Chúng ta đang già đi mỗi ngày

Não người bắt đầu quá trình lão hoá từ năm 20 tuổi, số lượng các nơ-ron thần kinh sẽ bắt đầu giảm đi do có sự chết dần. Vì vậy càng về sau chúng ta càng mắc chứng khó nhớ dễ quên.

Sau 24 tuổi thì hệ xương ngừng phát triển, nam giới sau 30 tuổi bắt đầu quá trình lão hoá toàn thân, biểu hiện qua các triệu chứng như: tóc bạc, rụng tóc, bụng phệ, da mồi, trí nhớ giảm,...

Nữ giới bắt đầu lão hoá ngay từ lần thụ thai và sinh nở đầu tiên (kể cả không sinh mà bị hỏng hoặc phá thai). Ngoài ra quá trình lão hoá toàn thân ở nữ giới cũng diễn biến nhanh sau độ tuổi 30.

Có thể có những người trông qua hình thức bên ngoài thì vẫn trẻ trung đầy sức sống, vẫn làm việc năng động và hiệu quả, nhưng thực ra sự lão hoá vẫn tiến triển âm thầm ở bên trong cơ thể họ.

Già là một quy luật trong chuỗi quy luật Thành Trụ Hoại Diệt hay Sinh Lão Bệnh Tử đang chi phối lên toàn bộ vũ trụ này, không một ai có thể tránh được nó. Vậy có nên chăng việc níu kéo nó?

Vậy chúng ta phải làm gì? Phải nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự thật ấy và thay đổi quan điểm sống, đừng cố níu kéo thời gian, kéo dài tuổi trẻ bằng các hình thức làm đẹp tốn kém nữa.

Cố gắng học cách nuôi dưỡng tâm hồn với lối sống lành mạnh, thanh thản, bằng cách hướng đến Chân (sự chân thật), Thiện (sự lương thiện), Mỹ (cái đẹp toàn diện nhờ có Chân và Thiện).

Đừng cố xây cho mình một bản ngã (cái tôi) to lớn để rồi cuối cùng phải nhận lấy sự thất bại thê thảm và đau đớn. Bởi vì không có gì là mãi mãi, mọi thành quách đều sụp đổ theo thời gian.
*****
Tất cả mọi người ở trong thế gian này hình như là đương bị lăn trôi theo dòng nước thế gian, đương lầm lì khắc khoải hết ngày này sang ngày khác, hết năm này qua năm khác, từ bé thơ đến trưởng thành, và dần dần đến lúc tuổi già sức kiệt, gối mỏi mắt lòa, bước lần vào chốn yên giấc ngàn thu là cuối con đường của kiếp sống.

Thật vậy, tất cả mọi người đều như thế, dù là cùng đinh khố rách, dù là văn nhân thi sĩ, dù là thông thái bác học, dù là anh hùng hảo hán, dù là khanh tướng quân vương, tất cả đều phải qua một nẻo đường đi đến chết.

Chỉ nói cái cảnh trạng sinh sống nhộn nhịp của cuộc đời nghe ra có vẻ thích thú hấp dẫn. Nhưng nhắc đến cái cảnh trạng chết mất, ngày cuối cùng của kiếp sống thì cảm thấy buồn ghê, chán ngán.

Vả lại, dù trải qua trăm tuổi đi nữa, rồi thì ai ai cũng có ngày phải chết phải thôi. Tấm thân con người từ thơ ấu đến trưởng thành, dù vóc dáng khôi ngô, hào hoa tuấn tú, hay dù tật nguyền yếu đuối hèn hạ ngây ngô gì gì rồi cũng đến ngày phải chôn vùi vào lòng đất như nhau, rồi cũng thịt nát xương tan, thổ lai huờn thổ như nhau.

Nếu chúng ta nhận xét giá trị đời người qua những khía cạnh tổng quát và đơn giản như trên, thì té ra đời người chỉ là một tấn trò vô vị vô nghĩa.

Vậy con người và con vật được sinh ra giữa thế gian này để mà làm gì?
Previous Post
Next Post