. ..đêm của bệnh viện thường quá mênh mông, còn phận người thì lại nhỏ bé đến tận cùng. .. tất cả, không chừa một ai, đời người rồi cũng qua nhanh như giấc mộng trả vay, ngắn ngủi. ..
Ba tôi vừa bị tai biến. Đối với một người đã qua tuổi hưu, thì điều ấy cũng chẳng phải là quá bất thường. Nhưng cảm giác đột ngột vì mới hôm qua đây thôi, ba còn có thể trông mấy đứa cháu, chơi đùa vẽ tranh đọc truyện với chúng, hẹn cuối tuần đi biển… Những dự định mang hơi hướm mùa hè đẹp đẽ và vui tươi ấy bỗng chốc trở nên xa vời khi xe taxi vội vàng rời khỏi hẻm nhỏ, đưa ba tôi đến bệnh viện.
Đời người có lẽ phải vào bệnh viện là nơi đáng sợ hãi nhất. Đông đúc quá tải, chật chội chen chúc, hoang mang lo ngại. Cứ thử ngồi ở khoa cấp cứu vào một buổi khuya muộn mà xem, mới hiểu cuộc sống mong manh và bất trắc biết chừng nào. Từ trẻ sơ sinh yếu đuối đến chàng thanh niên có bề ngoài bặm trợn. Từ bà già trượt chân trong bếp đến cô gái té xe ngoài đường. Từ người đàn ông xách cặp lịch lãm đến chị công nhân lam lũ bị tai nạn lao động. Tất cả, không chừa một ai…
Ngày của bệnh viện bắt đầu từ rất sớm, khi mấy cô y tá đẩy chiếc xe dụng cụ dọc hành lang, phát ra những âm thanh va chạm rờn rợn của kim loại. Rồi thì đo huyết áp, vô cữ thuốc sáng, xuống căn tin mua đồ ăn. Vừa đút vừa dỗ vừa năn nỉ ba cố nuốt, để có sức mà chống chọi, vượt qua. Dọn dẹp rồi đứng ở hành lang ngó xuống con đường rộng bên người, mới thấy người ta tất bật đến công sở đi làm. Ừ thì nhiều tiết mục thế, mà ngó lại đồng hồ, vẫn chưa tới bảy giờ mà…
Ngày dài thế, rồi cũng nhường chỗ cho đêm. Khi những người thăm nom cuối cùng đã thưa thớt rời khỏi, phòng bệnh chỉ còn lại bệnh nhân và người nuôi, lặng lẽ. Ngoài ghế đá sân bệnh viện dường như lúc nào cũng có người ngồi đấy một mình. Thinh lặng. Chẳng để trò chuyện cùng ai, càng phải là đợi hóng chút gió hiếm hoi ngang qua, mà như thể đang ngước lên chờ đợi một vì sao rơi. Nghe bảo, hễ có sao băng là ai đấy vừa rời khỏi cõi đời nhiều bon chen khốn khổ này. Hay bởi như hồi bé tôi từng nghe mẹ kể rằng, cứ khoảnh khắc sao rơi ấy mà cầu xin, ắt được. Người ta tha thiết ước mong gì ở chốn toàn đớn đau bệnh tật rên la này? Giàu sang, thăng tiến, xinh đẹp, thể hiện, bản lĩnh ư? Vô nghĩa mất rồi…
Chợt nhận ra, đêm của bệnh viện thường quá mênh mông, còn phận người thì lại nhỏ bé đến tận cùng.
Những cảnh đời loang loáng trôi qua. Bữa cơm trưa từ thiện đông đúc, người này lấy hộ người kia hộp cơm, trông dùm giường bên cạnh ông cụ đã quá tuổi xưa nay hiếm. Người ta đỡ giúp bà mẹ tội nghiệp đang hớt hải tuyệt vọng với đứa con vừa bị té ngã, đầu va xuống đất, liên tục ói mửa. Người ta nhường nhau đi thang máy trước, bởi đang cần mua thuốc, vội vàng...
Ai từng ở lại bệnh viện để nuôi bệnh, thì mới biết đêm dài tới mức nào. Tiếng còi xe cứu thương hú từng chập dài thảng thốt. Những bước chân rầm rập của bác sĩ trực khi bệnh vào. Lao xao vài câu nói của người nhà, như van vỉ, như cầu xin, như toàn bộ hy vọng bình yên đều trút hết trong những khẽ khàng nức nở ấy. Rồi tất cả vãn đi, nhường chỗ trong những tiếng trở mình khó nhọc, nức nở trẻ con kêu đau trong bóng tối của kiếp người sinh lão bệnh tử.
Có hôm giữa khuya, tôi tranh thủ chạy về nhà tắm táp và ăn bữa cơm chiều muộn màng. Nghe trên xe mở bài hát gì đấy, man mác nhắc về ấu thơ và những năm tháng sum vầy. Tôi bật giật mình hiểu ra, đời người rồi cũng qua nhanh như giấc mộng trả vay, ngắn ngủi…
Trong các đêm dài ấy, tôi thường vật vã nhớ con mình. Thèm hơi ấm và ánh đèn vàng của căn phòng ngủ quen thuộc. Những thứ mà hàng ngày tôi vẫn được tận hưởng một cách đơn giản và dễ dàng, nhưng chưa từng xem trọng. Thậm chí có hôm tôi còn cáu bẳn vì lũ trẻ bày bữa, than thở chán nản vì cái không gian tẻ nhạt ấy thoang thoảng mùi nước tè của đứa nhỏ. Tôi nhớ cái chăn màu xanh ngọc đã cũ của mình, ước ao về tấm nệm có thể thoải mái duỗi chân, thèm giấc ngủ yên lành mà mình không hề biết trân quý.
Hay tôi, cũng như rất nhiều người khác trong cõi nhân gian ta bà này, phải tới khi rời khỏi hoặc mất đi rồi thì người ta mới thấy nuối tiếc điều mình đã từng sở hữu?