Donald Snygg & Arthur W. Combs – Thuyết nhân cách tổng thể hình thái

Arthur W. Combs
1. Dẫn nhập

Đôi lúc một học thuyết rơi vào quên lãng và không tạo được những sự chú ý đáng có chỉ vì quá đơn giản, quá rõ, quá khả thi, dễ áp dụng và thực tế. Học thuyết của Snygg và Combs là một ví dụ chứng minh cho điều này.

Mặc dù học thuyết của hai ông đã có những ảnh hưởng đến những nhà nhân văn học song không gây được những chấn động ầm ĩ. Tuy có cùng nhiều điểm tương đồng, nhưng học thuyết của nhân văn của Carl Roger đã gây được những ảnh hưởng rất lớn vì chứng tỏ được tính chất căn bản. Hoặc do học thuyết của Kelly lại chứng minh được yếu tố khoa học, còn các nhà hiện tượng học Châu Âu lại đưa ra những giải thích thiên về triết lý. Rất tiếc là học thuyết của Snygg và Combs chỉ đủ mạnh để người ta nhìn lướt qua một cái.

2. Địa hạt hiện tượng

Trước hết, tất cả những hành vi không kể những trường hợp ngoại lệ, hoàn toàn được quyết định bởi yếu tố phải thích hợp đối với địa hạt hiện tượng của những sinh thể tạo ra các hành vi ấy. Địa hạt hiện tượng là hiện thực chủ thể của mỗi chúng ta. Đấy là thế giới mà chúng ta vẫn cảnh giác về nó, bao gồm cả những đối tượng vật chất, liên hệ đến các hành vi, tư tưởng, hình ảnh, ảo tưởng, cảm giác và cả những khái niệm ý tưởng như công bằng, tự do của con người…Snygg và Combs đã đề cập về tất cả những phạm trù này và khẳng định đây chính là địa hạt hiện tượng thể hiện được bản chất thực của quan hệ giữa chủ thể và vật chất trong ngành Tâm lý.

Và vì thế nếu ta muốn hiểu và tiên đoán được hành vi của con người, chúng ta cần nắm vững về địa hạt hiện tượng của họ. Và vì chúng ta không thể quan sát địa hạt hiện tượng một cách trực tiếp cụ thể nhất nên chúng ra phải rút ra kết luận từ những điều chúng ta có thể quan sát được.

Chúng ta có thể ghi chép lại những hành vi, yêu cầu một cá nhân tham gia vào những trắc nghiệm khác nhau hay qua cách phỏng vấn và nói chuyện với họ. Snygg và Combs đã sử dụng nhiều phương pháp khảo cứu khác nhau. Hai ông kết luận rằng nếu chúng ta có nhiều cách quan sát khác nhau, chúng ta sẽ có một lối giải thích và hiểu được địa hạt hiện tượng của một cá nhân toàn diện hơn. Và sau đó là giai đoạn ta có thể hiểu và tiên đoán được hành vi của một cá nhân. Vì thế, tất cả những hành vi xảy ra chính là phản ứng nhằm đạt được tính năng thích hợp, có ý nghĩa và có mục đích với địa hạt hiện tượng riêng biệt của một cá nhân.

3. Nhất động cơ

Snygg và Combs đã giúp chúng ta hiểu về khái niệm động cơ. Đấy là nhu cầu căn bản của mỗi chúng ta là với chức năng bảo quản và thăng tiến địa hạt hiện tượng của mình. Đặc tính của tất cả các bộ phận thuộc địa hạt hiện tượng được điều khiển bởi những nhu cầu căn bản đó. Hiện tượng bản thân chính là nhãn quan của một cá nhân về chính con người của mình. Nhãn quan này phát triển theo thời gian và được xây dựng dựa trên những đặc tính thể lý của cá nhân ấy (như họ đã đánh giá mình như thế nào) và từ những ảnh hưởng của văn hóa môi trường giống như những gì họ đã trải nghiệm cùng với những kinh nghiệm riêng lẻ của cá nhân họ.

Cần chú ý rằng chúng ta luôn cố gắng duy trì và thăng tiến hiện tượng bản thân – hay còn gọi là nhãn quan của mình. Đây là điều cốt lõi quan trọng hơn những nhu cầu sinh tồn sinh lý hay thỏa mãn những nhu cầu căn bản nhất. Cơ thể chúng ta và những nhu cầu của cơ thể là hai phần của một bản thân không thể tách rời khỏi nhau được.

Hiện tượng bản thân là điều chúng ta cần duy trì và thăng tiến. Đây là khái niệm vượt khỏi những nhu cầu sinh tồn sinh lý và thỏa mãn những yêu cầu căn bản. Một cô gái có ý định tự tử, một chiến sĩ cảm tử, hay một người tù binh tuyệt thực. Trong những ví dụ trên, các cá nhân này đang cố gắng duy trì và thăng tiến hình ảnh của mình. Vì thế các giá trị thể lý đã không còn tác động ảnh hưởng thuần túy của nó đối với họ nữa. Nói khác đi giá trị hình ảnh rất quan trọng đối với họ.

Hơn nữa chúng ta không chỉ duy trì tình trạng ổn định của cơ thể mà còn cố gắng thăng tiến giá trị bản thân. Chúng ta không chỉ muốn mình là ai. Chúng ta muốn nhiều hơn thế nữa. Đây là nguyên lý về động cơ mà Snygg và Combs giới thiệu, vốn có điểm tương đồng với khái niệm phấn đấu vượt qua những khiếm khuyết của Adler hay như với khái niệm tự giác ngộ của Abraham Maslow.

Cách thức chúng ta phấn đấu để đạt được trạng thái muốn có nhiều hơn chính là cách phân biệt, đây là quá trình xây dựng một nhân cách từ việc phát huy những điều kiện của bản thân. Theo hai ông, quá trình học tập không đóng khung trong việc liên hệ giữa những tác nhân kích thích và phản ứng đối với các kích thích này. Học tập chính là quá trình thăng tiến địa hạt hiện tượng trong việc gạt bỏ những nhầm lẫn và giữ lại những tính năng quan trọng, có ý nghĩa nhất đối với một cá nhân.

Đây là quá trình giống với khái niệm cấu trúc tâm thức trong học thuyết của George Kelly. Ví dụ như mầu da của người khác không có nhiều ý nghĩa ảnh hưởng với một em bé cho đến khi em lớn lên và được người lớn tạo ra những khái niệm (tiêu cực hoặc tích cực) có ảnh hưởng lên tâm thức của các em. Đây là bước phát triển khi các em biết phân biệt, dựa trên những khái niệm do người lớn đã giới thiệu cho các em.

4. Tâm lý ứng dụng

Snygg và Combs đã bày tỏ những quan niệm của mình về liệu pháp ứng dụng trong tâm lý lâm sàng, mà điển hình là khái niệm sợ hãi. Theo hai ông, sợ hãi chính là trạng thái cảnh giác về sự khủng hoảng về địa hạt hiện tượng của bản thân (vốn luôn cần được duy trì ở trạng thái cân bằng). Theo hai ông, sợ hãi sau khi được điều chỉnh bằng những hành động thích hợp và những kỹ năng phân biệt tích cực sẽ tạo ra khả năng xử lý với những tác nhân gây sợ tương tự trong tương lai.

Nếu một cá nhân không có khả năng tổ chức để tiếp cận với sợ hãi, họ có thể gạt sợ hãi ra khỏi hoàn cảnh hiện tại nhưng về lâu dài sẽ không giúp họ xử lý được cội rễ của sợ hãi một cách có hiệu quả. Vì thế một cá nhân sẽ có nguy cơ phát triển những triệu chứng thần kinh, rối loạn tâm thần, hoặc dễ bị lôi kéo trở thành những tội phạm hình sự. Theo Snygg và Combs, các kênh này là những van xả thiếu lành mạnh.

Vì thế nhiệm vụ của liệu pháp chính là việc giải phóng thân chủ ra khỏi vòng lẩn quẩn với cách nhìn tù đọng bế tắc, chấm dứt những hành vi ngõ cụt, cùng với những cảm xúc tư duy bảo thủ vẫn được sử dụng để bảo vệ cái tôi quá nhạy cảm của họ. Theo hai ông, liệu pháp cần cung cấp những tình huống có tính giáo dục khuôn mẫu nhằm khuyến khích những khát vọng lành mạnh để ổn định khả năng duy trì và khả năng thăng tiến địa hạt hiện tượng. Ông nhắc nhở trị liệu cần thúc đẩy hoạt động xây dựng kỹ năng tổ chức tự do nơi một thân chủ. Vì thế nhà trị liệu cần nỗ lực trong việc kiến tạo những mô thức liệu pháp, có thể can thiệp một cách uyển chuyển và thực tiễn nhằm khuyến khích các thân chủ trong việc khám phá những kỹ năng phân biệt của họ, xác định được đâu là điều có ý nghĩa, tùy thuộc vào những nhu cầu của thân chủ đó.

5. Vai trò của giáo dục

Snygg và Combs cũng chú trọng đến vai trò của giáo dục. Theo hai ông, quá trình học tập đạt hiệu quả chỉ xảy ra khi khả năng phân biệt của cá nhân có thể xác định được những nhu cầu ý nghĩa, liên hệ trực tiếp đến đời sống của họ. Nghĩa là chúng ta chỉ học tập về những đề tài có ý nghĩa áp dụng riêng biệt đối với chúng ta.

Vì thế, nếu các thầy cô giáo cố gắng nhồi ép các môn học một cách khô khan và không có ý nghĩa đối với các em học sinh, giáo dục sẽ trở thành một gánh nặng. Đấy là lý do tại sao học sinh A học kém môn toán nhưng lại rất giỏi tính nhẩm. Tất nhiên là em sẽ rất sợ học môn toán. Hoặc học sinh B khác rất giỏi toán nhưng lại tính nhẩm rất kém.

Thành ra nếu các em học yếu một môn nào đó không phải là vì các em kém thông minh, mà đơn giản là các em không nhìn thấy lý do vì sao các em phải học những môn đó. Do vậy các giáo viên cần hiểu kỹ hơn về các em học sinh của mình. Thầy cô giáo cần hiểu biết động cơ hiếu học chỉ bắt nguồn từ bên trong – từ những địa hạt hiện tượng bản thân của các em.

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Previous Post
Next Post