Nỗi sợ chết



Tôi nghĩ, nỗi sợ chết thì không phải là sợ cái chết của cơ thể nhiều lắm. Người ta sợ phải mất đi giàu sang và danh vọng mà mình đã gắn bó, cả những ham muốn trần tục vốn là một phần của cuộc sống hằng ngày nữa. Mức độ sợ chết của một người thường tỉ lệ thuận với chiều sâu những gắn bó và đam mê thế gian của người đó.

Vậy làm thế nào để chết một cách thanh thản nếu chúng ta không tiêu trừ được những dính chấp của mình đây? Tất nhiên, thực chất của những luyến lưu này chính là ảo mộng, không hơn. Cũng giống như khi một người, tin rằng mình sở hữu một kho của cải toàn vàng bạc và trang sức, nhưng mở hòm ra thì chỉ thấy toàn những mảnh kính và đá cuội vô dụng.

Tôi đã nói rằng, những thứ đồ vật chất thì chẳng có chút giá trị thực chất nào cả. Chúng có vẻ có giá trị đơn giản là vì người ta đã tạo ra những điều kiện khiến cho chúng có vẻ có giá trị nào đó. Thay đổi những điều kiện đó đi và thế là giá trị ấy biến mất. Giá trị được sinh ra và mất đi tùy thuộc vào những bất chợt của thời gian.

Người ta chẳng có gì để được, cũng chẳng có gì để mất. Chừng nào người ta còn sống tuân theo định luật của tự nhiên thì họ cũng có thể chết đi một cách thanh thản, vào bất cứ lúc nào, giống như đám cỏ tự khô héo đi vậy.

Nếu một người chết theo cách tự nhiên thì không chỉ có riêng người ấy được thanh thản, mà tâm của những người quanh anh ta cũng được an, và sau này sẽ không để lại điều gì hối tiếc. Rốt cục thì, kẻ thông báo cái chết đang tới và nói lời sau cùng không phải là một vị giáo sĩ hay người thầy thuốc mà chính là Tự nhiên. Thứ duy nhất người ta có thể quyết định là chọn lấy cách chết tốt nhất tuân theo ý chí của Tự nhiên.

Trích Chương 3 - Sách Gieo Mầm Trên Sa Mạc – Tác giả Masanobu Fukuoka
Bạn có thể đọc toàn bộ sách này TẠI ĐÂY, và bạn có thể đọc sách cùng tác giả này Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm TẠI ĐÂY
Previous Post
Next Post