Những cơn gió gần cuối năm nơi này sao thấy lành lạnh nhưng khô khốc, vì bụi bặm hay vì lá rơi “đâu phải bởi mùa thu” khiến đất trời cũng ám chướng buồn lây. Người cười không nổi, nuốt không trôi bởi cái cảnh kiếm ăn lặn ngụp bon chen được đời gán tên là “hạnh phúc”.
Thật tình, tôi chẳng hiểu “hạnh phúc” là gì với ý nghĩa đích thực của nó. Bởi hết buồn đến vui, vãng hỷ lai sầu, nên xét cho cùng không có gì là vĩnh cửu. Anh nhìn tôi rồi bảo tôi sướng vì bình thản ngồi bên tách trà buổi sáng. Tôi nói anh sướng vì quần áo tươm tất chẳng lo chuyện ngày mai. Ai sướng? Ai hạnh phúc? Có phải vì chúng ta đứng ở núi này nhìn sang núi nọ? Rõ ràng, cái hình tướng đã làm lòng người quá nhiều phân biệt tựa như đi chùa lễ Phật cũng lựa chọn nơi lộng lẫy nguy nga, nơi thật đông tín đồ tụ hội, âm thanh tụng kinh rộn rã vang trời… không chịu y cứ cái tâm mà tự nhận thấy để rồi tịnh tu tịnh sửa.
Thế thì cần biết mình là ai, là thứ gì trên đời này để sống trong chữ “nhàn” an nhiên, cho gió trăng lả lơi, cho mây nước cợt đùa vì ai cũng có cái phần riêng mình cớ sao cứ đố kỵ so đo? Nghe sao dễ quá. Làm sao được cái “ngất ngưởng” như cụ Nguyễn Công Trứ đủng đỉnh lưng bò vàng mà tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn, riêng vui thú giang sơn phong nguyệt. Đó là chuyện của kẻ công thành danh toại, chỉ biết mình khi đã chọn con đường xuất thế “ta thương ta chưa hết” của thời phong kiến xa xưa thấm nhuần tư tưởng Khổng-Lão.
Thời đại này, thời đại của tên lửa đã lên tận Hỏa tinh tìm nước, lặn sâu đáy biển tìm đáp án giả thuyết nguồn gốc loài người, đến tận Nam cực lạnh giá để nhận biết hiện tượng trái đất ấm dần bởi ô nhiễm môi trường… nên có nhiều vấn đề không thể làm ngơ với cuộc sống vốn dĩ phức tạp nhiêu khê.
Đã sống thì phải chấp nhận bao nhiêu ràng buộc nên ta cứ lăn xả vào đó quỵ lụy, chẳng chịu buông. Cái vòng kim cô siết trên đầu làm đau như thiếu máu não, muốn khóc mà khóc không được, muốn nôn cũng chẳng cho xong, ta ôm đầu rên rỉ ỉ ôi đời phận bạc, muốn thoát khỏi cảnh đời tạm bợ này thì không đủ can đảm vì “tôi chết rồi, em sống với ai?”. Em ở đây là cái “hạnh phúc” đang có, đang giữ được bởi đã hứng bao đau khổ sau nhiều lần “cầu bất đắc”. Vậy nên, mình tập cười.
Nhớ ngày xưa đi học, đọc câu tục ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở”, hỏi thầy sao không thấy “học cười”, bị thầy phạt hai roi nằm trên bục giảng, bạn bè cười bảo tôi “học khóc”! Giờ nghĩ lại thấy canh cánh bên lòng. Tiếng cười đem hạnh phúc an lạc cho chính mình và người chung quanh, dẫu cho đó là cười xuề xòa giả lả ví như câu chuyện Gì cũng cười của tác giả Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh đầu thế kỷ XX.
Y học cũng đánh giá động tác cười là xả stress, làm căng da mặt góp phần trẻ hóa hình hài. Còn người bi quan tủi phận thì cũng cần tiếng cười để phủi tay bỏ qua hay tỏ vẻ chán ngán phân biệt, thậm chí cười cho có cười, cười nịnh bợ hoặc giả đóng tuồng. Ít ra, cười cũng chiếm một vị trí quan trọng không nhỏ trong cuộc sống làm người. Sao mình không cười? Miễn là cười thật tình đừng cười nửa miệng ỡm ờ hay cười trên sự đau khổ của người khác. Và, mình cười cho chính mình sao cứ mê lầm chấp ngã đắm đuối những điều xa lạ chẳng thật lòng chính mình.
Chuyện qua rồi đừng nhắc lại (Luận ngữ). Đời còn dài thì nhìn phía trước mà đi. Bao vướng mắc mình hãy tập buông xả, thoát ra khỏi chốn u minh bằng định tĩnh nhằm tháo cái vòng kim cô khỏi cái đầu chứa bao dụ dỗ mê đắm của tham sân si, nói chung là tránh được cái khổ chừng nào hay chừng nấy.