Một người làm quan cả họ được nhờ, cả họ làm quan thì. .. dân tộc được gì?! |
Hơn 40 năm trước, khi tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, do nhu cầu về nhân viên cấp cao vượt qua nguồn cung, nên các công ty Mỹ lớn có thói quen gởi người đến các đại học để tuyển mộ “nhân tài”. Những sinh viên ở Top Ten (10% đứng đầu sổ) tha hồ lựa chọn công việc và chỗ làm theo sở thích. Vào thời điểm đó, các cơ quan chánh phủ cũng cho người đến các trường để tìm nhân viên. Nhưng họ chỉ vớ được những sinh viên học dở, nằm ở cuối sổ, vì làm việc cho chánh phủ được coi là nhàm chán, lương thấp, không có cơ hội để tỏa sáng và dành cho những anh sinh viên “hơi ngu dốt”, “kém may mắn”.
Tôi lớn lên trong bối cảnh Việt Nam, nơi mà các nhà xã hội học thường quan sát là “mỗi người Việt Nam là một ông quan nhỏ (each Vietnamese is a little mandarin). Cho nên, đây là một nghịch lý tôi phải thay đổi tư duy để làm quen: ở nước mình, con đường hoạn lộ là con đường duy nhất để vươn lên trên xã hội.
Ở những xã hội dân chủ Âu Mỹ thời đó, làm quan đã bị coi là mạt vận; còn nếu lêu lỏng, không lo học hành, đào tạo cho mình kỹ năng bài bản hay trí thức thâm sâu, thì con đường duy nhất đi đến tương lai chỉ có thể là đi… làm lính (quân đội hoặc cảnh sát).
Có lẽ đây là tư duy của cha mẹ ông Hosni Mubarak khi ông không được học làm bác sĩ kỹ sư, mà phải vào quân đội. Tuy nhiên, trái với mọi tiên đoán, khi phải buộc từ chức và giao quyền Tổng Thống Ai Cập lại cho người khác, sau 65 năm, ông Mubarak bây giờ có thể về hưu với 1 tài sản lớn hơn Bill Gates (ước tính khoảng 70 tỷ US dollars) và cả gia đình ông, kể cả hai người con, đều là những tỷ phú dựa trên tài sản riêng của họ. Trong khi đó, 40% dân nghèo Ai Cập phải lo lắng từng bữa ăn với một lợi tức trung bình chừng 2 dollars một ngày cho mỗi đầu người.
Trường hợp ông Mubarak không phải là đơn lẽ. Hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ” đã tồn tại suốt 10 ngàn năm trong lịch sử nhân loại, qua mỗi thời đại và không gian. Khởi đầu là các chế độ phong kiến với tập tục “cha truyền con nối”, “trung thành với vua quan”, rồi biến thành “chiến sĩ của các đại lãnh tụ”. Dù mọi lý thuyết và thực tế đã chứng minh sự lỗi thời lạc hậu của định kiến này, nó vẫn được tiếp tục trấn đặt trên người dân khắp nơi để bảo vệ quyền hành của các chánh trị gia. Từ vị vua chúa ở đỉnh cao đến ông trưởng thôn ở 1 quận hẻo lánh, lợi dụng quyền lực của mình để gia đình cùng hưởng lợi, nhất là vợ con, đã trở thành một thói quen như ăn uống hay giải trí. Ngay cả những quốc gia dân chủ văn minh ở Âu Mỹ, các quan chức và gia đình quyền lực vẫn tìm đủ mọi khe hở của pháp luật để phát huy quyền hành và đặc lợi. Sự tham lam không bao giờ chịu ngưng ở một thế hệ.
Mubarak không phải là vị lãnh tụ Ả Rập đầu tiên muốn đưa con trai mình lên nối ngôi Tổng Thống. Trước đó, Tổng Thống Assad ở Syria đã thành công đưa con là Bashar al-Assad lên vị trí “number one”. Saddam Hussein chuẩn bị đầy đủ cho con trai Qusay lên kế vị trước khi ổng bị giết. Các ông lãnh tụ từ Muammar Gadafy của Lybia, Ali Abdullah Salih của Yemen, đến các vị vua ở Kuwait, Bahrain, UAE, Saudi Arabia. luôn tìm đủ cách để con cái được nối ngôi, dù phải trả giá cao đến bao nhiêu, từ giá hạnh phúc cho gia đình mình đến giá xã hội cho nhân dân đang đói nghèo ngoài dinh thự.
Qua đến Á Châu, tập tục cha truyền con nối còn phổ thông hơn các nơi khác vì triết lý Khổng Mạnh (quân sư phụ) đi theo các chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội. Gần nhất thì có ngài Chủ Tịch Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên vừa phong chức Đại Tướng cho con trai 25 tuổi của mình (Kim Jong Un) để chuẩn bị cho ông con lên nối ngôi khi ngài nằm xuồng. Ngài cũng đã thừa hưởng chức vụ lãnh tụ này suốt 30 năm qua sau khi nhận lại quyền hành từ thân phụ, ngài Kim Il Sung.
Ở Đài Loan, khi Tưởng Giới Thạch qua đời, con trai ông là Tưởng Kinh Quốc thay thế nắm quyền lãnh đạo đến năm 1988.
Tại Trung Quốc, thống kê của chánh phủ khi loan báo đã làm sôi nỗi mạng lưới Net là sự kiện 90% các tỷ phú (US dollars) mới của Trung Quốc theo danh sách Forbes 2009 là “con ông cháu cha” của các cựu lãnh tụ trung ương hay còn gọi là các hoàng tử đỏ (princelings) (a). Tuy vậy, các lãnh tụ Trung Quốc khôn ngoan hơn các xứ khác: họ cho con cái thay đổi tên họ để tránh sự nhận biết quá rõ ràng về những liên hệ gia đình.
Ngay cả một xứ dân chủ tự do như Mỹ, ông George W Bush đã dùng bộ máy tranh cử và cố vấn của cha để tranh cử và đắc cử Tổng Thống vào năm 2000 và 2004. Trong lịch sử Mỹ, dù không kế vị trực tiếp, nhưng Tổng Thống John Quincy Adams là con của cựu Tổng Thống John Adams. Những gia đình khác có sự tập trung quyền lực chánh trị nổi tiếng của Mỹ là gia đình Kennedy ở Massachusetts, gia đình Daley ở Chicago, gia đình Brown ở California… Nhưng phải công bằng mà nhận định là các người con chính trị gia ở Mỹ phải trải qua những kỳ vận động tranh cử rất mệt nhọc để kiếm phiếu từ người dân, chứ không được trao vương miện bằng một sắc lệnh như tại các xứ khác.
Dĩ nhiên, người dân thường không ngu dốt đến độ không nhận ra nhũng áp đặt bất công và phi lý này. Tuy nhiên, cả mấy chục năm nay, những người dân ở Ai Cập, Tunisia hay Algeria quá nghèo, lay lắt với miếng cơm manh áo, để lưu tâm đến những trò bịp bợm. Nghịch lý là chỉ khi Ai Cập, Tuniasia và Algeria đạt được một mức thu nhập GDP trên đầu người cao hơn và có thì giờ tiền bạc tiêu xài cho những phương tiện truyền thông hiện đại hơn, thì làn sóng phản kháng mới lan rộng trong nhiều tầng lớp trung lưu. Nhiều giả thuyết cho rằng, nếu GDP của Ai Cập đừng tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm như trong 10 năm qua, thì dân Ai Cập vẫn còn ngoan ngoãn như một đàn cừu, lo mưu sinh, nhịn nhục trong gọng kềm sắt đá của các cơ quan công an mật vụ.
Nếu các lãnh tụ độc tài ngày nay quay ngược thời gian và có cơ hội tư vấn từ Machiavelli (quân sự chính trị lỗi lạc nhất thời Trung Cổ), họ sẽ nhận lời khuyên như sau, “Đừng để dân giàu nhanh, đừng để dân khôn biết hơn và đừng để dân có thì giờ nhàn rỗi. Quyền lực của các ngài sẽ lâm nguy đó.” Tôi không biết có nhà chính trị nào ở Trung Quốc khuyên chánh phủ là phải giữ mức độ tăng trưởng GDP dưới 1% trong 20 năm tới, để tránh mọi rắc rối, như bài học Ai Cập, Tunisia đã dạy?
Tối qua, khi coi BBC về một phân tích các nguyên nhân của cuộc cách mạng ở Ai Cập, một người bạn gởi cho tôi một đoản văn về Zen (Thiền).
“Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi:
- Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác nhau?
- Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh
- Ồ, vậy thì được.
Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát:
- Bộ không thấy đèn hả?
- Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà.”
Suy nghĩ cho cùng, Bắc Triều Tiền sẽ là một nước ở chế độ chính trị ổn định nhất thế giới.
Alan Phan
Chú thích: (a) Collard, Tim, 2009, Chinese princelings: the cover-up gets more difficult, The Telegraph, UK, 10/08/2009.
Xem thêm: Xóa 'mô hình' cả họ làm quan: Cần sự công khai; Hết thời "cả họ làm quan"?!
Xem thêm: Xóa 'mô hình' cả họ làm quan: Cần sự công khai; Hết thời "cả họ làm quan"?!