Ngành công nghiệp thực phẩm đang nắm quyền quyết định những gì chúng ta nên ăn như thế nào? |
Chúng ta rất cần thực phẩm và chúng ta cũng cần có công nghiệp thực phẩm bền vững và có trách nhiệm.
Hãy dừng lại và suy nghĩ, chúng ta đã đi quá xa và một cách vô thức đang đều trở nên quá phụ thuộc và trở thành nô lệ của thực phẩm công nghiệp.
1- Tài liệu “Không cứu trợ thiên tai bằng sữa bột công thức” của WHO/ UNICEF nhấn mạnh rằng, hành động cứu trợ thiên tai bằng sữa công thức là không nhân đạo. Bởi vì trong thiên tai, chiến tranh, bà mẹ dù không có gì ăn cầm hơi vẫn đủ sữa mẹ để cho trẻ, nếu trẻ cứ tiếp tục mút theo nhu cầu. Nên cứu trợ thực phẩm cho bà mẹ, và con sẽ bú mẹ. Khi được cứu trợ sữa công thức, trẻ có nguy cơ tiêu chảy cao vì điều kiện vệ sinh của nguồn nước và dụng cụ pha chế cho bú sữa.
Do đó, UNICEF còn kêu gọi người cứu trợ hãy khuyến khích bà mẹ cho con bú ngay cả những bé chập chững tưởng đã cai sữa để tái kích sữa mẹ làm thức ăn an toàn cho trẻ vượt qua gia đoạn khó khăn về thực phẩm này. Con không có gì ăn, cứ liên tục mút thì sữa mẹ sẽ được tái kích.
Điều tác hại đặc biệt cần chú ý khi dùng sữa công thức là hệ quả sau đó. Vì trong thời gian bé được nuôi bằng sữa cứu trợ sữa của bà mẹ sẽ cạn dần, và khi điều kiện sinh hoạt sau thiên tai được phục hồi, bà mẹ không còn sữa và viện trợ cũng đã hết, không có tiền để mua sữa bột cho trẻ dẫn đến suy dinh dưỡng và tử vong thật là bi đát.
2- Vì sao chúng ta dùng sữa công thức khi không khủng hoảng, khi không thiếu thực phẩm, khi mẹ không đang sống giữa thiên tai?
Tỉ lệ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của thế giới ước tính khoảng 37%, và những nước thấp nhất dưới 20% (trong đó có VN) và những thành phố thấp nhất có tỉ lệ dưới 1% (trong đó có HN & HCM).
Khi có quá ít người biết nuôi con sữa mẹ, chúng ta đánh mất kỹ năng này! Chúng ta không có ai biết để hướng dẫn cách da tiếp da, đặt con vào tư thế đúng như thế nào, chúng ta không biết sữa mẹ không cần đo, không cần đếm, không cần xem màu sắc như thế nào. Chúng ra không biết cách hiểu giấc ngủ của trẻ bú mẹ, phân của trẻ bú mẹ, và tốc độ % cân nặng chiều cao của trẻ bú mẹ.
Và kỹ năng đó cứ mai một dần đi, chúng ta trở thành nô lệ của một cách nuôi con công nghiệp.
“Không cho con uống sữa công thức thì để chết đói à?” “Không cho con uống sữa bò, cho nó còi cọc à?” Những lời khẳng định chắc nịch và mạnh mẽ này của một đám đông đã bị biến thành “nô lệ” của sản phẩm công nghiệp từ bao giờ…
3- Phim tư liệu Monsanto mô tả sự đô hộ của nền công nghiệp thực phẩm, đầu tiên là đối với nông dân dưới chế độ luật pháp bất công của Mỹ, Canada bảo vệ bản quyền GMO của đại tập đoàn Monsanto, biến người nông dân thành nô lệ trên chính đất đai của họ, nơi mà họ đã canh tác và lao động chân chính qua nhiều thế hệ.
“Họ đang biến chúng ta thành nô lệ trên chính đất đai của mình.” Từ NÔ LỆ trong lời phát biểu trong phim làm tôi thức tỉnh. Tôi giác ngộ về tự do và lệ thuộc, tự tại và nô lệ ngay trong cuộc sống hiện đại này.
Tạo hoá ban ra cây cối, hạt giống, nước, không khí và nắng trời.. đồng đều cho tất cả dân cư trên mặt đất, vì sao ngày nay nó trở thành tài sản của một số ít người, một số ít đại tập đoàn?
Sự vô tình của chúng ta, phần đông nhân loại vẫn vô tư dùng sản phẩm của đại tập đoàn công nghiệp, không chỉ tiếp tay cho đại tập đoàn như Monsanto biến người nông dân thành nô lệ, không chỉ người nông dân trồng GMO mà ngay cả người nông dân trồng tự nhiên truyền thống cũng bị “cướp” hạt giống và đất đai tự nhiên phong phú của họ, mà chính chúng ta cũng đang bị biến thành nô lệ vô thức của chuỗi công nghiệp thực phẩm này.
4- Rất nhiều người Mỹ – người Anh không còn biết nấu ăn! Điều đó có vẻ khó tin và nếu có thật thì đáng nực cười, nhưng đó là sự thật. Thức ăn nhanh, thức ăn đông lạnh, bữa ăn hâm microwave 3′ quá tiện lợi tiết kiệm thời gian, phổ biến, phong phú lựa chọn và được quảng cáo là dồi dào dinh dưỡng, đã khiến nhiều người, nhiều gia đình quên mất thế nào là nấu ăn từ từng thực phẩm nguyên liệu riêng biệt.
Xem video “The fastfood baby” để có thể hình dung được cụ thể hơn, khi có những gia đình có hai con nhỏ và bà mẹ chưa nấu một bữa ăn nào.
Họ phụ thuộc đến mức, đến khi biết rõ tác hại của cách dinh dưỡng như thế, họ không biết phải thay đổi như thế nào, vì họ không biết nấu ăn.
Những người được cho rằng biết nấu ăn ở xã hội phương Tây hiện đại là sợi mì trụng nước sôi, sốt cà hoàn chỉnh gia vị thịt rau thơm trong lọ thuỷ tinh chỉ cần đổ trộn vào mì. Đó gọi là biết nấu ăn! Bột bánh trộn sẳn mọi thứ đường công nghiệp bột nổi, màu hương liệu phụ gia, chỉ cần đánh trứng, trộn bột, đút lò là biết làm bánh!
Người không biết nấu ăn đã trở thành nô lệ của công nghiệp thực phẩm!
(Có lẽ một số ít người phương Tây bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, phải tốn nhiều thời gian tự làm mọi món ăn từ nguyên liệu thô sơ nhất để biết chắc trong món ăn của mình có gì, là những người ít ỏi may mắn còn có kỹ năng tự nấu ăn không quá phụ thuộc thực phẩm công nghiệp!)
5- Người Việt, may mắn thay, vẫn tự đi chợ nấu ăn tươi mới gần như hàng ngày! Chứ không tệ như Anh Mỹ. Người Việt ưu chuộng rau củ quả tự nhiên hơn là thực phẩm công nghiệp đóng hộp vẫn còn rất đông (dù có sợ an toàn thực phẩm). Đó là điều đáng mừng, và đó là lý do ẩm thực Việt Nam được ưa chuộng và khen ngợi khắp trên thế giới.
(Đáng tiếc là, dù không hề ưa chuộng đồ công nghiệp, đồ hộp.. rất nhiều ông bà bố mẹ Việt không tính sữa bột và bột ăn dặm, thức ăn công nghiệp của trẻ em là “đồ hộp”!)
Chúng ta chỉ có một nhược điểm là dùng mì chính/ bột ngọt làm gia vị nêm nếm thường ngày, và các gia vị khác như bột nêm, nước mắm nước tương công nghiệp ngày nay cũng chứa dầu bột ngọt/ mì chính. Do đó, trong một chia sẻ về dinh dưỡng gần đây, tôi có bàn về tác hại của mì chính và một số phụ gia công nghiệp. Sự phản kháng một lần nữa rất mạnh mẽ và chắc nịch: “Không ăn mì chính thì nuốt không trôi được, thiếu chất cũng chết à!” “Cũng có hơi lo là độc hại đó, nhưng không biết không dùng nó thì thay bằng cái gì?”…
Tôi hình dung là người tù bị mang xiềng xích khi nghe hai câu nói này.. xiềng xích khẩu vị. Khẩu vị của chúng ta đã bị biến thành nô lệ của phụ gia thực phẩm. Não chúng ta ghi nhận “ngon miệng” khi có sự kích thích giả tạo và gây nghiện của phụ gia thực phẩm. Chúng ta đã mất sự tự do để có thể thưởng thức hàng trăm hàng ngàn hương vị thực phẩm tự nhiên thơm ngon của cuộc sống mất rồi!
Khi chúng ta phải dùng “chất kích thích”, “chất gia tăng hương vị” để cảm thấy ngon miệng, chúng ta đã mất một phần tự do của trí thông minh dinh dưỡng của bộ não!
6- Những bà mẹ uống sữa bầu từ thai kỳ, những đứa trẻ bú sữa công thức từ bé đã bị “tẩy não” trong trí thông minh dinh dưỡng, ghi khắc vào tiềm thức khẩu vị của thực phẩm công nghiệp và gia vị công nghiệp, sinh ra một thế hệ “nghiện” thực phẩm công nghiệp với những gia vị đó, “như đã quen nhau từ kiếp trước”. Bởi vì trí thông minh dinh dưỡng đã xây dựng tiềm thức cho khẩu vị ẩm thực từ trong nước ối, sữa mẹ (hay sct nếu không được bú mẹ hoàn toàn) và trong những năm tháng đầu đời.
Một thế thệ mới sinh ra đời đã có “tiềm thức” khẩu vị ẩm thực quen thuộc đối với thực phẩm công nghiệp.
7- Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn nấu ăn không phụ thuộc (có thể dùng – nhưng không phụ thuộc) vào những sản phẩm công nghiệp chưa qua nhà máy, chưa bị chế biến và giảm thiểu can thiệp công nghiệp và tôi cũng đã hết sức lúng túng.
Có phải bạn cũng cảm thấy, thời này muốn ăn uống sạch, lành mạnh sao mà khó quá?
Ở đây, tôi chỉ bàn đơn thuần về sự tự do và sự phụ thuộc, chứ chưa bàn đến tác hại hay lợi ích của thực phẩm công nghiệp.
Hãy xem phim tư liệu Food, Inc (tiếng Anh) để hiểu chúng ta đang đi về đâu trong công nghiệp thực phẩm. Đó không còn là vấn đề của Anh – Mỹ, mà của nhân loại trong thời đại này.
Tôi đã từng nghĩ mọi việc đều ổn, công nghiệp hoá thực phẩm để con người có thời gian làm những việc có ý nghĩa hơn, cao quý hơn là mất thời gian chăm chút cho miếng ăn! Nhưng rồi tôi đã được đánh thức, để nhìn thấu những khái niệm đã và đang bị đánh tráo, nhận diện được những cạm bẫy mới được giăng ra…
Tôi hiểu được ý nghĩa của sự công bình mà Đấng Tạo hoá đã ban tặng, và giá trị của từng thực phẩm được huân tập bởi tinh hoa trời đất, mà chưa có phòng thí nghiệm nào của công nghiệp thực phẩm có thể vượt qua được.
Đừng hiểu lầm rằng tôi đang kêu gọi bạn trở về thời tiền sử ăn lông ở lổ. Nhân loại được sinh ra để xây dựng nền văn minh tiến bộ không ngừng, trên cơ sở công bình, tôn trọng và bền vững, giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên và môi trường, nên chúng ta sẽ không ngừng tiến bộ và phát triển, nếu theo đúng quy luật đó.
Tôi đã từng nghĩ, con người có thể sống tốt mà không cần có ý thức về linh hồn, không cần có Thượng Đế, không cần phải học theo Đấng Giáo Tổ nào. Nhưng cái tôi đang quan sát được, chứng minh cho tôi cuộc sống dẫn dắt bởi đồng tiền, không có linh hồn hướng thiện, là 1 cái la bàn gãy kim.. con đường chúng ta đang đi không có kim chỉ đường, nên đã lạc đi rất xa rồi… Bây giờ tôi hiểu, “Có đạo (đạo đức) mới vực được thực (thực trạng.)”, chứ không phải “có thực mới vực được đạo” như ng ta thường nói.
Đừng mong các đại tập đoàn sẽ thay đổi, hãy để thay đổi đó bắt đầu từ sự “giác ngộ” của mỗi người, hãy tìm lại cái kim la bàn cho chính cuộc sống của bạn.
Chúc giác ngộ!