Dòng đời cuộn trôi tưởng chừng không lối thoát, bó buộc ta mãi trong một kiếp làm con người. Khi ta vừa mơn man hình thành như những hạt sương, đã được bào thai mẹ che chở, nuôi nấng ta thành nhân. Mẹ đã kiêng cữ trăm điều, đi nhẹ nói khẻ sợ ảnh hưởng đến con, đêm nằm chẳng dám trở lưng vì sợ sức nặng của cơ thể đè ép lên đứa con nằm trong bụng. Từ hạt trứng qua 9 tháng mười ngày con lại bó mình chui ra với đời, ôi sao bó buộc ta như vậy? Ôi những cái bó buộc từ trong trứng nước, đến khi vỡ òa trong tiếng khóc oe oe. Ta lại bị bó buộc bởi bàn tay mẹ, mỗi lần khóc thét đòi bú sữa mẹ, mẹ lại vỗ về cho ta dòng sữa ngọt. Có những lúc ta không thích sự bó buộc, lại cắn một cái thật đau. Mẹ nhăn mặt rồi vỗ tay nhè nhẹ vào mông của con để cho con đi vào giấc ngủ.
Ra đời ta lại phải chịu sự bó buộc của gia đình, mẹ ép ta ăn cho xong bữa. Ta không ăn mẹ dỗ trăm đường. Mớm cho con ăn như con chim mẹ mớm mồi cho chim con, từng thìa từng thìa nhỏ đến lúc ta no mới thôi... Đêm nằm con đái trên giường, mẹ lại sang nằm bên ướt để con thơ nằm bên khô, cho con được say giấc ngủ. "Ầu ơ con ngủ cho ngoan, mai này khôn lớn tung bay với đời". Cuộc đời lại bó buộc ta qua những câu hò lời ru của mẹ, của bà. Thả tâm hồn ta bay mãi nơi xa, có khi theo cánh cò bay lả bay la, bay từ ruộng lúa bay xa cánh đồng. Có khi ta bay mãi trên cánh diều lên tới tận mây xanh, hay thả mình trên dòng sông êm đềm.
Rồi ta lại biết lật biết bò, rồi chập chững lần từng bước đi. Ba mẹ lại thả cho ta đi từng bước từng bước, có lúc ta té nhào khóc ré lên, ba mẹ vẫn bó buộc ta phải tập đi từng bước trên đôi chân của mình, chứ chẳng thèm dìu dắt hay cho ta bám víu để đi. Đến hai ba tuổi ta lại bị bó buộc qua những lời tập nói của ba của mẹ, thôi thúc ta sớm nói lên thành tiếng: ba ba, mẹ mẹ... Những tiếng đầu đời sao mà khó quá, ấm ứ, u a mãi mới bật ra tiếng yêu thương. Gia đình lại vui mỗi khi ta biết nói thêm một tiếng.
Đời bó buộc
Ngày tháng trôi qua, ta lớn lên và bắt đầu cắp sách đến trường. Có những lần mãi chơi không chịu học, ba lại cho ta những trận đòn roi, ba cứ bó buộc ta phải luôn gắng học, không có chữ thì sao thoát khỏi cơ cực hả con? Cha mẹ khổ cực bao nhiêu đi nửa, cũng mong sao con có chữ mà sống với đời ... Những lần đó tôi nhớ mãi vì đau, đánh ta thâm tím cái mông, những vết roi hằn lên da thịt, mẹ lại vỗ về an ủi với ta: "Nghe lời ba gắng học đi con, không ba đánh đòn đau lắm." Lúc đó sao ta ghét cái học chỉ thích theo đám bạn chăn trâu, chúng tung tăng trên những ngọn đồi dòng suối. Chẳng thèm gì đến sách vở học hành. (Giờ này sao tôi lại thèm ba đánh những lúc tôi làm sai điều gì đó. Thèm lắm những trận đòn cho ta nên người)
Lớn lên một tý ta lại bị bó buộc trong cái đạo làm con, làm cháu... Gặp người lớn phải chào ông chào bà, chào chú chào cô... Gặp người lớn tuổi phải chào anh chào chị... Sống phải biết kính trên nhường dưới, biết cảm ơn mỗi lần ta được giúp, biết xin lỗi mỗi khi ta phạm sai lầm... Ta bị bó buộc mãi trong cái nét văn hóa gia đình, họ hàng, quê hương.
Ôi cái bó buộc đời sao dài mãi thế, bước ra đời xa vòng bó buộc của cha mẹ, xóm giềng... Ta cứ nghĩ là đã thoát khỏi vòng đời bó buộc, được tự do tung bay giữa đời thênh thang. Nhưng nào đâu có phải vậy? Ta lại bị bó buộc trong cái cơm áo gạo tiền. Sáng sớm tinh mơ đã vội thức giấc, lao ra đời kiếm cái ăn cái mặc đến tối mờ mịt mới trở về. Làm sao thoát được cái bó buộc này đây, hay là cam chịu và sống chung với nó.
Rồi ta lại bó buộc với gia đình nhỏ, có vợ có con. Ta lại bó buộc con như ngày xưa ta bị gia đình bó buộc, lại tập cho con những bước đi đầu đời. Lại tập cho con nói thành tiếng... Đêm khuya con khóc vì quần tè ướt đẫm, ta lại lò mò thức dậy dỗ con. Những lần con lên cơn sốt, vợ lại lo lắng điện thoại hỏi ông bà. Còn ta lại vỗ về con.
Chắc cái vòng tròn bó buộc này sẽ không ngừng lại, sẽ xoay vòng đến hết kiếp làm người thôi.
Giải thoát - tàn tro
Thôi ta bỏ mặc cái "bó buộc kiếp người" đi, hãy cho nó làm ta khôn lớn, cho ta thành con người. Giải thoát bó buộc đi rồi chắc gì đã là điều hay? Chắc lúc đó ta sẽ bay mãi như con diều mất dây. Cứ bay theo chiều cơn gió thổi, chắc gì ta biết rồi sẻ hạ ở nơi đâu?
Biết làm người là khó, nhưng cái bó buộc đôi khi lại hay, để rồi mai này nhắm mắt xuôi tay, ta lại không còn khóc vì tiếc nuối rằng ta đã không chịu bó buộc.
"Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta khóc.
Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!"
P/S: Có những con người khi được cha mẹ cho đi ăn đi học, cưới vợ dựng chồng, họ lại quay lại trách khứ cách giáo dục của cha mẹ, rằng dạy con bằng đòn roi là sai khoa học, là kìm hãm trí phát triển của con thơ, là những biện pháp lạc hậu ...
Cha ông ta xưa hay có câu: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Những lần cha mẹ đánh con cha mẹ nào có vui gì? Cũng thương con lắm chứ, mỗi lần roi đánh vào đít là lòng cha mẹ thắt lại. Chỉ tại vì con mãi chơi nên phải đòn roi cho con nhớ. Ngày trước có những người con tuổi đã ngoài 50 hay 60 tuổi, đã có con cháu nội cháu ngoại, vậy mà vẫn bị ba đòn roi mỗi lần sai phạm.
Có thể ở phương Tây đánh con đó là phạm luật, nhưng ở Việt Nam đó là những cách dạy cho con nên người. Sai thì bị phạt, giỏi thì được khen.
Đời người có những tội lớn trong đó có tội bất hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Có thể sẽ không có chuyện ông bà bắt hay trừng phạt con cháu, nhưng cái tòa án lương tâm của mỗi con người sẻ tự phán xét họ, đưa họ đến với những hình phạt cao hơn tù đày ngục tối.
Xưa các ông bà hay thêu dệt lên những âm ty địa ngục, ai làm ác thì sẻ bị trừng phạt khi chết: cho vô vạc dầu, cho xuống nơi tối đen, hay cơm đưa tới miệng sẻ hóa thành than tro...Đó là người xưa họ muốn răn đe con người không nên sống độc ác, mà hãy sống với nhau bằng chữ thiện, sống với cái tâm tốt. Ai xấu tốt gì thì dần dần cũng lộ ra, đó âu cũng là cái bản chất rồi. Anh có đi nói xấu họ, bêu rếu họ, tô đen họ để mình được nổi lên. Đến lúc sự thật hé ra thì anh cũng chẳng ra gì? Không cần hô hào ta là người theo này theo kia. Đến chùa thắp hương khấn Phật. Trong khi tâm mình là tâm xà thì cũng bằng không?
Cái câu: "Khi ta sinh ra, mọi người cười ta khóc, hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc ta cười" làm được vậy không có dễ dàng chút nào. Vì con người còn nhiều cái tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố mà con người cứ mãi rơi trong cái vòng luẩn quẩn bi thương không lối thoát.
Nguồn: blog.chaobuoisang.net