Ngẫm ngợi: Miếng ăn!

Ngày bé nghe bố mẹ nói chuyện với nhau về mối quan hệ xã hội thấy hay nhắc đến câu ngạn ngữ “ăn tùy nơi- chơi tùy chốn”. Có nghĩa là cái ăn thì cần nhưng không phải chỗ nào cũng ăn. Chơi vui cũng cần, nhưng không phải chỗ nào cũng đến.

Nông thôn xưa ít học, cha mẹ dạy con cũng ít lời nhưng lại dễ nhớ và nhớ lâu. Những câu ngạn ngữ hay thế nhưng bây giờ hình như nhiều người không còn nhớ. Ăn thì ăn bừa ăn bãi, bạ gì cũng ăn, ăn sống ăn sít, ăn đủ nơi đủ chốn chẳng kể chỗ nào, thấy ăn được là ăn kể cả ăn bẩn ăn thỉu, quên cả nền tảng đạo đức của sự ăn. Chơi thì cũng vậy, cũng phứa phựa chẳng ra làm sao. Chẳng hạn khi ăn nơi quán xá, nhiều tốp thanh niên, lại có cả trung niên, xúm xít vừa ăn vừa “dzô! dzô!” la hét hoặc hô hố chuyện át cả xung quanh chẳng cần biết đến ai. Họ đã biến chỗ ăn thành chỗ chơi, biến chỗ chung thành chỗ riêng, chỉ biết có mình.

Chẳng nhẽ tầm văn hóa lại tỉ lệ nghịch với mức sống hay có sự nhầm lẫn về khái niệm gì đây. Lại còn câu nữa cũng về chuyện ăn: “Ăn trông nồi - ngồi trông hướng”. Bây giờ cũng nhiều người quên câu ngạn ngữ này. Ăn chẳng cần trông nồi, thấy ăn được là ăn thục mạng. Nhất là những cái nồi dự án bây giờ đều to vật đến nỗi bên cho vay phải đòi tham gia ngồi canh cùng không thì sợ các nhà thầu chén sạch. Còn ngồi thì ngồi lung tung chẳng kể bờ gai bụi rậm. Cao ngồi lâu, thấp cũng ngồi lâu. Ngồi đến mức mông thành chai mà không biết, vẫn muốn ngồi tiếp. Còn hướng thì chỉ có một hướng ra mặt đường thôi. Nhà mặt đường giá thường cao, gọi là nhà mặt tiền. Mặt tiền ra tiền, tiền cũng là mặt tiền. Chỉ cần biết có thế. Âu cũng là có sự quên mới thành ra thế.

Miếng ăn là miếng nhục”. Ơ, câu này nay cũng không mấy người nghĩ tới hay sao ấy. Tham nhũng là miếng ăn bị lên án, đó là miếng nhục. Bị lên án suốt năm này qua tháng khác nhưng án tham nhũng vẫn có nhiều. Chẳng nhẽ người tham nhũng không thấy đó là nhục. Hay là cha mẹ họ chưa kịp dạy câu này cho họ lúc còn tấm bé nên họ không biết. “Miếng ăn quá khẩu thành tàn!” Câu này thì dễ hiểu, đó là lời cảnh báo: ăn quá hóc chết, không phải lời khuyên như các câu trên. Ăn kiểu tham nhũng đã nhiều ông quá khẩu bị ra tòa. Nhưng vẫn nhiều vị tham nhũng ăn quá khẩu nhưng chưa hóc nên chưa bị lôi ra. Chuyện ăn chuyện chơi tưởng là chuyện bình thường ở đời, thế mà cũng phức tạp ra phết!

Miếng ăn quá khẩu thành tàn!

Cổ nhân đã dạy: “Bệnh tự khẩu nhập. Họa tự khẩu xuất”, có nghĩa: Bệnh từ miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra.

Ăn uống là nhu cầu tất yếu của con người để duy trì sự sống, nhưng không phải là chuyện cứ đưa thức ăn vào miệng là xong, càng không phải ăn càng nhiều càng tốt (“Ăn như rồng cuốn”). Nhiều người cứ lo ngại nếu không ăn nhiều sẽ “thiếu chất”. Thực ra hoàn toàn không phải như vậy, bởi việc ăn uống nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cường độ lao động và sinh hoạt của mỗi người trong từng thời điểm khác nhau, miễn sao khẩu phần ăn hàng ngày phải đảm bảo đủ năng lượng mà nhu cầu cơ thể đòi hỏi. Ăn uống nhiều quá không chỉ làm cho cơ thể phải hao phí năng lượng cho việc tiêu hóa thức ăn dư thừa mà còn gây tổn thương nội tạng và là nguy cơ cho các chứng bệnh do mất cân bằng dinh dưỡng.

Hầu hết các bệnh mà con người mắc phải và chịu đựng đều có nguồn gốc từ ăn uống. Tình trạng ăn phải thức ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ra những vụ ngộ độc hàng loạt hoặc lẻ tẻ vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ là chuyện “nhãn tiền” không ai là không biết. Bên cạnh đó còn có những bệnh cũng do ăn uống, nhưng lại xảy ra từ từ, dần dần, người bị bệnh không dễ cảm nhận thấy ngay nên không biết để phòng tránh hay chạy chữa kịp thời. Tất cả những bệnh ấy đều có chung một nguyên nhân là ăn uống không điều độ, ăn cho đến mức thỏa mãn “khoái khẩu”.

Trong cuốn Vệ sinh yếu quyết, Hải Thượng Lãn Ông có ghi lại lời dạy sâu sắc về ăn uống của các bậc tiền nhân:

“Người ta có ba thứ dục: ham ăn, ham ngủ và sắc dục; Trong ba thứ này, ăn uống (thực dục) là căn bản. Người biết dưỡng sinh, thì uống trước khi khát nhưng không uống quá nhiều; ăn trước khi đói nhưng không ăn quá no. Nên ăn ít mà ăn nhiều lần, không nên ham ăn nhiều mà khó chịu. Thường nên để trong cái no có một chút đói, chớ không nên để trong khi đói có một chút no. Ăn uống nên dùng thức ấm (vì tì vị ưa ấm, đừng để cho lạnh hay nóng phạm vào). Nên ăn cơm nhiều hơn thịt, không nên ăn thịt nhiều hơn cơm. Thà để đêm đói còn hơn ăn no sinh thương tổn ở trong. Sáng bụng đói chớ uống trà đặc, nên tránh uống rượu sau bữa ăn. Đói quá chớ ăn cực no, khát lắm chớ uống nhiều quá. Sau cơn giận không nên ăn ngay, sau bữa ăn chớ nên nổi giận. Rất nên cẩn thận để giữ cho chân khí điều hòa”.

Người xưa cho rằng ăn uống nhiều quá sẽ gây ra 5 trở ngại: một là đại tiện luôn, hai là tiểu tiện luôn, ba là ngủ không ngon giấc, bốn là không tu luyện được, năm là khó tiêu hóa. Chuyện kể xưa có vị đạo nhân khi đi đường thấy ba cụ già đều trên trăm tuổi đang làm cỏ lúa với nhau. Vị đạo nhân đến hỏi ba cụ: “Vì sao các cụ thọ được như vậy?”. Cụ thứ nhất trả lời: “Tôi không bao giờ ăn quá no!”. Cụ thứ hai nói: “Tôi không bao giờ ngủ trùm đầu!”. Còn cụ thứ ba mỉm cười hóm hỉnh: “Vợ tôi ở nhà xấu xí lắm”. Quả là lời nói của ba cụ hết sức chí lí, khái quát toàn bộ phép dưỡng sinh, trong đó ăn uống điều độ được coi là quan trọng hàng đầu giúp con người vô bệnh tật đạt đến trường thọ.

Ngày nay, nhiều người chúng ta chưa biết đến hoặc chưa thấu hiểu sâu sắc tính khoa học của triết lý ẩm thực này. Nhiều người tiệc tùng, nhậu nhẹt liên miên ngày nọ qua ngày kia, bất kể sáng, tối hay đêm khuya, rượu uống như nước… để đến khi bị đau dạ dày, xơ gan, tiểu đường, mắc bệnh tim mạch, ung thư… thậm chí có người bị tử vong ngay trong một cơn cao huyết áp kịch phát.

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”. Miếng ăn chỉ ngon khi ở miệng. Vì thế phải nên ăn chậm, nhai kỹ mới thấy hết giá trị của miếng ăn, cơ thể mới hấp thu hết dinh dưỡng. Không ai khen người ăn không kịp nhai, ăn uống nhồm nhoàm, ăn không biết no…, chẳng những không có lợi cho sức khỏe mà còn làm mất đi vẻ đẹp của nhân cách.

Đạo lý trong ăn uống Việt Nam

Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của người Việt. Khi dậy dỗ một đứa trẻ thì phải cho nó "học ăn, học nói, học gói, học mở" để biết ăn, nói với người ta. Ra đường phải biết "ăn mặc" hay "ăn bận" cho phải cách, phải lối.

1. Ăn uống thể hiện đạo lý sống

Người Việt coi cái ăn chỉ  là sự cần thiết tối thiểu. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, "miếng ăn quá khẩu thành tàn, miếng ăn là miếng nhục". Người Việt không coi cái ăn là hàng đầu, không dĩ thực vi tiên. Họ coi thường những kẻ tham ăn tham uống “ăn tham trốc mép đẻ con trọc đầu, đời cha ăn mặn - đời con khát nước, rượu vào nhời ra, ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo.”

Người Việt coi trọng nghi lễ trong ăn uống "Lời chào cao hơn mâm cỗ, ăn có mời- làm có khiến" và “mời gẫy đũa gẫy bát”. Câu nói "có thực mới vực được đạo" phản ánh lối suy tư rất thực tiễn của dân Việt và nhận thức rằng cái ăn có tầm quan trọng. Không những vậy, ăn uống biểu hiện lối sống, cách ứng xử, hay nói rõ hơn là "đạo làm người".

Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của người Việt. Khi dậy dỗ một đứa trẻ thì phải cho nó "học ăn, học nói, học gói, học mở" để biết ăn, nói với người ta. Ra đường phải biết "ăn mặc" hay "ăn bận" cho phải cách, phải lối. Đối với mọi người không nên "ăn thua" làm gì cho bận lòng. Làm việc gì phải cẩn thận "ăn tùy nơi chơi tùy chốn", biết vun vén "ăn cây nào, rào cây nấy".

Trong việc tiêu tiền phải biết  "liệu cơm, gắp mắm" và dẫu cho nghèo đi nữa "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Không nên ham ăn quá độ vì "ăn no tức bụng, cả giận mất khôn". Làm ăn phải biết "buôn tầu buôn bè cũng không bằng ăn dè hà tiện, miệng ăn núi lở và ăn hết nhiều ở hết bao nhiêu". Không nên "ăn gian, ăn lận" hay bỏ lỡ cơ hội thì "ăn năn" cũng muộn. Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng "ăn hại, ăn bám" người khác.

2. Ăn uống và phép tắc xã hội

Xác định nền văn hóa cao, thấp, họ nhìn cách ăn uống: “Ăn lông ở lổ” chỉ nền văn hóa thô sơ, trong khi “ăn sang”, “ăn chơi”… chỉ một nền văn hóa hưởng thụ.

Để định địa vị, người ta đặt mâm, đặt đũa, đặt bát, xem món ăn, đo thức uống: “mâm phải cao, cỗ phải đầy”. Vinh dự, vinh quang, vinh hiển cũng gắn liền với nơi ăn chỗ uống “một miếng giữa làng bằng xàng xó bếp” và món ăn “sơn hào hải vị” cũng như cách thế ăn “yến tiệc linh đình.”

Để nói lên tầm quan trọng xã hội, họ chỉ định món ăn, thức uống: thủ lợn cho người quyền cao chức vọng, cho bậc tiên chỉ, ví dụ: lưỡi gà phải chia làm 36 phần cho chức dịch trong làng; trong khi đuôi, chân, hay những phần không ngon dành cho lê dân. Sơn hào hải vị là những món chỉ có những bậc quan to chức lớn mới được vua thưởng, trong khi thứ dân thì “vui” với hũ tương bầm, nồi gạo hẩm, niêu cá rô kho, đĩa rau muống luộc.

Chiếu hoa giữa đình nói lên địa vị bậc trưởng thượng. Bát hoa, đũa ngà, mâm son thếp vàng tự chúng đã làm nở mày nở mặt người sử dụng.Về đồ uống cũng thế. Rượu ngon chỉ dành cho những người quý trọng, cho bạn hiền và người tri kỷ... Đối với người bình dân thì một bát rượu nhạt, một cốc rượu nhạt bên vệ đường uống với quả ổi hay trái ớt xanh cũng đã gọi là quý.

Vô vọng bất thành quan

Để được chấp nhận, công nhận, ta cần phải khao, phải đãi, phải vọng. Đình đám, tiệc tùng thực ra là những bữa khao, bữa vọng, bữa đãi, bữa hoan, bữa tống, bữa từ (khỏi tai nạn), bữa sầu (khổ)... Danh chính ngôn thuận luôn đi đôi với khao với đãi: khao làng, khao xóm, đãi quan, đãi họ hàng, đãi bạn bè và đãi cả những người giúp việc. Cưới hỏi phải khao phải đãi là lẽ tất nhiên. Nhưng đậu đạt, làm ăn phát đạt, thậm chí mua nhà tậu đất, sinh con đẻ cái, mua xe mới… nhất nhất ta cũng phải khao đãi hàng xóm láng giềng và bè bạn.

Khao vọng

Khao vọng chỉ dành cho những vị cao tuổi hoặc có địa vị. Hoan nghênh, ta ăn. Tiễn đưa, ta uống. Vui thì “nhậu nhoẹt.” Buồn thì nhâm nhi. Gặp tri kỷ, “chén tạc chén thù.” Thất bại, cùng nhau “rượu vơi sầu khổ”.

Người Việt đã ăn thì phải ăn cho đã, đã uống thì phải uống cho say. “Nhậu chết bỏ, say chết luôn” là những câu nói thường thấy trên môi, trên miệng người Việt. Bởi lẽ, say túy lúy, no kềnh bụng nói lên cái tình quyến luyến của họ: “rượu say phải có bạn nồng”.

Người Việt ta trở về để giỗ chứ không phải để mừng sinh nhật. Càng thân thiết thì càng không thể quên ngày giỗ: “Ai ơi ngày giỗ nhớ về.” Người Việt quan niệm ở thế giới bên kia, người chết cũng cần ăn, cần uống và cần cả tiền bạc để mua đồ ăn thức uống nữa…

Nhìn vào món ăn ta có thể biết được tâm tình, mối tương quan, địa vị, tầm quan trọng, mối liên hệ của người ăn qua chính những bữa ăn, món ăn, chỗ ăn: chức nào phần nấy; phẩm nào món nấy; trật nào chỗ nấy và tước nào rượu nấy.

Ca dao, tục ngữ về cách ăn và thái độ trong ăn uống

- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

- Miếng ăn là miếng nhục

- Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp

- Ăn cây nào rào cây nấy

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Previous Post
Next Post