Mặt nạ Siêu-thức (The mask of Super-ego)

Sigmund Freud chia tâm thức ra làm hai vùng, vùng ý thức mà ta biết được (conscious mind) và vùng vô thức mà ta hoàn toàn không biết gì (unconscious mind). Bên cạnh đó Freud còn chia “cái tôi” ra làm 03 loại:

Id (Cái ấy): hoàn toàn nằm trong vùng vô thức, là bản năng cơ bản, bản năng sinh tồn của động vật, luôn giữ nguyên tắc “tìm khoái lạc, tránh đau khổ”. Đứa trẻ mới sinh ra tâm lý chỉ có cái ấy (Id) chứ chưa có cái gì khác. Khi trưởng thành cái ấy chìm hoàn toàn vào vô thức. Mặc dù nằm trong vùng vô thức, cái ấy (Id) luôn luôn tìm thỏa mãn để đáp ứng những xung động của cơ thể như: đói ăn, khát uống, thỏa mãn tính dục. .v.v. trong cơ thể trưởng thành nó là nơi chứa đựng năng lực tình dục (Libido)

Ego (Bản ngã): là cái tôi mà ta ý thức được, nó đứng giữa “cái ấy” và siêu thức nhằm điều hòa những bản năng mà “cái ấy” đòi hỏi sao cho phù hợp với xã hội, luật pháp, luân lý, đạo đức.

Super-ego (Siêu ngã): là cái tôi đã thăng hoa, hoàn toàn đối lập với cái tôi bản năng (Id), siêu ngã gồm các giá trị mà xã hội ngưỡng mộ và đề cao. Đó là những giá trị thuộc về truyền thống văn hóa xã hội, những giá trị luân lý đạo đức. ..v.v. biểu lộ qua con người tự trọng (self esteem), con người hòa nhập với truyền thống xã hội, con người tin theo những giá trị đạo đức, hay giá trị tôn giáo. Nếu gọi Ego là cái mặt nạ che đậy Id, thì Super-ego là cái mặt nạ che đậy Ego.

Đã là một con người, bất kì ai đều có đầy đủ 03 phần: cái ấy (Id), bản ngã (Ego), siêu ngã (Super-ego). Trong cuộc sống hàng ngày, ta chỉ nhìn thấy những cái gọi là siêu thức của người khác, có thể gọi đó là những mặt nạ của họ.

Ví dụ ta thấy một người làm chính trị diễn thuyết về tình yêu đất nước, về trách nhiệm xã hội, về nhưng giá trị tinh thần; hoặc ta thấy những thầy tu nói về lòng từ bi, tình nhân ái, sự hy sinh cho tha nhân, hoặc ta thấy những bác sĩ nói về lý tưởng y khoa, y đức, sự phục vụ bệnh nhân, hoặc v.v . Tất cả chỉ là những cái mặt nạ siêu thức.

Hoặc mỗi ngày ta vào công ty, ngài giám đốc có khuôn mặt chững chạc nghiêm nghị luôn luôn thể hiện cao tinh thần trách nhiệm, luôn luôn thấu hiểu; người đồng nghiệp lịch thiệp, tay bắt mặt mừng, luôn luôn co-opere, luôn luôn chia sẻ…Vâng, tất cả chỉ là cái mặt nạ siêu thức thôi, hãy thử chạm vào quyền lợi của họ xem sao, ngay lập tức bạn có thể biết bản ngã của họ ra sao, hoặc cũng có thể thấy ngay “cái ấy” (Id) của họ.

Mặt nạ thực ra rất cần thiết cho cuộc đời, nếu không đeo mặt nạ bạn cũng sẽ khó sống lắm đấy. Khi đeo mặt nạ người ta cảm thấy an toàn hơn, tự tin hơn mặc dù đó là sự lừa dối người khác và lừa dối chính mình. Các “Lễ hội mặt nạ” ở một số quốc gia thường rất tưng bừng, nhờ có mặt nạ mọi người mới có can đảm bộc lộ những điều mình không dám làm với bộ mặt thật của mình!

Có một vở kịch, một đôi tình nhân yêu nhau tha thiết, người này sẵn sàng hy sinh cho người kia, họ nói với nhau rằng, nếu phải chết, họ xin làm người được chết trước, hoặc chết thay cho nhau. Bất ngờ xuất hiện một người đàn bà bước vào, dáng vẻ điên loạn, trên tay cầm lăm lăm khẩu súng. Tình huống thay đổi tức thì, cả đôi tình nhân đều tìm đường thoát hiểm, nhưng căn phòng nhỏ không thể có chỗ nào ẩn nấp an toàn, cả hai người yêu nhau phải thương lượng van xin người điên đừng nổ súng về phía họ. Trong hai người ai cũng muốn làm người sống sót…đại khái vở kịch chỉ có thế.

Đầu vở kịch cả hai con người yêu nhau đều đeo cái mặt nạ mà Freud gọi là “siêu thức”. Trong lúc tình huống trở nên quyết liệt sinh tử, thì cái bản năng Id sâu trong mỗi con người tự động nổi dậy để tồn sinh. Hai người yêu nhau kia hoàn toàn không biết cái Id (bản năng) của họ và không những họ, hầu như tất cả nhân loại đều không biết cái Id bản năng của mình cho đến khi một hoàn cảnh đặc biệt xảy ra.

Và trường hợp tương tự, hai người bạn chí thân có thể đã từng chiêu đãi nhau biết bao là buổi tiệc ê hề, nhưng khi rơi vào tình trạng không có lương thực như chiến tranh, tù đày, thất lạc, sẽ sẵn sàng dấu biến mọi cái gì đó “có thể ăn được” mà mình may mắn tìm thấy để ăn một mình, trong khi bạn mình đang đói lả sắp chết.

Thế đấy, không cần phải nói nhiều hơn nữa về sự giả dối, ác độc, trí trá, nham hiểm của lòng người, bạn chỉ cần sống hai mươi năm trong cuộc đời này là đủ để cảm nhận. Dĩ nhiên cũng còn có mặt kia thiện lương, trong sáng, tích cực của đời sống con người, nhưng mặt tốt này là mặt vốn dĩ công khai. Phần đen tối, cái mà ta đang bàn tới, lại luôn luôn được dấu kín, luôn luôn dấu kín cho đến lúc bị khám phá ra.

Ta cần phải biết để nhận diện cuộc sống. Phân tâm học như cái kính chiếu, nó soi rọi làm lộ diện tất cả những cái ác nằm giấu sau cái mặt nạ siêu thức của tất cả mọi người. Và đây là một câu chuyện thiền:

Sau một thời gian dài tung hoành hành hiệp, chàng dũng sĩ trở về ngôi chùa xưa nơi đã học hỏi cùng sư phụ của mình. Chùa vẫn nằm trên ngọn đồi cao. Cổng vào dưới chân đồi vẫn như xưa, làm bằng gỗ cây tùng có yểm bùa khiến yêu quái không thể nào qua. Hôm nay sao khóa kín, chàng mệt mỏi nằm dựa vào gốc cây.

Năm xưa khi hạ san, sư phụ đã cho chàng một thanh gươm quí và một cái kính chiếu yêu. Đi khắp chốn giang hồ, gặp biết bao yêu ma quỉ quái, đứa thì giả dạng hiền nhân, đứa thì biến hình tu sĩ, đứa thì cải trang nam thanh, đứa thì đội lốt nữ tú…Với cái kính chiếu yêu chàng đã thấy nguyên hình ác quỉ, và với thanh gươm báu, chàng đã chém chết không biết bao nhiêu là ác quỉ.

Hôm nay về đây cổng chùa sao khóa chặt. Thấy suối nước gần bên, chàng đến rửa mặt, nhìn bóng của mình soi trên mặt nước. Bất giác chàng tự hỏi, từ lúc có kính chiếu yêu sao ta chưa một lần rọi chiếu khuôn mặt của mình. Lấy kính ra, chàng soi vào bóng của mình dưới nước. Bỗng dũng sĩ hét lên…lịm người, thì ra mình… cũng là một loài ác quỉ!

Chúng ta là những người tốt, những người thiện lương, hiểu biết mọi lẽ phải trái, là những người luôn luôn tự hào về những đức hạnh của mình. Chúng ta có Id, cái ấy, bản năng không? Dĩ nhiên là phải có. Vậy khi tình huống đặc biệt xảy ra, chúng ta phản ứng thế nào?

Đừng sợ khi phải nhìn vào bản tâm mình, trước hết ta phải nhận ra rằng ta cũng là con người, cũng giống hệt đồng loại ở cái bản năng tồn sinh đó. Đừng tránh né, cứ nhìn thẳng vào nó. Có nhìn ra tính “ác” của mình mới mong khống chế được nó.

Thực ra chân lý không nằm hoàn toàn trong học thuyết về vô-thức. Freud, Jung cùng thuyết Phân tâm học đâu nắm giữ chân lý. Chúng ta chỉ sử dụng phân tâm học để mô tả phần nào tâm thức của con người. Tâm thức con người diễn biến rất phức tạp vì chịu tác động của nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Có người đột nhiên trở thành ác bất ngờ, giết người vì một lí lẽ giản đơn. Có người tự nhiên khởi tâm bồ tát bất ngờ, lao xuống dòng nước xiết cứu người để rồi phải chết.

Cái mặt nạ siêu thức dù sao cũng có thể gỡ ra dễ dàng hơn so với việc gỡ bỏ “cái ấy”. Rất khó để khống chế “cái ấy” tức bản năng trong vô thức của mình. Muốn khống chế vô thức, điều trước tiên là phải nhìn thấy phần vô thức của mình trong toàn bộ cấu trúc của nó.

Lý thuyết Phân tâm học có thể tóm tắt ngắn như sau:

Đa số mọi người nghĩ rằng ta suy nghĩ và hành động bằng ý thức của ta. Mình hiểu biết rõ những ý nghĩ và tình cảm của chính mình. Nhưng đến những năm đầu của thế kỷ 20, Sigmund Freud, sau những nghiên cứu lâm sàng, phát hiện ra rằng cái ta gọi là ý thức (conscious mind) chỉ là một lớp ở bên trên một thực thể khác gọi là vô thức (unconscious mind). Chính cái vô thức này mới ảnh hưởng phần lớn vào những quyết định của ta.

Hoc trò của Sigmund Freud là Carl Gustave Jung (1885-1961), đã có những phát hiện lớn hơn và quan trọng hơn về vấn đề vô thức. Jung nghiên cứu những bệnh nhân tâm thần. Khi phần ý thức đã nhiễu loạn hoặc hoàn toàn mất đi thì những bệnh nhân tâm thần dễ bộc lộ những nội dung của vô thức.

Những người bệnh tâm thần thường có thể cùng nói, viết những từ-ngữ (dead language) cổ xưa, hoặc có thể cùng vẽ những hình bùa của các tôn giáo bí truyền một cách giống nhau. Điều này cũng giống như sự giống nhau trong các giấc mơ giữa chúng ta; hoặc sự tương đồng trong thần thoại của các bộ lạc hoặc dân tộc khác nhau. Jung đi tới kết luận rằng tất cả chúng ta đều có chung một kiểu cấu tạo Archetype, chúng ta có chung một phần của vô thức, phần này gọi là: Vô thức tập hợp (collective unconsciousness).

Như vậy, Carl Jung là nhà khoa học đầu tiên, bằng khoa học thực nghiệm chứng minh trong đáy sâu não thức của con người có sự hiện diện một Vô thức “chung”. Hóa ra giữa chúng ta cũng có một phần chung, một dây liên lạc, chứ không phải là những hòn đảo cô độc giống như Jean Paul Sartre đã nói “Nhìn từ góc độ vô thức, chúng ta là một toàn thể.” (All is One).

Previous Post
Next Post