Quê tôi cách xa thủ đô khoảng 300 km. Vùng quê tôi xen kẽ nhiều nghề nông nghiệp: trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản…
Mỗi lần về quê tôi thường được đưa đi thăm nhà bà con gần xa ở nhiều xã và canh tác nhiều ngành nông sản khác nhau. Ở gia đình nào tôi cũng được mời cơm và đây là đối thoại:
Ở làng trồng lúa:
- Cô yên tâm đi, cơm nhà con thổi bằng thứ gạo được làm từ thửa trồng lúa riêng cho gia đình ăn, cằn một tý năng suất thấp một tý, cơm không thật trắng nõn nhưng là gạo thật, không thuốc thang gì!
Ở làng trồng màu:
- Đấy, đĩa rau này là em hái ở khoảnh vườn mà em đưa chị ra thăm, chỉ trồng để phục vụ bữa ăn gia đình thôi. Rau bán em trồng đại trà ngoài ruộng, chị yên tâm đi, rau sạch nên nó không được non như rau ngoài ruộng chị ạ.
Ở làng chăn nuôi:
- Thịt lợn trên mâm là phần nhà mình được chia từ con lợn nhà bà Minh ngả ngày bữa kia. Lợn sạch đấy chị, không tăng trọng, không thuốc kháng sinh, không chất tạo nạc gì đâu. Nuôi cả năm mới ngả đấy chị. Hiếm lắm, làng mình chuyên chăn nuôi, nên con nào nuôi để cả làng chung chạ là biết hết, không làm ẩu được, bà con họ nhiếc cho, mất tín nhiệm. Chị yên tâm lợn sạch nhá, HN đốt đuốc cũng không tìm thấy đâu.
Khi thuyết minh cho tôi về thực phẩm sạch do tự tay họ làm và cam đoan 100% về tính chính xác, những người bà con ấy tỏ ra rất tự tin và hồn nhiên vào cái sự khôn ngoan và hiểu thế sự của mình. Họ ru tôi ngủ yên trong niềm tin thực phẩm sạch ấy một cách chân thành.
Nhưng tôi càng đi, càng nghe, càng thấy hãi sợ và bất an. Bởi, trên mâm cơm của làng canh tác lúa vẫn đủ đầy thịt rau mua từ chợ do các làng khác bán. Mâm cơm ở làng trồng màu thì không chỉ ăn rau mà còn đầy ắp thịt và cơm nấu từ thứ gạo họ cũng mua về từ chợ…
Mâm cơm chỉ sạch một khoảnh nho nhỏ trong cách nghĩ thiển cận ấy, còn lại vẫn là thực phẩm bẩn. Thế nhưng, ai cũng nghĩ mình khôn.
Đó là nhìn hẹp trên mâm cơm, còn những thứ bẩn lây lan dường như vô phương ngăn chặn đó là nhiễm bẩn nguồn nước do sử dụng các loại hóa chất vô tội vạ, sự khuếch tán vào không khí… khiến cho việc ăn, việc uống, việc hít thở, việc chung sống với môi trường bẩn giờ đây không còn là chuyện có thể xử lý theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” mà phần đông người Việt đang tư duy theo cách đó.
Mâm cơm đãi khách thịnh soạn mà lòng tôi không vui khi câu chuyện bên mâm cơm không thể tránh được chuyện gia cảnh, nhà thì có con đang học lớp 7 vổng vao, xinh đẹp, bỗng dưng đau đớn, bỗng dưng như có dòi bò trong xương… cha mẹ bỏ nhà bỏ việc, mang công vay nợ để đưa con đi khám bệnh chạy chữa khắp nơi… đến giờ chỉ còn ngồi trông chờ sự sống mòn mỏi tắt dần vì Bệnh viện Bạch Mai kết luận tình trạng mất xương không rõ nguyên nhân và không thể chữa…
Nhà khác thì đập vào mắt tôi là cảnh một cậu bé nằm trên võng, quắt queo lay lắt đau đáu nhìn mọi người… Nhà thì chồng mới chết vì ung thư, nhà thì vắng hoang vì chồng đang đưa vợ ra Hà Nội chữa bệnh cũng nghe nói ung thư gì đó… Mỗi lần nghe, mỗi lần chứng kiến lòng tôi buồn khôn tả.
Đâu rồi cảnh làng quê thanh bình?
Đảo qua chợ quê, tôi thấy chẳng khác gì chợ tỉnh, chợ thủ đô. Thực phẩm, đồ dùng na ná như nhau. Cũng hàng hóa gia dụng công nghiệp đang được quảng cáo um xùm bày bán la liệt. Cũng hàng thời trang xí xọn nháo nhào tây ta Tầu - Việt la liệt. Thực phẩm gạo rau thịt cá, sữa, bánh kẹo, đồ ăn công nghiệp không thiếu… có chăng chỉ là cách bày biện, phô trương hàng hóa có khác nhau giữa chợ tỉnh và chợ quê mà thôi.
Bản chất cuộc sống là sự liên quan - liên đới lẫn nhau rành rành như thế, Phật đã dạy từ hơn 2500 năm trước rằng “bản chất của sự sống là tính phụ thuộc lẫn nhau của mọi sự sống!”
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu và phẳng, điều này càng thể hiện hiển nhiên hơn, nhưng người dân vẫn mang tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng” “khôn sống vống chết” “ăn cây nào rào cây nấy”… những thứ tư duy tiểu nông, manh mún, khôn lỏi ấy chính là nguyên nhân khiến cho người Việt đang tự hủy diệt nòi giống mình bằng muôn cách thức sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn.
Thực phẩm bẩn lan tràn là do chế tài và các công cụ giám sát của chính quyền còn yếu, thiếu sắc bén, vô trách nhiệm trước vấn đề sức khỏe người dân và tương lai nòi giống quốc gia.
Thực phẩm bẩn còn là sản phẩm của thứ tư duy manh mún “khôn thì nhỏ dại thì to” của một bộ phận không nhỏ người Việt.
Thực phẩm bẩn hoành hành còn là sản phẩm ở nơi mà con người sống vô minh, vô nhận hiểu và thiếu lòng tín tâm. Bởi sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn có thể khiến họ nhanh chóng giàu có, tích tụ nhiều tiền bạc, nhưng họ không biết rằng họ đang gieo những nghiệp ác tày trời, giết người tinh vi và từ từ một cách không nao núng… thì trước sau cũng sẽ phải nhận lấy những quả báo nặng nề.
Hãy nỗ lực bằng chính việc làm đơn giản, cụ thể của mỗi người, vì phúc báo hay oán nghiệp là điều diễn ra trong nhãn tiền - là kết quả nhận lại từ hành động lương thiện sáng suốt hay nhẫn tâm vô minh của chính mình trước đó. Tôi vẫn thường động viên những người quen biết có liên quan đến việc chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm - dược phẩm điều đó.