Một lần đi viện

Mấy ai trong đời không một lần vào viện. Nhức đầu hắt hơi sổ mũi thì có thể nằm nhà làm vài viên thuốc hoặc nồi lá xông, còn bệnh nặng thì phải lo vào viện gấp nếu không muốn sớm gặp các cụ cao tằng cố tổ của dòng họ. Nói như thế nghĩa là không ai thích vào viện trừ trường hợp không thể không vào. Tân vốn sợ bệnh viện. Mỗi lần phải vào đấy khám bệnh hoặc thăm người thân đau ốm là y cắm cúi đi thật nhanh. Cái mùi bệnh viện, Tân thường gọi như thế, là cái mùi tổng hợp của nước tẩy, bông băng cồn, thuốc men… Thêm vào đó là tiếng rên la kêu khóc cùng với những khuôn mặt đau khổ, lo âu thẫn thờ và thấp thoáng là những bóng người mặc áo blouse trắng bước đi vội vã. Ở đây không có chỗ cho những người vô cảm. Trước hoạn nạn, nếu có thể nói như thế, con người với con người trở nên thân thiện, gần gũi dù trước đó họ chưa hề gặp nhau trong cõi đời mênh mông này.

Lần ấy, Tân đau thắt lưng phải vào viện, đang ngồi ở hành lang chờ đến lượt vào khám thì có tiếng lao xao… Một ông lão độ ngoài 70 ốm yếu, khó nhọc nhích dần một bàn chân bị liệt trên chiếc nạng có 4 chân, sau lưng là một bà lão gầy đét bị liệt cả hai chân và phải có hai người xốc nách gần như kéo lê trên sàn. Khi đi ngang qua trước mặt y, đột nhiên bà lão nói với người đàn ông đi trước giọng nhỏ nhẹ nhưng có vẻ ra lệnh:

- Anh tránh ra, không em đá cho một phát là… văng ra sân ngay!

- Em có giỏi thì… chạy thi với anh – Người đàn ông hổn hển đáp lại.

Rồi họ cùng cười khe khẽ. Cả hai chắc không phải cùng một gia đình, có lẽ họ biết nhau vì cùng là khách quen của khoa Đông y, nơi đến hẹn lại lên của những người già: tai biến méo mặt méo mồm, liệt chân, liệt tay, thoái hóa xương khớp, huyết áp, tiểu đường biến chứng… Một thế giới toàn những người hình hài xộc xệch đi đứng xiêu vẹo, vậy mà… Tân không nghĩ là tiếng nói vừa được nghe là của hai bệnh nhân này. Y cảm thấy xấu hổ. Y còn trẻ và bệnh của y so với những người này chỉ là cái ghẻ ngứa trên da vậy mà y cứ than vắn thở dài như là mình đã đến ngày tận số. Xung quanh y còn biết bao nhiêu hoàn cảnh éo le, bệnh tật đầy ra vậy mà họ vẫn lạc quan yêu đời như ông bà lão kia chẳng hạn… Ở đây bao nhiêu con người là bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận. Có người nằm viện, ngày ngày con cháu hầu hạ cơm canh sốt dẻo, nhưng cũng có người chỉ đủ tiền mua gói mì tôm qua bữa thui thủi một mình, đau nhức không biết kêu ai. Điều giống nhau giữa họ là ai cũng có bệnh mà đã bệnh thì cũng đều khổ như nhau, không ai đau thế cho ai, có khác chăng chỉ là sự an ủi về tinh thần.

Ở khoa Đông y này, bệnh nhân hầu như quen mặt biết tên nhau cả vì quanh năm suốt tháng họ quẩn quanh ở đấy, vào viện rồi ra, ra rồi lại vào như cơm bữa. Phòng Tân nằm có mươi giường, toàn già lão hom hem, y là bệnh nhân mới và trẻ nhất phòng. Cạnh giường y nằm, một lão nông bị tai biến liệt nửa người, chỉ có bà vợ già ngày ngày chăm nom cơm nước giặt giũ. Hỏi con cháu đâu sao không thấy ai vào thay, bà bảo nhà có hai thằng con trai nhưng chúng nó đi làm ăn xa, khó khăn lắm không lẽ hở tí gọi về, thôi thì cố được ngày nào hay ngày ấy, khi nào… đột nhiên bà thở dài rồi bỏ lửng câu nói… Tân biết bà không dám nói đến điều tồi tệ nhất dù muốn hay không muốn, sớm muộn gì cũng phải xảy ra không ai tránh được. Có lần bà tâm sự với y rằng ông bà không muốn con cái khó xử, chúng nó đã có gia đình riêng, nếu lo bên nội thì cũng phải lo bên ngoại, không được bên trọng bên khinh, như thế mới phải đạo, mà chúng nó làm gì đủ sức lo, lương công nhân ba cọc ba đồng, lại xa xôi cách trở… Tốt nhất là tự lo cho mình, khi nào không còn lo được nữa hẵng hay, người già có ăn uống là bao, chỉ có khoản thuốc men là tốn kém. Ông lão nằm đây mới mươi ngày mà tiền thuốc men đã tốn gần triệu bạc nên bà phải bán đi bầy gà mái đang đẻ và vay mượn thêm chút ít. Nếu ông lão còn nằm lâu dài thì bán nốt lứa heo con rồi sẽ tính tiếp… Tân để ý thấy mỗi bữa ăn bà chỉ dám mua một hộp cơm, hoặc bì cháo, cho ông ăn xong còn lại bà mới vét nốt. Chao ôi! Cả một đời làm lụng vất vả chạy ăn từng bữa, giờ đau ốm nằm xuống lại chạy thuốc từng ngày. Có người nói thời trẻ bán sức để kiếm tiền còn về già thì lại lấy tiền mua sức khỏe, nhưng với ông bà lão này thì đã bán sức cả đời rồi mà về già vẫn không có tiền để thuốc men. Nhìn dáng bà lão liêu xiêu dìu ông lão đi lại trong phòng mà chạnh lòng thương cho tuổi già bệnh hoạn neo đơn. Cứ vài hôm bà lão lại nhờ y “trông” hộ ông lão để tạt về xem nhà cửa vườn tược thế nào dù bà đã gởi hàng xóm rồi nhưng vẫn không yên tâm. Mấy lần, người nhà Tân mang đồ ăn, thức uống vào y đều đem mời ông bà, ông thì không nói được, nhưng còn bà nhất quyết không nhận dù y có nói thế nào. Vì vậy, nhân lúc bà về nhà, Tân đã đem trái cây, sữa… bỏ vào túi cẩn thận rồi để trên đầu giường ông nằm. Khi trở lại phòng phát hiện ra túi quà, bà thắc mắc, y bảo có cậu thanh niên nói giọng Quảng (quê ông bà ở Quảng Ngãi) xưng là cháu ở quê lên nghe tin ông đau vào thăm… Vậy là bà phải nhận nhưng cứ băn khoăn: Không biết đứa cháu nào vậy cà? Mà sao nó biết ông bịnh? Tân bảo có lẽ nó đến nhà nghe hàng xóm nói nên vào đây thôi. Bà ậm ừ… Lần khác thì Tân lại nhờ mấy cô y tá đưa quà và bảo của Hội Từ thiện tặng bệnh nhân nghèo. Bà cảm ơn nhưng có vẻ áy náy. Người già, người nghèo hay mặc cảm, nếu ta không khéo dù có ý tốt cũng dễ làm họ tủi thân.

Chiều chiều, những người bệnh nhẹ hay ra ghế đá hóng mát, trò chuyện. Ngồi cùng với Tân là một giám đốc và một thầy giáo đã nghỉ hưu. Ông thầy giáo bảo y: Về già thì ai cũng lắm bệnh, có những bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm được, phải chấp nhận sống chung với nó cho đến khi nó không thể hành hạ mình được nữa, mà cũng không lâu đâu… Nói xong ông cười: Có lần tôi đi chữa răng, anh nha sĩ nói làm cho cái răng tốt dùng đến 50 năm chưa hỏng, tôi bảo phí quá, chỉ cần cái răng dùng được trong vòng 10 năm thôi! Những chuyện như thế này tôi đều có thơ cả. Đây, tôi đọc cho chú và anh nghe mấy bài thơ mới làm. Nói xong, ông lôi trong túi áo ra mấy tờ giấy học trò ghi chi chít bằng bút bi và bắt đầu đọc. Tân không nhớ nguyên văn, nhưng nội dung của những bài thơ đại khái nói về đời người sao mà chóng vánh quá, thoắt ngoảnh lại đã sắp đến bờ rồi, bao nhiêu dự định chưa kịp thực hiện… Hoặc nói về những hơn thua được mất ở đời ngẫm ra chỉ là phù du, vậy mà sao con người lại hăm hở lao vào như con thiêu thân rồi tranh giành chém giết thù hận lẫn nhau, rồi có bài nói về lẽ sống ở đời, về nhân tình thế thái… Ông giám đốc gật gù: Nhân tình thế thái nghĩ buồn lắm ông ạ. Khi đã về hưu tôi mới chợt nhận ra bài học vỡ lòng này: Những người có năng lực thường tự trọng, không khúm núm ba hoa và sống rất tình nghĩa. Vậy mà không hiểu sao khi còn làm việc, tôi ít tin dùng họ mà lại đi tin và nâng đỡ những đứa mồm mép nhưng bất tài, chỉ được cái suốt ngày kề cận, chu đáo trong việc quà cáp điếu đóm. Khi tôi về hưu thì những đứa mà tôi tin tưởng lại là những đứa quay lưng sớm nhất, cả năm chẳng đứa nào thèm đến chơi nhà. Tệ hơn, có đứa tình cờ gặp mặt, không tránh được, nói dăm ba câu xã giao rồi lãng đi. Thật không ngờ! Ông thầy giáo chen vào: Chuyện đó có gì lạ, khi anh đương chức có nhiều thứ cám dỗ, anh biết tất nhưng khó từ chối lắm. Anh nào lại không muốn nhà cao cửa rộng, vợ con xúng xính… mà tiền, quyền thì lại trong tay! Anh không biết tận dụng cơ hội thì đợi đến lúc nào nữa?! Rồi hàng ngày liệu có yên được với vợ con? Còn liêm khiết ư? Không khéo bây giờ còn bị coi là… hâm (nghĩ mà buồn!). Cái vòng danh lợi cong cong ấy dễ mấy ai thoát được. Còn nói chuyện sướng khổ ở đời thì vô cùng, nhìn bên ngoài thì tưởng người này sướng hơn người kia, chỉ khi chúng ta tìm hiểu kĩ hoặc khi họ tự nói ra mới biết thực tế không phải như vậy, chẳng qua là họ khéo che đậy… Mà thôi, bây giờ ở tuổi chúng ta sức khỏe là trên hết, chẳng nên băn khoăn nghĩ ngợi gì cho mệt, chỉ mong được sống vui, sống khỏe… chết nhanh để khỏi làm phiền người thân. Con cháu có thương mình đến mấy nhưng phải phục vụ người bệnh nằm một chỗ ngày này sang ngày khác lại già cả hay khó tính gắt gỏng, liệu chúng có còn kiên nhẫn để không vô tình thốt ra câu gì đó làm sứt mẻ tình cảm? Nói tóm lại, chết nhanh là trời thương mình, thương con cháu, là cái phúc cuối cùng của một kiếp người. Có ông nọ ăn tối xong lên giường ngủ một giấc rồi chẳng bao giờ thức dậy nữa. Thế là chết sướng, còn nằm vật vạ thối cả da thịt rồi ra đi trong đau đớn, ấy là chết khổ mà dân gian thường cho là số trời hành. Nói vậy thôi chứ không ai có thể chọn cho mình cách chết trừ những người cố tình đi tìm cái chết. Mà tâm lí chung là càng già lại càng ham sống sợ chết. Chỉ có đám trẻ choai choai thì không biết sợ chết là gì, chúng lao vào những trò chơi nguy hiểm đánh cược cả tính mạng. Chao ôi! Làm sao chúng hiểu hết hạnh phúc nhất của một người mẹ khi sinh con ra là được nghe tiếng khóc oe oe chào đời và trong ánh nhìn đầu tiên thấy con mình hình hài lành lặn. Rồi sau bao nhiêu tháng năm nuôi nấng vất vả, chăm chút để hình hài bé bỏng ấy nên da nên thịt vậy mà chúng nỡ phá đi. Thật đau đớn hết sức! Đến bao giờ thì con cái mới thấu được nỗi lòng của bố mẹ?

Trời tối dần, mọi người lần lượt về phòng. Bà lão vẫn kiên nhẫn ngồi cạnh ông lão như mọi hôm. Thấy Tân vào bà quay sang nói nhỏ: Mai tôi xin cho ông ấy ra viện chứ nằm đây tốn kém quá mà bệnh ông lão thì còn lâu mới hồi phục được. Về nhà tôi có thể vừa trông nom vườn tược vừa chăm ông lão, có gì thì sang nhờ hàng xóm. Tân không biết phải nói với bà thế nào, y hỏi bà có cần báo cho con cái biết không, cho số điện thoại y sẽ gọi giúp. Bà bảo ông nằm đây bà đã không gọi, giờ về nhà gọi làm gì để chúng thêm lo, bà cũng cẩn thận dặn mấy người quen rồi, con cái có điện hỏi thì cứ bảo ông bà vẫn khỏe mạnh, vẫn còn sức làm vườn để chúng yên tâm mà làm ăn. Rồi bà cảm ơn y đã giúp đỡ vợ chồng bà trong thời gian ông nằm viện… Tiếng còi xe cứu thương chạy vào cổng. Lại một bệnh nhân cấp cứu, không biết có qua khỏi không? Cũng là chuyện thường ngày ở đây, kẻ vào người ra, kẻ còn người mất, đấy là quy luật của muôn đời, không ai có thể sống mãi được. Sống thọ không có nghĩa là không chết mà chỉ là chết chậm hơn người khác mà thôi. Mặt đất này như một sân khấu lớn, mỗi người một vai bước ra đấy và diễn rồi sau đó sẽ lần lượt theo nhau lui vào bóng tối mãi mãi, lại một thế hệ khác kế tiếp… cứ thế cho đến ngày trái đất tận chung! Trong quỹ thời gian hạn hẹp của đời người lại rất đỗi vô thường này, sao con người không biết nối vòng tay lớn vui vẻ thân thiện mà cứ ganh ghét và tìm mọi cách hãm hại nhau để làm gì cơ chứ?! Có ốm đau nằm viện, chứng kiến biết bao cảnh đời, bao nhiêu cái chết thương tâm mới thấy những chuyện chạy lăng xăng tranh giành đấu đá ở ngoài kia thật mê muội đáng thương. Âu cũng là nghiệp chướng! Quả thật, trước cái chết mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Có khi nào giữa dòng đời hối hả bạn chợt nhận ra sức mạnh của điểm dừng? Mà có loanh quanh thế nào, rồi cuối cùng cũng phải vào đây nằm để nghe nhịp thời gian chầm chậm rơi như từng giọt nước truyền dịch kia đang thấm dần vào cơ thể. Có lẽ đến lúc đó người ta mới thấm thía ý nghĩa của sự sống, của phận người mong manh sương khói và khi giật mình thì ôi, tiếng muôn trùng dường nghe như đã…

Ngoài kia, lại một tiếng còi xe cứu thương hối hả…

Previous Post
Next Post