Mạn đàm: “Làm quan” có phải là một nghề không?

Đấy là câu hỏi mà tôi trăn trở từ nhiều năm nay, sau quá trình dài nghiên cứu các mô hình quan chức ở các hình thức xã hội và tính chất xã hội khác nhau.

Nếu cùng thống nhất rằng “nghề” là thứ giúp ta kiếm ra tiền, và từ đồng tiền ấy có thể nuôi sống bản thân thì rõ ràng làm quan là một nghề, như bao nghề khác. Nhưng nếu chỉ coi đấy là một nghề thuần tuý – một công cụ kiếm tiền thuần tuý thì lại bất ổn, vì các quyết sách của quan, dù lớn dù nhỏ đều không chỉ liên quan đến cá nhân quan và cái dạ dày nhà quan, mà còn liên quan tới vận mệnh của một cộng động, một quốc gia. Do vậy, bên cạnh chức năng kiếm tiền theo sự quy định tất yếu của khái niệm “nghề”, người làm quan ở bất cứ đâu và bất cứ thời đại nào cũng đều phải là những người có hoài bão, lý tưởng. Và cái hoài bão, lý tưởng ấy phải có giá trị tác động xã hội, thay vì chỉ có giá trị tác động với đời sống một cá nhân.

Nhưng phàm đã là con người thì ai cũng ham tiền cả. Càng có cơ hội kiếm tiền càng tận dụng. Mà “làm quan” lại là một cơ hội kiếm tiền siêu tốt. Vậy thì phải làm gì để người làm quan vừa có thể tiết chế một cách hợp lý cái nhu cầu kiếm tiến vốn là nhu cầu mang tính bản thể, vừa có thể phát huy những lý tưởng, hoài bão lớn?

Rất nhiều lần tôi trằn trọc tự hỏi mình: nếu ông Bush, ông Obama, ông Trump không sinh ra ở Mỹ, và không phải Tổng thống Mỹ, mà là một Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn C ở một bản làng Việt Nam thì họ liệu có hành xử khác so với chính họ bây giờ? Ngược lại, nếu một bộ phận quan chức Việt Nam sinh ra ở Mỹ, chịu ảnh hưởng bởi văn hoá quan chức và nền tư bản pháp trị Mỹ thì họ liệu có hành động giống Bush, giống Obama, giống Trump không? Có 4 vấn đề cốt yếu giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.

Một, về xuất thân, phần lớn những nguyên thủ Quốc gia phương Tây (xin nhấn mạnh là phần lớn chứ không phải tất cả) đều có nguồn gốc quý tộc. Với phần lớn những người này sự thiếu thốn về tiền bạc chưa bao giờ là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nhìn lại lịch sử phong kiến và lịch sử hiện đại Việt Nam lại thấy phần lớn những quan chức Việt Nam đều có xuất phát điểm nông dân. Là nông dân, nên họ đã quá quen, và thậm chí bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái đói. Thành thử, khi làm quan, có một cơ hội để thoát nghèo, thoát đói thì họ đã tận dụng triệt để cơ hội này. “Một người làm quan cả họ được nhờ”, thay vì “cả xã hội được nhờ” hay “cả dân tộc được nhờ” là vì thế.

Khi viết những điều này, tôi tuyệt đối không có ý miệt thị người nông dân Việt Nam, bởi đơn giản là tổ tiên, ông bà, bố mẹ tôi cũng là nông dân, và tôi hiểu những giá trị tích cực mà một xã hội nông dân mang lại. Vấn đề chỉ là khi so sánh nguồn gốc quan chức của những xã hội phương Đông lúa nước như Việt Nam với những xã hội công nghiệp phương Tây, ai cũng thấy rõ sự khác biệt, và cần mổ xẻ sự khác biệt đó bằng một con mắt khách quan, khoa học để từ đó có thể rút ra những bài học có lợi nhất cho mình.

Hai, về cơ chế tồn tại, một quan chức phương Tây hiện đại hẳn nhiên cũng luôn tồn tại trong một chính Đảng. Nhưng chính Đảng ấy lại luôn phải chịu sự giám sát, cạnh tranh của những chính Đảng khác. Sự giám sát, cạnh tranh khiến cho ngay cả một bà tổng thống nếu vi phạm pháp luật cũng lập tức bị khởi tố và ngồi tù; ngay cả một ông Thủ tướng nếu có dấu hiệu khuất tất cũng lập tức bị “tấn công”.

Ví dụ mới nhất là việc ông Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vì bị nghi ngờ đã tác động giúp công ty một người bạn mua một mảnh đất chỉ với giá trị bằng 14% giá trị thật mà lập tức bị công kích. Và kết quả là chỉ số niềm tin mà các cử tri đặt vào ông giờ chỉ còn 26% – chỉ số thấp nhất kể từ khi ông lên cầm quyền. Như thế có nghĩa, chỉ một dấu hiệu khuất tất nhỏ nhoi sẽ khiến sự tồn – vong của một quan chức, một chiếc ghế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ba, về tính chất nền kinh tế mà các quan chức này lãnh đạo, điều hành, đấy là một nền kinh tế tư bản pháp trị. Lịch sử chủ nghĩa Tư bản trải qua 2 giai đoạn lớn: tư bản hoang dã và tư bản pháp trị. Trước đây, khi chúng ta nói về “một xã hội tư bản giãy chết” là nói về một giai đoạn tư bản hoang dã, nơi mà sự bóc lột công nhân lên đến cực điểm, nơi mà quá trình tích tụ tiền tệ của một nhóm nhỏ người trong xã hội không ngừng bị lũng đoạn. Và nếu cứ mãi mãi ở giai đoạn này thì đúng là nó sẽ “giãy chết” và đối diện với nguy cơ chết thật. Nhưng cùng với thời gian, chủ nghĩa tư bản đã dần khắc phục những điểm chưa hoàn thiện của mình, và giờ đã chuyển sang giai đoạn tư bản pháp trị với tính chất dân chủ và công bằng xã hội được nêu cao.

Còn Việt Nam hiện tại thì sao? Về lý thuyết, chúng ta đang ở giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, đấy là một nền kinh tế nửa tư bản, nửa cộng sản. Có một nền kinh tế như vậy thật không? Xin nhắc lại một câu rất nổi tiếng của người hiện đang là một trong 15 thành viên trong tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, rằng chúng ta cứ đi tìm một mô hình kinh tế nửa nọ nửa kia, nhưng nó làm gì có thật để mà tìm (?)

Hiện tại, với việc một lượng khủng khiếp của cải vật chất xã hội bị tập trung vào một nhóm thiếu số người thì rõ ràng cái vận động kinh tế – xã hội của chúng ta lại rất giống với thời kỳ tư bản hoang dã – thời kỳ mà các xã hội phương Tây đã đi qua từ rất lâu rồi. Và có một đặc điểm chung của đội ngũ quan chức trong nền kinh tế tư bản hoang dã, đó là họ sẽ không ngừng tận dụng địa vị của mình để ra những chính sách và tận thu tiền bạc, của cải một cách hoang dã nhất, man rợ nhất, nhưng lại có lợi nhất cho mình nhất.

Bốn, cá nhân những nhà lãnh đạo lớn ở các xã hội phương Tây phát triển đều là những người có quá trình học hành tử tế, lớp lang. Họ lớn lên và trưởng thành trong một môi trường giáo dục văn minh, hướng thiện. Cho nên khi làm lãnh đạo, phần lớn những người trong số họ (xin nhấn mạnh chỉ là “phần lớn”, chứ không phải tất cả) đều là những người có nhân cách, có lòng tự trọng, và lý tưởng nghề nghiệp lớn lao.

Trong bốn yếu tố đã nêu, ba yếu tố đầu mang tính chất TĨNH, và nó là một cái TĨNH đầy tích cực. Riêng yếu tố thứ tư mang tính chất ĐỘNG. Nhưng yếu tố TĨNH tích cực tác động mạnh mẽ lên yếu tố ĐỘNG, khiến cho phần tiêu cực mà yếu tố ĐỘNG có thể mang lại bị giảm thiểu một cách tối đa. Trong kết cấu xã hội “3 TĨNH – 1 ĐỘNG” như vậy, phần lớn giới quan chức nếu không thể làm đẹp thêm cho đất nước của mình thì ít nhất cũng không có nhiều cơ hội để biến nó trở nên xấu xa, thối nát.

Đến đây, tôi kết luận “làm quan” đúng là một nghề, nhưng nó là một nghề siêu đặc biệt. Cái nghề mà bên cạnh chức năng kiếm tiền còn có những chức năng thiêng liêng khác, buộc người hành nghề phải luôn nuôi dưỡng trong mình một lý tưởng, hoài bão lớn. Nhưng bên cạnh việc trông đợi bản thân những người làm quan tự xây đắp một lý tưởng, người ta phải tạo ra một cơ chế vận hành khiến cho phần lớn những người đã ngồi vào ghế “quan” nhất thiết phải có lý tưởng. Hoặc ít ra cũng phải giảm thiếu tối đa nguy cơ những con người này thực hiện những hành vi xấu xa, phản quốc.

Trở lại với những vấn đề của đất nước mình, có thể nói chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một chiến dịch đánh tham nhũng quyết tâm, quyết liệt như hiện nay. Điều ấy làm chúng ta hạnh phúc. Nhưng một thứ hạnh phúc bền bỉ và đích thực chỉ xuất hiện nếu một lúc nào đó cái quyết tâm chống giặc nội xâm ấy đến từ sự đòi hỏi tất yếu của một vận – động – thể – chế, chứ không phải chỉ từ một hoặc một nhóm nhỏ những vị quan thanh liêm, giàu lý tưởng – những người mà có lẽ phải sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới lại bất thình lình hiện ra.

PHAN ĐĂNG
Previous Post
Next Post