Chính người Việt chứ không phải ai khác, đang như những con kền kền ăn xác thối, vô cảm tiễn đồng loại ra nghĩa địa bằng cách gieo rắc đại dịch ung thư.
Cách đây nhiều năm, cú sốc lớn giáng vào cuộc đời tôi khi bác sĩ thông báo bố tôi mắc bệnh ung thư gan. Không lâu sau đó, ông qua đời vì sự tàn phá cơ thể đến khủng khiếp của căn bệnh quái ác.
Chưa bao giờ tôi từng nghĩ tới việc, có một thứ gì khiến con người ta đau đớn đến vậy. Mãi những năm tháng sau này, thứ ghim chặt trong đầu óc tôi, vẫn là những cơn đau quằn quại đến chết đi sống lại của bố.
Những ngày này, tôi lại rùng mình khi thấy những con số đập vào mắt, hàng trăm nghìn người mắc bệnh ung thư mỗi năm, phần lớn trong số ấy, thần chết đều gọi tên họ.
Và khủng khiếp nhất, là căn nguyên của căn bệnh chết người kia, một phần không nhỏ đến từ môi trường bị nhiễm độc và thực phẩm bẩn đang đi vào con người chúng ta hàng ngày, hàng giờ.
Chẳng thế mà sáng nay, những người may mắn chưa bị thần chết gọi tên, lại sôi sục vì hình ảnh những con ruốc – một món ăn quen thuộc được ngư dân đánh bắt trên bãi biển Gành Đỏ, Phú Yên đang được nhuộm sang màu hồng đỏ, để bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon hơn, và che giấu được cả những con đã chết rồi trong đó.
Thứ màu ấy, các chuyên gia nghi là Rhodamine B, một hợp chất hóa học cấm sử dụng trong thực phẩm vì rất độc, dùng trong ăn uống có thể gây ung thư.
Rồi cả thông tin của Bộ NN&PTNT về salbutamol, một trong những chất bị cấm sử dụng trong ngành chăn nuôi, đã được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu với số lượng lớn để sản xuất thuốc cho người.
Biết bao người lại giật mình nghĩ tới bữa cơm hàng ngày, khi trong số 9.140kg salbutamol được nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2015, đã bán ra thị trường hơn 6.000kg, chỉ có 10kg dùng đúng quy định, số còn lại, được trộn lẫn vào thức ăn cho lợn.
Nghĩa là hơn 6 triệu con lợn đã chui vào dạ dày người dân, đi cùng đó là 6.000kg chất cấm.
Lần lượt chuỗi hình ảnh kinh hoàng chạy thẳng vào đầu óc, đó là những khi các chủ cơ sở kinh doanh mực tươi dùng chất tẩy trắng – loại hóa chất cực mạnh dùng để tẩy quần áo để con mực trở nên trắng tinh, tươi rói; Là việc hàng tấn chân gà, giò lợn đã chuyển sang trạng thái phân hủy được phù phép bằng hóa chất để trở nên bắt mắt, ngon nghẻ…
Nghĩa là, với những gì đang ăn, đang uống hàng ngày, chúng ta có thể bị ung thư ghé thăm bất cứ khi nào, cuộc ghé thăm được thông báo trước mà không cách gì ngăn cản nổi.
Vô cảm tiễn đồng loại ra nghĩa địa
Hóa ra, từ trước đến nay, chính người Việt đang giết chết giống nòi của mình chứ không phải bất kì ai khác. Lòng tham đã khiến nhiều người giẫm đạp lên đạo đức, lên sự sống của chính ông bà, bố, mẹ, con cái, họ hàng, người thân để làm giàu bằng cách đê tiện và phi nhân tính nhất.
Những thứ giết người từ từ ấy, được ngang nhiên bày bán, được đon đả chào mời, được tươi cười giới thiệu, được hứa hẹn đảm bảo về độ vệ sinh, sạch sẽ mà cái kẻ leo lẻo mời mọc kia không gợn lên một chút áy náy, ngượng ngùng.
Tràn lan khắp mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng tới vỉa hè, từ quán cơm bình dân đến nhà ăn tập thể trong khu công nghiệp, từ chợ cóc tạm bợ đến siêu thị tưởng chừng đã gắn mác tin tưởng, đâu đâu cũng là những thứ bẩn thỉu, được tẩm ướp đủ thứ hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng.
Đến ngay cả những cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng lấy lệ, chớp nhoáng, qua loa, đại khái. Để rồi, miếng ăn hàng ngày trở thành nỗi sợ hãi của biết bao người.
Tôi run rẩy hình dung hình ảnh con kền kền ăn xác thối, đậu trên cành cây cao, mừng rỡ khi thấy sinh vật đứng trước mắt mình, từ từ gục xuống.
Biết bao kẻ nhét đồng tiền bất chính sau túi quần, phủi tay trắng trợn, nở nụ cười tởm lợm nhìn đồng loại đi dần về phía nghĩa địa, y như những con kền kền đó, sống bằng cái chết của con người.
Nhiều người đặt câu hỏi, những cái chết ám ảnh, những con số khủng khiếp, những bãi nghĩa địa ngày càng trở nên chật chội, tiếp theo sẽ là gì?
Hôm qua, hàng nghìn người đã bật khóc khi tiễn biệt Trần Lập về nơi cuối cùng của kiếp người, kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi.
Thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường qua đời vì căn bệnh ung thư trực tràng, một phần căn nguyên, đến từ những thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường mà mỗi ngày anh đưa vào cơ thể. Mạnh mẽ, kiên cường đến mấy, cuối cùng Trần Lập cũng phải về nằm lại dưới đất sâu, vì sự tàn phá khủng khiếp của đủ thứ chất giết người đã tích tụ trong con người anh.
Người ta gọi cái chết của Trần Lập là lời kêu gọi sự thức tỉnh lương tri con người hướng về những điều tử tế.
Không phải, cái chết đau đớn của Trần Lập, màu đỏ tươi của con ruốc hay nỗi ám ảnh về 6 triệu con lợn kia, không thể nhân đạo là sự thức tỉnh lương tri được nữa, mà là đỉnh đỉnh điểm của sự phẫn nộ, là dấu mốc đầy căm phẫn những kẻ bất lương, là lời giục giã, buộc những người có trách nhiệm phải hành động, vì sự tồn tại của chính những người đang còn may mắn sống sót.
Ai trong số chúng ta đã một lần phải bước vào bệnh viện, thót tim bước qua phòng cấp cứu, cứ vài tiếng lại có những tiếng khóc xé ruột gan vì người thân của họ vĩnh viễn chia lìa cuộc sống trong sự đau đớn của ung thư? Ai trong số chúng ta, chính ruột thịt của mình quằn quại, vật vã vì ung thư hành hạ, rồi phải nằm dưới đất sâu lạnh lẽo kia?
“Nếu không phải bây giờ thì sẽ là bao giờ, nếu không phải chúng ta thì sẽ là ai…”, sẽ ngăn chặn những kẻ bất lương gieo rắc cái chết cho đồng loại?
An Yên
Theo VTC