Hỏi: Trên đời này có những điều may mắn ngoài quy luật nhân quả không thưa Thầy?
Đáp: Trên đời này không có sự ngẫu nhiên, mọi sự kiện, mọi sự vật xảy ra đều phải theo quy luật nhân quả điều khiển hoạt động. Cho nên sự may mắn cũng như sự rủi ro đều do sự định đoạt của luật nhân quả cả. Bởi vì luật nhân quả không ai tạo ra nó mà chính mình tạo ra, nên nó xử phạt lại mình rất công bằng.
Con người mê mờ không đủ trí tuệ nhìn xuyên suốt đường đi của nhân quả nên cho rằng sự may mắn và sự rủi ro ngoài quy luật nhân quả.
Nếu các con cho rằng: mọi sự xảy ra đều là sự ngẫu nhiên thì các con cứ làm ác đi! Hay làm thiện đi! Thì các con sẽ thấy rõ… Nhân quả thiện ác sẽ đến thăm các con, nó không tha một người nào đâu, các con ạ!
SỐ MỆNH
Hỏi: Có số phận không thưa Thầy?
Đáp: Có luật nhân quả, chớ không có số phận. Do tinh thần tiêu cực, mất hết ý chí tự lực, nên có một số người đặt ra thuyết định mệnh để an ủi lại mình khi đứng trước những nhân quả quá khắc nghiệt, quá khó khăn. Do bi quan họ nghĩ tưởng rằng: con người không thể nào vượt qua số phận.
Phần đông ngày nay người ta chịu ảnh hưởng thuyết định mạng nhân quả của văn hóa Trung Hoa. Khi đứng trước những việc khó khăn, những sự thử thách gian nan, khổ sở, họ đều co đầu, rút cổ và bảo rằng: Đó là Định mệnh do Trời đã quyết định, chúng ta là con người không thể làm nên và cũng không thể nào vượt qua được. Do sự tư duy như vậy nên nghị lực mất hết, tinh thần yếu kém, mất sức tự chủ v.v..
Nếu có số phận của con người thì trên đời này không có luật nhân quả. Không có luật nhân quả thì xã hội loài người không bao giờ có sự công bằng.
Nếu không có luật nhân quả thì không bao giờ có câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời”. Vì đời sống con người đều nằm trong luật vô thường chung của các pháp, đó là quy luật của nhân quả, của bánh xe tiến hóa luân hồi. Do đó không thể nào nói có số phận được, phải không các con?
Nếu không có luật nhân quả thì bốn chân lý của đạo Phật không ra đời, vì mọi sự đau khổ của con người là số mệnh, là số phận cố định. Vì mọi sự đau khổ của con người là số phận, là số mệnh cố định không thay đổi được, vì thế không thể nào chuyển khổ thành vui được. Do đó, chân lý của đạo Phật không còn là chân lý của loài người nữa.
Mục đích đạo Phật ra đời là dạy con người chuyển khổ thành vui, lấy nhân thiện chuyển quả ác đem lại sự an vui hạnh phúc cho mọi người, cho nên chân lý của Phật giáo sẽ đập tan tành thuyết định mệnh, vì thế con người không còn gọi là số phận mà là chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt.
Ví dụ: Một người chửi mắng mình, mình không chửi mắng lại, vui vẻ không giận hờn, đó là chuyển nhân ác thành quả vui. Như vậy đâu phải là số phận mà là nhân quả, phải không các con?
LUẬT NHÂN QUẢ
Hỏi: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu. Vậy sao trên đời này chẳng thấy có cái gì là công bằng cả.
Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Tại sao vậy?
Đáp: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu, nhưng chúng ta phải có đủ trí tuệ quán xét, chứ không nhìn một cách thông thường mà thấy được sự công bằng ấy.
Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Nếu nhìn thông thường thì chúng ta thấy luật nhân quả không công bằng, còn chúng ta nhìn suốt lý nhân quả thì mới thấy luật nhân quả không bỏ sót một hành động thiện ác nào mà ta đã tạo nhân trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Cho nên, luật nhân quả gồm có nhiều góc độ nhìn:
- Thứ nhất nhân hiện tại quả hiện tại.
- Thứ hai nhân quá khứ quả hiện tại.
- Thứ ba nhân hiện tại quả tuơng lai.
- Thứ tư nhân người này quả người khác chịu do chùm nhân quả.
Ví dụ trên về người sinh viên thì phải nhìn nhân quá khứ, quả hiện tại, thì mới thấy luật nhân quả công bằng, còn nhìn nhân hiện tại, quả hiện tại thì luật nhân quả không công bằng, đó là nhìn sai. Thường mọi người chỉ nhìn thấy nhân hiện tại, quả hiện tại, chứ không chịu thấy những nhân quả ở các góc độ khác nhau, vì vậy đôi khi thấy nhân quả không công bằng. Ví dụ: Như một người ăn cắp mà không bị bắt quả tang tại trận, không bị đánh đập, không bị tù tội thì cho đó là nhân quả không công bằng.
Như vậy là cái nhìn nhân quả không đúng, chứ không phải nhân quả không công bằng. Luật nhân quả có sự chuyển biến thay đổi theo từng sát na, từng giây, từng phút không để một kẽ nhỏ của thời gian thiếu công bằng. Nếu một hành động thiện vừa làm là có sự thay đổi nghiệp quả ngay liền chuyển biến sự đau khổ của người làm thiện. Thiện ở đây có ba nơi xuất phát:
1- Thân hành thiện
2- Khẩu hành thiện
3- Ý hành thiện
Chỉ một ý hành thiện vừa khởi là chúng ta cũng cảm thấy quả khổ tiêu tan ngay liền.
Ví dụ 1: Một người đang tức giận bị người khác mắng chửi, họ chỉ cần khởi niệm: “Đời trước ta đã gieo nhân này nên ngày nay ta phải trả hoặc người này là người đáng thương họ đang tạo nhân quả ác”. Khi nghĩ như vậy ngay liền là họ hết khổ. Phải biết, đang tức giận là đang trả quả ác (khổ), đang chửi mắng là đang tạo nhân ác.
Ví dụ 2: Khi ta vừa khởi niệm người ấy xấu ác là nhân thì ngay đó liền có quả ta phiền não và đau khổ.
Cho nên, phải quán xét trong nhiều góc độ khác nhau thì ta mới thấy luật nhân quả công bằng, và công bằng tuyệt đối, do công bằng tuyệt đối nên không sai một hào ly, vì không sai một hào ly, nên người nào không đủ trí tuệ quán xét tế nhị thì không thấu rõ, vì vậy cho rằng luật nhân quả không công bằng.
Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Là vì người học sinh ấy học hành không có phương pháp nên học nhiều mà không nhớ (nhân), do đó kết quả thi thì cứ điểm thấp (quả hiện tại). Còn người học ít nhưng lại học có phương pháp nên nhớ không quên (nhân hiện tại), do đó kết quả thi thì điểm cao (quả hiện tại). Vì công bằng cho nên luật nhân quả không phải chỉ có ở góc độ nhân quả hiện tại mà còn ở nhiều góc độ khác nữa, khi nào các con học đạo đức nhân bản – nhân quả thì các con sẽ hiểu rõ hơn nhiều về sự công bằng của luật nhân quả.
Các con cứ thử nghĩ xem: luật nhân quả chi phối điều hành khắp vũ trụ này, nếu chỉ một sát na không công bằng thì vũ trụ này sẽ đổ nhào và không còn trật tự, tất cả vạn vật đều bị rối lọan và bị tiêu diệt.
Với đôi mắt và trí óc phàm phu người ta không thể nào nhìn thấu suốt quy luật họat động của nhân quả, vì thế người này thấy góc độ này, người kia thấy góc độ khác, chứ chẳng bao giờ thấy toàn diện.
Trích sách Đường về xứ Phật
Trưởng Lão Thích Thông Lạc