Bệnh gia trưởng

Gia trưởng, theo Từ điển tiếng Việt là người nắm mọi quyền hành trong gia đình. Tư tưởng và tác phong gia trưởng là một thói xấu, xuất hiện phổ biến từ thời cổ đại đến thời phong kiến, với chế độ trao cho một người mọi quyền hành tuyệt đối, coi thường quyền dân chủ của những người khác.

Ngày nay, tư tưởng và tác phong gia trưởng vẫn tồn tại trong nhiều gia đình, đã và đang có nguy cơ lây lan như một căn bệnh trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và xã hội... Bệnh gia trưởng luôn sốt sắng với những công việc có lợi cho bản thân, đùn đẩy, thoái thác những công việc có nhiều khó khăn hoặc không có lợi ích cá nhân cho người khác; tự coi mình là người lãnh đạo cao nhất trong cơ quan, đơn vị; ỷ thế, cậy quyền, quyết định mọi việc, điều hành mọi người, coi ý kiến của mình "như đinh đóng cột", mọi người nhất nhất phải tuân theo, không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của tập thể, của đồng chí, đồng nghiệp, bỏ qua mọi ý kiến đúng đắn của những người dưới quyền.

Có người lợi dụng "chế độ thủ trưởng", tự quyết định ra những quy định trái với nguyên tắc lãnh đạo, vi phạm quy chế làm việc của tập thể, có trường hợp vi phạm pháp luật.

Người mắc bệnh gia trưởng thường thiếu bản lĩnh, sợ khuyết điểm, thích thành tích. Đối với cấp trên thì xum xoe, xu nịnh, tìm mọi cách, làm mọi việc để được vừa lòng cấp trên, tạo vị thế leo lên những nấc thang danh lợi, đối với cấp dưới thì coi thường, "nhìn người bằng nửa con mắt", không phân tích, chỉ bảo cặn kẽ khi giao công việc, hống hách, quát nạt khi họ có khuyết điểm hoặc làm trái với ý mình, thậm chí có những lời nói và hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ, coi họ như "kẻ ăn, người ở".

Đối với những người cùng phe cánh, lúc nào cũng răm rắp tuân theo ý kiến của mình thì dung túng, bao che, dễ dãi trong việc nâng lương, đề bạt, bố trí, cất nhắc vào những chức danh thuận lợi, có nhiều bổng lộc. Đối với những người dám nói thẳng, nói thật, không làm theo những quyết định sai trái thì bị thành kiến, soi mói, chèn ép, vô hiệu hóa, thậm chí cô lập, vùi dập họ. Người mắc bệnh gia trưởng là người "giàu" thủ đoạn, mánh lới, nhưng "nghèo" tâm, đức, chính họ đã tự đánh mất nhân cách và phẩm giá của mình, nên không được những người chính trực tôn trọng.

Có một thực tế là, người mắc bệnh gia trưởng là người nắm "quyền sinh, quyền sát" trong tay, liên quan đến sự nghiệp, tiền đồ và cuộc sống hàng ngày của một số người, nên nhiều khi họ sợ, không dám bộc lộ những suy nghĩ và chính kiến của mình, nhưng trong thâm tâm họ không phục.

Hệ lụy của bệnh gia trưởng là làm thui chột các sáng kiến cá nhân, không động viên được mọi người toàn tâm toàn ý cho công việc, làm mầm mống gây mất đoàn kết trong cán bộ lãnh đạo, quản lý và trong cơ quan, đơn vị, là mảnh đất màu mỡ cho những người cơ hội, thực dụng "đục nước, béo cò", làm giảm sút sức mạnh của tập thể, làm xói mòn niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Bệnh gia trưởng, đối lập với tác phong dân chủ, với đạo đức truyền thống, xa lạ với phẩm chất cộng sản, thực chất cũng là một dạng "quan cách mạng" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán, cần được đấu tranh loại bỏ khỏi đời sống.

Theo SK&ĐS
Việt Báo (Theo_24h)
Previous Post
Next Post