Xả nhân, duyên, nghiệp

LỜI PHẬT DẠY

1- Xả của cải tức là xả cái duyên lìa tội ác.
2- Xả tham đọa tức là xả cái nhân lìa tội ác.
3- Xả tội tức là dứt các nghiệp sanh tử.

*****

1- Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành.
2- Không xả tâm tham thì nhân luân hồi không dứt.
3- Không xả tội thì hạnh ô nhiễm không quên.

CHÚ GIẢI:

Đúng như lời Phật dạy: “Xả của cải tức là xả cái duyên lìa tội ác”. Người còn tích lũy của cải là người còn tạo duyên tội ác. Thưa các bạn! Người xả của cải là ai? Và xả của cải như thế nào?

Noi gương đức Phật đấy các bạn ạ! Phật là hàng vua chúa, Người đã xả bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ. Người đã xả hết chỉ còn ba y một bát, đi xin ăn, sống rày đây, mai đó, không nhà, không gia đình, thiểu dục, tri túc, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Ngài là hiện thân gương hạnh buông xả và đã nhờ buông xả mà Ngài đã tìm thấy được chân lý. Con đường giải thoát cho chính mình và cho mọi người mai sau. Gương hạnh sống buông xả của Phật thật là tuyệt vời. Cuộc đời Ngài nói được làm được, đó là lời nói đi đôi với hành động: “Xả của cải tức là xả cái duyên lìa tội ác”. Ngài đã sống đúng nhất quán, lìa tội ác.

Hỡi các bạn đồng tu! Đức Phật thì xả cái duyên lìa tội ác, còn các bạn thì sao? Sao các bạn lại tích lũy của cải nhiều thế? Chùa to Phật lớn, tiền bạc nhiều, xe cộ, đồ đạc, phòng ốc sang đẹp như ông Chúa, bà Hoàng, … của cải không thấy bớt, ngày càng thêm nhiều... Như vậy các bạn có biết không? Các bạn có xả cái duyên tội ác không? Tích lũy của cải là tích lũy tội ác đấy các bạn ạ! Hãy tránh xa của cải thì tội ác mới tiêu trừ. Như vậy con đường tu hành của các bạn mới tìm thấy sự giải thoát.

Qua lời dạy trên đây chúng ta thấy rất rõ cái duyên tội ác là do của cải, tài sản. Cho nên ai tích lũy của cải tài sản nhiều là người tạo duyên tội ác nhiều, ai tích lũy của cải tài sản ít thì tạo duyên tội ác ít.

Một người tu theo Đạo Phật khi đã hiểu biết duyên nào gây ra tội ác, thì chúng ta nên từ bỏ và tránh xa duyên đó. Phải không các bạn? Nếu không tránh xa duyên tội ác đó thì chúng ta đừng nên tu theo Đạo Phật, vì có tu chẳng có ích lợi gì cả. Duyên tội ác là gì các bạn. Là của cải, tài sản, ruộng vườn, đất đai, nhà cửa, chùa to, Phật lớn, v.v…

Xả của cải tài sản, v.v... là xả cái quả của tội ác như trên, còn xả cái nhân tội ác. Thì đến câu hai đức Phật dạy: “Xả tham đọa tức là xả cái nhân lìa tội ác”.Vậy tham đọa là nghĩa gì?

Tham đọa tức là tham độc, một trong ba độc: Tham, sân, si.

Tham đọa có nghĩa là lòng tham muốn đưa chúng ta vào sự khổ đau; tham đọa còn có nghĩa là do lòng tham muốn đưa chúng ta vào cảnh khổ hay địa ngục.

Lòng còn tham muốn là cái nhân của tội ác. Người tu theo Đạo Phật phải thấy rõ cái nhân này: “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham”, tức là tôi biết tâm tham là nhân của tội lỗi. Do đó, tôi phải ngăn và diệt nó, ngăn và diệt cái nhân tội lỗi là diệt lòng tham muốn của mình.

Qua lời dạy này tôi biết rất rõ nhân của tội ác là tâm tham muốn của tôi. Vậy từ đây tôi quyết tâm diệt trừ cái nhân gây ra tội ác. Nhờ có quyết tâm ấy, tâm tham của tôi chấm dứt.

Lời dạy này tuy ngắn ngủi nhưng nó mang đầy đủ tính chất đạo giải thoát của Phật giáo.

Theo như lời Phật dạy: “Xả tội ác tức là dứt các nghiệp sanh tử”. Ở đây đức Phật dạy: “xả tội ác”. Vậy xả tội ác như thế nào?

Như hai lời dạy ở trên:

1- Duyên của tội ác là của cải.
2- Nhân của tội ác là lòng tham muốn.

 Theo như lời dạy trên đây chúng ta đã biết duyên và nhân của tội ác. Vậy xả tội ác thì chỉ có xả nhân và duyên của nó, thì tội ác sẽ không còn nữa.

Xả tội ác tức xả của cải và tâm tham muốn của chúng ta”. Tu theo Phật giáo quá đơn giản phải không các bạn? Chỉ cần xả của cải và tâm tham muốn của mình thì không còn tội lỗi và dứt nghiệp sanh tử. Nói thì dễ nhưng làm được việc này không phải dễ. Phải không các bạn?

Hiểu biết thì dễ và rất đúng nhưng làm sao xả của cải và tâm tham muốn của mình cho được. Không đơn giản đâu các bạn. Cả một công trình vĩ đại của một đời người tu tập.

Xả của cải thì dễ, nhưng xả lòng ham muốn thì khó. Khó lắm các bạn ạ! Chỉ có những bậc thấy biết đời này khổ như thật thì mới làm được và làm rất dễ dàng. Còn chúng ta là những hạng cóc, nhái, đời cũng muốn mà đạo cũng muốn. Cả hai đều muốn hết nên cóc, nhái cũng chỉ là cóc, nhái mà thôi. Phải không các bạn?

Đức Phật đã xác định: “Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành”. Người đời thường hay đến chùa lạy hồng danh Phật để sám hối hoặc phát lồ sám hối trước một vị thầy để mong cho tiêu tội, nhưng sám hối phát lồ hay lạy hồng danh chư Phật mà không xả bỏ của cải của mình thì pháp sám hối không thành có nghĩa là tội lỗi không dứt, không bao giờ hết.

Trên đây là lời kết thúc của đức Phật cho chúng ta thấy lạy lễ hồng danh chư Phật và phát lồ sám hối không thể tiêu tội nghiệp chướng được. Người nào dạy chúng ta lạy Phật nhiều và phát lồ sám hối cho tiêu tai nghiệp chướng là dạy mê tín, là đi ngược lại lời dạy của đức Phật; người ấy là đạo sĩ Bà La Môn đang lừa đảo tín đồ.

Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành”. Các bạn có nghe lời dạy này không?

“Tánh tội vốn không do tâm tạo
Tâm đã diệt rồi tội sạch không
Tội trong tâm ấy cả hai không
Thế mới là chân sám hối”.

Đây là sự sám hối của Thiền Tông và Đại Thừa, nhưng sự sám hối này không giống như lời đức Phật dạy: “Không xả bỏ của cải thì pháp sám hối không thành”. Chúng ta hãy nhìn sự thật về Thiền Tông và Đại Thừa. Thiền Tông và Đại Thừa thì của cải tài sản càng lúc càng đồ sộ. Chùa to Phật lớn hằng tỷ bạc, vật chất xe cộ đầy đủ không thiếu vật gì, giống như người thế gian. Có đúng như vậy không các bạn? Vậy sám hối của Thiền Tông và Đại Thừa có tiêu tội không các bạn hay chỉ là lời nói suông mà thôi.

Đức Phật đã xác định: “Không xả tâm tham thì nhân luân hồi không dứt”. Nhờ lời dạy này chúng ta biết rõ nguyên nhân luân hồi là tâm tham. Cho nên, người nào tâm còn tham là còn luân hồi; người nào dứt tâm tham là dứt luân hồi. Do lời dạy xác định này mà trên đường tu tập chúng ta biết rất rõ mình còn luân hồi hay đã hết luân hồi. Tâm tham còn là còn luân hồi, tâm tham hết là hết luân hồi.

Như vậy, Đạo Phật không có dạy điều gì là mơ hồ trừu tượng mê tín, mà là một sự luân hồi rất cụ thể rõ ràng. Vì tâm tôi hết tham thì sẽ tương ưng nơi đâu tâm không có tham, còn tâm tôi có tham thì tôi phải tương ưng với tâm tham của mọi người trên thế gian này, vì mọi người trên thế gian này tâm đều có tham. Luân hồi là như vậy, là một điều thực tế như vậy, không thể có ai chối bỏ được thuyết luân hồi này là không có. Anh còn tham thì anh tránh đâu khỏi chỗ luân hồi; anh hết tham thì luân hồi chẳng làm gì anh được. Ví như: tâm tham của anh là một tảng đá, dù anh không muốn nó chìm xuống đáy hồ, nhưng khi ném nó xuống hồ thì nó vẫn chìm xuống tận đáy. Còn tâm anh không tham ví như giọt dầu, dù anh muốn nó chìm xuống đáy hồ, nhưng khi ném nó xuống hồ nó vẫn nổi.

Qua ý nghĩa này chúng ta mới hiểu rõ nghĩa lời Phật dạy: “Ta chỉ còn có một kiếp này nữa mà thôi”. Như vậy, một người đã tu chứng đạo thì không còn luân hồi trở lại thế gian này nữa, dù người ấy có muốn cũng không được, vì họ đã trở thành giọt dầu rồi, trong thế gian này còn chỗ nào đâu mà tương ưng họ tái sanh luân hồi. Cho nên, thuyết Bồ Tát tu thành chánh quả còn trở lại độ chúng sanh là học thuyết của Bà La Môn. Khi tu tập hết tham rồi, bây giờ vì độ chúng sanh nên phải tu tập tham trở lại để luân hồi. Cũng như học thuyết Phật tánh. Đã là Phật tánh là tánh giác, mà lại còn mê muội chui vào cái đãy da hôi thối (thân tứ đại), lại còn tham chùa to Phật lớn, tham xe hơi nhà lầu, v.v.. Phật tánh là tánh giác thì làm sao có điều vô lý này được. Phải không các bạn?

Đúng là cái lý thuyết Phật tánh lừa đảo mọi người. Tỏ ra lòng đại bi, Bồ Tát thương xót chúng sanh như con một. Thật ra mình tu chưa xong mà muốn làm cỗ xe lớn độ chúng sanh. Thật là một người mù dẫn đường cho một đám người mù.

Luân hồi không phải là linh hồn đi luân hồi, như mọi người tưởng, mà là nghiệp tham đi luân hồi. Cho nên, người tu hành là cố tâm tu tập tạo thành nghiệp không tham nơi tâm mình. Tâm không còn nghiệp tham thì chấm dứt luân hồi. Do những lời dạy này, chúng ta biết mình tu tập đến đâu. Có làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi được chưa? Tu tập có giải thoát hay chưa giải thoát đều biết rất rõ ràng. Vì tu tập đến đâu có kết quả đến đó. Cho nên đức Phật nói: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy...”.

Tu theo Phật giáo chúng ta không sợ lầm đường lạc lối, vì giới luật là một nền tảng vững chắc. Ai không sống đúng giới luật thì biết người đó tu không đúng pháp. Dù họ có nói nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mà giới luật không nghiêm chỉnh thì biết họ chưa ly dục ly bất thiện pháp. Chưa ly dục, ly bất thiện pháp thì Sơ Thiền còn chưa nhập được, huống là Tam thiền, Tứ Thiền và làm chủ sanh, tử, chấm dứt luân hồi, chỉ là vọng ngữ mà thôi. Nhờ những lời dạy này, chúng ta xét về Thiền Tông và Đại Thừa mới biết rõ giáo pháp của họ là giáo pháp lừa đảo. Xin các bạn cảnh giác đừng để khỏi sa ngã vào đường tội lỗi (diệt Phật giáo).

Đức Phật dạy: “Không xả tội thì hạnh ô nhiễm không quên”. Như chúng ta đã biết không xả bỏ của cải và diệt tâm tham thì tội không bao giờ hết, mà tội lỗi không bao giờ hết thì hạnh ô nhiễm không bao giờ quên.

Ví dụ: ăn uống phi thời, ngủ nghỉ phi thời... đó là những hạnh ô nhiễm khó quên. Hút thuốc lá, uống rượu... đó là những hạnh ô nhiễm khó quên. Tham, sân, si, mạn, nghi... đó là những hạnh ô nhiễm khó quên. Muốn để cho hạnh ô nhiễm không còn nữa thì phải ngay từ lúc này từ bỏ không chạy theo vật chất của cải tài sản, không tham lam, ngăn chặn lòng ham muốn thì hạnh ô nhiễm mới giữ gìn trọn vẹn.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Những Lời Gốc Phật Dạy (tập 3)
Và đây là bộ sưu tập (tạm thời) sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã download từ các trang web trên, bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post