Đứa bạn gái từ thuở lọt lòng gọi điện khóc lóc chán chê rồi đột ngột… rủ đi ăn. Cứ buồn là ý như rằng nó lại… tăng cân, mặc cho tôi với mọi nỗ lực tẩm bổ cho cái cơ thể ốm nho ốm nhách này mà xem ra vô vọng. Kể cũng lạ, nó xem ẩm thực như là phương cách cứu rỗi vệt ruỗng của tâm hồn được thì thật tài tình! Khi buồn tôi chẳng muốn ăn bao giờ - cái khoái cảm đến từ bản năng thân xác chẳng thể nào át được nỗi đau lớn đến từ tổn thất tinh thần như thế cả!
Nó một mực lôi tôi đi bằng được. Nhưng sự quyết đoán và quyết tâm ấy nó chẳng thể một lần đem áp dụng được cho tình yêu.. Luôn là kẻ bị động, nó hoang mang vì vẻ như mình chỉ như con rối trong mắt người tình. Ờ, thì đi. “ Yên tâm bữa này tao trả!” - trước khi cúp máy, nó bồi thêm câu ấy.
Ồ, thì ra nó đánh đồng sự lưỡng lự trong tôi với mối e ngại về khoản … ẩm thực phí. Thực thì có đến ba phần tư số lần đi ăn đều do tôi mời. Cũng là cái tâm lí, chẳng đấng nam nhi nào lại an nhiên để con gái rút hầu bao trong những sự vụ kiểu thế này cả. Có thể trong ví tôi vỏn vẹn chỉ còn đủ cho bữa ăn đó. Có thể đêm đó tôi biết mình sẽ bấm bụng úp mì và ngủ trong tiếng réo sôi của dạ dày. Nhưng để bạn gái trả tiền, nhất khoát không!
Lại bàn về miếng ăn. Đó không đơn thuần là thứ bỏ vào mồm nhai trong chốc lát nữa. Người ta cả đời lận đận vì miếng ăn, sang hèn cũng phân cấp bởi miếng ăn. Tôi trả tiền sau mỗi bữa ăn không chỉ vì để chứng tỏ sự ga -lăng cho phái nữ thấy, nó còn là thứ oai vệ đường hoàng tự tin về mặt tài chính, xét sâu xa hơn không gì khác đích xác là khả năng làm… trụ cột gia đình - một thứ mặc định hay là nghĩa vụ, thiên chức của một người đàn ông, hiện tại, sau này…
Các cụ ta xưa có câu “Miếng ăn là miếng nhục”. Câu này xuất hiện một lần trong tiết giảng văn của cô giáo tôi - chắc độ tôi học lớp tám. Sở dĩ tôi nhớ điều ấy vì khi đó tôi đã nói chêm vào ngay khi cô vừa thôi đọc: “miếng ăn là miếng thịt”. Tôi suy nghĩ giản đơn, “nhục” là “thịt”. Cả cô và trò đồng loạt ré lên cười… Nhưng sự thực, khi người ta nhắc đến miếng ăn, không đơn thuần là miếng thịt - là miếng hàm răng ta nhai khoang miệng ta tiết enzym tiêu hóa nữa. Nhưng thôi, điều này ta hãy bàn ở phía sau.
Như đã thành thông lệ, đi ăn ở những quán xá mà đứa bạn tra mạng cả buổi mới ưng vì đồ có vẻ “độc” và “ngon” thì ôi thôi, khách ra khách vào nườm nượp, có khi gọi đồ đã ba mươi phút mà chưa thấy bóng dáng nhân viên phục vụ đâu. Những quán như thế hình như chủ quán được dịp chảnh, được quyền bỏ qua sự sốt sắng hoặc thậm chí là cái sự đói cồn cào của thực khách. Khó chịu à? Chúng tôi rất nhiều khách, quý vị có thể đi và tìm một nơi nào đó cũng thứ đồ này nhưng kém ngon hơn. Còn quý vị có thể chờ thì xin hãy gượm đã. Tôi bất giác thấy mình ở vai chủ quán, thở dài đánh thượt. Mà có chắc mình còn được là “quý vị” không nữa!
Lại nhớ tới mấy vụ “bún mắng”, “cháo chửi”. Quả thực khách hàng bây giờ nhiều khi đã chẳng còn là Thượng Đế! Rõ là bỏ tiền ra đấy, nhưng xét xem tâm thế có hệt một đứa ăn xin đi cầu cạnh tình thương từ đồng loại không???
Miếng ăn miếng nhục. Báo chí mới phản ánh bằng loạt bài về chặt chém khách ở một số quán xá nơi tụ điểm du lịch, lễ hội chùa chiền. Cốc trà đá ba chục nghìn đồng trong khi bát phở có giá hàng trăm. Chắc đấy là phở bò Ko Bê được nuôi dưỡng chăm sóc tỉ mẩn sang chảnh hơn cả con người?!... Quát giá như thế khác nào đi ăn cướp, mà cướp một cách công khai và thản nhiên như không có sự gì! Nhưng ăn rồi biết sao? Cái thứ hỗn hợp ấy nó đã chảy xuôi vào dạ dày, xuống ruột non, chẳng lẽ lại… moi ra trả lại??? Ấy mới thật cao tay, cướp mà nạn nhân vẫn không thể chống trả, xét trên tính chất đó vẫn là một cuộc bán - mua… Quả là nhục!
Tôi lại để ý thấy người thành phố khi vào ăn phở hay ăn thứ đồ gì đó, mặc dù bụng rất đói, có thể ngấu nghiến xơi một mạch hai bát phở cỡ bự, mà chỉ ỏn ẻn vớt lấy vài miếng bánh phở rồi buông đũa chống cằm. Ăn như vậy nó mới ra dáng là người thưởng thức, bởi thực đã qua lâu rồi cái thời khan hiếm thực phẩm của cả dân tộc, cái thời mà người ta chia nhau từng vuông thịt, từng lít dầu… Ăn, bây giờ phải nâng lên hàng thưởng thức, người ta ăn hương ăn hoa chứ đâu phải nghèo hèn mà vào quán bê tô húp xoàn xoạt trơ đáy! Vì vậy, đói cũng phải bấm bụng mà chịu, ăn có cữ có lượng, thiếu đâu về nhà mua hoa quả bánh trái “lấp dạ” thêm!...
Thật khác xa với làng quê tôi quá! Nếu đem chuyện này kể, sợ mọi người cười chê, chứ mỗi dịp đi ăn cỗ đám cưới đám hỏi, các bà các mẹ của tôi mỗi người không ai bảo ai đều dắt thêm 1 cái túi nilon sạch trong túi áo. Ngồi vào mâm phải chọn những người… cùng chí hướng, ấy là cái chí hướng… lấy phần! Các mẹ chỉ ăn món gì có nước thôi, còn những đĩa khan ( giò chả, thịt gà…) thì để riêng ra đó, cuối bữa chia đều sáu phần rồi đùm vào túi bóng xách về cho con cái bữa sau có thứ ăn ngon. Giò chả với chúng là thứ xa xỉ, với cả một tầng người lam lũ đầu tắt mặt tối mà làm vẫn chẳng đủ ăn… Tôi bỗng rưng rưng quá! Ở nơi này người ta phong lưu thưởng thức hết sơn hào hải vị, đến độ quay ra...ăn tạp phế lù nào rắn rết bò cạp bọ xít giun đất … rồi, vậy mà nơi quê xa mẹ cha vẫn ngày ngày cơm trắng muối cà, từng đồng bạc lẻ chi chút gửi con cái tìm tương lai nơi thị thành phương xa…
Nói vậy, không có nghĩa là miếng ăn ở quê hương tôi vẫn còn thuần khiết, trong ngần, thanh cao. Miếng ăn cũng còn là miếng nhục. Nhục từ nghèo khó, từ thiếu đói, đôi khi nhục cả vì sự trẻ thơ. Tôi nhớ như in thuở tôi mới lên năm, nhà bên có đám ma, cha mẹ tôi sang đó giúp đỡ tang gia cả ngày. Đến tối tôi chưa có gì bỏ bụng, bèn chạy qua đầu ngõ đám để hít hà hương vị đồ ăn thơm ngon vừa xào nấu xong hôi hổi. Như nhà văn nào nói đấy: chỉ hít thôi cũng đủ no rồi, sự hít này cũng chính cái nguyên nhân bảo sao anh đầu bếp ngày ngày tiếp xúc, làm ra biết bao món ngon mà khi về nhà chẳng tài nào ăn được - chỉ hít thôi cũng đủ no rồi.
Tôi đứng hít được một lát thì gia chủ để ý thấy, gọi vào ngồi ăn. Vẫn nhớ lời mẹ dặn: rằng không được qua đó ăn, cơm tối về mẹ nấu, nhưng sự thèm khát mùi hương kia cộng với sự hồn nhiên ngây thơ đã để tôi an tâm vì câu nói lừa gạt đáng yêu của gia chủ: mẹ cháu bảo bác gọi cháu sang ăn cơm, tôi tin ắng! Để rồi ngay khi vừa buông đũa, quay trở lại con ngõ thì bất thần một đám trẻ nít trạc tuổi xổ ra vây quanh tôi liên miệng ê ê cái đồ ăn rình, cái đồ chết đói. Có biết đâu rằng, sự tự ti trẻ nhỏ vì bạn bè kì thị ấy của tôi hồi đó đâu thể sánh bằng nỗi tủi hổ của mẹ cha tôi với bà con chòm xóm. Thế đấy, đôi khi chuyện con trẻ mà người lớn cũng lệ rơi…
Đứa bạn nãy giờ ngồi yên, nó thao thao điều gì đó, trong lúc chờ chủ quán bưng ra khay rán bít tết. Quán này có tiếng ở Hà Thành, tụ tập toàn gương mặt xinh xẻo, trẻ teen. Nó khua tay trước mắt tôi ra chiều gọi lại tâm hồn tôi đang vất vưởng nơi đâu hoàn về thể xác. Mày biết không - nó nói - buồn mà không ăn thì thực là uổng phí cuộc đời, bởi khi buồn người ta tiêu hao nhiều năng lượng ghê lắm! Đứa nào ngược đãi bản thân giai đoạn ấy xong thì biết ngay, rộc cả người ấy chứ!
Nó nói đúng quá, buồn làm người ta tổn thất nhiều năng lượng ghê lắm. Nghĩ đến miếng ăn, tôi đang buồn đây! Ừ thì ăn. Ăn cho hết buồn. Nhưng cũng gườm gườm quá đỗi! Người ta lại chẳng có câu: bệnh từ mồm mà vào đó thôi!...