Nghĩ!

Thời hiện đại, đó là thời của những năm 2000, thời của tiện nghi máy móc tối tân, thời của công nghệ thông tin, thời của internet kết nối ngay trên giường ngủ.

Việc đó đã làm thay đổi bản chất lối sống. Không còn những Kant và Heidegger, không còn những Nietzche và Schopenhauer ngồi trầm mặc ngày này qua tháng khác bên những chiếc bàn cổ kính cũ kỹ mà ngẫm nghĩ triết học. Không còn những J.Joyce và W.Faulkner nằm ngửa mặt trên bãi cỏ ngắm mây trôi mà mơ màng về những số phận con người. Không còn Kawataba nhận thấy vẻ đẹp cùng tính hư vô của thế giới qua một cánh hoa anh đào. Không còn Wiltman và Exenin lang thang trên đồi làm thơ. Không còn những nông dân nhàn tản trồng lúa mì hay trồng nho giữa thiên nhiên. Không còn nhiều những con người sâu sắc và minh triết. Khi chưa nảy sinh quá nhiều nhu cầu, cuộc sống dường như chậm rãi thong thả, con người có thời gian để sâu sắc nhìn vào bản thể mình. Nhưng khi sống quá vội, con người thậm chí đã không còn thời gian dù chỉ để ngắm hoàng hôn.

Không còn thời gian nhàn rỗi trong thời hiện đại. Có quá nhiều mục tiêu cần phải đuổi theo, và có quá nhiều mong muốn cần được thỏa mãn. Máy móc tối tân luôn được sáng chế ra để làm cho cuộc sống trở nên tiện nghi, không cần đến gần để bật, mà là nằm và dùng remote. Thậm chí cũng chẳng cần dùng remote mà chỉ cần ra lệnh bằng lời nói. Đó quả là sự mỉa mai hài hước của công nghệ cho thói xấu của con người - Remote là một biểu tượng cho sự lười biếng.

Thời hiện đại cũng là thời của tốc độ - nhanh hơn và nhanh hơn nữa để giành thị trường, để vượt qua kẻ khác, để chiến thắng. Milan Kundera nói rằng: "Khi đi nhanh thì người ta không suy nghĩ. Tốc độ đưa đến sự lãng quên". Nhưng trong thời hiện đại, khi mà thế giới đã có 7 tỷ người, thì quả là không có chỗ cho sự chậm trễ. Cũng là thời mà quảng cáo nhảy xổ vào mặt bạn ở khắp nơi chốn, trong cả phòng ngủ, có cả một công nghệ nghiên cứu về bạn để sao cho bạn phải ngày đêm ao ước thèm muốn, xì tiền ra và rước ngay một của nợ nào đó về khi có dịp. Cũng là thời mà thông tin trở nên tràn ngập, đến nỗi bây giờ năng lực của một người không phải là nắm nhiều thông tin như trước đây, mà là năng lực sàng lọc thông tin, nếu không muốn trở thành một thùng rác di động. Và thế mạnh của một người đã không còn là sự uyên bác, mà là cách thức giải quyết vấn đề.

Thời hiện đại là thời của sự hào nhoáng, tiện nghi và tốc độ. Có nhiều nhu cầu mới được sinh ra, và liên tục được thỏa mãn nhờ khoa học. Và nhu cầu thì không bao giờ là đủ. Con người làm việc căng thẳng tối tăm mặt mũi, càng cần đến sự tiện nghi nhiều hơn để thỏa mãn nhiều hơn nữa, và chuyện này đến bao giờ dừng lại? Hội chứng của thời hiện đại là sự mệt mỏi và thường xuyên thiếu thời gian, vì thế người ta chú ý đến những mục tiêu ngắn hạn, thay vì dài hạn. Các vấn đề vĩnh cửu của cuộc sống như buồn/vui - sống/chết - khổ đau/hạnh phúc - ý nghĩa tồn tại dường như bị bỏ quên, và người ta quan tâm đến sự giải trí bằng Nhìn, Nghe và Đi nhiều hơn - chứ không phải là Đọc - để khỏi phải suy nghĩ. Tức là giải trí dựa vào sự hoạt động chứ không là tĩnh tại.

Vì thế thời hiện đại cũng là thời của văn hóa đại chúng - thứ văn hóa ngắn gọn, xanh đỏ hào nhoáng và nông cạn - Thời của tính Hình thức. Công nghệ quảng cáo, vì mục tiêu hèn hạ của nó là việc kích thích nhu cầu mua hàng hóa, càng góp phần thổi phồng thứ giải trí dựa trên văn hóa đại chúng, làm cho tính Hình Thức ngày càng trở nên giả tạo và thấp kém. Công nghệ giải trí Hoa, Hàn, Thái, là biểu hiện của thứ giải trí nông cạn này, có sự đóng góp tội lỗi phần lớn của quảng cáo. Văn hóa đại chúng là thứ văn hóa bình dân và đang chiếm phần ưu thắng áp đảo. Còn thứ văn hóa không đại chúng thì trở thành thiểu số trong giới Elite.

Bản chất của lối sống đã thay đổi. Cách làm việc và hường thụ đã thay đổi. Những mối quan tâm cũng đã rộng hơn nhiều với mỗi một người. Những vấn đề lớn có tính vĩnh cửu của con người thì vẫn còn đó, nhưng Nghệ Thuật thì đã khác. Những bức tranh theo phong cách Kitsch và những tiểu thuyết dày hàng ngàn trang đã trở nên hiếm khán giả. Những bản nhạc cổ điển đã không còn có nhiều người nghe, may ra chỉ còn trong giới elite. Đến cả nhạc rock cũng không còn khán giả của thời hiện đại, mà thay vào đó là thứ nhạc dễ nghe MTV và chóng quên. Không còn có thể dọn những món ăn theo kiểu cũ cho những khán giả của thời hiện đại. Vì thế, nói những vấn đề không bao giờ cũ, nhưng phải bằng một hình thức mới, hay một ngôn ngữ nghệ thuật mới, cho một loại khán giả mới vì đã không còn là như trước, là cách đổi mới Nghệ Thuật.

Nếu hình dung đời sống của loài người như đời sống của một con người cụ thể, sẽ là một ẩn dụ dễ hiểu. Đó là một con người không bao giờ già. Trong thời Trung Cổ thì nó còn lam lũ vất vả. Từ sau thời kỳ Phục Hưng thì nó đang cật lực lao động để xây dựng cơ đồ cho mình. Trong thế kỷ 20 thì nó đã trưởng thành, sung túc và hiểu biết. Sang thế kỷ 21, nó đang trở nên giàu có tột bậc, bóng bẩy như một tay chơi sành điệu, ngạo mạn, trở nên nông cạn và mắc nhiều bệnh tật vì sự thừa mứa. Đó có thể là giai đoạn suy tàn của con người. Sang thế kỷ 22 thì nó như thế nào? Rất có thể nó sẽ lại hồi phục và trở nên sáng suốt hơn cho một giai đoạn phát triển mới. Nhưng cũng có thể sẽ là quỵ ngã trọng bệnh vì sự tham lam vô độ của mình. Điều đó là ẩn số dành cho các thế hệ sau.


Người vẫn thường nói: Định mệnh của tôi. Vậy - Định mệnh là gì?

Định mệnh không thể xác lập bằng lập luận, bằng định nghĩa. Nó chỉ được cảm nhận bởi những nét chấm phá trên bức tranh ý thức
Định mệnh - Đó là khi trọng tài thổi còi và chỉ tay vào chấm 11 mét
Định mệnh - Đó là khi thần tượng sụp đỗ dưới ánh hoàng hôn
Định mệnh - Đó là nỗi quạnh hiu trong một chiều trống trải
Định mệnh - Đó là khi em hỏi ta: - Anh có tin vào số phận?
Định mệnh - Đó là khi sự im lặng trả lời
Và trong sự im lặng như định mệnh ấy - Sự sáng tạo khởi nguồn thi ca...

Khi hữu hạn kiếp người dội vào cánh cửa hư vô những tiếng vô ngôn. Vâng – không ai biết Thiên Đàng ở đâu nhưng bi kịch khởi nguồn từ mặt đất. Kiếp nhân sinh như cát bụi phù du bị hòa lẫn vào dòng hữu thể - lặng lẽ trôi đi trong thăm thẳm sinh tồn. Thời gian không có bến khứ hồi và con người tự do vong bản. Nhưng - ở ngay cái thời khắc ấy - ánh sáng của thi ca bỗng sáng bừng như một thực thể hiện sinh...như em và những đam mê...

Ban mai nếu không phải là ngày nối ngày - thì đó là một ban mai duy nhất. Ban mai ấy sẽ trở lên thanh khiết - dịu dàng và ẩn ức trong ngôn ngữ thi ca. Kiếp phù du nào như kiếp con người? Con người – đến lúc chết vẫn chìm trong một vầng dương chói lọi và vĩnh hằng hư vô. Lấy thước đo của mình để bâng khuâng - để nuối tiếc, để yêu cuồng dại. Phải chăng đó là Bản Thể đang sáng tạo mầm sống trong thi ca - để hồi sinh những ý tưởng con người. Thi ca là tiếng nói của tồn thể với thời gian, là những tiếng động vô hình đi trên đôi chân thầm lặng của ngôn ngữ - nó cần mẫn khai phá những nét hoang sơ trong tâm thức. Sự sáng tạo vượt qua kinh nghiệm thuần lý của con người - vượt qua Định Mệnh bằng bản năng đòi quyền được sống. Sự sáng tạo đặt hữu hạn trước vô hạn để tạo ra khát vọng vĩnh hằng. Có lẽ, đó là những dự mưu thuần khiết nhất để thi ca hòa nhịp sống cùng đời sống. Nhưng bản thân sự sáng tạo cũng đang phải đào thoát khỏi những ngập trùng mắt lưới - những cạm bẫy của hoạt tồn trong ý thức. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi bay bằng đôi cánh sáng tạo - trong bầu trời tự do. Hãy để khát vọng hiện sinh luôn luôn hiện hữu trên đôi môi em u huyền rực cháy. Dưới bầu trời gió bụi hư vô - em lặng im như ánh sao đêm...

Định Mệnh không hẳn là một câu hỏi. Và không thuần khiết là một câu trả lời. Bởi những gì bao vây kiếp sống của con người - làm cho đời sống của con người trở lên tù túng - cuộc sống bị mất đi ý nghĩa thì đó chính là vòng vây của định mệnh. Và định mệnh chỉ thực sự trở thành định mệnh khi con người đánh mất đi Bản Thể. khi ấy - tình nhân sẽ hóa thân thành ác qủy. Quán trọ trần gian sẽ thành nơi giam cầm ý thức. Kiếp nhân sinh sẽ mãi mãi hư vô.

Nhưng - có sinh linh nào dám cười ngạo nghễ với Định Mệnh bằng Con Người? Hỡi em - Hỡi Thi ca - Hỡi sự đam mê cháy bỏng - Hỡi lý Tính và hỡi em...đã mất em.


Xã hội hiện đại luôn thuộc về những con người Văn Minh. Những con người nhân hậu suốt đời lo lắng chỉ vì người khác không biết uống Coca và làm việc trên Computer. Những con người sẵn sàng tuyên bố làm việc vì Danh và Lợi. Tất nhiên, Danh ở đây là cái Danh ưu tú. Lợi ở đây, không những cho mình mà còn cho người. Lời nghe Đạo Đức thật. Chữ nghĩa đã làm cho con người ta thông minh như vậy đấy...

Nhưng phải giải thích làm sao về những người có học nhưng hình như vẫn làm điều ác. Phải chăng những người coi tri thức, thành phẩm cao hơn kiến thức, là sự phô trương. Phải chăng họ đã coi những giá trị tư tưởng vĩnh cửu của các bậc vĩ nhân là lạc hậu. Những phương pháp luận, những nhận thức luận, được nuôi dưỡng và dung tục bằng những thuật ngữ "mắt thấy, tai nghe, tay sờ", của nhiều nhà bằng cấp sáng chói đã đưa lên giàn hỏa thiêu những gì gọi là tinh thần khoa học. Chân lý lặp lại thì biến thành tà thuyết, ngôn ngữ luận lý nửa vời thì gây mụ mị. Phải chăng, tất cả nỗ lực của bọn họ chỉ là những phương thức nhai văn nhá chữ một cách thô thiển nhất. Nhiều kẻ bọt bèo có một ít chữ cũng a dua theo cách hiểu ăm ắp đầy sách vở để tỏ vẻ ngông nghênh lỗi lạc. Đấy chính là căn bệnh ung thư văn tự không thể chữa của bọn tiểu nhân.

Người xưa bảo "ngu càng khỏi vạ, lại làm quan to", thiết nghĩ chẳng có gì mỉa mai. Khi ngu dốt mà có chức có danh thì đương nhiên bọn họ phải thật độc ác và đê tiện. Và để thỏa mãn những dục vọng riêng lẻ đớn hèn, những kẻ bất tài chỉ còn biết bám víu vào đủ thứ ước lệ của siêu hình đạo đức và cụ thể truyền thống tập tục. Tư tưởng minh triết Phương Đông với sự siêu hình và uyển chuyển của nó đã đẻ ra đầy rẫy những ngụy tín. Những triết gia phương tây ưu tú nhất khi tiếp xúc với những vấn đề huyền học, họ luôn phân loại và sắp xếp thành hệ thống. Từ đó dễ dàng phân biệt được kẻ trí với người ngu, những thằng điên và những bậc thiên tài.

Mặc dù, ngay từ khởi thủy, triết học Phương Tây và minh triết Phương Đông đều chia sẻ chung một mẫu số "nhân học cấu trúc", để từ đó tiếp tục biểu hiện hay hiện thực hóa thành một thế giới với những thực tại cụ thể, hữu hình, chuyển động, biến hóa và đa dạng. Cuộc hành trình triết học trong nỗ lực nhằm vào việc tìm kiếm một nguyên lý phổ quát và hợp nhất hai nền văn hóa tinh hoa Đông và Tây, đây là khao khát muôn đời của Unesco. Tuy nhiên, xét về bản thể luận, sẽ có một vài căn bản rất khác biệt, nếu không muốn nói là đối cực hay phản đề, giữa truyền thống minh triết Phương Đông và triết học Phương Tây.

Nền triết học Phương Tây, đặt thực tại làm Bản Thể trên khái niệm Hữu Thể làm nền tảng cho mọi phương án triết lý. Trong khi đó, minh triết Phương Đông lấy khái niệm Đạo hay Vô thể làm nền tảng triết luận. Từ những khác biệt không thể dung hòa đã dẫn tới những hình thái diễn ngôn về mặt tư duy, ngôn ngữ, cũng như vũ trụ quan. Đa phần những kẻ đọc sách đều cuồng si vào kiến thức. Họ hoang tưởng vào năng lực tuyệt vời của chữ nghĩa đến độ rơi vào "hố thẳm" của bấn loạn. Những luận lý giáo điều khiến kẻ nghiện chữ bị ám ảnh bởi câu hỏi "tại sao?". Khác với họ, các triết gia thường tự hỏi mình, các vị thiền sư từ bi đại đức thường hỏi trực diện những kẻ sa cơ. Hiển nhiên rằng, tiến bộ lớn nhất mà nhân loại đã đạt được chính là lý luận xác thực. Nhưng con người cũng chỉ là một sinh vật tiểu dị trong một thực thể đại đồng. Trong quá trình vận động của nhận thức và hành vi đã xuất hiện những lầm tưởng có phân chia sự hơn kém. Và như một huyền niệm về niềm tin vào sự bình đẳng, không có sinh vật cao cấp hoặc hạ cấp.

Con người, hỡi ơi, đều là sản phẩm thiêng liêng của đấng tạo hóa mà tự nhiên đã tạo thành. Tự nhiên đã tạo ra con người với hình hài của riêng mình và có tư duy như một cây sậy, và cây sậy có tư tưởng nhất quyết đòi độc tôn với thế giới tự nhiên. Giữa người này và người kia cũng vậy, tất cả đều muốn bành trướng cái bản ngã tự cho là duy nhất. Từ đó, cái Ác đầu tiên xuất hiện bởi lòng đố kị, sự so bì cao thấp, ghen ghét. Theo sự phát triển của hành trình tư duy nhận thức, cái Ác đã đạt đến một cấp độ cao hơn, nó được nuôi dưỡng bằng vô số thói đạo đức giả. Cái Ác được dung túng và bao che, nó song hành và đòi quyền bình đẳng cùng cái Thiện. Trong một thực thể đại đồng chỉ có sự tha hóa và suy đồi, thì hiển nhiên cái Ác đã không còn bị phán xét, nó tồn tại như một lẽ tự nhiên và bắt đầu phổ quát. Biết bao những hố bùn đê tiện quyến rũ con người nhảy vào, con người đã lưỡng lự và họ đã trượt chân...

Tôi không phải là con người luân lý, càng không chính trị và cũng chẳng cần nhiều đạo đức lắm. Chỉ là thiết nghĩ, nếu số đông con người vẫn mãn nguyện với truyền thống, uớc lệ với tiêu cực xã hội, hay dưới áp lực của nó mà hành xử theo bản năng bầy đàn, thì chắc hẳn những nhà ngôn ngữ học sẽ phải hiệu đính thêm vào "Từ điển tiếng Việt". Từ Đạo Đức trở thành nghĩa gốc của từ Đê Tiện, từ Tri Thức sẽ đồng nghĩa với từ Lưu Manh. Khi con người bắt đầu nhìn tự nhiên bằng ánh mắt bất lực và hận thù, thì khả năng phản kháng trong tiềm thức của họ sẽ dần dần nguội lạnh, ý thức cũng trở nên chai lì và vô cảm. Cuối cùng, con người mất đi nhân tính là điều không thể tránh...

Sẽ là dài dòng và ngu xuẩn khi triết luận về những giá trị tư tưởng của những bậc minh triết vĩ đại. Bởi nếu nhân loại thiếu vắng những học thuyết triết học thì con người cũng như một loài linh trưởng đang tiến hóa. Nhưng, thật nghiệt ngã, khi con người bước vào thế kỷ này bằng tư thế ngã ngửa bởi cú hích bạo tàn của nền văn minh được mệnh danh là tiên tiến. Bất kể ở đâu khi kiến thức bị đối sử thô bạo thì ở đấy xuất hiện đông đảo bọn đạo đức giả. Phải chăng, sẽ là điều Ác khi ta quan niệm, con người cũng chỉ là những sinh vật biết sử dụng máy móc. Nhưng sẽ là đúng đắn khi ta khẳng định: Con người chỉ bình đẳng trước cái chết. "Khi tử thần đến gõ cửa tìm ngươi, ngươi có gì để hiến?" R.Tagore đã nói như thế...

Nguồn: tranquoctrung
Previous Post
Next Post