Rèn nhân cách lòng yêu thương của Phật giáo

Hôm nay chúng ta học bài thứ nhất trong năm giới: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Không nên giết hại chúng sinh là một lời khuyên của đức Phật từ ngàn xưa được lưu giữ trong kho tàng kinh điển nguyên thủy bằng tiếng Pàli tại Tích Lan.

Lời dạy này đi ngược lại đời sống con người trên hành tinh này. Vậy chúng ta tự hỏi: Tại sao đức Phật lại khuyên chúng ta không nên giết hại chúng sinh như vậy? Như quý tu sinh đã biết: khắp nơi trên hành tinh này không có nơi nào, không có ngày nào mà con người không giết hại chúng sinh để ăn thịt. Máu của chúng sinh chảy như sông, xương của chúng sinh chất như núi.

Sự đau khổ lăn lộn dưới dao trên thớt của loài người, sự chết chóc ghê rợn của chúng sinh trùng trùng, điệp điệp vô lượng vô biên, làm sao chúng ta kể cho hết những hình ảnh đau thương ấy. Ôi! Đau thương vô cùng tận, biết nói làm sao bây giờ. Và nói với ai đây? Vì sự sống của con người đã huân tập thành một thói quen ác độc giết hại các loài động vật mà không chút lòng thương xót, nhất là thói quen ăn thịt động vật.

Nhìn thấy được sự chết chóc đau khổ của chúng sinh, với lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến như trời, như biển của đức Phật, làm sao Ngài không có lời khuyên ngăn chúng ta:

“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Lời khuyên ấy là vì đức Phật thương xót loài người như người cha thương đứa con một, nếu con người giết hại chúng sinh ăn thịt sẽ gặt lấy quả khổ đau.

Đức Phật còn thấy rất rõ do nhân quả ác nghiệp của con người, vì vô minh con người không thấy nên tạo ra vô vàn ác pháp, vì thế phải thọ lãnh những quả khổ đau từ vô lượng kiếp, nên mỗi lần sinh ra cho đến khi chết, cuộc sống hoàn toàn khổ đau, khổ đau vô cùng, vô tận.

Đứng trước cảnh vô minh con người tự tạo nhân quả ác rồi tự gặt lấy những quả khổ đau cho chính mình, vì thế đức Phật thương xót bảo: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Mình tự làm điều ác thì mình phải tự chuốc lấy mọi sự khổ đau, làm sao có ai cứu mình được!? Muốn hiểu rõ điều này, chúng ta hãy quán xét tư duy và tự hỏi cho đúng nghĩa sự đau khổ này do từ đâu sinh ra? Do từ sự giết hại chúng sinh để ăn thịt.

Đúng như vậy, đó là do nhân giết hại và ăn thịt chúng sinh mà phải trả quả quá đắt, là chịu mọi sự khổ đau suốt từ đời này sang kiếp khác, chứ không phải chỉ riêng cho một kiếp này.

Trong góc độ nhân quả ai cũng nhìn thấy: từ nhân ác mà phải chịu mọi sự khổ đau; từ nhân thiện mà hưởng được sự an vui và hạnh phúc. Khổ vui trên đời này đều là do nhân quả. Do nhân quả thiện ác khổ vui như vậy, nên các pháp trên thế gian này thay đổi liên tục, do thay đổi liên tục nên gọi các pháp là vô thường. Các pháp trên thế gian vô thường thay đổi liên tục, nên sự khổ đau của loài người cũng triền miên bất tận từ khổ đau này đến khổ đau khác.

Con người không hiểu quy luật nhân quả thay đổi như vậy, nên cho các pháp là thường hằng, bất biến, là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do hiểu sai lầm nên đắm mê chạy theo dục lạc vật chất vô thường của thế gian, cho rằng những vật chất là có thật, nên lấy đó để cung cấp và phụng dưỡng cho cái ngã, tạo biết bao nhiêu điều tội ác và biết bao nhiêu điều tội lỗi.

Với đôi mắt của đức Phật nhìn thấy mọi sự sống trên hành tinh đều do các duyên nhân quả tác thành, vì thế mới có sự thay đổi liên tục, đó là sự tất yếu không thể phủ nhận, do sự thay đổi ấy mà mọi sự sống của tất cả các loài vật trên hành tinh này hoàn toàn phải chịu mọi sự khổ đau. Con người cũng là một loài động vật đều có sự cảm nhận đau khổ, sống chết như nhau. Vì thế đức Phật khuyên: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”, thật là thấm thía biết bao.

Phải không quý tu sinh? Ý nghĩa câu: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” còn mang theo một hành động đạo đức cao đẹp tuyệt vời của con người, đó là ĐỨC HIẾU SINH. Đức Hiếu Sinh có nghĩa là lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này.

Đây chính là bài học rèn luyện nhân cách đạo đức đầu tiên của lớp NGŨ GIỚI Phật giáo, để chúng ta biết cách sống làm người với một tâm hồn cao thượng, một con người đầy lòng tha thứ và yêu thương mọi sự sống của nhau trên hành tinh này. Vì vậy, khi hiểu như thế nào thì quý cô cứ trả lời như vậy. Như trên đã nói, chúng ta là những người còn đang tu học, cho nên càng trả lời thì lại càng thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của sự tu học; càng trả lời lại càng huân tập lòng thương yêu rộng lớn. Người có lòng thương yêu rộng lớn là người có hạnh phúc nhất trần gian.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post