Văn hóa tiêu dùng hay thị hiếu đám đông?

Với tâm lý sính ngoại, không ít người tiêu dùng hiện nay đua theo những trào lưu mua sắm xa xỉ với những giá trị ảo hào nhoáng bên ngoài chứ không phải ở chiều sâu văn hóa tiêu dùng. Và khi Tết đến, xuân về điều này càng rõ hơn bao giờ hết...

Từ “ăn chắc mặc bền” đến “lấy thương hiệu khẳng định phong cách”

Cách đây không lâu, sau khi phỏng vấn 10.502 người tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á- Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông về vấn đề tiêu dùng, Tổ chức tín dụng quốc tế MasterCard Worldwide, đã công bố kết quả khảo sát mà trong đó, về ưu tiên cho ăn uống và giải trí, Việt Nam đứng đầu với 86%, tiếp đó là Hàn Quốc 78%, Hồng Công (Trung Quốc) là 75%. Và Việt Nam cũng đứng đầu về tiêu dùng không toan tính với 63%, trong khi Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a cùng là 59%...

Bên cạnh đó, theo công bố của Tổ chức Quỹ kinh tế mới (NEF) thời gian gần đây, Việt Nam xếp thứ 5 về chỉ số hạnh phúc (HPI).

Có thể nói, đã qua thời “ăn chắc mặc bền”, ngày nay, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn cho hàng hoá từ bình dân đến xa xỉ. Thế nên, xu hướng tiêu dùng “lấy thương hiệu khẳng định phong cách” từ giới thu nhập cao đang chuyển sang giới tiêu dùng trẻ, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu. Họ sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho những mặt hàng “độc” nhằm thể hiện cá tính và sự khác biệt trước đám đông như điện thoại di động, xe hơi, các mặt hàng công nghệ đều phải thể hiện cho được đẳng cấp của người chủ, cho dù đôi khi công năng sử dụng... không thực sự cần thiết.

Khuynh hướng bắt chước lối sống và cách hưởng thụ của thanh niên các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản có xu hướng tăng, nhưng lại chỉ bắt chước phần giá trị ảo, chứ không phải ở chiều sâu văn hóa. Cách hiểu này kết hợp với thói ích kỷ, sĩ diện, kiểu lối trọc phú và học đòi, a dua theo đám đông... vốn còn ẩn tàng trong tâm lý tiểu nông tư hữu có cơ hội trỗi dậy, nhiều người đã phóng chiếu các thói tật này bằng việc chạy theo một số kiểu lối hưởng thụ được cho là thời thượng, và tự cho mình có được cái “ quyền” hưởng thụ... lạc quan đó.

Người Việt Nam chinh phục hàng Việt Nam

Khảo sát thời gian gần đây cho thấy, 80% ý kiến người tiêu dùng nước ngoài tại Việt Nam đều thích dùng hàng Việt. Ngược lại, nhiều ý kiến của người tiêu dùng trong nước lại tỏ ra không hài lòng về hàng Việt bởi so với sự “bủa vây” của các mặt hàng phổ biến như “hàng Tàu” về chất lượng, mẫu mã và thời trang thì chúng ta không... theo kịp.

Tuy nhiên, có một điều được khẳng định, đó là những mặt hàng “ Made in Việt Nam” - (hàng xuất khẩu, hay còn gọi là hàng công ty) đang dần có chỗ đứng khi người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng.

Ở một góc độ khác, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, người dân vẫn thích dùng hàng ngoại. Tuy nhiên, “sính ngoại” không hoàn toàn xuất phát từ tâm lý của người tiêu dùng. Còn nguyên nhân sâu xa hơn của xu hướng tiêu dùng ấy, đó là các nhà sản xuất Việt Nam cũng không kém phần... sính ngoại?!

Họ chỉ quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước, thị trường có dân số lớn thứ 13 trên thế giới. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng chưa thực sự nêu gương trong tiêu dùng hàng nội địa. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc người Việt chưa thực sự quan tâm dùng hàng Việt. Các nước thì họ xâm nhập thị trường của chúng ta, còn chúng ta thì đi chinh phục nơi khác. Đấy là chưa kể một ý nghĩa sâu xa hơn là trước hết, nền kinh tế phải phục vụ chính đồng bào của mình.

Ông Dương Trung Quốc chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng, giờ đây, chúng ta nên vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chính là chất lượng của hàng Việt Nam. Và chúng ta thấy hoàn toàn có khả năng. Hiện nay, trong nước có rất nhiều hàng hiệu. Ra nước ngoài, chúng ta tìm mua hàng hiệu ở những nơi xịn nhất, những nơi sang trọng nhất, nhưng cuối cùng đó lại chính là hàng do người Việt Nam sản xuất ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn sống trong giá trị ảo nhiều quá”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xây dựng văn hoá tiêu dùng hàng Việt Nam, nước ta bên cạnh việc cần có một chiến lược cạnh tranh với các nước để giành ưu thế, trước hết ngay trên sân nhà, bằng việc sản xuất các sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam thì một thái độ tiêu dùng tôn trọng, yêu mến hàng hoá Việt Nam của chính người tiêu dùng Việt Nam là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Và điều đó phụ thuộc vào tôi, bạn, chúng ta!

* “Trong tiêu dùng, Việt Nam có một đặc điểm rất quan trọng của nông nghiệp trồng lúa nước đó là trọng danh. Người Việt sống trong cộng đồng muốn mình ngang nhau, mà thực chất ai cũng muốn mình hơn người khác. Ai cũng háo hức khoe giàu - thực ra chưa giàu tới mức đó, nhưng vẫn cố tỏ ra giàu.

Vì háo danh nên đua đòi (văn hóa nông nghiệp là thấy ai làm gì mình cũng bắt chước, trong khi văn hóa công nghiệp là tính toán, cân nhắc).

Trong thời đại tiếp thị theo kiểu “xài hàng hiệu là khẳng định mình” - thì nhiều khi những người chạy theo hàng hiệu là những người còn thiếu một phẩm chất nào đó, hay đúng hơn, thiếu bản lĩnh”.
Viện sỹ - GS.TS Văn hóa Trần Ngọc Thêm

* “Điểm đặc biệt của nền kinh tế mới nổi, nhất là ở nước vừa mở cửa là nói chung, là những người mới có khả năng tiêu dùng, thanh toán, thường lẫn lộn hai khái niệm: Trị giá và giá trị. Họ coi những món hàng có mức giá cao thể hiện chân giá trị cao.”
Nhà xã hội học - kinh tế học Tôn Thất Nguyễn Thiêm

Uyên Na
Previous Post
Next Post