Nhân quả

Trong kinh Phật dạy: “Con người sanh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả và chết đi về nhân quả”. Bởi con người không rõ luật nhân quả nên cứ mãi trôi lăn, muôn đời, muôn kiếp trong sanh tử luân hồi, mà không biết lối thoát ra khỏi nhân quả.

Người hiểu biết nhân quả, luôn luôn giữ gìn từng hành động của thân, miệng, ý, làm thiện với mình, với người, chẳng hề làm một điều ác nào cả, để mình không khổ và người khác không khổ.

Theo luật nhân quả, người làm thiện, khi chết sẽ sanh nơi thiện, hưởng được phước báo đầy đủ, sanh ra trong gia đình giàu có, muốn chi được nấy. Họ lại được học hành đến nơi, đến chốn, và được nuôi dạy trong môi trường đạo đức, sống toàn thiện và tạo thêm phước đức cho đời sau nữa. Ngược lại, kẻ không hiểu luật nhân quả, thường không giữ gìn thân, miệng, ý, nên thường làm điều ác, tạo khổ cho mình, cho người, sống quãng đời hiện tại luôn luôn khổ đau, bất an, bất toại nguyện .. Sau khi thân hoại, mạng chung, họ sẽ sanh vào nơi bất thiện, hưởng quả báo nghèo cùng, khổ đau, bệnh tật, tai nạn, đói khát, thiếu cơm ăn, áo mặc. Họ sống không nhà cửa, vất vưởng, ngủ hè, ngủ chợ, không được học hành, sống trong môi trường thiếu đạo đức, nên càng ngày càng làm điều ác hơn, tạo nhiều nhân quả xấu, và đời sống lại càng khổ đau hơn.

Sống trong môi trường ác nghiệt như vậy, họ lại tạo những điều cực ác hơn nữa, và như vậy khi thân hoại, mạng chung, chết phải đọa và những cảnh khổ hơn, làm người bần cùng, hoặc sanh vào những loài thú vật, côn trùng, vv...

Bậc tu hành sanh ra cũng như mọi người, từ nhân quả mà sinh ra, và cũng sống như mọi người. Họ cũng ăn, uống, ngủ, nghỉ, nói, nín, sinh hoạt, hoạt động. Họ sống trong nhân quả, và chết cũng như mọi người, già cả, yếu đuối, bệnh tật và tử vong; nhưng họ không trở về nhân quả!

Có lẽ quý vị hiểu rằng một người tu chứng, làm chủ sanh tử luân hồi không bao giờ có tai nạn, bệnh tật, già, chết đến với họ? Thật ra, trước khi tu hành, chưa đắc đạo thì các vị ấy vẫn sanh ra như bao nhiêu người khác, vẫn mang thân nhân quả như tất cả chúng ta. Thân nhân quả là thân vô thường, có vui, có buồn, có tai nạn, có bệnh tật, có sân hận, có si mê, có ganh tị, có tỵ hiềm, có nghi ngờ, có tật đố, có san tham và có già chết như bao nhiêu người khác. Bậc tu hành, dù đã chứng đạo, vẫn còn phải mang thân xác nhân quả đó, thì mọi sự kiện vô thường của thân nhân quả không thể tránh được các khổ đau ấy.

Thân của Đức Phật cũng vẫn bị nhân quả, vô thường chi phối như bao nhiêu người khác. Vì thế mới bảo rằng luật nhân quả rất công bằng, và công lý, không nễ mặt một ai. Cho nên trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng đau và Ngài bảo ông A nan: ‘Ta đau lưng quá, hãy trải chỗ cho ta nằm”.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post