Đập tan những ảo tưởng: Tình yêu gia đình

Liệu thật sự có tồn tại trách nhiệm của cha mẹ với con cái và trách nhiệm của con cái với cha mẹ?

Tôi dùng câu hỏi này để làm cánh cổng chính đi vào nội dung mà tôi sẽ trình bày về tình yêu trong gia đình. Và rằng tình yêu gia đình là một trong những dạng biểu hiện của tình yêu đã bị bóp méo đi nhiều nhất ở xã hội ngày nay. Nào hãy cùng bắt đầu!

Các bạn nghe xã hội nói đến cả chục tỉ lần vào lỗ tai rằng: "Cha mẹ đã nhọc công sinh thành và nuôi nấng chúng ta nên người, do vậy những đứa con dù hiếu thảo hay không phải là đứa có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ!" Các bạn thấy luận điệu này có lý ngay lập tức phải không? Và hiển nhiên cho nó trở thành tư tưởng gốc dẫn dắt mọi hành động hiếu thảo và trách nhiệm của mình đúng không?

Nếu đúng thì đó là chuyện của các bạn, và tôi thấy câu chuyện đó khá là bi thảm. Còn nếu như xã hội lảm nhảm những thứ đó vào tai tôi thì tôi sẽ vặn lại xã hội rằng:

Cha mẹ sinh ra tôi vì được các người boa tiền hay sao mà các người lại gọi đó là “nhọc công”? Sinh ra tôi hay không là sự lựa chọn của cha mẹ chứ!

Nếu việc sinh ra một đứa con được gọi là một “công lao” của cha mẹ thì việc ý thức về cái công đấy xuất hiện từ giây phút “động phòng hoan lạc” hay là sau khi sinh nở đau đớn để rồi tự cho rằng mình làm được điều vĩ đại?

Ai bắt ép cha mẹ phải nuôi tôi thành người để rồi khi tôi “chẳng may” khôn lớn thì cha mẹ hay xã hội lại cho đó là cái công to số 2 rồi mong đợi tôi đền đáp? Nuôi nấng tôi hay không cũng là lựa chọn của cha mẹ chứ! Cha mẹ có thể hoàn thành “công lao” số 1 và bỏ tôi vào rừng được mà, rồi “công lao” số 2 ấy sẽ dành cho một bà mẹ Người Vượn nào đó.
Các bạn hãy thử suy nghĩ xem từ khi nào một việc người ta lựa chọn thực hiện lại là một cái công lao vậy? Nếu thế thì một ngày tôi lập được cả tá công và nếu tôi yêu cầu tất cả đền đáp thì giờ chắc tôi đã chết vì kiệt sức khi suốt ngày phải đi nhắc nhở mấy cái bát rằng: “Liệu mà trả ơn tao đã rửa mày thật sạch nhé con!” hoặc là cà ràm với cái xe máy kiểu như: “Tao mà không sửa thì mày tiêu đời vì chuột cắn rồi con ạ, nhớ lấy!”

Rõ là nực cười! Cha mẹ kiểu quái gì khi sinh con ra đời lại coi đó là một cái công, nuôi con khôn lớn lại cho đó là điều gì đáng hãnh diện, để rồi phát sốt cả lên khi biết mình vô sinh và thấy làm nhục nhã khi đứa con bé bỏng lỡ vào tù ra tội có mấy chục lần.

Tỉnh dậy đi những ông bố bà mẹ!! Các người không sinh hạ và nuôi nấng đứa con vì trách nhiệm đâu, các người không có trách nhiệm gì với đứa bé hết. “Trách nhiệm” chỉ là một từ mĩ miều đã được xuyên tạc đi từ một cái tôi hèn mọn có một quả tim bé tí xíu. Thứ duy nhất khiến các người giữ đứa bé ở lại và nuôi nấng nó thành một cái gì đó dễ thương theo cách gọi của các người đó chính là TÌNH YÊU.

Tình yêu là thứ khiến các người dù có chửa hoang đi nữa cũng không mảy may có ý định phá thai, dù có đau đớn tột cùng lúc sinh nở vẫn nguyện cầu cho sinh linh bé nhỏ được ra với thế giới và chẳng quan tâm rằng mình còn sống được sau sinh không, dù có khó khăn, cực khổ cỡ nào cũng dành cho đứa con sự chăm sóc tốt nhất có thể và dù nó có chẳng đoái hoài gì đến các người sau này vì nó còn bận ngồi tù bóc lịch thì các người vẫn một mực thương yêu nó và luôn mong nó sẽ có quãng thời gian ý nghĩa đằng sau tấm song sắt lạnh lẽo cùng những người bạn “hổ báo” mới. Các người chỉ xứng đáng được gọi là những BẬC cha mẹ khi các người yêu thương trọn vẹn đứa con bằng cả trái tim và linh hồn mình. Tình yêu sẽ vinh danh các người chứ không phải xã hội khốn nạn ngoài kia!

Đừng lôi chữ “trách nhiệm” ra để mà gây áp lực và làm khổ nhau. “Trách nhiệm” là một trong những sợi dây xích êm ái nhất nhưng cũng bỉ ổi nhất mà xã hội tròng lên cổ những kẻ làm cha làm mẹ để rồi họ lại tròng tiếp lên những đứa con đáng thương của mình khi nói về truyền thống báo hiếu cao đẹp của dân tộc. Các bạn có hình dung ra một cảnh toàn nô lệ với đầy xiềng xích nặng nhọc đang nối đuôi nhau lết từng bước nặng nề trên sa mạc không? Tại sao cha mẹ không dạy con cái về tình yêu? Dạy nó cách yêu thương thông qua việc thể hiện tình yêu của chính cha mẹ với nó? Cha mẹ tài giỏi thật sự là cha mẹ để cho tình yêu dẫn dắt mọi hành động của mình, và một đứa con trưởng thành thật sự là đứa con biết trân trọng cuộc sống mà nó đang mang và trân trọng người đã dẫn nó vào đời với trái tim nhân từ và trí tuệ ngời sáng.

Hẳn chúng ta ai cũng làm con, vậy chớ để chữ “trách nhiệm” làm lu mờ đi cái đáng giá hơn là tình yêu với cha mẹ. Hãy khôn lớn vì tình yêu dành cho cha mẹ, hãy chăm lo cho cha mẹ vì tình yêu dành cho Người. Và nếu không thể khôn lớn hay không thể phụng dưỡng cha mẹ được thì tối thiểu đừng quên rằng: Bạn yêu thương cha mẹ! Vì yêu thương là tất cả những gì bạn có, là cốt tủy của bạn. Chỉ cần đừng đánh mất tình yêu với mẹ cha là đủ. Và giả rằng bạn có đánh mất đi chăng nữa, bạn cũng không hề có lỗi! Vì việc không nhìn được ra tình yêu luôn ở trong tâm hồn mình chỉ vì những tư tưởng hay cảm xúc tiêu cực che mắt không phải là lỗi của bạn! Chưa trưởng thành không phải là lỗi!

Nói đến đây thì các bạn hẳn cũng đã hiểu những mong đợi của cha mẹ với con cái thật sự xuất phát từ đâu. Nó xuất phát từ chữ “trách nhiệm” xảo quyệt đó! Và bây giờ, nếu không còn ám ảnh về bất kì “trách nhiệm” nào mà ở đó chỉ lấp đầy toàn tình thương yêu thì hẳn rằng sẽ chẳng có mong đợi nào cả. Tình yêu không mong đợi đền đáp vì nó luôn đủ đầy và xinh đẹp. Sự đủ đầy mang đến những phúc lợi, sự tận hưởng cũng như chữa lành, còn gánh nặng trách nhiệm mang đến căng thẳng và sức ép phải hoàn thành. Cha mẹ không hề hình dung được họ tàn nhẫn đến mức nào khi đặt lên vai đứa con một thứ nặng nề mà lại sặc mùi vô lí đến vậy. Và đứa con cũng chẳng thể hiểu được nó đã ngốc nghếch đến mức nào khi nhận lấy cái bị gạch đó chỉ vì nó đã quen thói vâng lời người khác từ lúc mới lọt lòng.

Sinh đứa con ra, đó là lựa chọn của cha mẹ. Giữ nó lại và nuôi nấng nó, đó cũng là quyết định của cha mẹ. Và dù rằng nó có tham lam, vòi vĩnh, quấy nhiễu suốt cả một đời làm con thì việc nuông chiều, dung túng hay dạy cho nó một bài học, thậm chí bỏ rơi nó cũng do cha mẹ nắm phần quyết định. Các người chỉ có thể lựa chọn tiếp tục đồng hành cùng đứa con hay không, chứ không có quyền ép nó làm bất kì điều gì mà các người muốn. Vậy nên cha mẹ có thể mong đợi điều gì ở con cái? Ha, chẳng có cái chết tiệt gì mà mong đợi cả. Ngoan ngoãn ư? Học giỏi ư? Khôn lớn ư? Báo hiếu cha mẹ ư? Tán đổ một thằng đẹp giai và dắt nó về làm chồng rồi sinh cho ông bà một thằng ku nối dõi ư? Ngu xuẩn! Đó HOÀN TOÀN là việc của đứa con và tất cả những việc ấy HOÀN TOÀN nằm ngoài tầm với của các người. Giống như anh đang mải mê ở trên bãi cát và đắp hình nàng tiên cá có bộ ngực bự thì anh không bao giờ có thể kiểm soát được chuyện đứa con có đang sờ ngực một cô tiên thật nào không khi nó đang vẫy vùng dưới biển, mà biển đó lại ở gần một hòn đảo không có trên bản đồ! Đấy! Vậy mà biết bao đời nay, các đấng sinh thành ra sức tạo vòng vây cho con cái, rồi khi không kiểm soát được những đứa con của mình thì bắt đầu cấm đoán và rồi cấm không được nữa thì từ mặt con. Có lẽ người lớn đã quên cách làm một đứa trẻ rồi!

Vậy cha mẹ nên thực sự làm gì với những đứa con? Ồ không, trước khi làm gì với những đứa con thì họ phải làm gì với chính bản thân mình đi đã. Vì rằng một người cha người mẹ khi không đứng ở một nơi sáng tỏ để hiểu mình và hiểu những cơ chế tinh vi khốn nạn mà xã hội áp lên mái ấm của họ thì cha mẹ ấy sẽ chẳng giúp gì được cho những đứa con bé bỏng tội nghiệp cả. Điều duy nhất mà cha mẹ cần làm là hãy trở nên trưởng thành, rộng mở về tâm thức để đủ khả năng làm kẻ dẫn dắt, người đồng hành cho những đứa con bé nhỏ khi chúng bỡ ngỡ bước vào cuộc đời đầy rối ren nhiễu loạn này. Những đứa con cần cha mẹ là vì chúng quá yếu đuối để có thể đứng vững ngay lập tức trên đôi chân của mình khi ở cái tuổi sữa mẹ còn chưa cai được.

Bậc làm cha làm mẹ hãy thôi ảo tưởng về sự sinh nở và nuôi dưỡng của mình với đứa con để rồi áp đặt và kì vọng vào chúng đi. Bạn dạy chúng nên người vì bạn thương yêu con chứ không phải vì cho rằng bạn thương yêu chúng. Hãy nhìn cho thật kĩ! Vì tình yêu và sự tự do luôn đi đôi với nhau. Nói trắng ra là hai trạng thái năng lượng cao sẽ luôn song hành. Nên đừng có già mồm ngụy biện rằng: “Vì mẹ thương con nên mẹ mới bắt con ăn, ép con học và cấm con có người yêu khi còn đang mài đít trên ghế nhà trường!” Các bạn chỉ đang thể hiện sự ngu dốt của mình mà thôi. Chỉ khi nào cha mẹ trưởng thành thật sự thì họ mới biết lắng nghe những nỗi lòng sâu thẳm của đứa con và thay vì áp đặt, họ biết định hướng cho chúng một con đường cần cho sự phát triển của chúng nhất.

Vậy còn con cái, chúng nên làm gì khi ở trong gia đình? Hay nói cách khác là chúng nên làm một đứa con như thế nào? Câu trả lời là làm một đứa con trưởng thành thay vì một đứa chỉ biết vâng lời. Và rằng để trưởng thành được chúng phải trải nghiệm, phải va vấp và phải học hỏi. Mà ta lại không thể không nhắc đến tầm quan trọng của cha mẹ trong những năm tháng đầu đời của đứa trẻ trong việc định hướng cho con cái cách nhìn nhận và đối diện với cuộc sống. Một cha mẹ mê lầm sẽ có khả năng cao dẫn đứa con đi vào ảo ảnh. Một cha mẹ thức tỉnh hẳn sẽ nắm phần thắng trong việc đưa đứa con đi trong ánh sáng. Đó, cha mẹ định đoạt việc trưởng thành đứa bé đến mức vậy đó! Những năm tháng đầu đời, đứa con sẽ không thể chủ động trưởng thành và khôn ngoan được, nó rất cần cha mẹ hay ai đó hướng dẫn, đây là thời gian nó hấp thu (có thể nói là mọi loại) kiến thức! Đây sẽ là quãng thời gian nền móng cho đứa trẻ phát triển theo chiều hướng như thế nào sau này. Một nền móng không vững chãi sẽ không thể đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của căn nhà!

Đành rằng lúc thơ dại đứa bé đặt vận mệnh của mình vào tay cha mẹ, nhưng khi lớn lên, khi biết suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề rồi, thì câu chuyện trở thành người trưởng thành hoàn toàn nằm trong tay đứa trẻ. Cho dù những năm tháng thơ ấu, đứa trẻ đó không hẳn đã có được một sự dẫn dắt tốt nhất từ cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể tự bắt đầu lại và trở nên khôn lớn được. Vậy nên những đứa con không thể đổ lỗi cho cha mẹ rằng đã không thức tỉnh được như những ông bố bà mẹ khác để chỉ dạy cho mình đến nơi đến chốn khiến bây giờ nó phải khổ sở vật vã hơn trong cuộc sống, thậm chí gặp rủi ro cao hơn những đứa trẻ “con nhà người ta” kia trong việc bị xã hội đồng hóa. Điều duy nhất mà đứa con cần làm là bắt đầu vào công cuộc trưởng thành ngay khi có thể. Trưởng thành này tương đương với việc làm thính đôi tai, mở rộng trái tim và khối óc của chính mình.

Nói tóm lại, cha mẹ và con cái là mối quan hệ rất đặc biệt và có ảnh hưởng lớn lao trong cuộc đời mỗi người. Việc xã hội tiêm nhiễm những quy tắc ứng xử “vẻ ngoài thánh nhân bên trong quỷ dữ” vào đầu những thành viên trong gia đình đã gây nên khốn khổ, bất mãn cho biết bao thế hệ. Vì một xã hội thối nát cần những tế bào gia đình thối nát để giữ nó tồn tại. Và việc tiêm một chút dinh dưỡng thối nát vào trong hệ thống gia đình là điều cần thiết và vô cùng xuất sắc mà xã hội ngày nay làm được! Ha, nhưng mà tôi rất tiếc khi phải nói rằng thời thế đang thay đổi rồi. “Thối nát” không còn phù hợp với xu hướng sống năm nay và nhiều năm sau nữa! Vậy nên kẻ nào thuận theo thời thế thì sẽ tồn tại, còn kẻ nào cố chống lại tự nhiên kẻ đó sẽ bị đào thải (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)! Đã đến lúc nhìn ra bộ mặt cáo già “xinh đẹp” của xã hội này rồi! Đã đến lúc cha mẹ trở nên đúng là cha mẹ thay vì tên quản ngục, đứa con trở nên đúng là đứa con thay vì nô lệ rồi! Hãy là một tế bào gia đình thức tỉnh, lấp lánh, hấp thụ và sản sinh tình yêu, thay vì tọng vào đầu những thối nát, đen tối của những định kiến và tư tưởng xã hội đầy gian manh, xảo quyệt khiến chẳng mấy ai buồn kiểm chứng!

Chào thân ái những ông bố bà mẹ và những đứa con!

Previous Post
Next Post