Chữa bệnh sĩ diện hão thế nào?

Họa “sĩ diện hão”

Tính sĩ diện hão của người Việt đang ngày một phát triển và gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho sự phát triển của đất nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và mọi mặt của đời sống xã hội.

Từ trước tới nay, người ta nói nhiều về tính sĩ diện hão của người Việt.

Sĩ diện hão là gì? Đó là sự giả tạo, khoe mẽ, hợm hĩnh, bảo thủ, giấu dốt, phù phiếm, lãng phí… Và luôn luôn coi cái “tôi” là nhất. Không ít vụ án đau lòng xảy ra bởi tính sĩ diện hão. Chỉ vì một ánh mắt, một nụ cười mà bị coi là “đểu”, mà người ta sẵn sàng dùng hung khí để giải quyết. Rồi biết bao người được gọi là “đại gia”, trong khi nợ nần chồng chất, quỵt lương, bảo hiểm của công nhân, nhưng vẫn bỏ ra tiền tấn để mua xe siêu sang, xây nhà to vật vã…

Những biểu hiện của thói sĩ diện hão trong xã hội là thiên hình vạn trạng và ở bất cứ nơi nào trên đất nước này, ta cũng gặp những cái gọi là “sĩ diện hão”. Thẳng thắn mà nói, người Việt Nam vốn có tính sĩ diện hão mà điều này có từ cổ chí kim chứ chẳng phải mới từ bây giờ. Tính sĩ diện hão này còn được đưa vào cả thành ngữ như “con gà tức nhau tiếng gáy”. Người này thấy người kia sắm được xe sang, xây được nhà to thì cũng sống chết vay mượn, mua sắm để tỏ ra rằng ta không thua kém gì nó.

Rồi tính sĩ diện hão còn thể hiện trong câu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” - nghĩa là cố che đậy những khiếm khuyết của mình để lấy oai với thiên hạ. Ngày trước, thời bao cấp, có câu chuyện giai thoại rằng, khi sang nhà khác chơi, nếu đúng giờ ăn cơm thì phải thủ sẵn trong túi que tăm. Đến nhà bạn bè, chiến hữu, gặp đúng lúc bữa cơm thì khéo léo mà từ chối, rằng “tớ vừa ăn xong” và điềm nhiên lấy tăm ra xỉa răng.

Và để giữ sĩ diện, thì nhiều khi lại không tự biết mình, biết người, để rồi lao vào những việc làm không có tính khả thi, làm những việc để thỏa mãn thói hiếu thắng, sĩ diện và hậu quả thì người khác gánh chịu.

Tính sĩ diện hão đâu chỉ có trong đời sống xã hội và bằng những chuyện “ lặt vặt”, mà còn trong cả nhiều chính sách, liên quan đến quốc kế dân sinh.

Vừa qua, nhiều nhà kinh tế của Việt Nam hoan hỉ trước việc Việt Nam xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo và trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Trong khi đó, người Thái Lan thì lại vui mừng khi họ “được” tụt xuống hàng thứ hai. Đây không phải là sự thụt lùi của Thái Lan mà đây là do chính sách của Thái Lan nhằm tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Và thực sự người nông dân rất phấn khởi vì gạo họ xuất khẩu ít đi, nhưng lợi nhuận lại tăng lên. Còn chúng ta thì tự hào rằng mình là số 1 thế giới, nhưng về mặt lợi nhuận thu được từ xuất khẩu gạo lại thua xa Thái Lan. Rồi chúng ta tự hào rằng, chúng ta có cà phê đứng hàng thứ hai thế giới, hạt tiêu đứng hạng nhất thế giới. Nhưng thử hỏi giá trị cà phê, hạt tiêu của chúng ta so với những nước khác thì như thế nào? Số lượng thì lớn, nhưng chất lượng và giá trị thì lại thấp… Vậy mà chúng ta vẫn cứ tự hào là “nhất”. Lẽ ra, những người có trách nhiệm phải lấy đó làm đau khổ, làm nỗi lo. Nhưng không, họ luôn lấy đó để bằng lòng.

Và cũng chính tính sĩ diện hão đã đẻ ra chủ nghĩa thành tích…

Bấy lâu nay người ta cứ lên án chủ nghĩa thành tích trong ngành giáo dục, nhưng thực ra nếu như soi cho kỹ thì ngành nào, nghề nào cũng có chủ nghĩa thành tích.

Gần ba mươi năm trước, có một câu chuyện cười ra nước mắt. Ấy là vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu (cũ) quyết định “phô trương” sức mạnh kinh tế của mình bằng cách đưa những con lợn to vật ở nhiều nơi về dồn vào một khu chuồng lợn tập thể, với mục đích để cho các quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tham quan. Tất nhiên, nhiều ông “quan… liêu” rất vui mừng vì thấy ở một tỉnh miền núi nghèo xơ xác, mà thời đó Lai Châu được coi là tỉnh đầu tiên và nhanh nhất toàn quốc “hoàn thành kế hoạch phá rừng”, nay đã có những chuồng lợn con nào con nấy nặng cả tạ. Nhưng cánh phóng viên báo chí thì phát hiện ra trò láu cá này ngay, bởi lũ lợn từ tứ xứ dồn về xông vào cắn nhau chí tử, con nào con nấy thương tích đầy mình.

Rồi không chỉ đẻ ra chủ nghĩa thành tích, mà tính sĩ diện hão còn đẻ ra thói làm ăn gian dối, “làm thì láo, báo cáo thì hay”.

Các nhà kinh tế của chúng ta tự hào vì chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thử hỏi đã mấy ai nghĩ rằng, vậy ở Việt Nam này còn bao nhiêu gia đình đang “chạy ăn từng bữa, thậm chí đứt bữa”.

Lại có một chuyện nực cười nữa là cách đây có lẽ đến gần chục năm, Việt Nam hồ hởi tuyên bố với thế giới rằng, đã xóa sạch nạn mù chữ, nhưng nếu bây giờ cho rà soát lại thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người vẫn đang mù chữ, trong đó có cả trẻ em đang tuổi đến trường.

Rồi cũng chính tính sĩ diện hão mà khiến nhiều người, đặc biệt là ngành giáo dục muốn cứ phải “bằng vai phải lứa” với thế giới. Ấy là họ bắt học sinh phải học ngoại ngữ. Trẻ con thành thị học ngoại ngữ thì còn được, đây là trẻ em ở miền núi, dân tộc ít người, nói tiếng Kinh chưa sõi cũng bắt học tiếng Anh. Rồi cán bộ, công chức miền núi khi thi tuyển cũng phải có bằng tiếng Anh, trong khi cái người ta cần là tiếng dân tộc ở nơi họ sẽ công tác thì lại chẳng được chú ý đến. Chẳng thế mà ở một số tỉnh, người ta bảo không biết tiếng Anh thì chẳng chết, nhưng không biết tiếng dân tộc thì có khi chết đói ngay vì không xin được củ khoai, củ sắn để ăn khi đi công tác. Năm 2000, khi vụ bạo loạn ở Tây Nguyên nổ ra, qua công tác nghiệp vụ, cơ quan công an thu được không ít băng ghi âm của một số đối tượng cầm đầu. Nhưng tìm ngược, tìm xuôi không được người dịch được tiếng dân tộc. Trong khi đó, cán bộ công an thì phải nô nức đi học tiếng Anh…

Có thể nói, tính sĩ diện hão của người Việt đang ngày một phát triển và gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho sự phát triển của đất nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và mọi mặt của đời sống xã hội. Thế giới đang trở thành một thế giới phẳng, nhưng hình như những người có trách nhiệm xây dựng các chính sách, chủ trương, xây dựng phát triển đất nước cũng mắc tính sĩ diện, ấy là cái gì cũng muốn phải để được tự hào với thế giới. Đúng là phải phấn đấu, phải bằng những biện pháp quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà và phải phấn đấu thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển, nhưng quan trọng nhất là phải biết nhìn vào thực chất và chính nội lực của mình.

Tại sao không biết xấu hổ khi gạo chúng ta xuất khẩu nhiều nhất nhưng giá trị lại thấp?

Tại sao không biết xấu hổ khi nước ta có hơn 80 triệu dân và hàng năm đầu tư cho thể dục thể thao không biết bao nhiêu tiền nhưng kỳ Olympic vừa rồi, Việt Nam không đứng vào hàng thứ bậc nào cả?

Tất nhiên, nếu bây giờ mổ xẻ những nguyên nhân ấy, các quan chức chịu trách nhiệm sẽ có vô vàn lý do để bào chữa cho sự yếu kém của mình, mà thực chất tất cả đều xuất phát từ tính sĩ diện hão. Rất hiếm quan chức Việt Nam dám thẳng thắn tuyên bố: “Sai lầm này, thất bại này là do tôi”, mà trước những thất bại, họ đều loanh quanh tìm cách đổ lỗi cho cơ chế lãnh đạo tập thể. Họ không dám nhận lỗi, cũng là vì sĩ diện hão.

Trong làm ăn kinh tế, phải lấy kết quả tài chính làm thước đo; trong thể thao, phải lấy thành tích làm đầu. Và muốn thế, đặc biệt là những người có trách nhiệm vạch ra chủ trương, chính sách, xây dựng kế hoạch… của từng địa phương, từng ngành phải biết dẹp đi tính sĩ diện hão của mình.
Như Thổ

Chữa bệnh sĩ diện hão thế nào?

Xem ra, căn bệnh sĩ diện hão đã ngấm vào trong máu thịt của người Việt rồi. Và cứ xem thực trạng xã hội hiện nay thì rõ ràng căn bệnh sĩ diện hão ngày càng nảy nở và trầm trọng hơn.

Trong bài “Họa sĩ diện hão”, chúng tôi đã đề cập đến một vấn đề - đó là căn bệnh sĩ diện hão đang có ở khắp nơi, khắp chốn, trong đủ mọi tầng lớp xã hội và đủ loại người. Hậu quả của căn bệnh này đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế.

Có thể nói tất cả những khiếm khuyết của nền kinh tế đang bộc lộ hiện nay từ ngân hàng đến bất động sản, từ công nghiệp đến nông nghiệp; rồi trong các ngành y tế, giáo dục, nơi nào cũng thấy những hậu quả của căn bệnh sĩ diện hão.

Có thể nói chính từ căn bệnh sĩ diện hão này đã nảy sinh ra một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đó là bệnh duy ý chí.

Chúng ta đã có những bài học đau đớn về sự duy ý chí trong xây dựng và phát triển kinh tế.

Còn nhớ sau giải phóng miền Nam năm 1975, lúc đó Việt Nam đứng trên đỉnh cao của vinh quang và đang là tâm điểm của loài người yêu chuộng hòa bình.
Lúc ấy chúng ta tưởng rằng làm cái gì cũng được.

Khi bàn đến việc gì có vẻ khó khăn, người ta thường nói đến câu: “Đánh Mỹ còn được, huống hồ…?”. Rồi chúng ta tưởng rằng đánh Mỹ được, đằng sau lưng lại có khối xã hội chủ nghĩa hùng cường thì việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến lên chủ nghĩa cộng sản là việc… “trong tầm tay”. Từ đó, sinh ra tâm lý chủ quan, muốn đốt cháy giai đoạn… Và thế là ào ạt phong trào đi lên “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” bằng cách nhập các hợp tác xã cấp thôn lại thành cấp xã, rồi nhập huyện, nhập tỉnh…

Người ta không cần biết rằng, mỗi tỉnh, huyện, vùng dân cư… có đặc tính riêng, có bản sắc văn hóa riêng, có phong tục tập quán, lối sống riêng và nhất là tính cục bộ bản vị của người Việt thật khủng khiếp. Cho nên, như đàn ngựa hoang, khi “nhốt” ráo cả vào “một chuồng”, mọi việc cứ lộn tùng phèo lên. Chẳng những kinh tế không phát triển, mà tình người cũng bị xói mòn. Việc ấy để lại hậu quả mà mãi đến thập niên 90 của thế kỷ trước mới giải quyết xong.

Căn bệnh sĩ diện hão thật ra trên thế giới, dân tộc nào cũng có, nhưng ở Việt Nam xem ra lại nặng nề hơn cả. Sở dĩ chúng ta “sĩ diện” hơn thiên hạ bởi xuất phát từ đặc tính sống duy tình của người Việt và từ một nền kinh tế tiểu nông. Làm nông nghiệp cuộc sống vốn bần hàn, khổ cực, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vì vậy nảy sinh tâm lý muốn tỏ ra “hơn người”, cốt là để che giấu cái thiếu thốn của mình.

Cũng do phải đối mặt và chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai mà người ta phải “chung lưng đấu cật” để cùng tồn tại và có tính cộng đồng rất cao; dễ gắn kết khi quyền lợi bị xâm phạm; nhưng lại dễ chia rẽ, vô cảm khi cuộc sống bình lặng. Cũng từ tính cộng đồng cao mà người Việt rất coi trọng danh dự: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”; “tốt danh hơn lành áo”… Nhưng cũng chính vì “quá” trọng danh dự nên lại sinh bệnh sĩ diện, coi mình là “nhất” và “một miếng giữa làng, hơn một sàng xó bếp” rồi “đem chuông đi đấm xứ người. Không kêu cũng đấm một hồi cho kêu”…

Rồi cũng từ cái suy nghĩ “tiểu nông” này mà sinh ra tính đố kỵ: thấy người khác giàu thì khó chịu, ghen ghét; thấy người ta nghèo thì coi khinh.

Ai đi ra nước ngoài (nhất là ở châu Âu) đều thấy người ta không có tính sĩ diện hão, thể hiện rõ nhất đó là trong ăn uống. Họ gọi đồ ăn vừa đủ, không có lối “mâm cao, cỗ đầy”, ăn nhậu thừa mứa như ta. Khi ăn xong, nếu còn thừa, họ sẵn sàng gói lại, mang về… Trong khi đó, chúng ta nghèo, muốn ăn no đã khó, chứ chưa dám nói ăn ngon, vậy mà sự lãng phí thấy nơi nào cũng có. Chỉ thị của Chính phủ về cấm dùng rượu ngoại khi tiếp khách, liên hoan… nhưng có mấy nơi chấp hành đâu.

Tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” đã khiến cho nhiều người cố chạy theo thành tích để thỏa mãn cái sĩ diện hão của mình.

Xem ra, căn bệnh sĩ diện hão đã ngấm vào trong máu thịt của người Việt rồi. Và cứ xem thực trạng xã hội hiện nay thì rõ ràng căn bệnh sĩ diện hão ngày càng nảy nở và trầm trọng hơn.

Vậy muốn chữa trị căn bệnh này phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu?

Chắc chắn trước tiên phải là những người lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao. Nếu như người lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật tại đơn vị, cơ quan, địa phương… do mình quản lý và dám nói ra sự thật đó, dù có phũ phàng đến mấy, thì sẽ ngăn chặn được tính sĩ diện hão của cấp dưới, từ đó chặn được thói báo cáo gian dối, chạy theo chủ nghĩa thành tích. Nhưng để làm được điều này, lại cũng đòi hỏi người lãnh đạo không sợ mất ghế… mà đây quả là việc khó.

Người lãnh đạo mà sĩ diện 1 thì cấp dưới sĩ diện 2; người lãnh đạo báo cáo gian dối 1 thì cấp dưới báo cáo gian dối 10.

Rồi một điều cần phải làm cho bớt tính sĩ diện hão, bớt ảo tưởng mọi người, ấy là đừng có tô vẽ ra những điều quá lạc quan trước những kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Cần phải nhìn thấy tất cả những khó khăn sẽ nảy sinh dù đó là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.

Suốt một thời gian dài, trẻ em Việt Nam, mới đi học đã được dạy dỗ rằng, nước ta tiền rừng bạc biển, dân ta dũng cảm và cần kiệm… Nhưng hầu như không dạy cho trẻ em biết rằng, đất nước chúng ta vốn xuất phát điểm ở mức thấp thế nào? Dân trí ra sao? Và những tính xấu cố hữu của người Việt.

Tại sao không dạy cho trẻ em biết nước ta thiên tai lắm, hết lũ lụt lại hạn hán… Cho nên cha ông ta đã dạy phải biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”.

Rồi tại sao không dạy cho con trẻ biết rằng, nước ta chẳng phải “tiền rừng bạc biển” gì đâu, tài nguyên khoáng sản thứ gì cũng có, nhưng chỉ là có… một tý, khai thác lại khó khăn và đòi hỏi phải có kiến thức, có công nghệ, mà những điều kiện đó phải trông chờ vào học vấn và ý chí của các em.

Tại sao không dạy cho các em phải biết tiết kiệm từng hạt lúa, củ khoai, từng miếng cơm, ngụm nước và nếu không biết sử dụng tiết kiệm thì sẽ tới lúc nước chẳng có mà uống đâu?

Tại sao không dạy cho trẻ em biết dân ta kỷ luật lao động rất kém, dân trí thì thấp… Cho nên các em muốn thoát đói khổ, muốn có công ăn việc làm sau này để đủ nuôi cái miệng thì cố mà học cho giỏi.

Bé đã có ảo tưởng nhỏ, thì lớn ắt sinh ảo tưởng lớn… Và đó mới là cái họa.

Cho nên, muốn chữa căn bệnh sĩ diện hão thì chúng ta đừng có… sĩ diện, mà hãy biết nhìn thẳng vào sự thật!
Như Thổ
Previous Post
Next Post