Bạn có căng thẳng về tiền bạc
không? Theo báo cáo, hiện nay trên thế giới, nhiều người đang có tâm trạng này.
Ðó là tâm trạng thế nào?
Gần đây ở Anh Quốc, một bác sĩ
chuyên nghiên cứu về sức khỏe tâm thần là ông Roger Henderson đã đặt ra cụm từ
“hội chứng ám ảnh về tiền bạc” để nói đến những triệu chứng tâm sinh lý của
người quá căng thẳng về tiền. Những triệu chứng ấy gồm: khó thở, nhức đầu, buồn
nôn, da nổi mẩn, biếng ăn, dễ cáu gắt, bồn chồn và bi quan. Bác sĩ Henderson nhận xét: “Lo
lắng thái quá về tiền bạc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm
trạng căng thẳng”.
Không ngạc nhiên gì trong những
tháng vừa qua số người có dấu hiệu bị căng thẳng về tiền ngày một gia tăng.
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã khiến nhiều người trên thế giới mất việc
làm, nhà cửa và khoản tiền tiết kiệm. Các cơ quan tài chính lớn đã sụp đổ, và
ngay cả những nước giàu nhất cũng phải thông qua những biện pháp khẩn cấp nhằm
ngăn chặn tình trạng suy sụp về kinh tế. Tại những nước đang phát triển, vật
giá leo thang cũng gây nhiều lo lắng.
Không chỉ trong thời kỳ khủng
hoảng mà ngay cả trong thời kỳ thịnh vượng, người ta cũng phiền muộn về tiền
bạc. Những năm mà nền kinh tế phát triển thì nỗi lo lắng về tiền bạc vẫn lan
rộng như một bệnh dịch. Chẳng hạn, một nhật báo ở Nam Phi là tờ The Witness cho
biết “việc tiêu dùng quá mức, chạy theo lợi nhuận và ham mê vật chất đã trở
thành căn bệnh tiềm ẩn của xã hội”, lan tràn khắp Phi châu. Tờ báo liệt kê một
số hệ quả của “căn bệnh” này, gồm “tình trạng căng thẳng, nợ nần, phung phí,
lao theo công việc, cảm thấy bị thua thiệt, ganh tị và trầm cảm”. Người ta đổ
lỗi tiền bạc gây ảnh hưởng tai hại trên đời sống của dân Phi châu.
Trước thời điểm khủng hoảng hiện
nay, nền kinh tế của Ấn Ðộ trải qua một giai đoạn tăng trưởng chưa từng thấy.
Theo báo cáo của India Today International, năm 2007 là năm mà “mức tiêu dùng
của người dân tăng vượt bậc”. Thế nhưng cùng lúc đó, chính quyền lo ngại rằng
sự tăng trưởng ấy sẽ dẫn đến tình trạng xã hội ngày càng bất ổn và hung bạo.
Trước khi nền kinh tế bị suy
thoái, một thế hệ trẻ ở Hoa Kỳ quen phung phí tiền bạc vào những mặt hàng xa
xỉ. Tuy nhiên, mức mua sắm cao như thế không mang lại hạnh phúc cho họ. Các nhà
nghiên cứu cho biết sự thịnh vượng là một trong những nguyên nhân chính yếu gây
ra nạn nghiện rượu, trầm cảm và tự tử. Theo một cuộc khảo sát, dù sống trong
cảnh giàu sang, “chưa đến một phần ba người Mỹ” cho rằng mình “rất hạnh phúc”.
Những người làm chủ được đồng
tiền
Bên cạnh đó, dù thời thế thuận
lợi hay khó khăn, dù giàu hay nghèo, cũng có những người không quá lo lắng về tiền
bạc và của cải. Tại sao có sự khác biệt này?
Trong báo cáo The Meaning of
Money (Ý nghĩa của đồng tiền), các nhà nghiên cứu nhận xét rằng đối với một số
người, “tiền là động cơ chính và chi phối cả đời sống. Ðây có thể là nguyên
nhân dẫn đến tâm trạng căng thẳng và rối loạn”. Ngược lại, các nhà nghiên cứu
cũng cho biết: “Những người quản lý ngân sách chặt chẽ thường cảm thấy mình có
khả năng kiểm soát đời sống và tự tin nơi bản thân. Họ làm chủ, chứ không phải
nô lệ của đồng tiền... Chúng tôi tin rằng những người biết quản lý ngân sách
như thế cũng giảm bớt được áp lực, và nhờ đó, bớt căng thẳng”.
Còn bạn thì sao? Bạn có quan điểm
nào về tiền bạc? Nền kinh tế thế giới bất ổn ảnh hưởng thế nào đến bạn? Bạn là
chủ hay nô lệ của đồng tiền? Có lẽ bạn không có những triệu chứng của “hội
chứng ám ảnh về tiền bạc”. Tuy thế, dù giàu hay nghèo, ai trong chúng ta cũng
chịu một số ảnh hưởng tai hại do lo lắng về tiền bạc. Vậy, hãy xem chúng ta có
thể cải thiện cách quản lý tiền bạc của mình như thế nào để tâm trí được bình
an và đời sống hạnh phúc hơn.
Chúng ta không làm chủ đồng tiền
nếu...
□ thường tránh bàn về chuyện tiền
bạc vì cảm thấy nó làm mình lo lắng
□ thường cãi vã với người trong
gia đình về chuyện tiền bạc
□ tiêu tiền tùy hứng
□ luôn bị ám ảnh về các khoản
phải chi tiêu
□ không nắm rõ các khoản thu nhập
của mình
□ không nắm rõ mức chi tiêu của
mình
□ không nắm rõ tình hình nợ nần
□ thường phải thanh toán các hóa
đơn cao hơn dự định
□ thường chi trả trễ hạn
□ chỉ có khả năng trả mức tối
thiểu của tiền nợ trong tài khoản thẻ tín dụng
□ phải trang trải chi phí thường
ngày bằng tiền dự trù cho việc khác
□ phải làm thêm việc chỉ để thanh
toán các khoản chi tiêu thông thường
□ mượn nợ để trả nợ
□ phải dùng khoản tiền tiết kiệm
để đóng tiền điện, nước...
□ chi tiêu hết tiền trước kỳ lãnh
lương
□ luôn cảm thấy bị thôi thúc phải
tích lũy nhiều tiền
□ có các triệu chứng tâm sinh lý
của người bị căng thẳng về tiền bạc
Nguồn tài liệu: Money
Sickness Syndrome (Hội chứng ám ảnh về tiền bạc), của bác sĩ Roger
Henderson