Kẻ thù lớn nhất của con người là tham-sân-si. Chính vì tham-sân-si mà con người bất an, đau khổ. Con người bị tham-sân-si điều khiển, chỉ đạo, từ đó có những hành động sai lầm, nông nổi, gây hại cho người khác và cả chính bản thân mình. Chưa nói đến hậu quả của hành động mà con người đã tạo ra, chỉ nói ngay khi tham-sân-si xuất hiện trong con người, thì bản thân con người đã chịu nhiều bất an, khổ não dù không bị ai làm tổn thương, thiệt hại. Vì thế việc loại trừ tham-sân-si là cần thiết thay vì loại trừ kẻ thù trong suy nghĩ của mình.
Ngoài tham-sân-si ra thì không có kẻ thù nào khác. Những kẻ khủng bố, gây chiến tranh, làm hại người khác không biết rằng chính mình là nạn nhân đầu tiên chứ không phải là người khác, mình là nô lệ của tham-sân-si, bị tham-sân-si sai khiến, làm cho đảo điên, khổ não.
Thật ra họ không thể làm hại được ai cả, nếu nhìn dưới ánh sáng của khoa học thì con người và mọi thứ khác chẳng qua chỉ là những đơn vị vật chất vừa ở dạng sóng vừa ở dạng hạt luôn di chuyển theo nhiều phương hướng khác nhau, không theo một quỹ đạo xác định, không có một vị trí nhất định, do giới hạn của nhận thức, giới hạn của giác quan mà người ta không thấy điều đó. Nếu quán chiếu dưới ánh sáng Phật pháp thì con người và mọi thứ khác chẳng qua chỉ là sự kết hợp giữa năm thành phần (ngũ uẩn): sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ở con người là con người ngũ uẩn, mọi thứ khác từ những vật nhỏ cho đến vật lớn như hành tinh này là thế giới ngũ uẩn. Tùy điều kiện nhân duyên mà có sự giả hợp, không có tự thể độc lập, cố định, không trường tồn bất biến (vô thường). Vậy thì làm gì có con người thật sự, làm gì có những cá nhân và những sự vật (như đền đài, nhà cửa, tài sản của cải…) có thực thể để họ phá hoại, để họ gây hại. Tất cả những hiện tượng phá hoại và bị phá hoại chỉ là ảo giác, vọng tưởng.
Vừa rồi có người đánh bom ở Bồ Đề Đạo Tràng với ý đe dọa, khủng bố, vì ganh ghét, đố kỵ, sân hận mà muốn phá hoại Thánh tích Phật giáo. Họ không biết rằng họ đang bị tham-sân-si chế ngự, sai sử. Họ bị tâm tham khống chế (không muốn người khác được tôn kính, sùng bái, không muốn tôn giáo, tín ngưỡng khác tồn tại, chỉ muốn tôn giáo, tín ngưỡng của mình là duy nhất, chỉ muốn cả thế giới theo mình), họ bị tâm sân khống chế (ganh ghét, đố kỵ, bực tức, thù hằn, oán hận), họ bị tâm si khống chế (thiếu nhận thức, si mê, mù quáng, mê tín, cuồng tín).
Do bị tham-sân-si khống chế, họ bất an, khổ não, bản thân họ là nạn nhân của lòng tham-sân-si. Vì tham-sân-si, họ khủng bố, gây hại cho người khác, cũng chính là tự gây hại cho mình, bởi vì bất cứ hành động nào của con người cũng có phản ứng ngược trở lại , đó là quả báo. Nhân quả là quy luật của vũ trụ chứ không phải do ai đặt ra, dù có tin hay không, thuộc niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng đều phải chịu sự chi phối của quy luật Nhân quả.
Những ngôi chùa bằng xi măng, cát đá có thể phá hủy (trong nhận thức bình thường), nhưng ngôi chùa tâm linh thì không ai phá hủy được. Ngoài người Phật tử ra, không ai có thể phá hủy ngôi chùa tâm linh của họ. Kinh sách, các trung tâm giáo dục, đào tạo Phật giáo có thể phá hủy (trong nhận thức bình thường), nhưng Chánh pháp thì không ai phá hủy được. Chánh pháp luôn tồn tại trong mọi sự vật hiện tượng, khi tâm con người tỉnh thức, giác ngộ, khi tâm con người hướng thiện thì sẽ thấy rõ Chánh pháp. Đức Phật là người đã tỉnh thức, đã thấy rõ Chánh pháp và chỉ cho mọi người thấy. Chánh pháp vốn có sẵn, không phải do Đức Phật chế tạo ra hay từ đâu đem tới, do đó Chánh pháp không bao giờ mất đi, không bao giờ bị hủy diệt.
Qua những biểu hiện người ta có thể thấy được bản chất. Qua những biến cố chiến tranh, khủng bố, sự phân biệt, kỳ thị mà tâm những người con Phật vẫn an nhiên bất động, không nao núng, sợ hãi, tinh thần vô úy vững chãi, từ bi bao la, trí tuệ sáng ngời, thế giới càng thấy rõ hơn, biết nhiều hơn về Phật giáo-giáo lý của hòa bình, của tình thương, thế giới sẽ thấy rõ Phật giáo mới chính là mục đích, cứu cánh an lạc, hạnh phúc của nhân loại. Cũng qua những biến cố đó, thế giới sẽ nhận thức được rằng mối đe dọa, gây khủng hoảng, bất an cho con người, cho hòa bình thế giới bắt nguồn từ đâu, và niềm tin, quan niệm tín ngưỡng nào là nguyên nhân tai họa, là nguồn gốc của những bất an, đau khổ.
Người Phật tử hãy bình tâm, đừng để những biến cố trở thành cơn gió mạnh thổi mờ ngọn đèn từ bi, trí tuệ nơi tâm mình. Hãy để cơn gió đó làm sáng lên hơn ánh sáng chân lý, từ bi và trí tuệ.
Nguồn: daophatngaynay.com