Đức hạnh làm người

Nói về luật lệ giao thông tức là nói đạo đức giao thông. Xưa, đức Phật đã có dạy đạo đức này, tức là giới cấm không cho hai vị Tỳ kheo đi song song trên đường. Tại sao vậy?

Ngày xưa đi trên đường mòn, chứ đâu có đường rộng lớn tráng đá trải nhựa như bây giờ, còn bây giờ chúng ta thấy tốc độ xe cộ chạy nhanh như gió. Hằng ngày chúng ta đọc báo chí, những tin tức về tai nạn giao thông đã đem đến sự đau khổ cho biết bao nhiêu người, có những người chết, có những người bị tàn tật, cụt tay, cụt chân. Một hậu quả thương đau của xã hội do tai nạn giao thông. Đó là do thiếu đạo đức giao thông mà đã để xảy ra những tai họa khủng khiếp cho con người, đem đến cho mọi người khổ đau, khổ mình và khổ người.

Cho nên khi học đạo đức của đạo Phật, thì khi lái xe ra đường, người ta phải thấy trách nhiệm, bổn phận đạo đức của mình, cẩn thận khi cầm tay lái. Khi uống rượu say thì nhất định không được lái xe, lái xe không chạy quá tốc độ làm chủ của mình. Nếu ai ai cũng thấy trách nhiệm, bổn phận của mình như vậy, thì ít có khi xảy ra tai nạn. Luật lệ giao thông có, theo những biển cấm các tài xế lái xe phải tuân theo luật lệ giao thông, không được chạy vào những chỗ cấm. Nơi ngã tư đường có đèn xanh đèn đỏ. Đèn đỏ chúng ta dừng lại, đèn xanh thì chúng ta chạy. Chúng ta đi đúng theo luật lệ giao thông, thì làm sao xảy ra tai nạn. Những luật lệ giao thông trên đây là đạo đức mà xưa kia đức Phật đã dạy. Thế mà người sau nói rằng đó là những giới nhỏ nhặt cần phải bỏ cho hợp thời thì thật là vô minh điên đảo.

Đây, đức Phật còn dạy chúng ta một đức hạnh nữa, một giới luật nhỏ nhặt nữa. Đức Phật đã cấm không cho đệ tử của Ngài leo cây, thế mà các Tổ cho giới này là giới nhỏ nhặt cần phải bỏ. Một người đệ tử của đức Phật mà leo cây thì còn thể thống gì, có khác nào là một con vượn, một con khỉ, nhưng khi lỡ tay té xuống chết hay bị gẫy tay, gẫy chân thì ai chịu khổ đau này?

Theo đức Phật nói: “Con người leo cây không có cây thang để trèo đó là một loài chúng sanh, một loài khỉ, vượn, chứ không phải con người”. Muốn sống đúng tư cách của con người thì phải sống đúng đạo đức. Muốn sống đúng đạo đức, trèo lên cây thì phải có cây thang, bắc thang trèo cây chúng ta thấy nó ít nguy hiểm hơn.

Lỡ chúng ta trèo cây, té xuống thì ai khổ và làm cho ai khổ, chắc chắn là chúng ta sẽ khổ, rồi gia đình, những người thân của chúng ta khổ. Nếu chúng ta trở thành người tàn phế nằm một chỗ, thì đó là chúng ta đã tự làm khổ mình, khổ người, và toàn là làm những người thân thương của chúng ta khổ. Đó là chúng ta “báo đời” cho những người khác, nếu lúc bây giờ chúng ta chết đi thì tốt nhất, nhưng nó không chịu chết thì mới thật là khổ.

Các con cũng nghe những người trèo cây mà có thể xảy ra tai nạn, đưa đến những sự đau khổ này không?

Ngày xưa đức Phật đã cấm chúng ta những điều này, là vì sự lợi ích cho chúng ta không làm khổ mình khổ người. Đó là đạo đức. Đạo đức để biến chúng ta từ một loài động vật để trở thành một con người thật sự. Cho nên muốn trèo cây, chúng ta phải bắc cây thang, trèo cây có cây thang ít nguy hiểm hơn là chúng ta ôm cây mà trèo như trên Thầy đã dạy. Một hành động nhỏ nhặt như vậy chúng ta không nên xem thường. Đó là đạo đức làm người, đó là thiện pháp mà đức Phật đã dạy chúng ta để ngăn ngừa những ác pháp, những ác pháp ấy có thể xảy đến cho chúng ta những tai nạn khổ ách. Đó là những điều của người cư sĩ cần phải học những đạo đức cụ thể, thực tế trong cuộc sống.

Bởi đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát từng việc làm, từng hành động tuy nhỏ nhặt nhưng sẽ mang đến cho mọi người một sự an vui và hạnh phúc chân thật.

Cái hiểu lầm của các bạn là tưởng tượng sự giải thoát của đạo Phật quá cao siêu, quá mầu nhiệm, vì thế mà từ xưa cho đến ngày nay không có ai làm được.

Trích Đường về xứ Phật VI
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post