Tôi vẫn hay nói với mọi người về cái vô thường trong triết lý của đạo Phật rằng sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình của cuộc đời, ai rồi cũng phải trải qua. Nhưng tôi cũng chỉ là viết như vậy, giống như viết lại lý thuyết về một môn học nào đó một cách sáo rỗng. Để rồi đến khi đi vào thực hành mới thấy mình chẳng hiểu gì và thiếu sót quá nhiều thứ.
Vòng thời gian đang quay gấp gáp những nhịp cuối cùng. Phải chăng “chút nắng vàng” người phương Nam muốn gửi ra Trung, ra Bắc đã giúp xua tan dần giá rét cuối đông. Đâu đây bỗng vang lên lời ca như thúc giục: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời…!” Ấy vậy là một mùa xuân nữa lại về…Nhưng cũng thật xót xa khi chúng ta nhận ra rằng thời gian sao qua nhanh đến thế, có những dự định còn ấp ủ, có những kế hoạch còn bỏ ngõ, có những lời yêu chưa kịp thốt thành lời, thế mới thấy đời vô thường biết bao nhiêu. Như Xuân Diệu đã từng thốt lên giữa đất trời rằng: “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”. Nhận diện được sự vô thường của đất trời, của con người nên chúng ta phải luôn tự nhủ với bản thân mình phải sống thật tốt, sống có trách nhiệm với mình, với người và với đời. Bởi cho đến cuối cùng thứ duy nhất mà chúng ta mang đi khi chạm cửa ngõ sinh tử hầu hết chỉ là sự tiếc nuối và ân hận mà thôi.
Tôi có một người bạn, chập tối hôm tiễn ông Táo về trời anh nhắn tin thông báo với tôi “Thầy ơi, con sắp được về quê ăn Tết, mười mấy năm xa nhà rồi Thầy ạ!”. Tôi thấy vui trong lòng vì sắp được gặp lại người bạn cũ sau bao nhiêu thời gian xa cách vì công việc, vì mưu sinh… Vậy mà… Sáng hôm sau, tôi nhận được ngay tin dữ rằng anh đã rời xa cõi đời ngay trong đêm, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra lúc anh đang háo hức đi sắm chút quà tết cho gia đình, cái lúc anh đang rất háo hức để được đoàn tụ với gia đình thì cũng là khi anh phải rời xa họ mãi mãi. Đau đớn thay cái vô thường của cuộc đời này…
“Tôi thấy người khác mất
Bỗng thấy lòng xót xa
Cũng vì người đã mất
Mà nghĩ đến phiên ta”
Vì đời là vô thường, sự sống có giới hạn và thời gian thì trôi đi chẳng chờ đợi bất cứ điều gì nên phải chăng mỗi chúng ta cần sống một đời có ý nghĩa hơn. Bạn ước mong gì? Bạn muốn làm điều gì? Bạn cần phải làm điều gì? Bạn yêu thích điều gì? Bạn không nên làm điều gì? Bạn có biết mình đang muốn gì hay không? Nếu cuộc đời cứ thế trôi qua vô nghĩa, liệu điều gì sẽ khiến chúng ta ân hận về sau? Có ai đã từng cuống quýt trước sự xoay vần ấy mà vội vàng như Xuân Diệu, vội vàng ôm, vội vàng riết tất cả sự sống của đất trời vì sợ rằng nó sẽ vụt khỏi tầm tay. Cho nên ông bắt đầu sợ, bắt đầu cuống cuồng vì mùa xuân, vì tuổi trẻ và tình yêu rồi cũng qua đi, và vì tuổi trẻ nào đâu có hai lần thắm lại. Ý niệm về thời gian đối với Xuân Diệu là một chiều, là một đi không trở lại và chính sự khắc nghiệt này mới khiến nhà thơ thấy mình thật bé nhỏ: “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất/ Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,/ Không cho dài thời trẻ của nhân gian”.
Tôi vẫn hay nói với mọi người về cái vô thường trong triết lý của đạo Phật rằng sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình của cuộc đời, ai rồi cũng phải trải qua. Nhưng tôi cũng chỉ là viết như vậy, giống như viết lại lý thuyết về một môn học nào đó một cách sáo rỗng. Để rồi đến khi đi vào thực hành mới thấy mình chẳng hiểu gì và thiếu sót quá nhiều thứ.
Tôi lặng người và nghĩ về ý nghĩa một kiếp nhân sinh. Sự ra đi của người bạn thân thiết kia một lần nữa lại gợi nhắc tôi về vô thường. Ai có thể nói trước rằng mình sẽ sống đến bao giờ và sống như thế nào. Thế nên chúng ta cứ mải mê lao theo những cám dỗ của cuộc sống trần tục để rồi khi có một người thân bên ta đột ngột ra đi thì ta bỗng giật mình và hoảng sợ vì thấy kiếp người ấy thật quá mong manh. Chúng ta có thể chết vì một căn bệnh, một vụ tai nạn và vô vàn những lý do để cái chết tìm đến với ta. Có thể là dự đoán được nhưng cũng có thể chẳng báo trước điều gì rồi vội vã ra đi mà chưa kịp nói lời từ biệt. Một đứa trẻ ra đời, chúng ta tính được tháng được ngày, được báo trước từ những cơn chuyển dạ của người mẹ nhưng theo thời gian đứa trẻ ấy lớn lên, vào đời, trưởng thành rồi già đi, ai đoán được họ sẽ về với đất mẹ khi nào? Chính vì không biết trước tương lai nên ta luôn cảm thấy hoảng sợ và tìm mọi cách để tránh né mọi thứ. Nhắc đến vô thường, người ta mặc định nó mang nghĩa tiêu cực và chính sự khởi nguồn từ suy nghĩ đó nên nhiều người coi đạo Phật là đạo đi ngược với đời, họ phủ nhận lý vô thường trong pháp Phật nhưng dù bạn có là Phật tử hay không, nếu tìm hiểu bạn sẽ thấy cuộc sống luôn biến đổi, không có gì trường tồn mãi mãi. Và đó là nội dung căn bản của lý vô thường.
“Vô thường đến, vô thường đi
Vô thường gõ cửa... còn gì nữa đâu!
Dương trần là chốn bể dâu
Thiên đàng là chốn nào đâu hiện hình.
Bồi hồi tỉnh giấc ba sinh
Nương thuyền Bát Nhã... lời kinh nguyện cầu
Gieo nhân ác, gặt quả sầu
Gieo câu niệm Phật... quay đầu... lòng an.”
(Sông Lam)
Chúng ta đừng nghĩ rằng đức Phật đã dùng giáo lý của mình để thay đổi mọi thứ trên cõi đời này bởi những gì thuộc về quy luật của tự nhiên vẫn luôn tiếp diễn bất kể thời gian và không gian. Sinh – lão – bệnh – tử vốn là quy luật tất yếu của cuộc sống. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm, để lại ý nghĩa tốt đẹp cho đời và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn. Bởi vậy mà đạo Phật không hề dạy con người bi quan, không dạy con người về những điều tiêu cực mà trái lại, Người giúp ta hiểu cặn kẽ nguồn gốc của mọi vật, từ sự biến chuyển của những điều nhỏ nhất đến sự biến chuyển của những điều vĩ đại nhất. Để rồi khi hiểu được vô thường, ta sẽ giữ được sự bình tĩnh và an nhiên cần thiết trước những đổi thay bất ngờ trong cuộc đời và có đủ niềm tin, sức mạnh để vượt qua những đau thương của sinh ly tử biệt. Và cũng khi hiểu được vô thường, chúng ta sẽ không còn tham đắm vào những thứ vật chất phù du của trần gian nữa. Trong ta lúc này chỉ nuôi dưỡng tâm từ bi và trí tuệ để hiểu thương và trân quý muôn loài.
Hãy để hai từ “tiếc nuối” và “ân hận” không còn nằm trong từ điển cuộc đời bạn. Tiếc nuối tuổi trẻ, tiếc nuối tiền tài, tiếc nuối thời gian cùng sự ân hận đến xé lòng. Ân hận vì chưa làm tròn đạo hiếu với cha mẹ, ân hận vì vô tình làm tổn thương những người mình thương thậm chí là những người ta chưa từng thân thiết… Hãy để đến cuối đời, sự ra đi của chúng ta là thanh thản và những nguyện ước được thành tựu viên mãn. Bởi vậy, cũng đừng sống quá vội vàng mà hãy tập cho mình lối sống thật tiết kiệm, tiết kiệm tuổi trẻ, tiền tài và tiết kiệm cả thời gian, hãy luôn tu tập và cố gắng tích phước, làm việc thiện cho đời. Bỏ qua sự ganh đua, đố kị, tập yêu thương và quan tâm đến người khác. Vì “cuộc đời ngắn tựa gang tay, ngọt ngào không hết đắng cay làm gì?”. Ngày hôm nay đây ta vì sự hiểu lầm nào đó mà thù ghét người khác nhưng biết đâu ngày mai họ chẳng còn trên cõi đời này để ta nói lời xin lỗi. Cuộc đời này quá ngắn ngủi, yêu thương còn không hết thì hờn ghét nhau để làm gì?
“Nhân sinh là kiếp vô thường
Vô thường là kiếp đoạn trường nhân sinh
Người thương người bao nhiêu cũng thiếu
Người ghét người chút xíu cũng dư!”
Cuộc sống là thế đấy, đừng mãi than trách, tiếc nuối và ân hận để tự làm khổ mình, làm khổ cả những người xung quanh. Chân lý của Đạo đó chính là sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Vì vậy mà hãy trân trọng và cố gắng thưởng thức những gì mình đã và đang có, đừng mãi mong cầu những thứ xa xỉ chưa diễn ra ở thì tương lai vì biết đâu ngày mai, ta không còn thời gian để thực hiện nó nữa. Đừng bao giờ khẳng định rằng tôi có thể làm lại mọi thứ vì “thời gian hữu hạn, nỗi lo là vô vàn, nhưng đừng vì thế mà bỏ ngỏ…”