Có ai đó chợt hỏi tôi "Con người hơn con vật ở cái gì”? Tôi đã chỉ ngay vào đầu. Người đó cười , Sao không đặt tay lên ngực nhỉ? Tôi bảo từ bé tôi được dạy vậy, coi cái trí khôn (ở trong đầu) giúp cho con người chiến thắng muôn loài, làm ra của cải vật chất... là quan trọng hơn cả. Vậy còn thứ kia, cái con tim ấy, nó làm gì? Nó không giúp tôi suy nghĩ, nhưng nó lại biết rung động, cho tình yêu đôi lứa, yêu con người, thiên nhiên, cuộc sống tự do... Nói đơn giản thì "cái đầu” để nghĩ, còn "con tim" để yêu.
Nhưng khổ cho con tim, khi tôi khốn khó, cần có cái ăn cái mặc, thì nó không được coi là quan trọng. Thế rồi khi có ăn có mặc, tôi lại có cái thói quen... quên nó mất rồi, nên nó lại tiếp tục bị quên, để tôi còn lo bon chen hơn nữa... tức là làm giàu, làm sang và sống xa xỉ. Đến một ngày, tôi bắt đầu chán cái sự xa xỉ, vội sờ tay lên ngực mình, không còn thấy con tim thổn thức nữa. Nó đập như một cỗ máy.
Nhưng có lần tôi chợt để ý, khi nghe con gà trống ngoài vườn gáy rất nhiều, nó còn kêu ... túc... túc... như mời gọi, rủ rê ai đó? Hóa ra cu cậu vừa sổng chuồng, lại thoáng nghe tiếng cô gà mái nhà bên đang kêu... coóc... coóc... nữa. Một hôm khác tôi lại nghe con chim vành khuyên trên cây sau nhà hót... chích... chích... rõ vui, nhìn ra thấy nó luồn cành bắt sâu chăm chỉ. Nó thăm hỏi con chim bạn đang lặng lẽ, ngày qua ngày luẩn quẩn trong cái lồng đẹp đẽ tôi treo trên cành.
Tôi tự hói có phải con gà trống, con chim vành khuyên, chúng có thứ hơn mình, một con tim để mà rung động? Thế thì so với chúng, tôi là "con thú khôn nhất" nhưng "không tim" - không biết yêu.
Tôi quyết thứ đi tìm cách hâm nóng cái con tim như cỗ máy của mình.
Lần thứ nhất: Tôi tìm đọc sách, thấy sao nửa đầu thế kỷ trước trên văn đàn có thật nhiều tác giả tài danh, tác phẩm hay thế. Mà không phải chỉ đơn thuần có truyện, còn bao nhiêu là sách nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Lại còn thơ, nhạc, họa nữa cũng tuyệt diệu, gọi là để đời. Tôi tự gọi cái thời đó là thời "Phục hưng của văn hóa Việt Nam".
Còn bây giờ thì sao nhỉ? Đất nước ta độc lập, thống nhất rồi, đời sống lại còn có vẻ tấn tới nữa. Thế mà sao khác quá. Người ta ít đọc, đọc thì toàn sách "ngoại", hát cũng phải nhạc ngoại mới hay. Khổ nhất là cái món thơ ngoại thì khó "nhá" vô cùng, trong khi thơ nội thì dù có đưa vào chương trình học mà cũng ít bài nào làm người ta thuộc nổi chứ nói gì tới ngâm vịnh cả đời như thơ thời "phong kiến, thực dân". Lạ nhất là có cả nghìn Tiến sĩ, Giáo sư, Nhà nghiên cứu văn hóa... chứ đâu phải lác đác vài vị như ngày trước, thế mà hiếm thấy tác phẩm nào sánh được với người xưa. Hay là các vị viết chuyên phục vụ... xuất khẩu cả (như giày da, quần áo chẳng hạn). Tôi thử lần hỏi bạn bè ở nước ngoài, thì tịnh không thấy có tác phẩm nào. Thế là cái con tim tôi nó lại lạnh đi. Chẳng oan cho nó, vì bao nhiêu những nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ... những người thường có con tim dễ "thổn thức" nhất mà còn vậy, huống hồ...
Lần thứ hai: Tôi quyết định thử làm “sĩ” xem vì sao nên nông nỗi này. Đầu tiên là định làm văn, thi sĩ, nhưng hỏi các vị đàn anh thì họ cười chua chát, bảo rằng nếu tôi có cái tài viết thì vẫn chưa đủ, mà còn phải biết viết theo kiểu "lách" nữa. Ngoài những bí ẩn mà tôi chưa hiểu nổi, thì cái gọi là "lách" đó, theo họ, nào là phải tránh “đụng chạm", tránh nói quá xấu, mà phải có "gương tốt điển hình", kể cả văn vẻ, nhân vật cũng không nên gai góc quá vì nó không phải là "phổ biến", nhất là phải dùng với mục tiêu phấn đấu của.... triệu năm nữa... trừ cái anh xuất bản, phát hành mới chịu (thực tình thì họ hay đổ tại ở ... "trên" cả).
Kế đến là phải cẩn thận, rất dễ được các nhà phê bình "mổ xẻ" ra trò nếu như mình có cái gì đó hơi khang khác, quai quái. Họ sẵn sàng dùng dao búa (tức là dùng ngôn từ "đao to búa lớn", chứ đừng nhầm là kiểu xã hội đen) để chỉ vẽ cho người viết, mà không cần hiểu rằng độc giả mới là người quyết định. Vì quả tình trên văn dàn cũng quá thiếu mục tiêu để mà phê bình, nên mình "nhú” lên một chút là các vị đang muốn luyện bút liền ca bài "Trước ngày hội ... bắn" ngay. Nên tốt nhất là cứ viết theo kiểu "nhạt" là an toàn nhất (thực tình thì đây cũng là cách sống khôn ngoan của con người luôn). Nhưng viết "nhạt" thì quá dễ rồi, đúng với cái con tim lạnh của tôi rồi, trong khi tôi đang cố hâm nóng nó cơ mà.
Tôi lại thứ ngó qua mấy "sĩ" khác, như bên sân khấu, điện ảnh, âm nhạc... hóa ra cũng có chung một môtip cả. Ví dụ trong âm nhạc, có vị cố mãi lấy cảm hứng mà vẫn chưa được ca khúc nào trứ danh, đành tạm chấp nhận sáng tác những bài tầm tầm cho thanh niên nó nhảy nhót, tán tỉnh nhau, nghĩ "thế cũng là đóng góp rồi, cho chúng nó đỡ lêu lổng”. Nhưng báo hại là lại bị "đặt vấn đề” ngay là loại nhạc "gây sốc", ăn "búa rìu” luôn (có vị luật sư còn hiến kế là nên xem xét vấn đề vi phạm pháp luật nữa mới hãi chứ). Vội nhảy sang loại nhạc “ngợi ca” cứ hô khẩu hiệu loạn cả lên là ổn, chả có ai phê là nhạc... "gây ngủ” gì cả. Nếu quý vị chưa phân biệt được hai cái trường phái này thì tôi xin ví dụ. Đại để bài hát mà có câu "anh tức em sao chảnh dễ sợ", sẽ dễ bị liệt vào loại "gây sốc” là phiền. Nhưng đổi tí thôi, thành “'anh góp ý em sao lơ là phấn đấu” là ổn ngay (biết đâu, tích cóp lại là có ngày còn được danh hiệu ấy chứ), dù "em" chả bao giờ biết thế nào là "phấn đấu” cả, nghe chỉ có "gây ngủ”. Nhưng an toàn vô cùng. Và tôi chợt ngộ ra là phải luôn sáng tác nhạc bằng cái... đầu lạnh, thật người lớn vào, già khọm thì càng tốt, chứ cứ bằng con tim hơi bốc một tí, trẻ con một tí là gay.
Còn vô vàn chuyện nữa đã làm tôi nản chí, nghĩ nếu cứ quẩn quanh quanh quẩn mãi thế này thì chả biết đến bao giờ cái ngành "sĩ" của ta mới khấm khá lên được. Thế là tôi cũng hết muốn hâm nóng con tim, thề nhiều kiếp sau cũng quyết không theo cái nghiệp "sĩ".
Nhưng được cái là con tim tôi từ dạo đó khôn lên bao nhiêu. Nó biết nghĩ không thua gì cái đầu. Nhờ nó, tôi đâm ra khôn kinh khủng, vì có thêm cả con tim không những không làm cái đầu "chệch hướng", mà còn biết nghĩ thay cho cái đầu nữa, nó không bao giờ thèm thổn thức, rung động, kể cả lỗi lầm. Họa chăng khi cần thì nó cũng giả vờ thổn thức... là tuyệt vời. Cũng từ dạo đó, tôi chẳng thèm quan tâm đến bọn gà, chim nữa, còn nỗi đau, niềm vui của thiên hạ thì... càng xa lạ.
Không giống ai. Tôi vẫn có con tim biết yêu, nhưng yêu một cách cực khôn ngoan. Tôi như "con thú tật nguyền".
Nguyễn Hữu Vinh