Về hội chứng 'hoành tráng' và 'kỉ lục Guiness' ở ta

Chẳng biết từ bao giờ các tầng lớp cán bộ và nhân dân xứ ta trở nên mê đắm các kỷ lục Guiness và khoái làm gì cũng phải đạt mục tiêu “hoành tráng”. Căn bệnh nguy hiểm này lây lan nhanh nhất trong các giới lãnh đạo các địa phương rồi thấm sâu luôn vào đầu nhiều ông bà Nghị tại Quốc Hội, thậm chí chiếm lĩnh được đầu óc một số thành viên Chính Phủ và trong nhân dân...

Có lẽ vì cái hội chứng tại hại ấy mà ở nước ta đã phát sinh ra cái bệnh “thành tích chủ nghĩa” rất hủ lậu, luôn thổi phồng các thành quả nhỏ xíu, dấu nhẹm các thất bại đớn đau, các vết thương lở loét, các thua thiệt khổng lồ…Tệ trạng này luôn luôn hiện hình trong các báo cáo tổng kết các phong trào thi đua của các đảng bộ, các ngành và các địa phương … Có lẽ vì cái hội chứng này mà chúng ta đẻ ra bao “dự án siêu khủng”, bao chương trình “hoành tráng”, bao “tác phẩm vĩ đại”, “lớn nhất lịch sử”, “dẫn đầu Đông Nam Á”“xứng tầm thế giới”, nêu gương sáng chói cho bè bạn gần xa…. Có lẽ vì hội chứng đó mà chúng ta mới có những kỷ lục Guiness ngớ ngẩn: cái bánh dày, bánh chưng, chai rượu, ly cà phê, cái trống gỗ, cái trống đồng, biễu tượng con Rồng … “to nhất thế giới” cùng những tượng Phật, ngôi chùa, trung tâm Phật học, các cây cầu, các đường hầm trên bộ, các đường cáp treo trên biển, trên núi …. dài nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, thậm chí “ngang tầm thế giới”

Nếu không sống tại Việt Nam, ở xa nghe đồn đại về các thành tựu “khủng” này, ai ai cũng ngỡ nước ta đã trở thành Rồng tứ tám hoánh nào rồi …

Ngay cả trên bình diện quốc gia, chúng ta đã thấy hiện ra những dự án vẽ voi, siêu khủng rất tương phản với cái sự nghèo đói mạt rệp của toàn dân, rất nghịch lý so với trình độ quản lý kinh tế - kỹ thuật vĩ mô, trình độ hiểu biết KHKT còn thua kém và lạc hậu của các cấp quản lý hữu quan trên cả nước (và có lẽ chúng mâu thuẫn khủng khiếp với chỉ số IQ của một số quan chức xuất thân thất học hoặc chỉ toàn học …giả). Đó là những dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, làm đường sắt cao tốc, làm MTR, chế tạo vệ tinh, xây dựng các Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn kinh tế biển, trung tâm đóng tàu lớn nhất thế giới (như kiểu Tập đoàn Vinashin!), rổi các nhà máy luyện nhôm, các mỏ khai thác bauxite ở Tây Nguyên…. Nhiều khi người ta phải tự hỏi phải chăng trong thực tế cả nước chúng ta đang cùng nhau diễn lại cái tích ngụ ngôn “con ếch muốn to bằng con bò”[*]!

Hàng chục năm nay, dù dân còn nghèo, Ngân sách cho từng địa phương rất khiêm tốn, ngân sách Nhà Nước bên trên còn hạn hẹp, nhiều hộ dân đói, nhiều gia đình chưa thoát chuẩn nghèo song người ta vẫn khoái đua nhau mở các Lễ hội tưng bừng, vung tiền làm lắm chuyện hỡi ơi, cốt sao người trong nhà “khoái tỷ” vì được tiếng là dám chơi trội, chơi bạo, còn người ngoài thì phải quay cổ ngoái nhìn, phục lăn, phục lác cả mắt…( hoặc ngỡ ngàng lồi cả mắt!)

Lễ hội ờ bất cứ nơi đâu cũng phải đạt mục tiêu hoành tráng, long trọng, hơn hẳn nơi khác và đạt mức chi bạo liệt ghê hồn… (?!) Hết lễ hội cà phê, cà chua tới lễ hội gốm sứ, hết lễ hội trái cây lại lễ hội đánh bắt cá tôm, rồi thì lễ hội hoa Đà Lạt, lệ hội pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội cung đình Huế, lễ hội các làng xã, lễ hội các tôn giáo, các liên hoan ca nhạc, phim ảnh… Lễ hội nào củng chi phí tốn kém hàng chục triệu đô la Mỹ, tiêu phí hàng chục hàng trăm tỳ đồng. Gần đây nhất lễ hội Ngàn Năm Thăng Long kéo dài cả 10 ngày, chi phí đạt kỷ lục tốn kém nhất trong … lịch sử, nghe đâu mất hàng chục ngàn tỷ đồng, người nước ngoài nhìn thoáng qua tưởng dân ta sướng quá, nước ta giàu quá nên “hơi bị hâm” đua nhau vung tiền bày đặt ăn chơi như công tử Bạc Liêu ngày trước.

Tổng kết công tác tồ chức lễ hội Nghìn Năm Thăng Long, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ Tịch UBND thành phố Hà Nội còn đầy thích thú và tự hào nói: lễ hội đạt mục tiêu trang trọng và hoành tráng!

Thực tình mà nói, ở cương vị người dân thường, chúng tôi thấy cả hai mục tiêu đạt được nói trên đều là chuyện vô nghĩa, vô bổ, hình thức, khoe mẽ, nặng tính ngớ ngẩn, huênh hoang, sĩ diện dởm của một anh nhà nghèo cố gồng mình lên chứng tỏ cho thiên hạ biết mình là một tay chơi thực thụ …

Cứ thử tính mỗi lễ hội tiêu phí bao nhiêu tiền công quỹ, vỗ béo cho những ai và đạt hiệu quả kinh tế - chính trị - xã hội gì cho các địa phương thì chúng ta sẽ nhận ra ngay cái sự thiếu tính toán khoa học của các nhà tồ chức cũng như cái bệnh lãng phí của công, xài tiền chùa vô tội vạ, cái thói lợi dụng đục nước béo cò, tranh thủ vơ vét theo “tư duy nhiệm kỳ” … rất đáng lên án của những thành viên và hệ thống chuỗi rễ bên dưới của các Ban tổ chức lễ hội…

Chỉ nhìn lại 10 ngày lễ hội Nghìn năm Thăng Long chúng ta thấy ngay chúng ta thu hoạch được những gì: Cả thành phố tràn ngập cờ, băng rôn, khẫu hiệu, lồng đèn…đỏ rực nhìn nhức cả mắt, che hết vẻ đẹp dịu dàng và thanh thoát của kiểu dáng kiến trúc dân tộc và nên thơ của phố cổ, phố Tây cũ…Các khu phố suốt ngày điên khùng vì tiếng nhạc tiếng loa, ầm ào như chợ vỡ, lộn xộn vì hiện đại chẳng ra hiện đại, cổ điển chẳng ra cổ điển, cách mạng càng không cách mạng, trữ tình thì lại càng không trữ tình… mà chỉ là một thế giới âm thanh hổ lốn hỗn tạp lố lăng tra tấn lổ tai du khách…Các công trình công cộng lớn đầu tư biết bao tiền bạc như các các bồn hoa, vườn hoa, luống cỏ trang trí cầu kỳ thì chỉ sau vài giờ bị phá tan hoang, bị xả đầy rác, hoa bị bẻ bị vặt, cỏ bị xéo nát, nhiều chổ chỉ còn trơ đất lầy… Cảnh tượng đô thị chẳng khác nào khu vườn hoang bị cày xéo nát bươm…Nhà bảo tàng vừa khai trương thì đã bị phá, bị trộm cắp các hiện vật, các trang thiết bị đắt tiền. Đại lộ Thăng Long vừa khánh thành đã bị tháo dỡ hệ thống chiếu sáng, gỡ tôn rào chắn, mặt đường nhựa lượn sóng, ổ gà ổ voi xuất hiện khắp nơi, lại thêm rác rưởi, xà bần đổ vô tội vạ…nhìn mà đau xót muốn chảy máu mắt.

Trước lễ hội, dân Hà Nội gốc ở nội thành phải lo sơ tán về các vùng xa để tránh sự lộn xộn. Còn ngay trong các ngày lễ hội thì người người chen chúc, kẹt xe kẹt đường tùm lum, trộm cắp lưu manh đua nhau ra tay khua khoắng …làm cho bao người dân khốn khổ. Hàng triệu người đổ về phố cổ nhỏ bé, tiêu tiểu loạn xạ, các cửa hàng đua nhau chặt chém họ để quơ tiền. Chỉ một chuyện gửi xe mà cũng làm đau buốt đầu óc người dân, giá giữ xe trên trời: từ 20.000đ/lượt vọt lên 50.000đ và có chổ tới 100.000đ/lượt gửi. Bà con ở các vùng sâu vùng xa về dự lễ hội bị móc túi, bị nắn bóp phũ phàng…Pháo hoa chưa bắn đã nổ bung trời, làm thiệt mạng cả các chuyên viên kỹ thuật nước ngoài đang lo chuẩn bị thật tốt cho buổi lễ…

Lễ hội qua rồi, người dân Hà Nội thở phào vì “thoát nạn” và mong sớm được trở về nếp sống làm ăn an lành, hiền hòa, im lặng và quy củ, trật tự, sạch đẹp như xưa…

Rõ ràng lễ hội Nghìn năm Thăng Long là một lễ hội tiêu phí quá nhiều tiền mà vô ích và vô bổ, gây xáo trộn cả nếp sống của hàng chục triệu con người.

Đã đến lúc dân ta đòi phải tiết kiệm chi tiêu, dành dụm tiền bạc đầu tư vào các công trình cụ thể phục vụ thiết thực cho việc cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng sống của các đô thị như tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các gia đình chính sách đang còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, tập trung tiền bạc và của cải để xây dựng thêm nhiều nhà thương, trường học, nhà dưỡng lão, nhà vệ sinh công cộng… cải tạo và nâng cấp đường sá, cải tạo hệ thống cấp điện, cấp nước và thoát nước, xử lý rác thải và tu bổ, gìn giữ tốt các công trình văn hóa, các công trình công cộng…

Hãy mạnh dạn xóa bỏ hội chứng điên khùng sĩ diện, dởm đời ganh đua đòi “đi tắt đón đầu” dùng mọi thủ đoạn ma mãnh để vượt mặt người ta. Hãy từ bỏ các thói xấu chuộng hình thức, huênh hoang, vô trách nhiệm, vung tay “tiêu tiền chùa” lợi dụng nhiệm kỳ tại chức nhằm vơ vét cho đầy túi tham vô độ. Hãy học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch một cách thiết thực bằng cách tổ chức làm việc chí công vô tư, ra sức tiết kiệm, chống ăn cắp, tham nhũng, xa hoa lãng phí, cải cách hành chính thật tốt để người dân khỏi bị hành hạ và bị ép buộc phải đút lót các cán bộ, công chức mới lo êm các thủ tục giấy tờ…

Muốn vậy, tất cả các quan chức từ thấp đến cao phải biết rằng mình sống nhờ tiền chu cấp của dân, phải hết lòng làm việc tốt cho dân, phải đối xử tử tế với dân và phải tự giác và tình nguyện làm tròn vai trò “đầy tớ của dân” chớ không phải là kẻ đè đầu cưỡi cổ dân, tha hồ hạch sách và bóp nặn dân miển sao gặt hái được nhiều tiền…còn thì mặc cha thiên hạ!


[*] “Con nhái muốn to bằng con bò”- Thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine, người dịch Nguyễn Văn Vĩnh

Con nhái nom thấy con bò,
Hình dung đẹp đẽ, mình to béo tròn.
Nhái bằng quả trứng tí hon.
Lại toan cố sức bằng con bò vàng….
Previous Post
Next Post