Vì sao ta có con?

Chính xác hơn, câu hỏi phải là “Ta có con là nhằm mục đích gì?” Khi người ta làm bất cứ một cái gì, người ta phải có một mục đích. Người ta mua một chiếc xe là để người ta có thể tự mình mỗi sáng đi ra quán phở đối diện công viên Lê Văn Tám. Đi ra quán phở công viên Lê Văn Tám là vì người ta cần ăn một bữa sáng chất lượng. Cần ăn sáng chất lượng là vì người ta cần năng lượng để làm việc cả ngày cho thật tốt. Làm việc cả ngày thật tốt là để mau lên lương. Mau lên lương là để có tiền mua một chiếc xe xịn hơn, khi chạy vào quán hủ tíu Nam Vang trên đường Võ Văn Tần gần đường Cống Quỳnh cũng thấy oai phong lẫm liệt. Không ai vô duyên vô cớ lại đi mua một tấm vé xem phim, hay đi sửa một căn nhà. Có một đứa con cũng vậy, cũng phải vì một lý do này hay nguyên cớ nọ. Tạo ra một sinh linh để nó chịu khổ trên đời đâu phải chuyện dỡn chơi. Nhưng ngẫm đi nghĩ lại, trừ những trường hợp bị cưỡng ép mà phải sinh con, dường như người ta sinh con chỉ hoặc là vì người ta bất cẩn, không biết suy nghĩ đến nơi đến chốn, thậm chí không hề suy nghĩ, hoặc là vì người ta ích kỉ không nghĩ gì đến đứa trẻ sẽ ra đời.

Có một đứa con là mang trên vai một trách nhiệm lớn lao, đòi hỏi phải có hoạch định tương lai rõ ràng, làm sao nuôi cho nó khỏe mạnh, dạy cho nó nên người. Nhưng có những ông bố bà mẹ một ngày đẹp trời nghe được từ miệng đứa con gái yêu trước khi cắp cặp đến trường: “Con dính bầu rồi!” mà cha đứa bé chẳng ai xa lạ, chính là thằng Tèo đầu xóm. Đứa trẻ nếu về sau ra đời, có phải là được cha mẹ nó tạo ra từ những phút giây thiếu suy nghĩ không? Mà cứ gì các đôi yêu nhau, ngay cả vợ chồng đã cưới nhau cũng “bể kế hoạch” như thường. Cô vợ vừa mới được nhận vào chỗ làm mới, có tính cạnh tranh cao, còn chú chồng thì vẫn đang đi học Tiến sĩ, con cái bây giờ chỉ thêm rối tay rối chân, thế là ra sức giữ gìn tính toán. Thế nhưng có khi chỉ vì một phút yếu đuối không kiếm soát được bản thân, hoặc chỉ vì nhìn nhầm lịch Âm lịch Dương, mà một đứa nhóc tòi ra tại sự bất cẩn của phụ huynh. Có những đôi cứ vô tư “chuyện ấy,” không lo gì chuyện có con vì “Có gì thì để ông bà nuôi,” hoặc “Lo gì, trời sinh voi sinh cỏ.” Vậy là các nhóc cứ lần lượt oe oe với đời vì cha mẹ quá vô tư. Có người thì: “Ai lấy vợ lấy chồng rồi mà chẳng có con. Ông bà mình lấy nhau thì có ba má mình, ba má mình lấy nhau thì có mình. Bây giờ mình lấy người kia rồi thì cũng phải có… con mình,” thế là cho ra một nhóc. Vậy là đứa trẻ ra đời chỉ vì cha mẹ nó thấy mọi người sao mình cũng phải vậy chứ không vì một mục đích gì rõ rệt.

Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp khác, người ta có con vì những mục đích rất rõ ràng: “Tui có con trai là để nối dõi tông đường,” “Mình sinh cháu là để về già có người chăm nom,” “Qua kiếm một đứa cho dzui cửa dzui nhà,” “Ông bà hối quá, tụi em ráng cho các cụ vui lòng,” “Anh chị thèm có một mụn con để ẵm bồng hun hít,” v.v… và v.v… Những mục đích này có một điểm chung, đó là tất cả chỉ vì lợi ích của người khác, không có một cái nào vì lợi ích của chính đứa trẻ. “Nối dõi tông đường” là lợi ích của cả một dòng họ, mà cái lợi ích này gắn liền với nền văn hóa phương Đông. Khái niệm này hiện nay rất mờ nhạt, thậm chí không còn tồn tại ở phương Tây. “Sinh con để có người chăm nom” là ai được chăm nom? “Sinh con để vui cửa vui nhà, cho cha mẹ vui lòng” hay để có thú vui “nựng nịu ôm ấp” là ai vui? Dĩ nhiên đứa trẻ khi lớn lên cũng sẽ vui khi được cha mẹ vỗ về, nhưng khi người ta quyết định có con, liệu có ai nghĩ rằng “Mình có con là nhằm mục đích sau này nó lớn lên, nó sẽ hưởng niềm vui được cha mẹ chăm sóc”?

Dù cho có người nghĩ như vậy đi chăng nữa, thì người ta cũng đã không nghĩ đến sự bất định của tương lai. Người ta có thể nghĩ rằng: “Có con rồi, mình sẽ nuôi dạy nó nên người để sau này nó trở thành người có ích cho xã hội.” Nhưng nếu đứa trẻ sau này trở thành bọn đầu đường xó chợ thì sao? Nếu nó không thành bọn đầu đường xó chợ mà thành ông nọ bà kia, nhưng lại tham nhũng, cậy quyền, ỷ thế làm càn thì sao? Cho là cha mẹ của đứa bé là những người có văn hóa và hiểu biết, chắc chắn sẽ dạy bảo cho nó nên người. Nhưng dù nề nếp gia phong của một gia đình có chặt chẽ đến đâu, người ta cũng không thể nào tính được đến chuyện biết đâu sau khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ nó có thể không còn có mặt trên đời để dạy dỗ nó. Khi người ta quyết định có con, liệu người ta có nghĩ đến khả năng là đứa trẻ khi lớn lên có thể sẽ phải chịu nhiều đớn đau khổ ải? Ai có thể lường hết được những tai nạn bất ngờ, những mối tình cay đắng, những dối trá, những điên cuồng vây quanh? Như vậy là người ta tạo ra một sinh linh để nó phải gánh chịu đau khổ.

Nhìn chung, mục đích và động cơ để có một đứa con chẳng hề nên thơ, cũng không hề cao cả, thậm chí còn rất tầm thường và đầy ích kỉ. Vậy mà sao người ta vẫn có con đều đều?

Nguồn: procul.org
Previous Post
Next Post