Văn hóa ăn nhậu

Có lẽ khó ai trả lời được câu hỏi tại sao “văn hóa nhậu” lại phổ biến và trở thành bình thường “chuyện thường ngày ở huyện” bất kể ở nông thôn hay thành thị, với người giàu hay người nghèo?

Ông bà ta ngày xưa có câu: Khách đến nhà không trà thì rượu. Ngày xưa uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt, người ta uống đúng nơi, đúng chổ, đúng lúc. Thì đây là một nét văn hóa mang đậm chất của người phương đông, một nét văn hóa không thể thiếu được.

Còn ngày nay người ta thường nhậu lúc nào?

Vui- nhậu, buồn- nhậu, bạn bè lâu ngày gặp nhau- nhậu, bàn kế hoạch kinh doanh- nhậu, chuẩn bị một phi vụ làm ăn- nhậu, kết thúc phi vụ làm ăn - cũng nhậu...

Sáng có không ít người đã lai rai, trưa nhậu là bình thường, tối nhậu là phổ biến. Nhậu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến đêm... Cơ quan, doanh nghiệp triển khai công tác đầu năm xong phải có tiệc, sơ kết, tổng kết cũng phải có tiệc. Tiệc mà không có rượu bia thì không phải là tiệc. Đám cưới phải có rượu bia, đám tang cũng không thể thiếu bia rượu. Sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng... của con, của cháu, nhưng bố mẹ, ông bà lúc nào cũng phải ngà ngà men say. Có lẽ tìm một lý do để không ăn nhậu mới là việc khó.

Những con số biết nói này chúng ta nên suy nghĩ. Theo con số thống kê năm 2013, người Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tăng 10% so với năm ngoái; ước tính giá trị trên 3 tỉ USD. Trung bình mỗi người Việt uống 32 lít/năm. Việt Nam là nước đứng thứ 25 trên toàn thế giới, là nước nằm ở tốp đầu của Châu Á, là nước số 1 trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia.

Xét về mặt kinh tế, tiêu thụ bia nhiều như vậy là có lợi, tạo được việc làm cho nhiều người, nguồn thu ngân sách nhà nước từ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này cũng đạt khá. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, sức khỏe, thì các con số “biết nói” ở trên đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm về phong trào, thói quen ăn nhậu nhiều của người Việt.

Việc ăn nhậu có ảnh hưởng gì không?

Theo thống kê, 60% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây chết người, bị thương nặng ở nước ta, là có liên quan đến yếu tố bia, rượu. Cơ quan chức năng thống kê được trên 70% số vụ xô xát, gây gổ, đến đâm chém nhau, dẫn đến phạm tội của đối tượng thanh - thiếu niên từ thành thị đến nông thôn, cũng có liên quan đến rượu bia. Các chuyên gia tính toán, 3 tỉ USD của người Việt dùng để uống bia trong 1 năm bằng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm.

Nhìn sang nền kinh tế của Hàn Quốc sẽ thấy. Diện tích, dân số họ nhỏ hơn ta, nhưng GDP gấp 10 lần nước ta. Tất cả là từ trí tuệ, sức lao động, cần kiệm của con người mà ra.

Tôi nghĩ chính những người chi tiêu hoang phí, đặc biệt dùng tiền vào ăn nhậu là những người đáng trách nhất. Nếu ra một chiến dịch khảo sát về khoản chi cho ăn nhậu của người Việt Nam chắc chắn chúng ta sẽ không khỏi rùng mình trước khoản tiền quá lớn đó. Mặt khác, quỹ thời gian mà họ bỏ ra để lê la trong quán nhậu là quá khủng khiếp. Cũng từ đó không biết bao nhiêu người vợ phải chịu cảnh đòn roi, ngược đãi của những ông chồng vũ phu, bạo lực khiến gia đình ly tán. Đó là còn chưa kể là lại tốn phí cho việc chăm nuôi những con bệnh gút, gan, tim... Vô hình trung những con người rượu bia đã tạo ra một thứ văn hóa “xôi thịt, ăn nhậu xô bồ”.

Previous Post
Next Post