ thiên nhiên, thì xã hội và nhất là trong nhà trường, cần hướng con người về lại tự nhiên, tập sống lại trong thiên nhiên và với thiên nhiên.
Bắt đầu là từ việc tôn trọng thiên nhiên khi quy hoạch cuộc sống con người. Hãy tính đến thiên nhiên trong mỗi việc làm, vì có việc làm nào của con người mà không diễn ra trong thiên nhiên, mà không động chạm đến thiên nhiên. Từ thiên nhiên nhỏ trong nhà mình đến thiên nhiên rộng ở làng quê, thành phố và ra cả Trái đất. Vì sao ai bắt mất con mèo nhà mình thì ta đau khổ, căm tức, mà một con voi ở rừng bị đầu độc, bị bắn hạ thì ta coi như chẳng liên quan? Con voi đó cũng là của nhà mình - ngôi nhà đất nước, ngôi nhà Trái đất.
Xin đừng quên những lời này của cha đẻ thuyết tiến hóa: “Không có sự khác biệt lớn giữa con người và các động vật cấp thấp về năng lực tinh thần... Các loài vật cấp thấp, giống như con người, cũng có cảm giác vui sướng và đau khổ, hạnh phúc và khốn cùng” (Charles Darwin).