Pháp hướng tâm

Pháp hướng tâm như thế nào? Pháp hướng tâm là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính, giải thoát của đạo. Pháp chân chính giải thoát của đạo là gì? Pháp chân chính giải thoát của đạo là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra đều hiểu biết rõ nó là vô thường, khổ, và không có thực thể bản ngã trong đó; do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết, không còn có cái gì tồn tại. Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như thật, thì dùng Pháp hướng mà nhắc tâm như vầy:

1. “Cái tâm từ đây về sau không được kiến chấp các duyên là thật, mà phải thấy nó vô thường, khổ, vô ngã". Nên không còn phiền não, đau khổ trong tâm không còn nữa.

2. “Các duyên tan hợp theo nhân quả, diễn biến luân hồi nên không có thực thể bản ngã, toàn là vô thường, khổ, vô ngã. Vậy từ đây về sau cái tâm không được chấp duyên là ngã, mà hãy bỏ xuống đi, không còn được giận hờn, phiền não, đau khổ."

3. “Đời sống của con người là duyên tan hợp của nhân quả, cho nên không có bản ngã chân thật, toàn là vô thường và đau khổ. Vậy từ đây cái tâm phải bỏ xuống, không được chấp cái ta nữa, vì chấp cái ta là tạo thêm đau khổ và ác pháp trong tâm”.

4. “Ai theo các duyên nhân quả, tạo ác, là phải thọ lấy cái quả khổ, ta không dại gì đem khổ vào thân. Từ nay, cái tâm hãy bỏ xuống đi để được an vui, thanh thản”.

Các con hãy cố gắng động não, triển khai những trí tuệ nhân quả, duyên tan hợp để thấu rõ lý Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của đạo thì chừng đó các con mới nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng được. Đây là pháp dẫn tâm, lập đức nhẫn nhục, dẫn tâm vào tam ấn của Đức Phật theo duyên tan hợp, diễn biến luân hồi của nhân quả. Khi có một niệm khởi ra trong đầu thì các con mau dẫn tâm vào lý giải thoát, giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm cho được thanh thản các con phải nhắc tâm như thế này khi có một niệm tào lao khởi lên:

1. “Cái tâm phải thanh thản, không được nghĩ ngợi tào lao, vì nghĩ ngợi tào lao thì tâm bị phân chia ra tan nát khó mà vào thiền định được”.

2. Khi biết tâm mình thường dễ giận hờn, phiền não, đau khổ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản, không được giận hờn, đau khổ, phiền não nữa, vì đau khổ, phiền não là các pháp ác”.

3. Khi có một niệm thương nhớ, lo sợ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm thanh thản, không được thương nhớ, lo sợ vì các pháp đều là do duyên tan hợp theo nhân quả nên không có gì là của mình. Vậy hãy bỏ xuống, đừng thương nhớ lo sợ, vì thương nhớ lo sợ là ác pháp, là pháp làm đau khổ trong tâm hồn của mình”.

4. Khi tâm không có niệm khởi, đang ở trong trạng thái thanh thản, thì hãy dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản trong trạng thái thanh thản, vì có thanh thản thì tâm mới có nội lực. Tâm có nội lực thì mới nhập thiền định”.

Trên đây là pháp hướng tâm thanh thản để giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm thanh thản thì phải nương vào hơi thở tuỳ tức, thỉnh thoảng lại nhắc tâm thanh thản một lần. Trên đây là giữ tâm thanh thản trong hơi thở. Lúc nào, giờ nào, ngày nào, hễ có rảnh là dẫn tâm vào thanh thản. Đó là tu pháp hỷ, mà cũng là chính cách thức dẫn tâm trong trạng thái thanh thản này là dẫn tâm tập nhập Sơ thiền, để lập đức nhẫn nhục, ly ác pháp.

Tâm có thanh thản thì tâm mới có bình tĩnh, sáng suốt. Tâm có bình tĩnh sáng suốt thì tâm mới có nhẫn nhục được. Tâm nhẫn nhục được thì tâm mới có tuỳ thuận. Tâm có tùy thuận được thì tâm mới có bằng lòng. Tâm có bằng lòng được thì tâm mới xả được. Tâm có xả được thì tâm mới được ly ác pháp. Tâm có ly được ác pháp thì tâm mới có an vui, hạnh phúc. Tâm có an vui hạnh phúc là tâm nhập Sơ thiền.

Trên đây là pháp hướng dẫn tâm thanh thản để ly các ác pháp, nhập Sơ thiền lập đức nhẫn nhục.[1]

Phần sau là trích từ Bức Tâm thư Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc gửi tu sinh Thiện Tâm năm 2011:

2. PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý: Mục đích tu hành theo Phật giáo là để trở về lý giải thoát (ly dục, ly ác pháp).

A. Niệm ác: Thường có từ 3 lậu hoặc sau đây:

a. Dục lậu: Lòng ham muốn.
b. Hữu lậu: Do huân tập sẳn có.
c. Vô minh lậu: Không hiểu biết, thiếu tri kiến.

Vậy khi niệm ác từ những lậu hoặc này sanh khởi thì chúng ta chuyên cần quán tâm vô lậu và tác ý để trở về tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

B. Niệm thiện: Thường xảy ra ở ba thời điểm:

a. Quá khứ: Là những việc đã làm trong quá khứ nhưng hiện tại đang sinh khởi thì TA nên hiểu rằng “Chính những việc làm đó ta có được như ngày hôm nay và từ nay về sau nếu có đủ duyên TA lại càng tăng trưởng thiện. Còn bây giờ hãy thiện với ngay chính tâm mình, thiện với chính tâm mình là sống với tâm “BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”.

b. Hiện tại: Chánh niệm (Tâm bất động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự). Ta nên hằng sống với tâm niệm này.

c. Tương lai: Nghĩ tưởng về việc sắp tới hay về sau…. TA nên nhắc tâm “Chỉ có thành tựu trong hiện tại thì mới thực hiện được trong tương lai, còn ngược lại cứ lo nghĩ về tương lai thì chỉ hoài công vô ích”.

C. Niệm không thiện không ác: Có ba trường hợp:

a. Ý thức: Bằng sự hiểu biết trong chánh niệm có sự phân biệt.

b. Ức chế ý thức: Dùng đối tượng để ức chế ý thức (Tham thoại đầu, Biết vọng liền buông, nương hơi thở như Thiền Đông Độ).

c. Diệt ý thức: Dẫn tâm vào Không (vạn vật như Huyễn, như Vô).

Ở đây chỉ chấp nhận trường hợp thứ nhất (a. Ý thức)

3. Ý nghĩa “Tâm Bất Động, Thanh thản, An lạc, Vô sự”.

Muốn hiểu được câu này, chúng ta phải hiểu được chữ Tâm. Tâm ở đây có nghĩa là 6 cái Biết của 6 căn.

- Mắt: (Nhãn căn, Nhãn thức, Nhãn trần). Thấy Biết được bằng nhãn thức.
-Tai: (Nhĩ căn, Nhĩ thức, Nhĩ trần). Nghe Biết được bằng nhĩ thức.
- Mũi: (Tỹ căn, Tỹ thức, Tỹ trần). Ngửi Biết được bằng mùi thơm, mùi thúi.
- Miệng: (Thiệt căn, Thiệt thức, Thiệt trần). Nếm Biết được bằng lưỡi vị chua, cay, ngọt, đắng, mặn, lạt.
- Thân: (Thân căn, Thân thức, Thân trần). Cảm giác Biết được bằng Thân thức nóng, lạnh.
- Ý: (Ý căn, Ý thức, Ý trần). Sinh khởi Biết được bằng Ý thức.
· Trong 6 căn này Ý căn làm chủ điều khiển 5 căn còn lại. (Ý làm chủ, Ý tạo tác, Ý dẫn đầu các pháp).

Mà 6 căn này luôn luôn tiếp xúc với 6 trần như:

- Sắc: Hình tướng.
- Thinh: Âm thanh.
- Hương: Mùi.
- Vị: Vị (ngọt, cay, chua, chát…).
- Xúc: Va chạm.
- Pháp: Vạn pháp.

Vốn Tâm thường bị chi phối và dính mắc bởi 6 trần này. Do đó Tâm hay bị dao động. Cho nên ta tác ý Tâm Bất Động có nghĩa là tâm không bị chi phối, không bị dính mắc, không chạy theo và không bị dao động. Chứ không phải Tâm không niệm, không biết hay không ngơ. Bởi vì Tâm luôn có 6 cái Biết như trên đã nói nên Tâm luôn sáng suốt và hiểu biết đầy đủ.

Từ chỗ Tâm Bất Động nên 6 thức (Tâm thức) cảu 6 căn không mệt mỏi, nhẹ nhàng, Thanh Thản làm cho thân được An Lạc. Đó chính là nhờ 6 thức hoàn toàn Vô Sự.

4. Thân, Khẩu, Ý độc cư trọn vẹn.

a. Thân vô sự.
b. Khẩu im lặng như Thánh.
c. Ý bất động.

Khi chúng ta đã làm chủ được 6 căn bằng Tri Kiến Giải Thoát thì lúc đó 6 căn không còn phóng dật hay dính mắc cho nên Tâm Quay Vô một cách tự nhiên và Định Trên Thân. Đây mới chính là độc cư trọn vẹn của Thân, Khẩu, Ý. (Bây giờ mới bắt đầu bước qua giai đoạn Tứ Niệm Xứ).

5. Trong giờ tu tập có những niệm sai khiến. Làm lặt vặt hoặc có đối tượng…thì chúng ta cần xem xét đó là dục ác hay thiện.

Ví dụ: Một con Rết bò vào thất nơi ta đang tu tập, thì ta thường có 2 tâm niệm sanh khởi để xử lý:

a. Đưa con Rết ra khỏi thất để nhanh chóng trở lại an ổn.
b. Giữ Thân, Tâm bất động mặc kệ nó bò đến đâu cũng được. Nhưng thật chất mình có Bất Động được không? Hay mình phải mất thời gian dài để dính mắc với nó? Điều này đòi hỏi Tâm phải thiện xảo và trí tuệ.

6. Cách thọ thực: Ăn trong Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Để ly dục về ăn uống ta nên quán Thân Bất Tịnh và Thực Phẩm Bất Tịnh đồng thời nhắc Tâm “Ăn để sống – Sống để tu”.

7. Vào khu chuyên Tu (cấp 2) thì không được ghi chép sổ tay hay nhật ký tu tập. Trừ khi cần thiết thưa hỏi pháp tu.

“Hãy sống với Chánh Niệm ngay thực trong Hiện Tại”.

Kính thư, 

Tu Viện Chơn Như
Previous Post
Next Post