Quán thân bất tịnh là một pháp môn triển khai tri kiến như thật về cơ thể con người. Cơ thể con người uế trược, bất tịnh, hôi thối mà con người thường lầm tưởng cơ thể con người là thanh tịnh, là trong sạch. Vì thế, mọi người đều lao vào tâm sắc dục, tưởng nơi đó trong sạch lắm, nhưng không ngờ nơi đó là nơi bất tịnh và khổ đau nhất, là con đường tái sanh luân hồi cũng tại nơi đó.
Cho nên, đức Phật muốn vạch trần một sự thật để mọi người đừng lầm lạc, đừng say mê sắc dục. Vì thế, mục đích quán thân bất tịnh là đối trị tâm sắc dục của con người.
Bệnh tâm sắc dục thì trên đời này không ai tránh khỏi. Muốn thoát khỏi bệnh này thì đức Phật dạy chúng ta phương thuốc đối trị, đó là quán thân người nam cũng như người nữ đều bất tịnh, hôi thối, bẩn thỉu, uế trược, gờm nhớp, v.v... Nhờ quán như vậy tâm mới không đắm nhiễm; mới nhàm chán; mới ghê tởm sắc dục; mới xa lìa từ bỏ; mới không còn ham thích giữa nam nữ gần nhau; mới thấu rõ tâm sắc dục mang đến mọi sự khổ đau bất tận. Vì có hiểu như vậy mới đoạn tận tâm sắc dục.
Nếu người nào siêng năng chuyên cần quán tưởng thân bất tịnh đến thấu suốt sự bất tịnh như thật thì chắc chắn tâm sắc dục sẽ bị đoạn tuyệt. Tâm sắc dục đoạn tuyệt thì con đường sanh tử luân hồi mới chấm dứt và không còn tái sinh nữa. Tâm sắc dục đoạn diệt thì người tu mới có đủ đạo lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Nếu tâm sắc dục còn dù như đất trong tay ta thì không bao giờ có Tứ Thần Túc và Tam Minh.
Con đường tu theo Phật giáo để đạt được bốn thần lực giải thoát; để chứng đạt chân lí thì tâm sắc dục phải được đoạn trừ tận gốc. Nếu tâm sắc dục chỉ còn một chút như trên đã nói thì con đường giải thoát ấy không bao giờ dẫn đến mục đích tối hậu, cứu kính hoàn toàn. Cho nên, sự tu tập để diệt trừ tâm sắc dục là một điều cần thiết cho con đường tu hành giải thoát của Phật giáo.
Trích: "Có bảy pháp hằng ngày cần tu tập"
* * * * *
Con người ta sinh ra từ sắc dục; nó là con đường sanh tử luân hồi, cho nên, ta phải lấy nó làm đối tượng quán chiếu. Nó là con đường đưa đến đau khổ cho ta và cho người: thương yêu, cưới nhau rồi sinh con đẻ cái, lo nuôi nấng cho con lớn khôn, rồi dựng vợ, gả chồng cho nó. Cả một đời đau khổ! Vậy mà người ta cứ chạy theo sắc dục. Quả là vô minh! Quả là ngu si!
Ta phải như lý tác ý: “Sắc dục là con đường sanh tử của muôn loài, con đường đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Ta phải xả bỏ, từ khước, thoát ly ra khỏi; từ giã, không nên để tâm vướng mắc nó nữa”.
Ngồi yên lặng một lúc thì ta lại tác ý xả nữa, xả hoài cho đến khi nào ta thấy tâm ta hoàn toàn sạch hết thì sự tu tập mới viên mãn. Đức Phật dạy như thế mà thôi, riêng Thầy, rút ra từ kinh nghiệm bản thân, Thầy dạy cho các con để tu tập rốt ráo, để thấy con đường giác ngộ thênh thang. Nếu không đặt niệm trước mặt, không dùng pháp hướng như lý tác ý thì khó mà xả được tâm này. Nó chờ cơ hội để bùng lên như lửa. Ta phải tu tập hoài để cho nó thấm nhuần tận xương tủy mới thôi, chớ có tưởng ngồi im lặng một lúc thấy khinh an, hỷ lạc mà hài lòng. Hàng ngày các con phải siêng năng trau dồi, tu tập câu này để đoạn tuyệt, dứt tận tâm ái dục.
Bản thân chúng ta sinh ra từ cha mẹ ta cũng là do tâm này, cho nên ta cũng không dễ gì mà dứt được nó. Nếu câu này mà chưa đạt được kết quả (hãy còn dục), thì ta hướng tâm như lý tác ý:
“Sắc dục là bất tịnh, là uế trược, nhớt nhao, hôi thúi, khó chịu vô cùng, tạo muôn ngàn tật bệnh, tai ương, và truyền nối nhau nhân quả luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ dứt; một người để lại muôn người khổ, nối tiếp nhau vô cùng vô tận. Ta phải xả bỏ, xa lìa, viễn ly vĩnh viễn; xem nó như rắn độc, ung nhọt; cho nó là hiểm nguy nhất, là tai họa, là ác độc, là bệnh truyền nhiễm, nan y khó chữa. Dứt khoát từ bỏ!”
Câu sau mạnh hơn, như truyền lệnh thì may ra ta mới có thể xa lìa. Cuộc đời tu hành là cả một sự rèn luyện, trau dồi, chứ không thể nói suông được. Nhắc xong là ta ngồi đó để lặng tâm, giữ tâm thanh thản. Một lúc sau ta lại nhắc nữa, nhắc hoài như đập những nhát búa để cho tâm dần dần thấm nhuần, trau dồi tâm, xả sạch sắc dục; thấy sắc dục là ta hoảng sợ, không dám nghĩ tới. Nếu không thì nó sẽ ngủ ngầm, tạm thời nằm yên, nhưng có dịp là nó len lén ngắm nhìn (người nữ).
Tu tập được thì thấy nó như rắn độc, là bệnh tật, là khổ đau, không còn cảm giác thích thú nữa.
Trong kinh Tứ Niệm Xứ có dạy trên thân quán thân, nhưng đây là dạy chung chung, người tu tập chưa nắm vững. Thí dụ Phật dạy trên thân quán thân để khắc phục tham ưu của mình, mà mình không biết lúc nào khắc phục tham ưu, lúc nào khắc phục bất tịnh. Ở đây ta xả cái tâm sắc dục, tâm ái bằng cách đặt niệm trước mặt, tức là trên thân của ta quán thân, quán thân mình và quán các pháp bất tịnh. Sau này có dịp Thầy sẽ giảng rõ hơn, dùng câu pháp hướng nào để phá vỡ cái nào mà ta đang bị vướng mắc. Người đọc kinh sách Phật, không hiểu mà tu tập nay pháp này, mai pháp khác, không có kết quả cụ thể; càng tu càng chán nản, lầm đường, lạc vào pháp tu của ngoại đạo mà cứ tưởng là pháp Phật.
Tóm lại, muốn xả tâm vô lượng ly sắc dục thế gian thì ta phải siêng năng trau dồi tâm xả của ta hằng ngày, không được biếng trễ thì mới xả ly được. Hãy tinh tấn, chớ có phóng dật theo nó; nghĩa là luôn luôn tinh tấn ngăn chặn, nhất là đối với nữ sắc. Đó là điều tiên quyết quan trọng. Đừng có nhìn gương mặt người nữ, đừng có nhìn tướng tá, làn da người nữ, mắt, môi của người nữ. Phật dạy: “Ta không thấy có một pháp nào, lôi cuốn người nam bằng nụ cười, ánh mắt, làn da, hương thơm của người nữ”.
Vậy, muốn tập xả tâm này thì ta không được phóng tâm theo nó. Đừng chạy theo nó. Ráng tập luyện xa lìa nó như vậy độ ba tháng sau quý vị sẽ thấy kết quả rất tuyệt diệu. Nếu quý thầy tu tập mà hôm sau gặp các bà, các cô rồi nói chuyện huyên thuyên, thì thà rằng trở về nhà cưới vợ cho xong, ngồi tu cho có hình thức làm gì, vô ích!
Trích: "Tứ vô lượng tâm"
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Xem thêm: Những sinh vật sống trong cơ thể người
Xem thêm: Những sinh vật sống trong cơ thể người