Bản chất con người

1. Con người về mặt bản chất là tham lam. Khi có được một thứ gì đó, họ luôn muốn có được nhiều hơn, tốt hơn, đẹp hơn so với thứ mà họ đang sở hữu.

Bất kể đó là một đồ vật tầm thường nhất hay to tát như tiền bạc, địa vị và danh vọng. Ngay cả với tình yêu, con người vẫn không ngừng được ý đồ sở hữu và được sở hữu nhiều hơn. Đi kèm với sở hữu bao giờ cũng là đòi hỏi, bao giờ cũng là sự dày vò. Cả bản thân, và cả đối phương. Để rồi ai cũng bơ ngơ nhận ra là mình bất hạnh bởi sự tham lam của chính bản thân mình.

Sự thực là, ham muốn chỉ dừng lại khi con người cảm thấy đã rất no nê và thoả mãn. Nhưng con người chỉ đơn giản là thấy chán đi chứ không bao giờ có thể thoả mãn. Họ chỉ đơn giản là chuyển sự thèm khát từ đối tượng này sang đối tượng khác. Ý muốn được sở hữu lại hiện sinh. Quả thực, đó là một cái vòng luẩn quẩn.

2. Con người có bản tính là hay ghen tị.

Khi người khác có được thứ mà mình không có, hay khi người khác có được thứ gì ở tình trạng tốt hơn so với sở hữu hiện thời của mình, thì con người bỗng nhiên cảm thấy bứt rứt, và cảm thấy khó chịu trong lòng.

Rất tự nhiên khi xuất hiện cảm xúc ghen ghét. Như thể nhường đó còn chưa đủ, họ trở nên đố kị và hằn học. Họ dèm pha và hạ nhục thứ không bao giờ thuộc về họ và đáng ra không nên thuộc về chủ sở hữu của nó. Đương nhiên, chủ sở hữu sẽ không thể nằm ngoài vùng phủ sóng của tâm trạng cáu gắt và tức giận đó.

Chẳng biết đã từng có ai nói với họ chưa? Là khi ấy, trông họ thật tầm thường. Khi ghen tị và tức giận, khuôn mặt họ trở nên méo mó; cảm xúc của họ trở nên vẹo vọ; tâm hồn họ trở nên cong queo, lạ lẫm.

3. Nếu phân loại hoạt động tinh thần của con người thành ba cấp độ theo như lời Freud nói, đó là Tự ngã (Id. Soi), Bản ngã (ego moi) và Siêu ngã (superego Surmoi) thì cái Id là cái quan trọng nhất. Bởi phạm vi của Id là nhân cách tối tăm và không thể đi đến được của chúng ta. Id là nơi trú ngụ các bản năng nguyên thuỷ và các xúc cảm đi ngược lên tới cái quá khứ xa xưa khi mà con người vẫn còn là một con thú. Id có tính chất thú vật và bản chất của nó thuộc về dục tính (sexual in nature), nó vốn vô thức. Cái Id bao gồm tất cả những gì do di truyền, có ngay từ lúc sinh ra được kết tụ lại trong sự cấu thành. Id mù quáng và độc ác. Mục đích độc nhất của nó là thoả mãn các ham muốn bản năng và các khoái cảm, không cần biết đến các hậu quả.

Đứa bé sơ sinh là cái Id được nhân cách hoá. Dần đần cái Id phát triển lên thành cái Ego, bị chi phối bởi nguyên lý “thích ứng với thực tại”. Ego biết được thế giới xung quanh, nhận ra rằng phải kìm hãm khuynh hướng phạm pháp của cái Id để ngăn ngừa mọi xung đột với luật lệ của xã hội. Vì vậy, Ego thực sự hành động như một nhân viên kiểm duyệt, biết rằng việc tránh khỏi bị xã hội trừng phạt và cả để tự bảo toàn hay là ngay cả đến sự bảo tồn, đều phải tuỳ thuộc vào những “dồn nén”. Tuy nhiên cuộc đấu tranh giữa cái Ego và Id có thể gây ra những bệnh tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân cách cá nhân.

Sau hết là Superego. Superego này được có thể được định nghĩa một cách đại khái là “lương tâm”. Lý tưởng đạo đức và quy tắc ứng xử đều nằm trong superego.

Như vậy, bản ngã là cái tôi có thực, mang tính logic nhất nhưng chưa chắc đã là đích thực và còn lâu thì mới được xem là tốt đẹp. Bản ngã, trong thực tế, chỉ đơn giản là một kẻ trung lập đứng giữa, kiến tạo và đưa ra những ý kiến, hành vi không làm mếch lòng ai. Hay nếu nhìn theo một góc độ nào đó, bản ngã là một kẻ phỉnh nịnh và vô vị, không cá tính.

Xét về tính sự thật, con người chính là nô lệ của tự ngã, tự ru ngủ và lừa phỉnh mình trong tình trạng của bản ngã. Và ngỡ rằng siêu ngã là cái mà mình sở hữu nhiều nhất.

Con người tưởng rằng mình luôn siêu ngã nhưng thực chất đấy là sự hoang tưởng. Nên nếu xét về mặt cốt lõi, tính đạo đức giả tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn.

Pascal nói về con người

1
Tôi có thể hình dung một người không có tay, chân, đầu (vì chỉ có kinh nghiệm cho ta biết rằng đầu cần thiết hơn chân). Nhưng tôi không thể hình dung được con người không có tư duy; y chỉ là một hòn đá hay một con thú.

2
Cái máy tính số học tạo ra những hiệu quả gần với tư duy hơn tất cả những hành động của thú vật. Nhưng nó không làm được gì để chúng ta có thể nói rằng nó có ý chí như thú vật.

3
Câu chuyện cá và ếch ở Liancourt. Chúng luôn luôn làm thế, và không làm ngược lại, không làm bất cứ thứ gì biểu hiện trí tuệ.

[...]

4
Cái mỏ con vẹt, nó cứ lau chùi, dù mỏ vẫn sạch.

5
Bản năng và lý trí, dấu hiệu của hai bản chất.

6
Lý trí chế ngự chúng ta độc đoán hơn nhiều một ông chủ; vì khi bất tuân kẻ này chúng ta bất hạnh, còn khi bất tuân kẻ kia chúng ta ngu xuẩn.

7
Tư duy tạo thành sự lớn lao của con người.

8
Con người chỉ là một cây sậy, thứ yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng y là một cây sậy biết suy nghĩ. Toàn thể vũ trụ không cần vũ khí cũng nghiền nát được y. Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ giết được y. Nhưng, nếu vũ trụ có nghiền nát y, con người vẫn cao thượng hơn kẻ giết chết y, bởi vì y biết rằng y chết và biết cái lợi thế mà vũ trụ có hơn y; vũ trụ thì không biết gì về điều này cả.

Tất cả phẩm cách của chúng ta như thế cốt ở tư duy. Bằng tư duy chúng ta phải nâng mình lên, không phải bằng không gian và thời gian mà chúng ta không thể lấp đầy. Hãy nỗ lực suy nghĩ; đây là nguyên lý đạo đức.

9
Một cây sậy biết suy nghĩ. – Không phải từ không gian tôi tìm thấy phẩm cách của tôi, mà từ sự điều khiển suy nghĩ của tôi. Tôi không được gì hơn nếu tôi có cả thế giới. Bằng không gian, vũ trụ vây phủ và nuốt chửng tôi như một nguyên tử; bằng tư duy, tôi thấu hiểu thế giới.

10
Tính phi vật chất của linh hồn. – Các triết gia đã làm chủ được cảm xúc. Vật chất nào có thể làm được thế?

[...]

11
Những nỗ lực tinh thần mà linh hồn đôi khibỏ ra là những thứ nó không thể nắm giữ. Nó chỉ nhảy vào chúng, không phải như lên ngai vàng – mãi mãi, mà chỉ đơn thuần trong một khoảnh khắc.

12
Sức mạnh của đức hạnh của một người không nên đo bằng những cố gắng của y, mà bằng đời sống bình thường của y.

13
Tôi không kính phục sự thừa mứa của một phẩm chất như tính dũng cảm, trừ phi tôi thấy đồng thời có sự thừa mứa của phẩm chất đối lập, như ở Epaminondas, người dũng cảm nhất và tốt bụng nhất. Vì nếu không thì phẩm chất đó sẽ không thăng tiến mà sẽ lụi tàn. Chúng ta không cho thấy sự lớn lao bằng cách đi đến một thái cực, mà bằng cách chạm đến cả hai cùng một lúc và trám vào khoảng giữa. Nhưng có lẽ đây chỉ là một cử động đột ngột của linh hồn từ thái cực này sang thái cực kia, và thực sự nó hiếm khi chỉ dừng ở một điểm, như trường hợp một khúc củi đang cháy dở. Cứ cho là như vậy thì ít ra điều này cũng cho thấy sự linh động, nếu không phải là sự rộng lớn của linh hồn.

14
Bản chất của con người không phải luôn luôn tiến lên; nó có lúc tiến lúc lùi.

Sốt có cơn lạnh và cơn nóng; và cơn lạnh,cũng như cơn nóng, đều cho thấy độ mạnh mẽ của ngọn lửa sốt.

Những khám phá của nhân loại từ thời này sang thời khác đều hóa ra giống nhau. Thiện tâm và ác tâm trên thế giới nói chung là như nhau. Plerumque gratae principibus vices[1].

15
Hùng biện liên tục gây mệt mỏi.

Các vương gia và hoàng đế đôi khi đóng kịch. Họ không phải lúc nào cũng ngồi trên ngai vàng. Họ mệt mỏi trên đó. Sự oai vệ phải bị bỏ quên thì mới thấy giá trị. Cái gì cứ liên tục cũng đáng ghét. Chịu lạnh cũng được, nếu để rồi chúng ta sẽ thấy được ấm.

Tự nhiên diễn ra theo tiến trình, itus et reditus[1]. Nó tiến rồi lùi, rồi tiến xa thêm, rồi lùi lại gấp đôi, rồi tiến lên xa hơn bao giờ hết, v.v.

Thủy triều cũng vận hành y như thế; và có vẻ là mặt trời trên quỹ đạo của nó cũng vậy.

16
Nuôi dưỡng cơ thể phải từng chút từng chút một. Đầy đủ trong nuôi dưỡng và liều lượng nhỏ thức ăn.

17
Khi chúng ta theo đuổi đức hạnh đến mức cực đoan ở bất kỳ phía nào, những thói xấu hiện ra, mà chúng luồn lách một cách vô cảm ở đó, trong hành trình vô cảm của chúng đi đến những vô cùng nhỏ; và những thói xấu hiện ra trong một đám đông về phía vô cùng lớn, để chúng ta đánh mất chính mình trong chúng, và không còn thấy đức hạnh nữa. Chúng ta nhìn thấy khuyết điểm trong chính sự hoàn hảo.

18
Con người không phải là thiên thần lẫn thú vật, và điều bất hạnh là kẻ nào muốn hành động như thiên thần lại hành động như thú vật.

19
Chúng ta không duy trì đức hạnh bằng sức mạnh của chúng ta, mà bằng giữ thăng bằng giữa hai thói xấu đối lập, giống như chúng ta vẫn đứng thẳng giữa hai cơn bão đối nghịch. Bỏ đi một thói xấu, và chúng ta rơi vào thói xấu kia.

[...]

20
Tư duy. – Tất cả phẩm cách của con người cốt ở tư duy. Vì thế nên tư duy về bản chất là một thứ kỳ diệu và vô song. Nó ắt phải có những khuyết điểm lạ lùng mới đáng bị khinh bỉ. Nhưng lại có chuyện như thế, vì vậy không có gì kỳ cục hơn. Trong bản chất nó lớn lao biết bao! Trong những khuyết điểm nó đê tiện biết bao!

Nhưng tư duy này là gì vậy? Nó ngu ngốc làm sao!

21
Trí óc của vị quan tòa tối cao trên thế giới này không độc lập đến mức nó không thể bị quấy rầy bởi tiếng ồn đầu tiên. Không cần thiết phải là tiếng súng đại bác để làm cản trở suy nghĩ của nó; nó chỉ cần tiếng cọt kẹt của cái chong chóng hay một cái ròng rọc. Đừng ngạc nhiên nếu hiện tại nó không thể suy luận được tốt; một con ruồi đang vo ve bên tai nó; cái đó đủ làm cho nó không thể phán xét đúng đắn. Nếu anh muốn nó có thể đi đến được chân lý, hãy đuổi cổ con vật kiềm hãm suy luận và quấy rầy trí tuệ hùng mạnh cai quản các thành thị và các vương quốc. Thượng đế thật hài hước! O ridicolosissimo eroe! [1]

22
Sức mạnh của ruồi: chúng thắng trong những trận đánh, cản trở linh hồn chúng ta hành động, ăn nuốt thân thể chúng ta.

[...]

23
Trí nhớ cần thiết cho tất cả những hoạt động của lý trí.

24
[Sự ngẫu nhiên gây ra những ý nghĩ, và sự ngẫu nhiên xóa bỏ chúng; không có kỹ xảo nào có thể giữ lại hoặc gặt hái được chúng.

Một suy nghĩ đã trốn thoát khỏi tôi. Tôi đã muốn viết nó xuống. Thay vì thế tôi viết rằng nó đã trốn thoát khỏi tôi.]

25
[Khi tôi còn nhỏ, tôi đã ôm cuốn sách của tôi; và bởi vì đôi khi tôi tình cờ ... tin rằng tôi đã ôm nó, tôi đã nghi ngờ...]
Nguồn: idr.edu.vn

Nhà văn Lev Tolstoy (Trích trong Tự thú):

- Người ta sống như mọi người sống, nhưng tất cả họ đều sống theo những nguyên tắc mà không những không dính líu gì tới những lời dạy của đức tin, mà phần lớn là ngược lại với những lời dạy đó (1, 18).

- Tôi thấy rõ rằng, trừ ra cái bản năng thú vật, thì cái niềm tin mà đã tác động đến đời tôi, cái niềm tin đích thực duy nhất mà tôi đã có, là niềm tin vào sự hoàn hảo, (1, 23).

- Những phán đoán của tôi phải được đặt nền tảng trên cái gì là đúng và tất yếu, chứ không phải trên cái mà người ta nói và làm; tôi không nên phán đoán theo sự tiến bộ mà phải phán đoán theo trái tim của riêng tôi (3, 38),

- Chính tôi không biết là tôi muốn cái gì. Tôi sợ cuộc sống, tôi vùng vẫy để loại bỏ nó, và tuy vậy, tôi vẫn hy vọng về một cái gì đó từ nó (4, 50).

- Chừng nào tôi không đang sống cuộc đời của chính mình, mà chỉ sống cuộc đời của một người khác, thì cuộc đời ấy như một ngọn sóng đang mang tôi đi trên cái chóp đỉnh của nó (4,57).

- Bạn là một phần của cái toàn thể. Nếu bạn biết càng nhiều càng tốt về cái toàn thể và nếu bạn biết cái quy luật phát triển của nó, bạn sẽ đi tới chỗ biết vị trí của bạn trong cái toàn thể và biết chính bạn (5, 64).
....

- Ngay cả tôi, kẻ đã cho rằng, chân lý nằm trong sự kết hợp của tình yêu, cũng bị bó buộc phải công nhận rằng những lời dạy của giáo lý lại hủy diệt chính cái mà nó bắt tay vào để tạo dựng nên (15, 177).

- Tôi không nghi ngờ là có một chân lý... nhưng cũng không có nghi ngờ nào rằng nó nuôi giữ một sự dối trá; và tôi phải tìm ra cái chân lý và sự dối trá để mà tôi có thể phân biệt chúng (16, 188)
Previous Post
Next Post