Theo đuổi đam mê hay tiền bạc?

Tất cả chúng ta đều đã trải qua tình cảnh khi…phải quyết định nên hay không nên theo đuổi những thứ mình yêu thích, hay những thứ mang lại nhiều tiền cho mình.

Vậy chúng ta phải làm gì đây?

Trả lời câu hỏi này quả là không dễ; đôi khi tưởng chừng đơn giản vì mọi người xung quanh đều khuyến khích bạn theo đuổi đam mê của mình. Nhưng thực tế, việc này lại khó khăn hơn nhiều – đâu đó trong lòng bạn vẫn cho rằng, khi kiếm được tiền, bạn sẽ hạnh phúc hơn.

10 lí do nên theo đuổi đam mê

Hôm nay, dựa trên những gì đã học hỏi được từ những người đã thành đạt đi trước, tôi muốn chia sẻ với các bạn 10 lí do chính đáng khi nên theo đuổi đam mê chứ không phải là tiền bạc.

1. Trở nên thật sự xuất sắc ở một lĩnh vực nào mà bạn thích có thể mang lại cho bạn nhiều tiền, cho dù thậm chí bạn không nghĩ thế.

Hiện tại, tôi không phải là một trong những bậc thầy phù thủy tâm linh để phán đoán rằng bạn có thể kiếm ra một số tiền vô hạn dựa trên khả năng, đam mê hay sở thích của mình. Nếu dễ vậy thì người nào cũng làm được cả rồi.

Điều tôi muốn nói ở đây chính là nếu bạn thật sự giỏi ở một lĩnh vực nào đấy, bạn có thể kiếm được nhiều tiền nếu thị trường ngoài kia cần đến những kĩ năng đó. Tất nhiên, có một vài sở thích thật sự rất khó để kiếm ra tiền.

Tôi nghĩ nếu có cũng chỉ rất ít người sẵn sàng chi tiền để chỉ ngắm bạn ngồi trên ghế sopha và xem tivi.

Nhưng tôi có thể nói rằng có lẽ bạn đã đánh giá thấp việc các kĩ năng này có thể chuyển hướng thành đam mê. Ví dụ, nhiều người không nghĩ rằng bạn có thể có được một cuộc sống tử tế, chứ đừng nói là cuộc sống sung túc, nếu sự nghiệp của bạn liên quan đến ngành tâm linh.

Nhưng một khi đã có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, điển hình, bạn sẽ thấy những người như Deepak Chopra và Wayne Dyer nổi tiếng và giàu có nhờ nó.

2. Đồng tiền đôi khi như đôi nạng của con người vậy.

Có hàng tá những người giàu có thành công ngoài kia chỉ dựa vào tiền bạc để chứng tỏ sự tồn tại của mình.

Một vài người dùng tiền để khoe mẽ với người khác. Một số khác lại dùng tiền để thể hiện sự đẳng cấp. Và thậm chí có người dùng tiền để mua sắm các vật phẩm đắt tiền, chỉ bởi vì trong nền văn hóa của họ, đây là minh chứng cho sự thành công.

Vấn đề là, trong sâu thẳm, họ vẫn cảm thấy thiếu thốn và không hề hạnh phúc. Những chuyện thế này tôi đã nghe gần như mỗi ngày qua lời tâm sự của các doanh nhân thành đạt.

Bằng cách thiết lập nền tảng độc lập cho bản thân, sống mà  không phụ thuộc vào tiền, như vậy bạn sẽ có thể sống tự do một khi có tiền. Nếu không, kết quả là bạn sẽ biến thành vật sở hữu của chính tài sản mình làm ra.

3. Tiền đến rồi đi

Trên thế giới này, không phải thứ gì ta cũng có thể kiểm soát được.

Như đã để cập, nếu bạn không có nền tảng vững chắc về tình yêu và sự độc lập nội tại, bạn sẽ khiến bản thân mình trở nên phụ thuộc vào những nhân tố của cuộc đời này. Nó khiến bạn không thể kiểm soát sự hạnh phúc của bản thân.

Và khi phó mặc cuộc đời mình cho những nhân tố thay đổi liên tục này, cuộc đời bạn có lúc sẽ thay đổi theo.

Điều này giống như khi bạn có một công việc kinh doanh hay sự nghiệp vững vàng-một công việc mang lại cho bạn nhiều tiền, nhưng rồi một ngày, bạn mất đi số tiền đó khi công việc kinh doanh hay sự nghiệp của bạn vấp phải những chướng ngại bất ngờ.

Nếu bạn có thể tìm được đam mê thực sự, thì tình yêu và hạnh phúc đều hiện hữu ở mọi việc bạn làm,  dù cho bạn đang trong giai đoạn túng quẫn, bạn thuộc tầng lớp trung lưu, hay thượng lưu.

4.  Tiền bạc không mang lại nhiều niềm vui như bạn nghĩ

Trong quá khứ, bất cứ lời khuyên nào có liên quan đến niềm vui hạnh phúc đều đơn thuần dựa trên ý này.

Và vấn đề là bạn không biết liệu nó có thật hay không. Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện dựa trên môn khoa học về hạnh phúc. Chúng tôi có bằng chứng xác thực cho thấy điều gì mang lại hạnh phúc và ngược lại.

Khoa học đã chứng minh: số lượng những điều gọi là niềm vui mang tính lâu dài (như kiếm được nhiều tiền hơn) nhanh chóng giảm sút sau khi thu nhập của một người đã đạt ngưỡng chung của những người thuộc thế giới tư bản dân chủ.

Phần khập khiễng nhất của xã hội hiện đại ngày nay là 99% dân số vẫn cố “cày cuốc” để kiếm thật nhiều tiền. Họ dựa trên niềm tin sai lầm rằng, kiếm được nhiều tiền đồng nghĩa với việc có được niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

5. Nếu bắt đầu mọi thứ với tiền, bạn có thể sẽ kết thúc trong đau khổ

Đây là một sự thật đơn giản nhưng lại bị xem nhẹ. Nhiều người mải miết theo đuổi đồng tiền cho đến khi nào họ kiếm được thật nhiều mới thôi. Nhưng rồi đến khi nhìn lại, họ nhận thấy bản thân mình đang đắm chìm trong công việc không lối thoát, và cũng không hề có thời gian để sử dụng số tiền mà mình kiếm được.

Phần tồi tệ nhất ư?

Từng giây trôi qua, họ cảm thấy khó chịu khi phải làm công việc đó, vì họ đã nhận ra được sự chán ghét mà ngành công nghiệp kia mang lại.

Tôi không biết các bạn thế nào, riêng tôi, tôi không nghĩ rằng thành công nghĩa là buộc phải làm việc 10 đến 12 tiếng mỗi ngày, mặc cho đó là công việc bạn ghét, và tất cả chỉ là để kiếm được nhiều tiền hơn. Bản thân bạn quả thực cũng đâu có đủ thời gian mà sử dụng hết số tiền đó kia chứ.

6. Khi theo đuổi đồng tiền trước tiên, bạn sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy vô tận.

Nhiều người mải mê theo đuổi đồng tiền, và cuối cùng đã rơi vào vòng xoáy đó mãi mãi, thậm chí khi đã đạt được mục tiêu tài chính đề ra. Họ nhanh chóng quen dần với số tiền họ kiếm được và đối với họ, con số đó không bao giờ là đủ.

Thuật ngữ khoa học gọi quá trình khi một người không biết quý trọng đồng tiền là “Vòng xoáy khoái lạc”.

Giờ hãy chú ý tới cách tôi dùng từ “nhiều”.

Một số người thông minh hơn số “nhiều” đó. Họ sẽ nhận ra rằng đồng tiền không nên là mục tiêu duy nhất. Và như thế họ bắt đầu “đục đẽo” sự nghiệp của mình, biến nó thành đam mê.

Những người khác lại nhận ra rằng vòng xoáy này là một con đường sai lầm, và họ bắt đầu quay về với đam mê, chí hướng và sự hoàn thiện bản thân.

Bạn có thể có được sự khởi đầu thuận lợi nếu có đam mê và mục tiêu để bắt đầu. Tôi không nói rằng bạn không nên kiếm tiền.

Tiền vẫn có cái tốt của nó. Tôi chỉ đơn giản cho rằng khi bạn cố gắng đạt được mục tiêu ngày càng cao của mình, bạn cần có ý thức hoàn thiện bản thân một cách độc lập, mà không phụ thuộc vào việc kiếm nhiều tiền hơn chỉ nhằm tăng mức độ hạnh phúc.

7. Địa vị, việc được công nhận và cái tôi cá nhân – tất cả chỉ là phù phiếm
                                                                                                                              
Vô số nhân vật thành đạt đấu tranh cả đời vì các giải thưởng, huy chương và thành tích.

Điều đó đôi khi cũng lành mạnh. Có những người muốn vượt ra khuôn khổ, phá vỡ mọi kỉ lục đã có từ trước, hoặc thậm chỉ thay đổi cả một nền công nghiệp theo cách mà chưa ai đã từng làm trước đó.

Nhưng những người khác lại làm điều đó chỉ vì sự thúc đẩy vô hình bên trong hoặc các nguyên do tâm lí không tốt. Nhiều doanh nhân thành đạt kiếm tiền chỉ đơn giản là vì khi còn bé, họ không bao giờ được coi trọng hoặc được công nhận. Điều này có thể dẫn đến một nỗi khao khát phi lành mạnh và vô cảm không có điểm dừng.

Con người một ngày rồi sẽ chết. Vì thế, đây là lí do lớn nhất để người ta mải miết theo đuổi việc “mong muốn bản thân được người khác công nhận”. Có rất nhiều người, trong giờ phút lâm chung, dù đã đạt được nhiều giải thưởng và thành tựu nhưng bản thân vẫn thấy chưa đầy đủ khi nhắm mắt xuôi tay. Họ cảm thấy không hề được yêu thương thật sự.

Tôi thật sự rất thích triết lí của tỉ phú Warren Buffett về điểm này. Ông tin rằng thà hy sinh việc kiếm nhiều tiền hơn, để đổi lại được sự yêu thương thật sự của những người bên cạnh ông.

Ông đưa ra kết luận này sau khi nhìn thấy nhiều người giàu có mà ông quen chỉ ghi mỗi tên mình lên bia mộ, bởi không ai thực sự quý mến họ. Người ta chỉ đến viếng đám tang với mục đích xem liệu họ có được hưởng chút tiền nào không mà thôi.

8. Tiền rồi sẽ cũ

Rất khó để một người giàu có hiểu được khái niệm rằng tiền sẽ cũ kĩ.

Ví như nghĩ rằng một thứ gì bạn đã từng yêu quý hoặc trông chờ khi còn bé, giờ bạn đã có được, đã quá quen với nó và rồi sẽ không còn trân quý nó nữa.

Đó có thể là quần áo hay thức ăn bạn mua, hoặc chỉ là đặc quyền mà bạn có. Đối với tôi, những thứ không bao giờ có được lúc thơ bé như lắp đặt được đường ống nước trong nhà hoặc ăn kem, giờ đã quá đủ đầy.

Tương tự, nhiều người giàu có đã thừa nhận rằng các món đồ chơi đắt tiền họ sở hữu đã cũ theo năm tháng.

Nhiều người đã bán đi các doanh nghiệp mà họ đã thiết tha có được chỉ để được chơi gôn mỗi ngày. Nhưng sau một vài tháng hoặc vài năm chơi chán chê ở các sân gôn, họ lại cảm thấy chán nản và quay về công việc kinh doanh.

Đặc biệt khi bạn còn trẻ, có nhiều tiền nhưng không có đam mê có thể dẫn đến sự buồn chán. Những người vô tình vớ được một số tiền lớn thường kết thúc bằng việc mất tất cả chỉ trong vòng vài năm.

Họ nên nhận ra rằng họ đã mất hết số tiền đó. Họ nên nhận ra rằng họ có hàng thập kỉ để tồn tại phía trước và không có đủ tiền để tiêu xài trong những năm tháng còn lại.

9. Dù đi bất cứ nơi đâu, có đam mê chính là có tài sản.

Đam mê luôn ở bên bạn.

Dù có trải qua một ngày vất vả thế nào, hay nếu bạn có nhiều tiền, hãy luôn nhớ rằng một ngày của bạn chỉ đong đầy hạnh phúc khi bạn yêu những điều mình làm.

Mặc khác, nếu chỉ có tiền, bạn không biết phần còn lại trong ngày sẽ như thế nào. Thực tế, một ngày của bạn có thể hoàn toàn tồi tệ bởi bạn làm công việc mình không yêu thích và mỗi một giây phút đều khiến bạn như muốn nổi điên.

10. Đam mê như là rượu vậy. Rượu để càng lâu càng ngon. Đam mê càng lớn khi người ta càng trưởng thành. (Không giống như tiền)

Nhiều người ngày càng thích làm thủ công khi họ đạt được những thành quả nhất định và trở thành các bậc thầy trong lĩnh vực này. Họ có thể làm ra nhiều sản phẩm đa dạng và tinh tế hơn khi họ lớn tuổi và đã qua nhiều năm để thực hành, trau dồi kỹ năng.

Khi học được nhiều điều mới mẻ, mỗi một năm trôi qua sẽ trở nên vô cùng thú vị. Người ta thử làm những điều phức tạp hơn và đạt được thành quả tuyệt vời hơn khi đã hoàn thiện các kĩ năng.

Trái lại, tiền sẽ trở nên cũ kĩ theo năm tháng. Khi bạn già đi, tiền càng ít hữu dụng với bạn. Có thể bạn thích du lịch vòng quanh thế giới khi còn trẻ. Nhưng khi đã lớn tuổi rồi, cơ thể không cho phép bạn đi chu du đây đó được nhiều nữa. Và mắt bạn cũng đã yếu dần, không thể ngắm nhìn mọi vật một cách trọn vẹn.

Tuổi tác đã dần khiến các trải nghiệm vui tươi ngày xưa phai mờ. Hoặc chúng không còn đạt thứ tự ưu tiên và ta không còn cảm giác vui thích nữa.

Warren Buffett gọi điều này như việc bo bo ki cóp lúc cuối đời. Bạn vẫn có thể còn nhiều niềm vui khi về già nhưng quan trọng hơn cả là nhận ra được điều gì cần phải hưởng thụ khi tuổi thanh xuân vẫn còn.

Kết luận

Tiền quan trọng. Tôi không khuyến khích các bạn ngừng kiếm tiền. Tôi chỉ khuyên rằng nếu bạn muốn một điều gì đó trong đời, hãy cố gắng mà đạt được nó. Nếu muốn có hướng đi đúng, bạn cần bắt đầu bằng việc tìm kiếm đâu là đam mê và mục đích của mình.

Bạn không nhất thiết phải có một câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi này, mà chỉ nên bắt đầu tiến về phía trước và trải nghiệm.

Khoa học đã chứng minh rằng, khi bắt đầu một đam mê, hạnh phúc sẽ nhân lên và ở mãi bên bạn. Và … bạn sẽ có một nền tảng vững chắc để tiếp tục cuộc sống, cải thiện nó ngày qua ngày để kiếm được nhiều tiền hơn.

Ví như việc xây lâu đài với trụ móng vững chãi thay vì trên phần móng bằng cát dễ bị sụp đổ.

Rủi thay, nhiều người chỉ vì theo đuổi đồng tiền mà đã vô tình xây nhà trên nền móng cát ấy. Cuối cùng, khi không còn chịu đựng được sự vô vị kia được nữa, họ buộc phải nghỉ việc hay bỏ dở việc làm ăn phát đạt của mình…

Tác giả:  Will Chou
Nguồn: Wealthy Gorilla

Previous Post
Next Post