Dùng tưởng tu tập

LỜI PHẬT DẠY
“Này các Tỳ Kheo, có mười sáu tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh. Thế nào là mười sáu tưởng?

1- Tưởng bất tịnh
2- Tưởng vô thường
3- Tưởng chết
4- Tưởng khổ trên vô thường
5- Tưởng vô ngã trên khổ
6- Tưởng đoạn tận
7- Tưởng ly tham
8- Tưởng đoạn diệt
9- Tưởng vô ngã
10- Tưởng nhàm chán trong các món ăn
11- Tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới
12- Tưởng xương trắng
13- Tưởng trùng ăn
14- Tưởng xanh bầm
15- Tưởng nứt nẻ
16- Tưởng trương phồng

Này các Tỳ Kheo, mười sáu tưởng này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh”.
(Tăng Chi Kinh tập 4 trang 380)

CHÚ GIẢI:

Trong pháp tu hành của Phật, chúng ta được phép dùng tưởng để tu tập. Nhưng chúng ta phải hiểu khi dùng tưởng có ích lợi về việc ly dục ly ác pháp trên thân tâm của chúng ta, chứ không phải dùng tưởng xuất hồn, tưởng hào quang, ánh sáng, tưởng Nhân điện, tưởng Khinh công, Khí công, Nội công, tưởng Phật Tánh, tưởng Cực Lạc, Thiên Đàng, tưởng thế giới siêu hình, tưởng trí tuệ Bát Nhã tánh không, tưởng Chân Không diệu hữu...

Pháp tưởng của Phật dạy là một loại tưởng có như thật. Ý thức không thể thấu suốt quá khứ và vị lai, nó chỉ xác định được trong hiện tại. Vì thế, nó không thể chỉ có lấy thời gian hiện tại mà xác định được vô thường của các pháp. Muốn xác định được sự vô thường của các pháp, thì phải lấy thời gian hiện tại và quá khứ của mọi vật mà so sánh. Cho nên, muốn biết được thân vô thường thì chúng ta nhớ tưởng về thân quá khứ (bằng tưởng thức) mà so sánh lại thân hiện tại (bằng Ý thức). Nhờ đó chúng ta mới nhận ra thân chúng ta có nhiều sự thay đổi. Sự thay đổi ấy là sự vô thường.

Cho nên, mới gọi là tưởng thân vô thường. Có nghĩa là ngay trong hiện tại thân chúng ta thường thay đổi liên tục từng sát na đi qua (trong từng giây). Tưởng vô ngã, tưởng chết... tưởng xương trắng, tưởng trùng ăn, v.v.. đều dùng tưởng uẩn mà quán xét như trên đức Phật đã dạy thì chúng ta sẽ thấy các pháp vô thường, vô ngã, bất tịnh, ... như thật.

Những loại quán tưởng đức Phật đã dạy trên đây là những loại quán tưởng các pháp thấy như thật, chứ không phải là những loại quán tưởng mơ hồ, ảo giác, trừu tượng như kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông phát triển dạy.

Những loại quán tưởng này dùng tưởng uẩn để quán xét sự thật của kiếp người, khiến cho chúng ta thấu suốt và thấy rõ bản chất thật của các pháp trên thế gian này. Nhờ đó, chúng ta không bị chúng lừa đảo và mê hoặc.

Mười sáu đề mục quán tưởng trên đây, nếu chúng ta chịu khó tu tập, làm cho tích tập, làm cho sung mãn thì có lợi ích rất lớn cho cuộc sống của chúng ta, nó giúp cho thân tâm được an lạc và hạnh phúc. Và cuối cùng, tâm có thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm cứu cánh.

Trên đây là lời Phật dạy, các bạn có tin chăng? Nếu các bạn tin thì các bạn cứ quán tưởng theo từng đề mục, khi đề mục này có kết quả thì các bạn quán tưởng đến đề mục khác và cứ tu tập như thế cho đến viên mãn 16 đề mục thì các bạn sẽ thấy tâm tham, sân, si của các bạn không còn nữa, chừng đó các bạn đã nhập vào bất tử tâm định.

Sự quán tưởng 16 đề mục trên đây là để tu tập Định Vô Lậu. Định Vô Lậu là một loại định quán tưởng tuyệt vời để đi đến chứng Thánh quả A La Hán. Xin các bạn lưu ý: Vì pháp quán tưởng này dùng để tâm nhàm chán các pháp thế gian và nhờ đó mới diệt ngã xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp hoàn toàn, chứ không như pháp môn của Đại Thừa và Thiền Tông dùng tưởng pháp (thấy các pháp như mộng, như huyễn) để tránh né và để ức chế tâm cho hết vọng tưởng, cuối cùng rơi vào định tưởng (chẳng niệm thiện niệm ác), mà tâm chẳng ly tham đoạn ác pháp.

Qua 16 đề mục quán tưởng để tâm nhàm chán, nhờ có nhàm chán tâm mới xa lìa tham, sân, si mạn, nghi. Theo pháp quán tưởng này các bạn cứ suy ngẫm lại có đúng không? Chúc các bạn thành công tốt đẹp trên pháp hành này.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post