Tản mạn chiều cuối tuần

Thuở nhỏ, tôi là con trai út nên được cả nhà thương chiều. Mỗi lần mẹ đi chợ về có quà, tôi được tự chọn phần rồi lấy trước. Anh trai, chị gái coi đó là bổn phận làm anh, làm chị mà không ai tị nạnh. Quà của mẹ thường là hai chiếc bánh đa bẻ ra nhiều phần, mấy khúc mía hay những bắp ngô luộc… Tôi cứ phải cầm lên so đi, so lại, phần nào dài hơn là chọn cho mình. Tuổi thơ chưa có khái niệm chất lượng, to nhỏ, nặng nhẹ.

Cha tôi, áo nâu, chân trần, một đời vất vả, gian truân... Cày bừa, làm lụng. Mẹ tôi, đòn gánh oằn vai, tảo tần ruộng lúa vồng khoai, đời nghèo nuôi con khôn lớn. Mẹ thường nói: “Cha mẹ chẳng có gì để lại mà chia cho các con !”. Nói vậy, nhưng cha mẹ đã chắt chiu từng cân thóc, lon gạo, lứa lợn, ổ gà… để lo toan bao chuyện cho anh em chúng tôi trưởng thành, lớn khôn cùng năm tháng. Sau này, khi phải trải qua những lận đận mưu sinh, cả những giông bão của cuộc đời, tôi mới thấm thía hiểu ra: có lẽ cách chia mà cha mẹ cho con cái là công bằng nhất, vì đó là trách nhiệm với tình thương bao la từ sự dưỡng dục sinh thành.

Thế gian có bao điều ngọt ngào, cay đắng, phúc họa khôn lường. Hình như tạo hoá - cha đẻ của mọi kiếp nhân sinh cũng chia phần theo nguyên tắc: “Không cho ai tất cả, nhưng cũng không lấy đi hết của một ai”. Chỉ có điều: con người quá đông, lòng tham vô định, nên cuộc chia này thật khó công bằng; bởi vậy, xã hội mới có sự phân hóa giàu nghèo, sướng khổ nhanh đến thế. Xưa: cánh lính Trường Sơn chung nồi, chung võng, chung đạn lửa, sốt và khát giữa rừng. Cùng sẻ chia nhau từng viên thuốc đắng, cùng nuốt lá tàu bay, cơm vắt trộn mưa rừng… Mà nay kẻ xe hơi, nhà cao chức trọng. Người lận đận mưu sinh sự sống. Kẻ yên nằm, cỏ đã phủ lên xanh…

Con người ta, duyên kiếp khác nhau. Có người thành đạt, giàu có, thế mà chưa đầy bốn mươi tuổi đã vội vàng ra đi, đến nỗi không kịp để lại cho vợ con, gia quyến một lời di huấn. Lại có người nghèo đói mà sống lầm lũi, vật vờ đến ngót trăm tuổi… Đói nghèo đến mức thiếu cơm ăn, áo mặc thì khổ là chắc rồi; nhưng quyền lực, giàu có, thừa thải cũng chưa hẳn đã sung sướng!... Cuộc đời mỗi con người trên thế gian này muôn màu sắc, nói theo toán học đó là một hàm số của nhiều biến số khác nhau, nhưng cùng có chung một nghiệm tương đồng mà theo cố nhạc sĩ họ Trịnh chỉ là những hạt bụi được hóa kiếp, để rồi một lúc nào đó lại trở về với cát bụi. Dẫu có chức cao, quyền lớn, rồi cũng bỏ cả mà đi; chỉ có danh thơm, tiếng tốt là lưu truyền được mãi. Nhìn vào lịch sử: như các Hoàng đế phương Bắc, quyền lực, của cải chẳng có cân, thước nào đo nổi, vẫn thấy phần mình còn ít, đem quân thôn tính nước khác, nuôi ảo vọng ôm cả trời đất vào mình! Vậy nên mới có bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương, Bài cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, Chiến thắng Đống Đa của Quang Trung… trở thành những bản anh hùng ca bất hủ.

Đã có một thời nông nổi, người ta mơ về ăn chia, công bằng xã hội bằng việc công hữu hóa tất cả: từ ruộng đất, công cụ sản xuất, đến nhà ở… Con người sống, làm chung, ăn chung theo hiệu lệnh. Kết cuộc là sai! Bởi một điều cơ bản là làm trái quy luật sinh tồn, phát triển của xã hội.

Ngẫm lại, để có sự công bình, bác ái, nhân loại đã phải tốn bao nhiêu giấy mực, công sức mà không dành nổi cái quyền năng vô hình, bất biến của tạo hóa. Trước đây, trong tác phẩm “Tảo mộ ” nhà văn Phan Tâm có ý nói rằng: May ra, khi về cõi - đến với nghĩa trang, mọi người mới có được sự công bằng: “Mỗi người một khoảnh, thông thường đầu hướng lên núi, chân choãi biển Đông, gió nồm cùng hưởng mát, gió bắc cùng chịu lạnh, mưa nắng chia đều…”.

Ngày nay, do sự đa dạng của nhân sinh, sự nhiêu khê của người sống, mà lăng mộ được dựng nên thành muôn hình vạn trạng… Xem ra, sự công bình của “thế giới bên kia” cũng bị thời cuộc này làm cho thay đổi!

Có lẽ chia đều chỉ là khái niệm dành cho tuổi thơ trong trắng, hoặc ai đó đang bình tâm với cuộc sống hiện tại, an phận với phần được chia của mình như các cụ về hưu, chiều chiều vẫn kiên trì tản bộ bên những bờ hồ hay quảng trường, đường rộng mát bóng cây xanh giữa dòng đời cuộn chảy, hoặc những ai đó đang mải mê với “Tâm thế Thiền”...

Ôi! Cái sự chia thật là bàn mãi mà vẫn không hết.

Previous Post
Next Post