Chúng ta vẫn chỉ là một loài động vật

Đó là câu nói của một giáo sư khoa sinh cách đây hai năm mà cho đến giờ, nó vẫn thôi thúc tôi đi tìm một lời giải đáp…

Hầu hết trong chúng ta ai nấy đều thấy rất khó khăn để thừa nhận bản thân mình chỉ như một loài vật khác trong xã hội. Chúng ta không dám đối mặt với thực tế rằng có tới 96% đặc điểm trong cơ thể mình cũng có thể xuất hiện ở lợn hoặc ngựa, hay DNA của chúng ta có tới 97% giống loài khỉ đột và 98,4% giống hệt với tinh tinh. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cách đọc bài bản các danh từ trong tiếng mẹ đẻ đi kèm với đại từ chỉ giống của nó. Ví dụ như sử dụng từ “quả + tên riêng” để gọi tên một loại hoa quả nào đó như quả cam, quả táo, quả mít; dùng “cái + tên riêng” để chỉ đồ vật như cái áo, cái tủ, dùng cái mâm; và sử dụng từ “con” để chỉ động vật như con trâu, con chuột, con… NGƯỜI.

Như vậy, dù hữu ý hay vô tình, trong tiềm thức, chúng ta vẫn không thể nào phủ nhận sự thật: chúng ta là một loài động vật và cũng không thể sống trên một hành tinh khác ngoài Trái Đất.

Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất giữa con người với loài vật khác là khả năng tư duy và làm theo kế hoạch. Các loài vật khác có thể chống chọi được với hoàn cảnh là dựa vào gen di truyền trên não bộ của chúng và bắt chước cách hành động. Chúng không biết suy nghĩ. Chúng chỉ đối phó lại mà thôi.

Thực tế, mọi người đều chấp nhận và thừa nhận rằng các loài vật đều hành động theo bản năng. Cách hành xử bản năng này rất dễ nhận thấy như: chim hót líu lo, ếch kêu ộp ộp, chó ghếch chân lên tè và mèo thì tinh ranh quan sát con mồi. Nhưng đó không phải là cách ứng xử trí tuệ. Rất nhiều người thấy khó khăn khi liên hệ giữa cách hành xử này với những ứng xử bình thường của họ. Thậm chí, họ còn tảng lờ đi hành vi đầy bản năng thuở chào đời của họ như là khóc toáng lên và bú sữa mẹ.

Bất kể cách hành xử chúng ta được thừa hưởng là gì, tích cực hay tiêu cực đều là sự kế thừa từ cha mẹ giống như ở loài vật. Khi loài người thừa nhận bản thân mình là một loài động vật, được phát triển qua hàng triệu năm trong quá trình tiến hóa, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được những ham muốn thôi thúc từ bản năng. Để rồi chúng ta không ngại ngần chấp nhận sự tương đồng cố hữu đó.

Mặc dù không thể phủ nhận rằng chúng ta là những cá thể không pha trộn, nhưng đôi khi chính vì thế, chúng ta trở nên quá cô lập trong cách thể hiện bản thân. Ý thức khiến chúng ta học- hỏi- hiểu cách che giấu những tâm tư, cảm xúc điên rồ và bột phát sau bộ mặt cuộc đời ta. Ví như việc đi “đường vòng” khi đáp lời tỏ tình của một chàng trai, luôn tươi cười để không ai biết mình đang lo lắng, hay làm dáng trước bạn khác giới trong lần đầu gặp mặt,… Tất cả điều đó được gói gọn sau những gì không bao giờ thuộc về bản năng.

Bạn biết không?

Có một điều ước ao sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thật. Đó là muốn mình bé lại, muốn được ngây ngô, được sống đơn giản với những gì ta nghĩ. Những thứ vụng dại một thời không thể quay trở lại. Cũng như con người bản năng của chúng ta không bao giờ tồn tại mãi mãi. Có những thứ trinh nguyên, hồn nhiên trong tâm hồn chỉ hiển hiện trong những cái “tôi” đầy bản năng. Và đó chính là điểm mấu chốt để dẫn tới hạnh phúc đích thực.

Hạnh phúc đích thực không phải chỉ là được sống thật với chính lòng mình thôi sao?

Previous Post
Next Post