Trong một lần trò chuyện về giáo dục Việt Nam, giáo sư Ngô Bảo Châu nói: “Tôi nhận thấy ước mơ của các em học sinh cũng ít thôi, nhưng bố mẹ lại ước mơ về các em rất nhiều”.
Đó là một điều có thật. Không ít bậc phụ huynh đã gửi gắm quá nhiều ước mơ, khát vọng về con cái của mình.
Ước mơ, khát vọng đó trở nên nặng trĩu trên đôi vai trẻ thơ, ai đó còn ví nó giống như một cây thập tự mà các em phải vác suốt cả một thời đi học. Để cụ thể hoá những khát khao cháy bỏng ấy, chưa bao giờ câu: “Học, học nữa, học mãi” lại được thực hiện một cách thái quá như bây giờ.
Thời khoá biểu của một học sinh lớp 1 dày đặc những môn học như thế này: toán, ngoại ngữ, vẽ, nhạc, bơi, múa, đàn, diễn thuyết, cờ vua v.v. Xem ra để “chạy sô” hết lịch học dày đặc này, không đủ thời gian để ngủ, nói gì tới vui chơi.
Nhưng so với khát vọng của bố mẹ muốn em trở thành thiên tài, trở thành nhà bác học, trở thành niềm kiêu hãnh của dòng họ thì lịch học kia xem ra vẫn còn chưa đủ. Cho dù với lịch học ấy, có thể chưa kịp trở thành thần đồng đã bị thần kinh.
Một bậc danh sư đã nói “Giáo dục là thắp lên một ngọn lửa, không phải đổ đầy một bát nước”. Nhưng ở đây, nhiều người lớn đã nỗ lực đổ đầy “bát nước” của con mình mà không hề biết rằng ngọn lửa trong những tâm hồn thơ dại ấy chưa kịp nhen lên đã lụi tắt. “Pedagogue” tiếng Latinh có nghĩa nhà giáo dục, nguyên nghĩa của từ này là “người hướng dẫn tuổi thơ”, người khơi dậy ngọn lửa đam mê tìm hiểu khám phá chứ không phải áp đặt điều người lớn biết.
Giáo dục theo cách “đổ đầy một bát nước” dẫn đến những hệ lụy mà nhà bác học Einstein đã phê phán và cảnh báo: “Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hóa”.
Không những thế, tư duy giáo dục rập khuôn, áp đặt sẽ có nguy cơ dẫn đến những thế hệ công dân được lập trình sẵn cả suy nghĩ và sợ hãi khi mình khác với bạn bè.
Steve Jobs, ông chủ hãng Apple vừa qua đời trong cuộc nói chuyện với giới trẻ đã chia sẻ: “Thời gian của bạn không nhiều, vậy nên đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng sống theo nguyên tắc định ra, vì đó là phải sống cái kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để những vo ve từ người khác lấn át tiếng nói trong thâm tâm bạn. Và quan trọng nhất, đi theo trái tim và trực giác của bạn”.
Steve Jobs trong lời nhắn gửi hiếm hoi của mình với giới trẻ, đã nói: “Hãy luôn khát khao, hãy luôn dại khờ”. Ngọn lửa khát khao ấy liệu có còn trong lòng các em khi mà “nước” cứ liên tục được đổ đầy vào bát. Dại khờ - thuộc tính của trẻ thơ, cũng bị tước đoạt đi bởi áp đặt những khôn ngoan, toan tính của người lớn.
Những niềm tin cổ tích như thế này cũng theo đó mà hao khuyết đi: “Ta lớn lên với niềm tin rất thật; Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời” Dẫu trải khi cay đắng dập vùi: Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu” (Thơ Nguyễn Khoa Điềm).
Những khung trời mơ mộng, những khoảng không gian cho tuổi thần tiên với “hoa vàng trên cỏ xanh” ngày càng lùi xa, nhường chỗ cho không gian phòng học chật hẹp và các thời khoá biểu dày đặc. Thật đáng suy nghĩ khi trẻ em đang bị đánh cắp tuổi thơ, trở thành nạn nhân của tình thương và khát vọng của chính bố mẹ mình. Thế nên, lúc đang tuổi búp trên cành vẫn ước: “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” (Tên một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh).