Tại sao người Việt không khá nổi?

Văn hóa nghèo ảnh hưởng đến kinh tế.

Cái tư tưởng nghèo làm con người mất ý chí làm giàu. Vấn đề này, theo tôi, tác phẩm “Văn hóa trì trệ “ của bà Lê Thị Huệ đã viết khá kỹ. Ở đây chỉ minh họa bằng các đoạn quan trọng:

“… Văn hóa VN từ ngày lập quốc cho đến nay là một VH rất thân thương cái nghèo.  

Từ thời huyền sử VN đã ca ngợi những thần tượng nghèo khó. Bắt đầu với truyện có anh kẻ biển tên là Chữ Đồng Tử nghèo đến độ không có cái quần mà mặc nên phải chôn mình xuống đất để khỏi mặc quần. Nghèo chi mà nghèo dữ! Vậy mà sau này lại được một nàng công chúa tên là Tiên Dung muốn lấy. Câu chuyện cổ tích thần thoại này giới thiệu vào tâm hồn người VN mối lãng mạn về cái nghèo từ nhỏ….

…Trong sinh hoạt nghệ thuật VN, những nhân vật nghèo khổ thường là những nhân vật được ca ngợi và được nâng niu trìu mến trong lòng quần chúng. Một anh ca sĩ Trương Chi nghèo nhưng được người con gái quyền thế dấu yêu để ý. Thạch Sanh chém Chằng là anh nhà nghèo…. …Nghe kể là ở vùng Thanh Hóa có nguyên một ngôi làng sống bằng nghề ăn mày. Họ ăn mày rất chuyên nghiệp. Họ còn thờ cả vị Tổ ăn mày nơi xứ này. Đến ngày giỗ tổ là mọi người trong làng đều phải đi ăn mày để nhớ ơn Tổ. [i] Cái xứ sở gì mà nghèo khó đến độ tạo ra một “nghề nghèo” chuyên nghiệp thì quả đây là một hiện tượng xã hội khá đặc biệt.

…Tại sao trong những điều kiện vật chất phì nhiêu lúa gạo, thịt cá đầy biển, mỏ vàng mỏ than mỏ sắt các nơi, đã hiện diện từ bao trăm nghìn năm nay mà bây giờ nước VN vẫn còn nghèo. Tại sao trong những điều kiện trí tuệ thông minh đánh giặc đâu là thắng trận đó, người VN lại không nhìn ra cái lẽ là thay vì dùng trí lực vào việc mưu mô “đánh giặc”, họ có thể dùng trí tuệ vào việc “kinh doanh” và sáng chế đồ dùng cho dân xài và nước giàu. Tại sao cách đây mấy nghìn năm, thay vì chỉ đủ ăn, người Việt đã không nghĩ ra việc xuất cảng lúa gạo để kiếm tiền nhiều hơn…

… Tại sao các làng nghề như gốm (Bát Tràng), chạm khắc gỗ (La Xuyên, Nam Định), đúc đồng (Đại Bái, Bắc Ninh), chế biến vàng bạc (Kiêu Kỵ) dệt lụa (Hà Đông, Vạn Phúc) (67), đều khoe là đã vào nghề từ hàng trăm cho đến hàng nghìn năm mà vẫn không phất lên nổi? Có ngành nghề cả nghìn năm sao không phát triển tối đa để mang lại lợi nhuận tích trữ cho giàu sang phú quý lên mà giờ này làng nào làng nấy cũng vẫn còn nghèo xơ nghèo xác. Trong khi nước Mỹ vào năm 1776 là con số không, chả có ngành nghề nào ráo. 200 năm sau, 1976, nước Mỹ phát triển cách gì hay quá mà họ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới!

Có phải người VN, từ trong căn bản, đã lãng mạn yêu thương sự nghèo khổ? Họ mới không phản đối chiến tranh. Nên hễ ai kêu gọi tòng chinh diệt giặc là sẵn sàng tham chiến. Mà hễ có chiến tranh, thì nghèo đói sẽ xảy ra.

Biết trước có chiến tranh là sẽ có nghèo đói. Vậy mà VN vẫn thích lao vào chiến tranh này đến chiến tranh khác. Tôi tự hỏi sao mấy ông bà tổ tiên VN không bàn được mưu tính được kế nào hay ho, để một mặt vẫn giữ được xã hội thái bình, một mặt vẫn không để cho người ngoại quốc xâm lăng như mấy ông bà tổ tiên nước Thái Lan. Mấy ông bà tổ tiên nước VN chắc là thích đánh nhau hơn mấy ông bà tổ tiên nước Thái Lan! Mấy ông bà tổ tiên VN chắc là thích nghèo hơn giàu, nên đến giờ này nước VN vẫn còn trong cơn say nghiện cơn nghèo.

Cùng với hoàn cảnh chiến tranh liên miên, xã hội VN mất tính vững chắc. Vì vậy nghèo đói là một hiện trạng thường trực nằm ung dung phơi bày vui vẻ ra trong xã hội VN từ thời thượng cổ đến nay…

… “Có người đã nhận xét: Người Pháp cho sống là hưởng lạc, người Đức cho sống là làm việc, người Việt cho sống là chịu đựng.”

Ca dao tục ngữ có một câu thần chú mà tôi bảo đảm là bất kỳ trẻ em VN nào cũng từng đã phải ít ra một lần bình luận nó trong giờ tập làm văn bậc tiểu học. Đấy là câu “Đói cho sạch. Rách cho thơm…”

…Tâm lý rán chịu đựng sự nghèo khổ đã được khích lệ bằng những câu ca dao tục ngữ kiểu này.

Rán chịu đựng, một loại tâm lý không khuyến khích con người vượt thoát, khắc phục để thay đổi và tiến bộ. Rán chịu đựng, một dạng tâm lý khuyến khích con người ta sống với sự thua thiệt nghèo nàn. Và tác giả Lê Văn Siêu, một người viết khá nhiều sách về VH VN, lại cho tâm lý “rán chịu đựng” này là một thứ “truyền thống” của người VN: “Suốt một cuộc đời của người VN vậy đã chỉ toàn chịu đựng…

…Chính cái tâm lý rán chịu đựng này là thủ phạm kéo dài triền miên sự nghèo khổ trên một đất nước của những con người thông minh, cần cù, nhẫn nại này đấy. Còn phải nói gì hơn nữa…”

Làm ăn chụp giựt.

Do lịch sử, đại đa số người Việt không làm được chuyện lớn lâu dài. Cái tư duy “thằng Bờm” chú trọng cái gì có trước mắt cho yên. Tình hình càng bất ổn, số người làm ăn chụp giựt, bất chấp hậu quả càng cao. Miễn có tiền, nhiều tiền cho mình là được. Người làm ăn đàng hoàng thì bị ăn chặn, phá thối đủ cách lại không ngóc đầu lên được trong khi mà uy tín, thương hiệu đòi hỏi phải có thời gian chứng minh. Từ đó mà số người làm “”, giới thiệu đòi “phần trăm” trở nên phổ biến và nó ăn sâu mọi hoạt động xã hội. Nhiều hoạt động chỉ nhằm mục đích hốt tiền nhanh và … chạy khi có biến.

Cái khổ triền miên tạo một tư tưởng mình phải “hy sinh đời bố, củng cố đời con” chấp nhận mọi hậu quả cho mình nếu bị đổ bể miễn sao thu tối đa lợi nhuận để cho con cháu hưởng. Nhiều quan chức đã lạm quyền để tận thu trong thời gian đương chức bên cạnh những kế hoạch to lớn nhằm tự đánh bóng mình và thu lợi hơn là hữu ích cho dân. Cái “tư duy nhiệm kỳ” nó như thế đó.

Riêng những ai làm ăn thành công đáng hoàng cũng khó phát triển mạnh do thành phần cơ hội “nguy tránh, thành tranh” bu bám theo ăn hại dưới mọi hình thức.

Không phán xét nên dễ tin người ngoài, chạy theo số đông.

Làm ăn đã không tính xa mà chạy theo số đông thì phá sản sớm. Trong một nền kinh tế không ổn định, hể đánh hơi thấy nghề nào phát đạt thì nhiều người ùa nhau vào làm nên sinh lạm phát nghề và tạo những khủng hoảng thừa cục bộ trên thị trường. Do tâm lý thích ăn xổi nên người mình luôn bị gian thương chi phối mà vẫn không rút được một kinh nghiệm để tránh lần sau.

Điển hình là “phong trào mua bán” do gian thương Tàu bày ra để đội giá đầu cơ lũng đoạn: bán chim cút, tắc kè, móng trâu, gỗ sưa, rễ mật nhân… mà sau đó là một hậu quả về môi trường, kinh tế khó cứu vãn. Cạnh đó, nhiều người còn “thả mồi bắt bóng” bằng cách từ bỏ những nghề truyền thống của mình để chân ướt chân ráo lao đầu nghề mới và lãnh thất bại. Chỉ có giới đầu cơ đã thu lợi nhiều hơn cả.

Tất cả là do không có sự phán xét chính chắn trước tình hình, làm ăn theo cảm tính, số đông hơn là tính chuyện lâu dài. [ii]

Người may mắn có điều kiện đi xa mở mang tầm nhìn chút đỉnh thì ưa bắt chước để chủ trương nhiều kế hoạch “hoành tráng” bất chấp đủ điều kiện hay không. Cảnh “trọc phú học làm sang” thực hiện chưa tới nơi đem lại kết quả nhiều khi lố bịch làm trò cười cho thiên hạ. Khổ là lắm kẻ bốc giòi ăn mà cứ tưởng đang ăn nhộng!

Không tin tưởng lẫn nhau.

Bình minh lịch sử với truyền thuyết “ly thân” của Lạc Long Quân và Âu Cơ xem như một điềm báo sự chia rẽ tiềm ẩn trong dân Việt.

Tư tưởng làm ăn cá thể của người Việt như là một biểu hiện tiêu cực của ước mơ độc lập cho mình. Hầu hết thói quen làm chủ, dù là một cơ sở nhỏ, là một điều mọi người Việt mình mong muốn. “Thà làm đầu gà hơn là đuôi phụng” là lý do lâu nay không bao giờ người Việt ùn hạp để một công ty tập đoàn vững mạnh đúng nghĩa, nhất là khi ai cũng ưa thủ lợi cho riêng mình trước đã.

Do thói quen làm chủ nhỏ “làm bao nhiêu ăn bao nhiêu vậy mà chắc ăn” nên người Việt thua xa người Tàu vốn coi trọng chữ tín với nhau và có lòng tương trợ đồng hương xa xứ. Đa phần những vụ hợp tác giữa người Việt với nhau đều bị rã đám nửa chừng do ăn chia không đều sau một thời gian bất chấp mọi điều kiện ràng buộc đã được ký kết.

Tuy người Việt không có thói giấu nghể như người Tàu, nhưng do không tin nhau trong và hay thủ thế trong làm ăn mà nhiều hợp tác nửa vời làm hỏng hết đại cuộc. Cũng từ đó mà chuyện “đầu voi đuôi chuột” xảy ra làm nản lòng nhiều phía chưa kể người kế thừa công việc nhiều lúc lại không đủ khả năng gánh vác nên nhiều kế hoạch bị phá ngang.

Giới cơ hội chụp giựt trà trộn cùng những chính trị gia xôi thịt núp bóng dưới dạng “nhà yêu nước”, “doanh nghiệp thành đạt hàng đầu”… luôn tạo những bánh vẽ, quả lừa cho dân chúng nên lòng tin lẫn nhau không còn nữa. Nguy hại hơn nữa, những lòng tin sứt mẻ này lại dính những lời đường mật của người nước ngoài để rồi lãnh nhiều hệ lụy khác…

Không quan tâm chính trị.

Kinh tế và chính trị có liên hệ chặt với nhau. Trong kinh tế, cách điều hành cũng không khác nguyên tắc chính trị. Do biến động chính trị tại VN quá cao so với các nước khác, đa số người Việt trở nên ngán ngẩm và nhất là xem chính trị là một điều ghê tởm cần tránh xa. Trong y học, Hải Thượng Lãn Ông xem chữa bệnh như một hoạt động chính trị, quân sự trên cơ thể người (Lương y như lương tướng). Ngay trong gia đình, cách suy nghĩ tổ chức gia đình cũng là một dạng làm chính trị mà chẳng ai thèm liên tưởng đến. Có lẽ nên định nghĩa “chính trị = trị để ngay chính”.

Nhiều người làm ăn ngây thơ cứ nghĩ rằng làm ăn không dính dáng tới chính trị là yên thân. Nhưng thật sự tình hình chính trị đã ảnh hưởng tới nhiều biến động kinh tế mà nhiều người vì thế sơ ý bị sụp đổ nhanh chóng. Suy nghĩ phiếm diện về chính trị của không ít người mình là điều đáng chê trách nhất là khi trải qua bao biến động mà không rút được một kinh nghiệm nào ngoài giải pháp làm ăn chụp giựt trước mắt.


[i] Làng Đồn Điền (Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa) – Xem thêm “Đi tìm huyền thoại làng ăn mày”: http://vietbao.vn/Phong-su/Di-tim-huyen-thoai-lang-an-may-Vietnam-Net-31-05-2003/40016081/263/

[ii] Lúc nhỏ có đọc một chuyện ngụ ngôn như sau: Hải Âu nhận được một lúc nhiều tin mời dự tiệc của bạn bè và quyết định đến nhà Bồ Câu để dự. Giữa đường, Hải Âu sực nhớ lần trước mình ăn tại nhà Vẹt ngon hơn bèn đổi hướng sang nhà Vẹt. Lát sau, nhớ lại tiệc nhà Công ăn vui hơn và đổi hướng sang nhà Công. Bay đi bay lại nhiều lần thì trời tối mịt và Hải Âu không dự được tiệc nào cả!

Previous Post
Next Post