Tại sao hư cấu thắng sự thật?

Nhiều người tin sự thật chuyên chở quyền lực. Nếu một số nhà lãnh đạo, một số tôn giáo hay hệ tư tưởng bóp méo, xuyên tạc hiện thực thì rốt cục họ sẽ thất thế trước những đối thủ trình bày về nó một cách sáng rõ hơn. Thật không may, đây chỉ là một huyền thoại có tính an ủi. Trên thực tế, sự thật và quyền lực có mối quan hệ phức tạp hơn rất nhiều, vì trong xã hội con người, quyền lực mang hai nghĩa rất khác nhau.

Một mặt, quyền lực có nghĩa là sở hữu khả năng thao túng những thực tại khách quan như săn bắt các loài động vật, xây dựng những cây cầu, chữa trị các loại bệnh tật, chế tạo bom nguyên tử. Thứ quyền năng này gắn bó chặt chẽ với sự thật. Nếu bạn tin vào một lý thuyết vật lý sai lầm, bạn sẽ không thể nào chế tạo được một quả bom nguyên tử cả.

Mặt khác, quyền lực cũng có nghĩa là sở hữu năng lực thao túng những niềm tin của con người, nhờ đó, có thể làm cho nhiều người hợp tác hiệu quả. Làm ra một quả bom nguyên tử không chỉ cần đến một sự am tường về vật lý mà còn đòi hỏi sự cộng tác lao động của hàng triệu con người. Hành tinh Trái đất chịu sự thống trị bởi loài Homo Sapiens hơn là loài tinh tinh hay voi bởi vì chúng ta là loài động vật có vú duy nhất có thể hợp tác với số lượng rất lớn. Và sự hợp tác trên quy mô lớn này phụ thuộc vào niềm tin vào những câu chuyện chung. Song những câu chuyện này không nhất thiết cần phải đúng. Người ta có thể thống nhất hàng triệu người bằng cách làm họ tin vào những câu chuyện hoàn toàn hư cấu về Thượng đế, về chủng tộc hay về kinh tế.

Bản chất hai mặt này của quyền lực dẫn đến hệ quả là một thực tế gây ngạc nhiên, theo đó, loài người chúng ta biết nhiều các chân lý hơn bất cứ loài vật nào khác, nhưng chúng ta đồng thời lại cũng tin tưởng vào nhiều điều vô nghĩa hơn. Chúng ta vừa là những cư dân thông minh nhất và cũng vừa là những kẻ khờ khạo nhất, dễ bị lừa gạt nhất trên hành tinh Trái Đất này. Loài thỏ không biết đến phương trình E= mc2, không biết vũ trụ xấp xỉ 13,8 tỉ tuổi, và DNA được cấu tạo bởi cytosine, guanine, adenine và thymine. Nhưng mặt khác, thỏ không tin vào những huyễn tưởng huyền thoại và những sự phi lý mang tính ý thức hệ đã mê hoặc vô số con người trong hàng ngàn năm. Không con thỏ nào sẵn sàng đâm máy bay vào Trung tâm thương mại thế giới với hy vọng được tặng thưởng 72 con thỏ còn trinh bạch ở hậu kiếp.

Khi cần thống nhất con người quanh một câu chuyện chung, hư cấu thường có ba điểm lợi thế cố hữu so với sự thật. Thứ nhất, trong khi sự thật mang tính phổ quát thì hư cấu thường có xu hướng mang tính địa phương. Hệ quả là, nếu ta muốn phân biệt bộ lạc của ta với những kẻ ngoại tộc, một câu chuyện hư cấu sẽ phục vụ cho như cầu kiến tạo bản sắc một cách tốt hơn nhiều so với một câu chuyện có thật. Giả sử chúng ta muốn dạy cho các thành viên trong bộ lạc của mình tin rằng “mặt trời mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây” – đó sẽ là một huyền thoại rất nghèo nàn của bộ lạc. Vì nếu gặp ai đó trong rừng và người đó nói với tôi mặt trời mọc ở đằng đông, đó có thể là chỉ dấu cho thấy người ấy là thành viên trong bộ lạc của tôi, nhưng cũng có thể nó cho biết đó là một người ngoài bộ lạc thông minh có khả năng đi đến cùng một kết luận một cách độc lập với bộ lạc của tôi. Vì thế, tốt hơn là dạy cho thành viên bộ lạc rằng “mặt trời là con mắt của một chú ếch khổng lồ mà mỗi ngày lại nhảy ngang qua bầu trời”, bởi sẽ rất ít người ngoại tộc – dù thông minh đến đâu – cũng có thể độc lập đi đến một ý tưởng đặc biệt như thế.

Lợi thế rất lớn thứ hai của hư cấu so với sự thật liên quan đến nguyên lý bất lợi, tức là những tín hiệu đáng tin cậy phải cực kỳ đắt giá đối với kẻ ra tín hiệu. Nếu không, chúng có thể bị làm giả bởi những kẻ gạt lừa. Thí dụ, những con công đực phải khoe sinh lực của mình trước những con công cái bằng những cái đuôi khổng lồ sặc sỡ. Đây chính là một dấu hiệu đáng tin cậy về sự dồi dào sinh lực, vì cái đuôi đó rất nặng, cồng kềnh và thu hút những loài săn mồi. Chỉ những con công khỏe mạnh thật sự mới có thể sống sót được bất kể sự bất lợi này. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với những chuyện kể.

Nếu một sự trung thành về chính trị được thể hiện bằng niềm tin vào một câu chuyện đúng, có thật, ai cũng có thể làm giả được câu chuyện ấy. Nhưng tin vào những câu chuyện lố bịch và kỳ dị đòi một cái giá lớn hơn, và do đó, trở thành một tín hiệu tốt hơn về lòng trung thành. Nếu bạn tin vào nhà lãnh đạo của mình chỉ khi ông ta nói sự thật, điều đó chứng tỏ cái gì? Ngược lại, nếu bạn tin nhà lãnh đạo của mình kể cả khi ông ta xây một lâu đài trên không trung, đó mới là trung thành! Những nhà lãnh đạo tinh vi có thể đôi khi cố ý nói ra những thứ vô nghĩa như một cách để phân biệt ai là những cử tri đáng tin và ai là những kẻ “khi vui thì vỗ tay vào”.

Thứ ba, và đây là điều quan trọng nhất, sự thật thường đau đớn và gây bất an. Bởi thế, nếu cứ kiên trì đeo đuổi một thứ hiện thực thuần khiết, sẽ rất ít người đi theo bạn. Nếu một ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ nói với công chúng Mỹ sự thật, toàn bộ sự thật và không có gì khác ngoài lịch sử nước Mỹ thì 100% ứng cử viên ấy sẽ thất bại trong cuộc bầu cử. Điều tương tự cũng có thể thấy ở những ứng cử viên khác tại tất cả những quốc gia khác. Có bao nhiêu người Israel, Italian, hay Ấn Độ có thể chịu nổi thứ sự thật bị gột sạch không còn vết nhơ nào về dân tộc mình? Một sự trung thành không nhượng bộ với sự thật có thể là một thực hành tinh thần đáng ngưỡng vọng nhưng lại không phải là một thứ chiến lược chính trị để giành phần thắng.

Có thể có người sẽ biện luận rằng những cái giá dài hạn của việc tin vào những câu chuyện hư cấu có thể hiệu quả hơn bất kỳ một lợi thế ngắn hạn nào trong sự cố kết xã hội. Một khi người ta hình thành thói quen tin vào những hư cấu phi lý và những sự lừa dối tiện lợi, thói quen này sẽ mỗi lúc sẽ tràn vào nhiều lĩnh vực hơn, dẫn đến chỗ người ta có thể đưa ra những quyết định tệ hại về kinh tế, chấp nhận những kế hoạch quân sự không có lợi mà còn có hại thêm và không phát triển được những công nghệ có hiệu quả. Tuy điều này đôi khi có xảy ra nhưng nó còn xa mới là một quy luật phổ quát. Thậm chí những người cuồng tín và quá khích cực đoan nhất cũng có thể thường xuyên phải phân khu lại đầu óc phi lý tính của mình để làm sao họ có thể tin cái vô nghĩa trong một vài lĩnh vực trong khi đó lại rất duy lý trong những lĩnh vực khác.

Chẳng hạn, hãy nghĩ đến phát xít Đức. Thuyết chủng tộc của phát xít Đức là một thứ ngụy khoa học tồi tệ. Mặc dù họ cố gắng củng cố nó bằng những chứng cớ khoa học, phát xít Đức, dẫu vậy, phải nén lại sự duy lý của mình nhằm phát triển một niềm tin mãnh liệt đủ đến biện hộ cho việc giết chết hàng triệu người. Tuy nhiên, đến lúc cần phải thiết kế những phòng ga và xếp thời gian biểu cho những chuyến tàu chở người Do Thái từ Auschwitz, tính duy lý của phát xít Đức lại trỗi dậy vẹn nguyên từ chỗ nó nén lại, giấu mình.

Điều mà ta thấy ở phát xít Đức cũng đúng với nhiều nhóm quá khích, cuồng tín khác trong lịch sử. Cần phải tỉnh táo để thấy cuộc Cách mạng khoa học đã bắt đầu ở nền văn hóa cuồng tín nhất thế giới. Châu Âu vào thời của Columbus, Copernicus và Newton là một trong những nơi tập trung lớn nhất trong lịch sử những tín đồ tôn giáo cực đoan và là xã hội có mức độ khoan dung thấp nhất.

Bản thân Newton rõ ràng dành nhiều thời gian để tìm kiếm những thông điệp bí mật trong Thánh kinh hơn là giải mã các quy luật vật lý. Những danh nhân của cuộc Cách mạng khoa học sống trong một xã hội xua đuổi người Do Thái và Hồi giáo, thiêu sống hàng loạt những người dị giáo, có thể phát quyết bất kỳ một người phụ nữ lớn tuổi yêu mèo nào là phù thủy và cứ mỗi tháng lại phát động một cuộc chiến tranh tôn giáo.

Nếu bạn đến Cairo hay Istanbul cách đây 400 năm, bạn sẽ nhận thấy một thủ phủ đa văn hóa và giàu tinh thần khoa dung nơi những người Hồi giáo Sunni, Shiite, Chính thống giáo, Catholics, Amernian,  những người Ai Cập không thuộc dòng giống Arab, những người Do Thái, thậm chí đôi khi còn có những người Hindu sống bên cạnh nhau trong mối quan hệ hài hòa. Dù họ có những bất đồng và cả những cuộc nổi loạn – và mặc dù Đế chế Ottoman vẫn thường phân biệt đối xử  với những người thuộc những truyền thống tôn giáo khác – đó vẫn cứ là một thiên đường tự do nếu so với Tây Âu. Nếu lúc đó bạn đặt chân đến Paris hay London đương thời, bạn sẽ nhìn thấy những thành phố tràn ngập niềm tin tôn giáo mù quáng mà ở đó chỉ có những người thuộc những tông phái chủ lưu mới sống được. Ở London, người ta giết những người Catholics, ở Paris, người ta thanh trừng những người Thanh giáo; người Do Thái từ lâu đã bị xua đuổi; và không một ai lại có thể nghĩ đến việc để cho một người Hồi giáo nào vào nơi mình sống. Thế nhưng Cách mạng khoa học lại bắt đầu ở London và Paris chứ không phải từ Cairo hay Istanbul.

Năng lực phân khu lý tính có lẽ có nhiều điểm liên quan đến cấu trúc não bộ của chúng ta. Những phần khác nhau của bộ não chịu trách nhiệm cho những phương thức tư duy khác nhau. Con người có thể dừng hoạt động theo tiềm thức và kích hoạt lại những bộ phận của não đóng vai trò cốt yếu đối với tư duy hoài nghi. Bởi thế Adolf Eichmann có thể đóng thùy trán của mình khi lắng nghe Hitler say sưa trình bày diễn văn sau đó lại tái khởi động nó khi nghiên cứu lịch trình của những đoàn tàu từ Auschwitz

Thậm chí nếu phải trả một cái giá nào đó để dừng hoạt động của những năng lực lý tính ở chúng ta thì những lợi thế từ sự cố kết xã hội được gia tăng lại thường lớn đến nỗi những câu chuyện hư cấu vẫn cứ thắng sự thật trong lịch sử loài người. Các học giả thực ra đã biết điều này từ nghìn năm, đó là lý do tại sao họ phải phân vân nên phụng sự sự thật hay cho sự hài hòa xã hội. Họ nên hướng đến sự thống nhất con người bằng việc đảm bảo ai cũng tin vào cùng một câu chuyện hư cấu hay nên để mọi người nhìn ra sự thật, ngay cả khi phải trả giá cho nó bằng sự tan rã? Socrates chọn sự thật và bị kết án tử hình. Những học phái quyền uy nhất trong lịch sử – dù đó là những tu sĩ Ky tô giáo, những sĩ phu Nho giáo hay những nhà tư tưởng của chủ nghĩa Cộng sản – đặt sự thống nhất cao hơn sự thật. Đó là lý do vì sao họ lại mạnh đến vậy.

Hải Ngọc dịch
Nguồn: Yuval Noah Harari, “Why Fiction Trumps Truth”,
Yuval Noah Harari (1976) là sử gia của người Israel, tác giả của những cuốn sách gây ảnh hưởng lớn trên toàn cầu như Homo Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai, 21 Bài học cho thế kỷ 21. Bài viết dưới đây của ông nằm trong chùm bài thảo luận về quyền lực đăng trên New York Times mùa hè này và cũng là bài viết kết tinh khá nhiều tư tưởng quan trọng mà ông đã trình bày trong những cuốn sách của mình.
Previous Post
Next Post