Háo danh là háo …cái gì?

Sự hiếu danh, tính hiếu danh đáng chê bai, khinh khi, khi đối tượng nhắm tới của chủ thể chỉ là một cái “danh trơn”, một cái “tiếng trơn”, kèm theo những hình thức “vang danh”, “nổi tiếng”, “dậy tên dậy tuổi” giả ngụy, không có cái “thực” tương xứng nào làm cơ sở nhưng lại muốn thu nhiều cái thực “siêu lợi nhuận”, thậm chí “siêu kinh tế” nơi niềm tin, nơi tiền bạc …từ người khác về cho mình. Cụ Phạm Quỳnh viết nơi đoạn văn trên là “hiếu” cái “hư danh”. Tức là luôn mong có, đã và đang làm cho có một cái “danh”, là X hay Y thuộc một lĩnh vực tính chất gì đó, thậm chí là X2, Y2 nhưng chỉ là những X và Y rỗng những sự thực tương xứng.

Dễ làm “mồi” cho những kẻ chuyên chạy áp-phe, kinh doanh mặt hàng hư danh thu lời riêng những cái vô cùng thực về cho bản thân, sau khi “nạn nhân” cũng từng bắt hay sẽ tiếp tục bắt nhiều người non lòng nhẹ khác làm nạn nhân cho những hư danh đang có nơi mình.

1- Háo danh, nghĩa là ham danh. Còn được gọi là hiếu danh. Vậy một người hay một cộng đồng người có đặc tính hiếu danh, là hiếu … cái gì? Hiếu cái nội dung gì trong chữ danh? Đây là câu hỏi nhác trông rất dễ trả lời. Thực ra không phải vậy.

Tại chương I thuộc Đạo Đức kinh của Lão Tử có câu:

Đạo khả đạo, phi thường Đạo
Danh khả danh, phi thường Danh

Dịch sang tiếng Anh, hai câu trên có hình thể diễn đạt như sau:

The Way that can be expressed is not the Eternal Way.
The Name that can be named is not the Eternal Name.
( Theo Đặng Sĩ Trang)

Tạm tổng hợp nghĩa: “Đạo, hay cái lẽ huyền vi nguồn cội vĩnh hằng bất dịch cho mọi biến hóa của vũ trụ vạn vật mà có thể dùng nhận thức lý tính khái quát thành lời, thành tên nhằm diễn tả, luận bàn thì cái tên đó sẽ vừa che khuất, vừa không đủ rộng để bao hàm diễn đạt trọn vẹn đủ đầy về Đạo, về cái lẽ huyền vi nguồn cội vĩnh hằng bất dịch cho mọi biến hóa của vũ trụ vạn vật nữa”.

Từ những điều vừa trình bày trên, dễ thấy chữ “danh” đang đề cập, trùng với chữ “danh” nằm trong hai câu thuộc Đạo Đức kinh vừa nêu, có nghĩa đầu tiên là “the name” trong tiếng Anh, tức là “tên gọi” cho một thực thể nào đó.

Tại bài thơ Hầu Trời của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có câu:

Đệ sổ lên trình Thượng đế trông:/ Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu.

Tại đây, “Nguyễn Khắc Hiếu” là một cái “danh”, một cái “tên”. Nói đầy đủ hơn, là “danh tính”, hay “tên họ” của một nhân vật còn có cái “danh” khác khi làm thơ, xuất bản thơ, đó là Tản Đà, từng bắt đầu sự hiện diện thân xác cùng nhiều hoạt động của mình tại nước Việt Nam từ năm 1888, đến năm 1939 mới mất đi theo quy luật sinh học tự nhiên.

Vậy hiếu “danh” là …hiếu cái gì? Là hiếu một “the name”, một cái tên được cha mẹ hay người giám hộ đặt cho mình khi mới chào đời, có thể là A, có thể là B, có thể là Xoài, có thể là Mít chăng?

Ngẫm ra, danh tính nơi một người chỉ là cái ký hiệu nhân tạo gắn lên sự hiện hữu nơi người đó nhằm phân biệt với những người khác. Nó mang đầy tính quy ước và võ đoán. Một người chỉ có một tên gọi, so với một người từng có, hay đang có nhiều tên gọi, vẫn không có gì thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần. Nếu muốn, người đang có ít tên gọi có thể dễ dàng san lấp khoảng cách mà chẳng phí tổn điều gì. Do vậy, nội dung hướng tới của tính hiếu danh nơi một người nào đó, hay một cộng đồng nào đó, không phải là loại danh theo nghĩa này.

2- Trong bài thơ Chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ có các câu thơ như sau:

Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ/ Đã sinh ra phải có chi chi/ Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu / Đố kỵ sá chi con tạo / Nợ tang bồng quyết trả cho xong/ Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung/ Làm cho rõ tu mi nam tử/ Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có DANH mà đối với núi sông/ Đi không chẳng lẽ về không.

Rõ ràng, ngoài nội dung nghĩa tên họ nơi một người, căn cứ vào đây, chữ Danh còn có nghĩa khác. Đó là cái “chi chi” đã được làm ra nơi một kiếp người hữu hạn. Tức một sự nghiệp, một thành tích, một công việc nổi bật, mang đầy chất tài giỏi đi ra từ một trí tuệ vượt trội (thông minh nhất nam tử), có thể gây ra sự kinh ngạc, ngưỡng phục, tán thưởng sôi nổi nơi cộng đồng dư luận đương thời lẫn hậu thế về tầm cỡ lẫn quy mô (yếu vi thiên hạ kỳ).

Vậy một người hay một cộng đồng người có đặc tính hiếu danh là hiếu …cái gì? Nếu “hiếu”, ham sự thành công rực rỡ vượt bậc đã và đang được lập trình, được xúc tiến xuất phát từ ước mơ, từ khát vọng của mình, đâu có gì đáng dè bỉu, khinh khi? Vì bản chất của sự sống không chỉ cần phải duy trì những điều tốt đẹp đang có, mà còn luôn có xu hướng “tái sản xuất mở rộng” cùng nâng cao những điều đang có về phía tương lai một cách bất tận, càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt. Nên có thể nói rằng, nếu có điều gì đó đáng khinh khi, dè bỉu nơi hiện tượng hiếu danh trong xã hội ta, nội dung của nó ắt không thể nằm nơi nghĩa chữ danh vừa bàn.

3- Tại bài Đi thi tự vịnh của Nguyễn Công Trứ, có những câu như sau:

Đi không chẳng lẽ lại về không / Cái nợ cầm thư phải trả xong/ Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt/ Dở đem thân thế hẹn tang bồng / Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có DANH gì với núi sông / Trong cuộc trần ai, ai dễ biết/ Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.

Thấy rằng, câu 6 trong bài nơi đây: “Phải có DANH gì với núi sông” gần giống câu 11 trong bài Chí nam nhi nói trên, cũng của Nguyễn Công Trứ: “Phải có DANH mà đối với núi sông”.

Dù vậy, không làm hai chữ “danh” nằm nơi hai câu có nội dung nghĩa giống nhau. Vì chữ “danh” nơi đây không hàm nghĩa thành tích, công danh, sự nghiệp rực rỡ nổi trội được làm ra, sản xuất ra bởi một chủ thể nào đó. Mà có nghĩa là “tiếng tăm”. Là tình trạng được nổi trội, được truyền tụng ngợi ca, thán phục vang dội về “danh tính” khi người mang danh tính đang sở hữu một nhân vị giữa trời đất cùng một danh vị xã hội rỡ ràng như thế nào đó. Là hiện tượng một người được nhiều người hay cả một khung khổ cộng đồng người nào đó nhất loạt “rõ mặt”, biết tiếng, biết danh, biết tên họ vì những những thành tích giỏi giang “anh hùng” trong phạm vi hoạt động của mình như thế nào đó. Tức một người hay một cộng đồng người đang trở thành nổi tiếng, trở thành “sao” trong mắt những người hay những cộng đồng người còn lại.

Nhưng giả thử sự hiếu danh có mục tiêu là những nội dung vừa kể thì đã sao? Trong cuộc sống, luôn luôn muốn tiến tới mãi một trình độ nhân vị nhất định như thế nào đó giữa cõi đất trời cùng một danh vị xã hội càng ngày càng cao cả, nổi bật hầu có thể làm cho danh tính một chủ thể, một cộng đồng chủ thể nào đó nổi bật theo vì đã, đang hay sẽ có bao sự thành công rạng ngời rực rỡ chân chính được thu hoạch tương xứng so với những người, những cộng đồng người còn lại thì đã gây hại gì cho ai mà gọi là tật, là xấu?

Xin đọc đoạn ý kiến sau đây, nằm trong bài “Danh dự luận” của cụ Phạm Quỳnh, đăng trên báo Nam Phong vào năm 1919: “Dân ta là một dân rất hiếu danh, mà hiếu hư danh, tật đó dẫu người nông nổi xét xã hội mình cũng đủ biết. Từ trên xuống dưới, từ thấp chí cao, từ anh khố rách trong làng cố cầu cạnh cho được chức trương tuần phó lý để được người ta khỏi gọi là bố đĩ bố cu; cho đến bậc phú thương nơi thành thị thi nhau mà mua lấy tiếng ông bá ông hàn để ra mặt thượng lưu trong xã hội, cậu cả cậu hai luồn lót hàng chục hàng trăm để được gọi là thầy thông thầy phán, hết thảy đều như có cái ma lực nó run rủi, phải cố chuốc lấy chút danh tiếng hão mới mãn nguyện. Không có lòng danh dự mà có tính hiếu danh, thời dễ táng thất lương tâm. Quỵ luỵ khúm núm trước mặt người trên; châu tuần nơi quyền quý để cầu sự nọ, khấn việc kia, ví phải đập đầu xuống đất mà lạy cũng cam tâm … Xét cái danh dự phổ thông trong xã hội, cái danh dự hàng ngày hiển hiện ra trong cuộc giao tế, thời phải chịu rằng người mình ít có thật”.

Hóa ra, vấn đề đã rõ. Một cá nhân hay một cộng đồng người, nếu đang có tâm lý “hiếu danh”, luôn nung nấu khát vọng “thành danh”, “nên danh”, đạt nhiều thành tích “thực”, “đáng giá đồng tiền” trong cuộc sống, bằng chính sự “tài danh” đang có trong một lĩnh vực nào đó, thể hiện cụ thể ra được bằng những sản phẩm đạt chất lượng tương ứng, dù xuất phát từ động cơ cố tình “làm sao cho bách thế lưu phương/ trước là sĩ, sau là khanh tướng”, hay chỉ đơn thuần xuất phát từ lương tâm tự nội âm thầm của một nhân vị đang hiện hữu giữa và cùng nhiều nhân vị khác, thì chẳng có gì đáng chê bai. Còn nên khuyến khích, ngợi khen.

Sự hiếu danh, tính hiếu danh đáng chê bai, khinh khi, khi đối tượng nhắm tới của chủ thể chỉ là một cái “danh trơn”, một cái “tiếng trơn”, kèm theo những hình thức “vang danh”, “nổi tiếng”, “dậy tên dậy tuổi” giả ngụy, không có cái “thực” tương xứng nào làm cơ sở nhưng lại muốn thu nhiều cái thực “siêu lợi nhuận”, thậm chí “siêu kinh tế” nơi niềm tin, nơi tiền bạc …từ người khác về cho mình. Cụ Phạm Quỳnh viết nơi đoạn văn trên là “hiếu” cái “hư danh”. Tức là luôn mong có, đã và đang làm cho có một cái “danh”, là X hay Y thuộc một lĩnh vực tính chất gì đó, thậm chí là X2, Y2 nhưng chỉ là những X và Y rỗng những sự thực tương xứng.

Giống như một thẻ ATM lộng lẫy, rực rỡ và hoàn toàn chỉn chu về mặt mẫu mã, thậm chí cả về nguồn gốc cấp phát nhưng không hề có đồng xu thực nào trong tài khoản làm cơ sở giá trị “giàu có” cho người đang sở hữu lẫn người vừa xúc tiến sự trao đổi hay được tặng cho.

Giống như trường nọ đang có rất nhiều học sinh vừa không đủ điểm thi lên lớp. Vì háo danh, ham đạt bằng được cái danh, cái tiếng “Trường học chất lượng cao, thầy cô chất lượng tốt ”, sẽ được Hội đồng thi đua khen thưởng cấp trên xét chấm cho “200 điểm thi đua”, cấp bằng chứng nhận, giấy khen, được đưa tin ca ngợi truyền lan trên báo chí, tivi, hiệu trưởng sẽ được đi dự Hội nghị đăng đàn “nổ” thành tích, kinh nghiệm thi đua rình rang cho khắp nơi học tập…, đành phải kêu người lén lút gian giảo nâng điểm đậu toàn bộ, xóa bỏ sự thực kém dở đang có.

Nhiều kẻ học dốt, làm dốt từ đầu tới đuôi trong lĩnh vực hoạt động của mình, cũng cố chạy chọt hay được chạy chọt mua cho cái bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, thậm chí từ các nước tiên tiến trên thế giới nhằm đeo tòn ten, lắc lư nơi tên tuổi cùng mặt mũi của mình, chỉ để “lấy le”, hợp thời thượng một cách vô bổ.

Một kẻ chưa biết làm ra một truyện ngắn, một bài thơ đạt chuẩn tối thiểu. Nhìn thấy xưa nay nhiều nhà thơ chân chính luôn được cộng đồng xã hội tôn trọng, nể vì, quý yêu, truyền tụng, ngợi ca bằng ngôn từ dành cho những vật quý hiếm, thậm chí có thời đại còn được triều đình bổ dụng làm quan to, được nghênh ngang võng lọng vinh quy, dĩ hiển phụ mẫu, dương danh nhi hậu thế, đứng hẳn trong hàng “kẻ sĩ”, trở thành đấng “bề trên”, nghĩa là quá…sướng nên cũng cố chạy chọt, bất kể tiền chồng rượu vợ đang khốn khó miễn mua cho được cái gì đó có thể làm bằng khoe mình là một “nhà văn”, rồi thuê người chuyên nghề dịch vụ đăng tải tác phẩm thiếu chuẩn chất, ve vuốt, tán dương, thổi phồng, bốc thơm sực nức mùi, tìm cách có tên trong những ấn phẩm dày cộp nọ kia nhằm mong được lưu truyền “danh nhà văn” khắp đương thời, hậu thế, xưng “danh nhà văn” cả nơi cart visit, tìm dịp phát tán, “xuất bản” khắp nơi, thậm chí khắc ghi nơi bảng …mê-ca đặt ngay trên bàn giao dịch làm ăn…

Tất cả những trường hợp trên đều xuất phát từ tâm lý háo cái hư danh, vô tình hay cố ý thực hiện hành vi gạt gẫm, lừa phỉnh lòng tin, lòng nể phục, lẫn tiền bạc người đời, đôi khi cả chính mình, trông cũng có chút gì đó đáng tội, đáng thương. Dễ làm “mồi” cho những kẻ chuyên chạy áp-phe, kinh doanh mặt hàng hư danh thu lời riêng những cái vô cùng thực về cho bản thân, sau khi “nạn nhân” cũng từng bắt hay sẽ tiếp tục bắt nhiều người non lòng nhẹ khác làm nạn nhân cho những hư danh đang có nơi mình.
Sự đời nào có khó hiểu lắm đâu. Đối với mặt hàng hư danh hiển hiện bằng những hình thức như thế nào đó, hễ có nhiều người bán, ắt sẽ có nhiều người mua; có nhiều người mua, sẽ lại sinh tiếp ra nhiều người bán.

Mãi rồi ai cũng “tài danh”, ai cũng “thành danh”, ai cũng “nổi danh”, ai cũng có thể đang “bùng nổ danh tính tên tuổi” một cách dễ dàng.

Mà dễ dàng quá, cần gì đến cái “thực” nữa. Nên cái thực dần dần sẽ bị phôi pha tàn lụi suy thoái, bị khai tử ra khỏi ý niệm tự nhiên vốn có của mọi người. Giống như lần lượt theo thời gian có nhiều "cô khỉ" được ai đó ban cho “danh” hoa hậu. Rồi những “hoa hậu khỉ” tiếp tục lấy mình làm chuẩn ban tiếp “danh” hoa hậu cho những ai mà nó ưng chuẩn. Nếu tình trạng này kéo dài, tới lúc nào đó, những cô gái đẹp chân chính thứ thiệt sẽ bị khai tử hẳn ra khỏi ý niệm nằm nơi trí não của mọi người. Ngưỡng tiêu chuẩn về hoa hậu chỉ còn tương ứng tình trạng chung của một "cô khỉ". Thành ra, xu hướng tâm lý háo cái hư danh rất nguy hiểm. Nó đẩy ngay chính chủ thể cùng mọi người có liên quan rơi dần vào những giả tưởng, dẫn đến loạn tư duy, loạn ngôn ngữ, loạn hành động, loạn trật tự sinh hoạt ứng xử tự nhiên, trái hẳn muôn đời với đường lối thành danh, thành đạt chân thực nơi mọi hoạt động luôn lấy cái “thực danh”, đi ra từ sự “tài danh” nghiêm chỉnh làm đầu cho mọi phán xét và hành xử tiếp theo.

Thiện Nghĩa
Previous Post
Next Post