Nỗi sợ hãi và sự cô đơn

Tôi tin với Schopenhauer rằng một trong những động cơ mạnh nhất để đưa con người đến nghệ thuật và khoa học là sự chạy trốn khỏi cuộc sống thường nhật với sự thô bạo đau đớn và sự buồn tẻ thảm thương của nó, khỏi các trói buộc của những ham muốn thay nhau bất tận của mình.

Từ khi có mặt trong cuộc đời này con người và muông thú luôn thường hữu nỗi sợ hãi. Vấn đề ở chỗ nỗi sợ hãi ấy được biểu hiện như thế nào. Có những nỗi lo sợ khiến người ta co vào trong sự khiếp nhược, nhưng cũng có những nỗi hiểm nguy khiến người ta vùng vẫy để đương đầu tự vệ, một mất một còn. Những con thú thừa biết chúng có thể hạ gục đối thủ nào và biết những kẻ thù nào nhắm đến chúng như một con mồi. Có một điều ta biết chắc là ông bà tổ tiên loài người không dậy chúng điều đó, tổ tiên của riêng chúng mới có thể kinh nghiệm cho chúng hoặc bản năng sinh tồn đã sẵn như vậy. Tôi không cố làm sáng tỏ những điều đã rõ mà tôi chỉ thấy tự nhiên luôn có những quy luật của mình.

Nhà thơ người Anh John Donne (1572 – 1631) đã có lý khi nói rằng: “Thiên nhiên không có mục đích dù nó có quy luật”. Đó là điều ta dễ đồng tình khi tự hỏi: “Con người sinh ra để làm gì?”, có câu trả lời như thế này: “Sinh ra để trải nghiệm”,... Vậy trải nghiệm để làm gì? “Trải nghiệm để tiến hóa”, Tiến hóa để làm gì?... cứ hỏi và trả lời như vậy ta sẽ hiểu rằng mọi thứ chỉ là vô nghĩa, để khi tồn tại rồi con người lại tìm cách tồn tại như thế nào? Mục đích tối hậu của tồn tại cũng chỉ là tồn tại như thế nào mà thôi.

Bạn có thể nói cùng tôi bạn sợ hãi điều gì nhất không? Có lẽ sẽ thiết thực hơn khi đặt vào một hoàn cảnh cụ thể. Lãnh đạo quốc gia thì sợ mất chủ quyền, kinh tế suy thoái, người công nhân thì sợ tai nạn lao động, nông dân thì sợ mất mùa, khi tham gia giao thông thì ta sợ tai nạn, khi đi ngoài trời sấm chớp thì bạn sợ sét đánh, khi bạn giàu có bạn lại sợ cướp bóc, tống tiền... Kể làm sao hết những nỗi sợ hãi của con người. Nhưng chung quy lại có hai điều sợ hãi mang tính bản thể luận: Đó chính là đau khổ về Thân và đau khổ về Tâm. Gọi chung là Phiền Não.

Nỗi đau khổ về Thân đến từ các cơ quan cảm giác bén nhạy truyền đến trung khu thần kinh, như là đói khát, gẫy chân, dao đâm, lửa đốt... Còn những đau khổ về Tâm lại đến từ cảm xúc với thất tình, lục dục mà Bụt đã nói rất cặn kẽ. Những cảm xúc vui vẻ, giận giữ, buồn bã, yêu đương, tủi nhục, khoái lạc,... diễn ra không như ý nguyện đều đưa con người đến sự đau khổ và phiền não. Không những thế, trong con người còn có một cảm giác Khó Chịu, nó vừa biểu hiện mang tính vật chất lại vừa mang tính tinh thần. Có người bạn nói với tôi: “Chẳng biết làm gì bây giờ, khó chịu quá!”. Tôi không lấy làm ngạc nhiên vì sự khó chịu này xuất phát từ sự bế tắc bên trong, có đôi khi con người ta không biết mình muốn gì và làm gì. Cảm giác này lơ lửng giữa hư vô và dục vọng. Và, để xóa tan không khí ảm đạm anh ta nhảy ra khỏi nhà, tìm một thú vui gợi ý trước nhất cho anh ta.  Nghĩa là dục vọng là cái đến sau sự nhàm chán và vô nghĩa nhất thời, để rồi chính nó lại đưa mỗi chúng ta vào vòng phiền não không có điểm dừng. Thậm chí dục vọng này lại nhằm bao che và tháo gỡ cho một dục vọng khác, kết quả là dục vọng không biết đủ, dẫn đến lòng tham vô đáy, dẫn đến những kết cục không bình an mà chẳng ai mong muốn.

Dục vọng còn đó là mầm mống của tội ác và nó khiến cho nỗi sợ hãi nhân lên gấp đôi: “Sợ bị mất và sợ bị trừng phạt”. Nhưng dù nói gì, hạnh phúc và khổ đau là những gì ta có được từ những nghiệm sinh đời người. Cái mà mỗi người hiểu hơn ai hết.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở đầu bài Cát Bụi như thế này: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi! Cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi”... Để rồi đến đoạn sau lại hiu hắt thở dài tiếc nuối: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về cát bụi. Ôi! Cát bụi mệt nhoài, tiếng vọng nào gõ nhịp khôn nguôi”. Quả thực, con người đến với cuộc đời đam mê và khát vọng bao nhiêu thì khi phải từ giã cuộc đời càng não nề và buồn bã bấy nhiêu. Nhưng quy luật vẫn là quy luật, chúng ta phải cam chịu sự thật phũ phàng này. Đúng là ta có được cuộc sống ta lại sợ cái chết, ta có hạnh phúc để sợ khổ đau, ta có giàu sang để sợ sự nghèo đói...

Cát bụi lại trở về cát bụi. Trong cuốn tiểu thuyết Và Khi Tro Bụi của Đoàn Minh Phượng kể về câu chuyện của một người phụ nữ đau khổ và cô độc khi cô mất đi người chồng yêu dấu trong một tai nạn giao thông. Từ đó, cô đã phó thác đời mình trên những chuyến tàu không mục đích. Một ngày nọ, cô bất chợt nhìn thấy một người đàn ông dáng vóc và khuôn mặt tựa người chồng quá cố của mình. Rồi cô òa khóc và sụp đổ thêm một lần khi nhận ra vết sẹo trên khuôn mặt ấy có một chút khác biệt so với chồng cô. Những ám ảnh của bóng hình xưa cũ vây kín lấy cô, tình yêu lại hóa thành đau khổ vô vọng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu người đàn ông đó giống người chồng của cô ấy như hai giọt nước thì sao? Cô ấy có bớt đau khổ hơn không? Hoặc, cô ấy có đủ can đảm để làm lại từ đầu? Giá mà trên đời này đàn ông nào cũng có khuôn mặt giống nhau, vóc dáng giống nhau, đời sống tâm hồn như nhau để lỡ mệnh hệ nào, mất bóng hình này còn có bóng hình tương tự để thay thế. Nhưng con người không phải cái máy được sản xuất hàng loạt, cái máy thì không cần biết nỗi cô đơn vốn thuộc về con người. Quả thực, chính nỗi cô đơn làm người ta thêm đau khổ. Sau cùng có thể nói, tất cả ước nguyện xuất phát từ dục vọng mà thôi. Ái dục dẫn ta chìm sâu trong những suy tư khôn nguôi và thực sự ta chưa biết cách hài lòng với những gì mình có, thế nên ta vẫn đau khổ triền miên.

Chẳng lẽ không còn phương án nào khác để thoát khỏi đau khổ ngoài cách lìa bỏ mọi ái dục, sống cuộc đời tu hành? Có điều tôi dám chắc là: “Người ta không sinh ra để tu” có chăng người ta tu để không muốn sinh ra (nghĩa là dứt khỏi luân hồi). Sự vô nghĩa này không có hồi kết.

Con người ta đã vin vào dục vọng để thoát khỏi nỗi Cô Đơn và sự Vô Nghĩa của tồn tại, nhưng vì không kiểm soát nổi dục vọng nên nó lại đưa con người đi từ đau khổ này đến phiền não khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu sau một đêm, tất cả đàn ông thức dậy đều đẹp đẽ, vạm vỡ, nhân hậu và thanh tú như nhau và đàn bà trên thế giới cũng đẹp như nhau, mọi thứ đều trẻ mãi thì thật tuyệt vời. Nhưng hoa thì nên có nhiều hương sắc, sự Nhàm Chán sẽ diễn ra nếu chỉ có một màu trắng nên tâm hồn con người cũng cần có sự khác nhau. Mong muốn này được nâng cấp từ mong muốn tương tự bên trên. Đó là vấn đề tâm hồn. Có sự màu nhiệm nào diễn ra như vậy chưa? Nếu có như vậy thì con người đã chẳng khổ đau như thế và tôn giáo cũng đã chẳng sinh ra. Mơ ước vẫn chỉ là mơ ước. Suy tư nối tiếp những suy tư, trăn trở này nằm bên cạnh trăn trở khác, tất cả lại dẫn ta vào mớ bòng bong của khát vọng không điểm dừng.

Nhưng con người đã làm nên các giống động thực vật biến đổi gen đấy thôi, đã can thiệp vào tạo hóa đấy thôi, ở góc độ nào đó con người cũng được xem là đấng sáng tạo, nói đúng hơn là con người có khả năng sao chép những quy luật của thiên nhiên theo cách của riêng mình. Nếu viễn cảnh Nhân Bản Vô Tính cho ra những thiên tài và hoa hậu được nhân loại ngưỡng mộ, thì nhân loại sẽ toàn là thiên tài và hoa hậu. Hẳn khi đó hai từ thiên tài và hoa hậu sẽ vô nghĩa. Có lẽ chỉ ở nước Chư Phật mới có sự màu nhiệm này, khi mà ai cũng có thân tướng giống nhau, lòng bác ái như nhau. Ôi! Tồn tại vẫn là tồn tại.

Tóm lại, trong mỗi chúng ta đều chất chứa đầy rẫy những nỗi sợ hãi, chẳng qua chúng ta không muốn nói ra, chúng ta tìm quên nó trong rất nhiều những dục vọng và xem đó là cứu cánh cho sự tồn tại vô nghĩa. Nhưng cứu cánh cuối cùng là chúng ta phải tự rèn cho mình Bản Lĩnh để chấp nhận sự thật như một thực tại khác quan: Sinh, Trụ, Dị, Diệt hay Sinh, Trưởng, Lão, Tử theo vòng tuần hoàn của vũ trụ. Tiến hóa cũng từ vô thường. Tất cả chỉ là Vô Thường mà đó cũng chính là Đạo.

NGUYỄN CÔNG CẢNH
Trích: Chân trời không có gì và mặt trời vẫn mọc...
Previous Post
Next Post